Dây đòn gánh (Đòn kẻ trộm - Gouania leptostachya DC.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Trúc Ly Dược sĩ Lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Ngành thực vật có mạch) Magnoliopsida (Lớp Hai lá mầm (Ngọc Lan)) |
Bộ(ordo) | Rosales (Hoa hồng) |
Họ(familia) | Rhamnaceae (Táo ta) |
Chi(genus) | Gouania Jacq. |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Gouania leptostachya DC. |

Dây đòn gánh là loại dây leo hoặc mọc tựa, lá hình bầu dục, chiều dài từ 4–10 cm và rộng 2–6 cm. Gốc lá hơi tròn giống hình tim, đầu nhọn, mép lá có các răng cưa nhỏ. Cây thường được người dân sử dụng để chữa các vết thương do chấn thương, bỏng, kinh nguyệt không đều và sốt cao gây co giật. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên Tiếng Việt: Dây đòn gánh, Đòn kẻ trộm, Dây gân
Tên khoa học: Gouania leptostachya DC.
Họ Rhamnaceae (Táo ta)
1.1 Đặc điểm thực vật của cây Dây đòn gánh
Dây đòn gánh là loại dây leo hoặc mọc tựa, lá hình bầu dục, chiều dài từ 4–10 cm và rộng 2–6 cm. Gốc lá hơi tròn giống hình tim, đầu nhọn, mép lá có các răng cưa nhỏ. Cụm hoa thường xuất hiện ở đầu cành hoặc nách lá, tạo thành chùy dài 10–25 cm, có móc tại gốc cuống. Hoa được sắp xếp từ 4–7 bông trên một trục ngắn tại nách của lá bắc hình tam giác.
Hoa đực: Có 5 lá đài, 5 cánh hoa, 5 nhị, với bao phấn rất nhỏ. Đĩa hoa bao quanh vòi nhụy và nuốm chia thành 3 thùy.
Hoa cái: Bầu hoa nhỏ (khoảng 1 mm), nằm phía dưới.
Quả của dây đòn gánh khô, dài 8–10 mm và rộng 10–12 mm. Khi chín, quả nứt thành ba mảnh với phần cánh mỏng, đầu quả vẫn giữ lại đài. Hạt dài 1 mm và rộng 3 mm. Mùa hoa kéo dài từ tháng 7 đến tháng 8, trong khi mùa quả bắt đầu từ tháng 9.
Cây có hai thứ phổ biến:
Thứ macrocarpa Pitard: Quả lớn hơn, kích thước dài 10–12 mm, rộng 13–15 mm, màu đen nhạt và cánh dày. Quả chín vào tháng 12.
Thứ tonkinensis Pitard (cây Dây gân): Lá răng cưa nhỏ hơn, lá kèm rộng bao quanh thân dưới, không rụng. Hoa dưới mọc trên trục dài kèm theo lá bắc. Quả có màu vàng nâu nhạt.
Hình ảnh cây đòn gánh


1.2 Phân bố và thu hái
Loại cây này phân bố rộng rãi ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam, đặc biệt tại những khu vực có nhiều ánh nắng. Toàn bộ phần trên mặt đất của dây đòn gánh được sử dụng, thường ở dạng tươi.
2 Thành phần hóa học của dây đòn gánh

2.1 Hợp chất triterpenoid saponin
Từ phần trên mặt đất của Gouania leptostachya DC. (họ Rhamnaceae), đã phân lập được bốn hợp chất triterpenoid Saponin mới, gồm gouaniasides VII-IX và joazeiroside C, cùng với một hợp chất triterpenoid đã biết.
Cấu trúc của các hợp chất này được xác định thông qua các phương pháp phổ học: phổ cộng hưởng từ hạt nhân một chiều và hai chiều (1D và 2D NMR), phổ khối điện tử phun xạ cao áp (HR-ESI-MS), và phân tích sản phẩm từ quá trình thủy phân.
2.2 Hợp chất resveratrol
Phân tích HPLC trên cao chiết methanol từ lá và cành của G. leptostachya DC. cho thấy một trong các thành phần chính là resveratrol, một hợp chất có hoạt tính ức chế nitric oxide (NO) và enzyme Src.
2.3 Các hợp chất khác
Một nghiên cứu trên cao chiết Ethanol từ các bộ phận trên mặt đất của G. leptostachya DC. var. tonkinensis Pit. đã phân lập được 11 hợp chất, trong đó có một hợp chất mới là gouanioside A.
Cấu trúc hóa học của gouanioside A và các hợp chất khác được xác định thông qua nhiều kỹ thuật phổ học, như 1D/2D NMR, IR, HR-ESI-MS, và thông qua các phản ứng hóa học tạo dẫn xuất.
3 Tác dụng của Dây đòn gánh

