Dây Ký Ninh (Dây Thần Thông - Tinospora crisp)
2 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Hương Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Dây Ký Ninh hay còn được người dân miền Bắc gọi là dây cóc, là một loài cây dây leo với tác dụng là thành phần trong các bài thuốc chữa trị sốt rét, đau nhức xương khớp. Để tìm hiểu kỹ thêm về loài cây thân thuộc này, xin mời bạn đọc tham khảo các thông tin về Dây Ký Ninh tại Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy ( trungtamthuoc.com ).
1 Giới thiệu về cây Dây Ký Ninh
Dây Ký Ninh còn có tên gọi là Dây cóc, Dây thần thông, Bảo cự hành,.... là một loài cây mọc hoang dại ở các tỉnh miền Bắc nước ta. Cây có tên khoa học là Tinospora crispa Miers, thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae.
Dây ký ninh là một loài dược liệu có thể thu hái vào bất kỳ lúc nào, không chỉ có trong các bài thuốc chữa trị bệnh sốt rét, đau nhức xương khớp mà cây còn được dùng để điều trị nhiều bệnh lý khác.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dây Ký ninh là cây dây leo bằng thân quấn, sống dai. Cây mọc khỏe, có thể dài khoảng 6-7m tùy thuộc vào vùng đất trồng. Khi cây còn non thân nhẵn, khi già có thân màu xám, rất xù xì trông như da cóc. Lá cây có hình trái xoan ngược - dạng tim hoặc hình thuôn, mọc so le, mép nguyên, dài khoảng 8-12cm, rộng tầm 5-6cm, cuống ngắn.
Hoa xếp thành 1-2 chùm mọc ở kẽ lá đã rụng. Quả có hình trứng, khi chín quả có màu vàng rồi đỏ, dài khoảng chừng 12mm, có thịt quả dày, chứa 1 hạt dẹt màu đen. Cây thường phát triển tốt vào mùa nắng nóng và sẽ ngừng phát triển vào mùa lạnh.
1.2 Thu hái và chế biến
Với Dây cóc người ta thường dùng dây để làm thuốc. Như đã đề cập ở trên, dây ký ninh có thể thu hái được quanh năm và làm thuốc người ta sẽ thu hái dây già. Đoạn thân hay phiến màu nâu ở mặt cắt ngang sẽ có các tia gỗ hình rẻ quạt. Sau khi thu hái về sẽ đem đi rửa sạch và cắt thành đoạn ngắn, thái mỏng, phần này có thể dùng tươi hoặc đem đi phơi khô đều được. Nếu để không dược liệu sẽ có vị đắng vậy nên thông thường để dễ uống người ta có thể tán thành bột , rồi luyện thành viên. Theo dân gian, khi chế biến có thể đem ngâm với nước vo gạo hoặc nước tiểu trẻ em.
1.3 Đặc điểm phân bố
Dây ký ninh là loài cây thường phát triển ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, Dây cóc mọc hoang ở phần lớn các tỉnh phía Bắc nước ta như Hòa Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Tây,... Cây mọc rải rác trong rừng, nơi có nhiều ánh sáng, hoặc nếu trồng người dân sẽ dùng đoạn thân.
2 Thành phần hóa học
Theo nghiên cứu cho thấy, Dây ký ninh chứa một lượng alcaloid là palmatin với hàm lượng 0.1% trọng lượng khô. Bên cạnh đó, cây còn có chứa một lượng chất đắng là diterpen ( picroretin, tinosporan, tinocrispol A, borapetol A-B, borapetoside A- H ) chiếm khoảng 0.6-0.8% trọng lượng khô. Ngoài ra, các Flavonoid ( diosmetin, genkwanin, luteolin, apigenin) và các lignan cũng có trong dây ký ninh. Hoạt chất đắng không kết tinh, không hút ẩm, khó thủy phân bởi acid.
