Rau Đay Đỏ (Đay Tía, Đay Quả Dài - Corchorus olitorius L.)

0 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Magnoliophyta (Thực vật có hoa)

Magnoliopsida (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Malvales (Bông)

Họ(familia)

Tiliaceae (Đay)

Chi(genus)

Corchorus

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Corchorus olitorius L.

Rau Đay Đỏ (Đay Tía, Đay Quả Dài - Corchorus olitorius L.)

Rau Đay đỏ thuộc dạng cây thảo cứng, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 2 mét, cây ít phân nhánh. Thân nhẵn, có màu đỏ. Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục, gốc lá tròn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Corchorus olitorius L.

Tên gọi khác: Rau đay, Đay rừng, Đình lịch, Đay tía, Đay quả tròn.

Họ thực vật: Tiliaceae (Đay).

1.1 Đặc điểm thực vật

Rau Đay đỏ thuộc dạng cây thảo cứng, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 2 mét, cây ít phân nhánh. Thân nhẵn, có màu đỏ.

Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục, gốc lá tròn, đầu lá thuôn nhọn, mép có khía răng cưa, 2 răng ở cuối lá thường kéo dài, mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới của lá có lông phủ trên gân, về sau nhẵn, mỗi lá gồm 3-5 gân chính, cuống mảnh, lá kèm nhỏ, dài.

Hoa có màu vàng, thường tập trung từ 1 đến 3 cái ở kẽ lá, có 4-5 lá đài, 4-5 cánh hoa, bầu có lông mịn.

Quả của cây rau đay đỏ có dạng hình trụ, dài, khía dọc, nứt làm 5 mảnh.

Hạt hình quả lê.

Mùa hoa từ tháng 7 đến tháng 8, mùa quả từ tháng 9 đến tháng 10.

Cây đay quả dài
Cây rau Đay đỏ

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Hạt.

Thời điểm thu hái: Khi quả chín.

Hạt thường được dùng để làm nguyên liệu chiết xuất các glycosid tim.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Corchorus L. trên thế giới có khoảng 40 loài, thường tập trung ở những vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới.

Đay được chia làm 2 nhóm chính là nhóm trồng để làm rau ăn và nhóm trồng để lấy sợi.

Rau Đay đỏ thuộc nhóm đay trồng làm rau ăn, thường được trồng ở các tỉnh đồng bằng, trung du và vùng núi thấp, độ cao phân bố dưới 1000 mét.

Rau Đay đỏ là loài ưa sáng, ưa khí hậu nóng ẩm. Hạt sau khi rơi xuống đất có thể tồn tại qua mùa đông và nảy mầm vào năm sau.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

2 Cách trồng

Rau Đay đỏ được gieo trồng bằng hạt, thời vụ thường từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4 hàng năm. Cây thường được gieo trong vườn để làm rau ăn. Ở những vùng chuyên canh thì cây được trồng trên quy mô rộng lớn hơn. Đay có thể gieo thẳng sau đó mới tiến hành tỉa cây hoặc gieo ươm, sau khi cây đạt được độ cao 20-25cm thì mới đem đánh đi trồng.

Đất trồng cần cày bừa, làm cỏ, lên luống, đảm bảo khoảng cách giữa các cây là 25-30 x 25-30cm.

Rau Đay đỏ dễ mọc, dễ sống, ít khi bị quả dại.

Ngọn và lá non có thể thu hoạch liên tục, thường sau khoảng 7 đến 10 ngày là có thể thu một lứa mới. Sau mỗi đợt thì tiến hành ngắt bỏ những lá già, tưới nước phân chuồng cho cây.

Quá trình trồng có thể xuất hiện rệp nên cần có biện pháp phòng trừ.

3 Thành phần hóa học

Hạt rau Đay đỏ chứa nhiều glycosid khác nhau nhưng đặc biệt là thành phần corchorosid A và olitorisid. Ngoài ra, rau Đay đỏ còn chứa nước, protid, lipid, cellulose, dẫn xuất không protein, khoáng toàn phần, calci, Vitamin C, phospho.

Quả của cây có chứa vitamin C.

Quả của cây rau đay
Quả của cây rau đay

4 Tác dụng của cây rau Đay đỏ

4.1 Tác dụng dược lý

Olitorisid có tác dụng trợ tim và tác dụng an thần rõ rệt đối với hệ thần kinh trung ương.

Khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng, Olitorisid thể hiện tác dụng đối với bệnh nhân thiểu năng tuần hoàn não trên ⅔ số bệnh nhân được nghiên cứu. Olitorisid thể hiện tác dụng tốt nhất ở bệnh nhân suy tuần hoàn độ II, tác dụng kém hơn ở bệnh nhân suy tuần hoàn độ III.

Olitorisid còn có tác dụng phục hồi sức khỏe của người bệnh, làm giảm khó thở, tăng tốc độ tuần hoàn máu, giảm phù, hết tình trạng ứ trệ ở gan và bình thường hóa huyết áp tĩnh mạch. Hoạt chất này cũng được dùng cho bệnh nhân xơ vữa động mạch vành.

Corchorosid thể hiện tác dụng trợ tim và an thần trên hệ thần kinh trung ương.

4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.2.1 Tính vị, tác dụng

Lá cây có chứa chất nhầy nên có tác dụng bổ, lợi tiêu hóa, nhuận tràng, lợi tiểu, giải nhiệt.

Toàn cây có vị đắng, tính lạnh, có độc, rau Đay đỏ có tác dụng cầm máu, kháng viêm, hoạt trường, giải nóng mùa hè, sinh tân dịch, làm cho dễ đẻ, khỏi táo bón, mát máu, an thai.