3.1 Hoạt tính chống viêm
Các hợp chất gouaniasides VII-IX cho thấy khả năng ức chế mạnh sản xuất nitric oxide (NO) trên đại thực bào RAW 264.7 khi được kích thích bằng lipopolysaccharide (LPS). Hoạt tính này không gây độc tế bào và phụ thuộc vào nồng độ.
Cao chiết methanol từ lá và cành của G. leptostachya DC. (Gl-ME):
- Giảm tiết NO và prostaglandin E2 (PGE2) từ tế bào RAW 264.7 và đại thực bào phúc mạc kích thích bởi LPS.
- Làm giảm mRNA của inducible NO synthase (iNOS) và cyclooxygenase-2 (COX-2).
- Ức chế sự chuyển vị hạt nhân của p65/NF-κB và sự phosphoryl hóa các enzyme liên quan như AKT, IKK, và IκBα.
3.2 Tác dụng trên viêm dạ dày
Gl-ME làm giảm đáng kể tổn thương viêm dạ dày do HCl/EtOH ở chuột.
Resveratrol trong cao chiết cũng góp phần làm giảm các triệu chứng viêm dạ dày và ức chế sản xuất NO.
3.3 Tiềm năng phát triển dược liệu
Nghiên cứu trên hợp chất mới gouanioside A cho thấy tác dụng điều chỉnh tổng hợp NO trong tế bào đại thực bào RAW 264.7 kích thích bởi LPS.
Các kết quả này khẳng định tiềm năng sử dụng G. leptostachya như một nguồn dược liệu chống viêm thông qua các cơ chế ức chế Src và NF-κB.
Những kết quả nghiên cứu cho thấy Gouania leptostachya DC. và thứ Gouania leptostachya DC. var. tonkinensis Pit. có thể được phát triển thành các chế phẩm điều trị các bệnh lý viêm nhiễm.
4 Công dụng và cách dùng Dây đòn gánh
Dây đòn gánh thường được người dân sử dụng để chữa các vết thương do chấn thương, bỏng, kinh nguyệt không đều và sốt cao gây co giật.
4.1 Giảm sưng tấy, tụ máu, đau nhức do chấn thương
Nguyên liệu: Lá dây đòn gánh (10 g), lá náng hoa trắng (10 g), lá bạc thau (8 g).
Cách thực hiện: Giã nát các nguyên liệu, thêm ít rượu rồi đắp lên vùng sưng. Lặp lại hàng ngày.
4.2 Điều trị bỏng (đặc biệt bỏng vôi)
Phương pháp 1: Giã lá tươi, trộn với bột Bồ Kết khô rồi thoa lên vết bỏng.
Phương pháp 2: Giã nát thân và lá, pha thêm nước sôi để nguội, lọc lấy nước bôi lên da.
4.3 Hạ sốt, giảm co giật ở trẻ nhỏ
Nguyên liệu: Lá dây đòn gánh (10 g), vỏ Núc Nác hoặc quả khế (10 g), lá nhọ nồi (8 g), lá Ngải Cứu (8 g), rễ táo rừng (8 g).
Cách dùng: Sao vàng hỗn hợp, sắc với 400 ml nước đến khi còn 100 ml, chia uống hai lần trong ngày.
4.4 Xử lý rắn cắn
Nguyên liệu: Lá dây đòn gánh tươi.
Cách dùng: Giã nát lá, thêm chút nước để vắt lấy nước uống, bã còn lại dùng đắp lên vết cắn.
4.5 Diệt chấy
Nguyên liệu: Rễ dây đòn gánh.
Cách thực hiện: Đun rễ với nước, dùng nước này để gội đầu.


5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Dây gân, trang 639-640. Truy cập ngày 04 tháng 01 năm 2025.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Dây đòn gánh trang 126. Truy cập ngày 04 tháng 01 năm 2025.
Tác giả Nguyen Thi Hang và cộng sự (đăng tháng 12 năm 2022). Characterisation of four new triterpenoid saponins with nitric oxide inhibitory activity from aerial parts of Gouania leptostachya. Natural product research. Truy cập ngày 04 tháng 01 năm 2025.