3 Tác dụng - Công dụng của Dây ký ninh
3.1 Tác dụng dược lý
Trong quá trình thử nghiệm trên chuột, dịch chiết Dây cóc đã được kết luận có tác dụng hạ đường huyết. Ngoài ra, dịch chiết cây còn có tác dụng
- Chống oxy hóa
- Kháng ký sinh trùng sốt rét ở các chủng Plasmodium falciparum, P. berghei, P. yoelii
- Kháng viêm
- Điều hòa miễn dịch
- Ngừa xơ vữa động mạch
- Bảo vệ tim
- Trị tiểu đường
- ….
3.2 Công dụng cây Dây ký ninh theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị; Dây ký ninh có vị rất đắng, tính mát
Tác dụng:
- Chống chu kỳ trong sốt
- Bổ đắng
- Hạ nhiệt
- Làm ra mồ hôi
- Tiêu đờm, tiêu viêm
- Tiêu độc, lợi tiểu
- Lợi tiêu hóa
Theo Lương y Nguyễn An Cư cho rằng nó phá huyết thông kinh tuệ, trục ứ, chỉ phúc thống, sát chư trùng, trừ thấp nhiệt, tiêu thũng đầy, cũng chữa sốt rét hay
3.2.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Dây ký ninh thường dùng để trị cảm sốt, phát ban, sốt rét cơn, ho tiêu hóa kém và tiêu mụn nhọt. Dùng ngoài lấy nước sắc để rửa mụn nhọt lở loét. Lá đem nghiền nát dùng đắt lên các các vết thương và có thể đắp để trị ghẻ. Rễ cây được sắc lên để uống dùng chữa sốt rét cơn.
Trên thế giới, loài cây này cũng có thể được sử dụng trong trường hợp suy yếu toàn thân như ở Ấn Độ. Hay ở Vân Nam Trung Quốc, dây được dùng trị sốt rét, rắn cắn, ung sang đinh thũng, và vô danh thũng độc.
3.2.3 Tác dụng phụ của Dây ký ninh
Hiện nay theo như báo cáo từ các nghiên cứu, Dây ký ninh khi sử dụng không gây cho cơ thể các tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên, nếu bạn cần kết hợp với các sản phẩm hay thuốc khác, bạn nên hỏi ý kiến của các y bác sĩ trước để tránh trường hợp không mong muốn xảy ra.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Dây ký ninh
4.1 Cách dùng
Một ngày nên sắc khoảng 4-8g khô. Hoặc dùng dược liệu tươi đem hãm trong nước, sôi để nguội uống. Hoặc nấu thành cao, ngày uống 0.5-1.5g. Dùng bột luyện thành viên, ngày 2-3g. Dùng ngoài, nấu nước rửa mụn nhọt, vết thương. Dùng rễ sắc uống chữa sốt rét cơn.
4.2 Các bài thuốc từ cây Dây ký ninh
4.2.1 Bài thuốc chữa sốt rét dây dưa và chặn cữ rét
Từ kinh nghiệm chữa sốt rét ở An Giang
Dược liệu | Hàm Lượng |
Dây Đau Xương | 16g |
Dây kỳ nam hương | 10g |
Dây thần thông | 10g |
Dây cóc | 10g |
Đem tất cả các dược liệu trên hiệp chung một thang, sắc uống trước cử 2 giờ. Đổ 3 chén, sắc còn 8 phân. Uống ngày 1 thang
4.2.2 Bài thuốc chữa mất ngủ, đau nhức xương khớp
Chuẩn bị khoảng 4-12g dây ký ninh
Đem đi rửa sạch rồi cho vào sắc cùng với nước trên lửa nhỏ, đến khi cô lại còn khoảng 300ml thuốc thì dừng. Chia đều làm 3 lần uống, 1 ngày 1 thang. Dùng liên tục trong 15 ngày sẽ cảm thấy hiệu quả
4.2.3 Bài thuốc chữa bò gầy ốm, biếng ăn
Giã tươi một đoạn dây ( dài bằng khoảng 1 lóng trẻ), thêm chút muối, lọc nước rồi cho uống, bò sẽ mạnh trở lại
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển cây thuốc Việt Nam ( xuất bản năm 2021), Dây ký ninh ( dây cóc) trang 735-736, từ điển cây thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2023
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu, Dây cóc (dây ký ninh ) trang 129-130, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2023.