Rau Đay Trắng (Đay Sợi, Đay Quả Tròn - Corchorus capsularis L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Magnoliophyta (Thực vật có hoa) Magnoliopsida (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Malvales (Bông) |
Họ(familia) | Tiliaceae (Đay) |
Chi(genus) | Corchorus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Corchorus capsularis L. |
Đay trắng thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 1-2 mét, thân cây có màu xanh. Lá mọc so le, phiến lá có dạng hình mũi mác hay hình bầu dục, gốc lá tròn có tai ngắn, đầu lá thuôn nhọn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Corchorus capsularis L.
Tên gọi khác: Đay sợi, Đay quả tròn, Đay lựa, Co dệt.
Họ thực vật: Tiliaceae (Đay).
1.1 Cây đay là cây gì?
Đay trắng thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 1-2 mét, thân cây có màu xanh.
Lá mọc so le, phiến lá có dạng hình mũi mác hay hình bầu dục, gốc lá tròn có tai ngắn, đầu lá thuôn nhọn, phiến lá có chiều dài khoảng từ 6-10cm, chiều rộng từ 1,5 đến 3cm. Mép lá có khía răng đều, mỗi lá gồm có 3-5 gân chính, cuống lá ngắn, lá kèm dài.
Hoa mọc ở kẽ lá, gồm 2-3 hoa, 4-5 lá đài, bầu có cạnh.
Quả có dạng hình cầu, khía dọc, quả khi chín nứt thành 5 mảnh, hạt dẹt, xếp thành 2 hàng.
Mùa hoa từ tháng 7 đến tháng 8, mùa quả từ tháng 9 đến tháng 10.
Dưới đây là hình ảnh cây rau Đay trắng:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, hạt và lá.
Thời điểm thu hái: Rễ được thu hái vào mùa hè, hạt được thu hái khi quả chín, sau đó thì đem phơi khô.
1.3 Cây đay trồng ở đâu?
Tại nước ta, có 3 loài đay với nhiều giống khác nhau, trong đó phổ biến nhất là loài có thân cao dùng để lấy vỏ sợi. rau Đay trắng thường được trồng ở các tỉnh thuộc vùng châu thổ sông Hồng như Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình,... có hiệu quả kinh tế cao vừa phục vụ nhu cầu trong nước vừa dùng để xuất khẩu.
rau Đay trắng là loài ưa sáng, sinh trưởng và phát triển tốt ở những khu vực có điều kiện nóng và ẩm. Cây phát triển nhanh, ra hoa kết quả nhiều, cả vòng đời của cây chỉ kéo dài trong vòng 6 đến 7 tháng. Hạt già sau rơi xuống đất thì tồn tại được qua mùa đông và vẫn có khả năng nảy mầm vào vụ tiếp theo.
2 Cách trồng và chăm sóc cây rau Đay trắng
rau Đay trắng thường được trồng từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, không nên trồng cây sớm quá vì có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây do nhiệt độ thấp. Gieo đay khi thời tiết ấm, đủ nắng giúp cây phát triển đồng đều, đủ dài, cho năng suất cao, sợi có chất lượng tốt.
Đất trồng cần đảm bảo tơi xốp, tiến hành lên luống cao 15 đến 20cm, rộng từ 2,4 đến 2,8 mét. Xung quanh cần đào mương và rãnh để thoát nước.
Để đạt năng suất cao thì cần phải gieo hạt đúng cách, hạt gieo ở độ sâu khoảng 1-3cm, sau khi gieo có thể phủ thêm một lớp tro.
Tưới nước đầy đủ, sau khi cây nảy mầm thì tiến hành tỉa cây để đảm bảo khoảng cách cho cây phát triển tốt.
Làm cỏ, xới đất thường xuyên để đất có độ tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm.
Trong quá trình phát triển, đay sợi có thể bị một số loài sâu phá hoại do đó cần luân canh với các loại cây khác. Cây được thu hoạch khi cây chuyển từ màu xanh sang màu vàng.
Trồng Đay trắng để làm gì? Đay cho sợi được dùng để làm vải sợi, may quần áo bảo hộ, túi, đồ đựng, rèm cửa hoặc dùng cây đay để làm chiếu,... Đay được coi là loại cây trồng có kinh tế cao, ngày càng được trồng phổ biến.