Hạt của cây có vị đắng, tính nóng, không có độc, có tác dụng bổ tim, chuyển máu.

Hình ảnh quả
Hình ảnh quả

4.2.2 Công dụng

Rau Đay đỏ thường được dùng với mục đích phòng đột quỵ vì sốt nóng. Ngoài ra, cây còn được dùng để trị táo bón, đái khó, đái buốt, sỏi thận cấp tính, lậu.

Bầu 3 tháng ăn được rau đay không? Rau Đay đỏ có tác dụng an thai, do đó, những bà mẹ mang thai có thể ăn được rau đay. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều.

Rau Đay đỏ còn được dùng để làm thuốc lợi sữa, chữa nôn ra máu, chữa khái huyết và các bệnh về phổi. Cây cũng được dùng để trị ngộ độc cá.

Nước hãm từ lá có tác dụng hạ nhiệt và dùng làm thuốc bổ.

Hạt dùng trong trường hợp kinh nguyệt không đều, sài uốn ván, vô kinh.

Rau Đay đỏ có tác dụng lợi sữa rất tốt nên thường được dùng cho phụ nữ sau khi sinh ăn trong tuần đầu để gọi sữa về, mỗi bữa ăn khoảng 150-200g, sau đó giảm dần, tuần ăn 2 lần, mỗi lần ăn 200-250g thì sữa luôn đủ để cho con bú, sữa mẹ sau khi ăn rau đay có hàm lượng chất béo cao hơn bình thường, rất tốt cho trẻ. Phụ nữ sau sinh ít sữa, người già thường xuyên bị táo bón có thể ăn canh rau đay hàng ngày.

4.3 Tác hại của rau Đay đỏ

Rau đay có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể nhưng khi ăn quá nhiều có thể gây tình trạng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa.

Những ai không nên ăn rau đay? Như đã đề cập, những người có hệ tiêu hóa kém, dễ bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng thì không nên ăn rau đay quá nhiều.

5 Rau Đay đỏ trị bệnh gì?

5.1 Trị lỵ mới phát

15-30g rau Đay đỏ tươi đem sắc đặc để uống.

5.2 Trị nôn ra máu, khái huyết

9g lá rau Đay đỏ.

9g Cốt Khí Củ.

9g Long nha thảo.

Các vị đem sắc lấy nước uống.

5.3 Trị ngộ độc cá

90g lá rau Đay đỏ tươi.

Sắc cùng với đường phèn, để cho bệnh nhân uống được càng nhiều càng tốt.

5.4 Chữa hen

12g hạt rau Đay đỏ đem giã nát, sao.

20g xơ mướp băm nhỏ, sao.

Các vị đem sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần mỗi ngày.

5.5 Chữa cổ trướng

12g hạt đay sao.

24g vỏ rễ dâu.

12g vỏ quýt lâu năm.

3 lát Gừng sống.

Các vị đem sắc lấy nước uống.

Cây Đay quả dài
Cây rau Đay đỏ

6 Cách nấu canh rau đay

Canh rau đay là một món ăn ngon, bổ dưỡng, giúp thanh nhiệt, làm mát cơ thể trong mùa hè. Không chỉ vậy, đây còn là món ăn cực kỳ dễ chế biến và thường xuất hiện trong bữa cơm của nhiều gia đình Việt. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết:

Chuẩn bị:

  • Rau đay.
  • Mướp.
  • Mùng tơi.
  • Gia vị.

Tiến hành:

  • Rau đay, mướp, mùng tơi đem rửa sạch, thái nhỏ, để ráo.
  • Cho nước vào nồi và đun đến khi sôi.
  • Cho rau đay, mùng tơi vào nồi nấu trước, sau khi sôi thì cho mướp vào.
  • Cho gia vị vừa ăn.
  • Múc ra bát, để nguội và thưởng thức.

7 Phân biệt cây Rau đay trắng và Rau đay đỏ

Phân biệt cây Rau đay trắng và Rau đay đỏ
Phân biệt cây Rau đay trắng và Rau đay đỏ

Rau đay thường được chia làm 2 nhóm chính là rau đay trồng để ăn và rau đay trồng để lấy sợi, trong đó, rau đay trắng thường được trồng để lấy sợi, rau đay đỏ thường được trồng để làm rau ăn. Dưới đây là một số điểm khác nhau để bạn đọc dễ dàng phân biệt:

 

Rau đay trắng

Rau đay đỏ
Tên khoa học

Corchorus capsularis L.

Corchorus olitorius L.
Đặc điểm thực vật

Cây thảo nhẵn, chiều cao khoảng 1-2 mét, thân màu xanh

Lá mọc so le, phiến lá hình mũi mác, gốc có tai ngắn, mép khía răng đều

Hoa 2-3 cái mọc ở kẽ lá

Quả hình cầu, khía dọc

Cây thảo cứng, chiều cao 102 mét, thân màu đỏ

Lá mọc so le, phiến lá hình bầu dục, mép có răng, răng cuối kéo dài

Hoa 1-3 cái mọc ở kẽ lá

Quả hình trụ dài, khía dọc

Công dụng

Thường được trồng để lấy sợi sản xuất áo, túi đựng,...

Thường được trồng để làm rau ăn và làm thuốc

8 Tài liệu tham khảo

Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Đay quả dài, trang 878-879. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2024.

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Đay, trang 748-751. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Rau Đay Đỏ (Đay Tía, Đay Quả Dài - Corchorus olitorius L.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633