3 Thành phần hóa học
Lá Đay trắng có chứa một loại glucoside có tên gọi là capsulin, đây là một chất đắng nhưng bổ, capsulin khi tác dụng lên tim thì có tác dụng tương tự như digitalin của cây Dương Địa Hoàng.
Hạt của cây Đay trắng chứa corchorin cũng la fmoojt chất đắng và 2 glucoside digitalin là corchorosid A và corchorosid B có tác dụng tương tự như digitalin với tim.
4 Tác dụng của cây rau đay trắng
4.1 Tác dụng dược lý
Corchorosid khi nghiên cứu cho thấy tác dụng trợ tim và an thần đối với hệ thần kinh trung ương. Khi tiến hành thử nghiệm nghiên cứu trên mô hình tim động vật ở nguyên vị trí, corchorosid cho thấy tác dụng làm giảm nhịp tim rõ rệt, tăng trương lực cơ tim đồng thời tăng biên độ co bóp nhưng tác dụng kém hơn.
Corchorosid có tác dụng lợi tiểu nhưng ở mức độ vừa phải.
Khi tiến hành thử nghiệm trên lâm sàng, corchorosid thể hiện hiệu lực và thời gian bắt đầu tác dụng nhanh tương tự như khi sử dụng strophanin, do đó, có thể được chỉ định để điều trị cho bệnh nhân thiểu năng tuần hoàn máu. corchorosid có tác dụng trợ tim tốt ở những bệnh nhân suy chức năng tim mạch đồng thời có tác dụng lợi tiểu. Corchorosid tăng thải trừ Natri clorid trong nước tiểu do đó có tác dụng tốt đến quá trình diễn biến của bệnh.
4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.3 Tính vị, tác dụng
Đay trắng có vị đắng, tính ấm, có độc, cây có tác dụng cầm máu, tiêu viêm, giải nắng nóng.
Hạt của cây rau Đay trắng có vị đắng, tính nóng, có độc, có tác dụng trợ tim, hoạt huyết.
Nhân dân Ấn Độ thường sử dụng lá để hãm lấy nước có tác dụng lợi tiêu hóa, lợi trung tiện, nhuận tràng, kích thích, tăng cảm giác ngon miệng, được dùng như một chất bổ đắng.
Nhân dân thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sử dụng rễ và lá cây để làm thuốc lợi tiểu, chỉ lỵ, chỉ tả, bài nung sinh cơ, lý khí chỉ huyết. Hạt có tác dụng gây mê và cường tâm.
4.4 Công dụng
rau Đay trắng thường được dùng để:
- Phòng ngừa say nắng, sốt do say nắng.
- Bệnh nhân bị lỵ.
- Bệnh nhân ho ra máu, nôn ra máu.
- Người bệnh ngộ độc cá thối.
- Liều dùng là 15-30g dưới dạng thuốc sắc. Không dùng cho phụ nữ có thai.
Hạt dùng trong trường hợp uốn ván, kinh nguyệt không đều, vô kinh. Liều dùng được khuyến cáo là 10-15g dưới dạng thuốc sắc.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng nước hãm từ lá để trị lỵ, khó tiêu, sốt, chức năng gan rối loạn, nước sắc từ rễ và quả còn xanh dùng để trị ỉa chảy.
Nhân dân thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sử dụng rễ trong trường hợp bị sỏi bàng quang, lỵ, tả, lá dùng để trị đau bụng, băng huyết và sang ung, hạt dùng để trị lao phổi. Ngoài ra, người ta còn dùng tro của thân và lá để trị ngoại thương xuất huyết.
5 Một số cách trị bệnh từ cây rau Đay trắng
5.1 Chữa lỵ
Dùng 15-30g lá cây Đay tươi đem sắc lấy nước uống.
5.2 Chữa ho ra máu, nôn ra máu
9g lá Đay.
9g Cốt Khí Củ.
9g Long nha thảo.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
5.3 Chữa ngộ độc cá thối
Dùng 90g lá Đay tươi đem sắc cùng 40g đường đỏ rồi uống.
6 Rau đay trắng và Rau đay đỏ - loại nào tốt hơn?
Rau đay trắng và rau đay đỏ đều là những loài cây quen thuộc, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về 2 loại cây này:
7 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Đay, trang 748-751. Truy cập ngày 21 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Đay, trang 877-878. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2024.