Dâu núi (Dâu đất, Dâu tây dại, Xà mẫu, Xà bào thảo - Duchesnea indica (Andrews) Teschem.)

0 sản phẩm

Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Tracheophyta (Ngành thực vật có mạch)

Magnoliopsida (Lớp Hai lá mầm (Ngọc Lan))

Bộ(ordo)

Rosales (Hoa hồng)

Họ(familia)

Rosaceae (Hoa hồng)

Chi(genus)

Potentilla L.

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Duchesnea indica (Andrews) Teschem.

Danh pháp đồng nghĩa

Potentilla indica (Andrews) Th.Wolf

Fragaria indica Andr

Dâu núi (Dâu đất, Dâu tây dại, Xà mẫu, Xà bào thảo - Duchesnea indica (Andrews) Teschem.)

Dâu núi là cây thân thảo sống nhiều năm. Thân cây mảnh, dài, phủ lông mềm và bò lan trên mặt đất, dễ bén rễ tại các đốt. Dùng chữa lỵ, viêm ruột, cảm sốt, ho, viêm họng. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Duchesnea indica (Andrews) Teschem.

Tên Việt Nam: Dâu núi, Dâu đất, dâu tây dại, xà mẫu, xà bào thảo

Tên nước ngoài: Mock strawberry (Anh); fraisier indien, fraisier des Indes (Pháp)

Họ: Hoa hồng (Rosaceae)

1.1 Đặc điểm thực vật của cây Dâu núi

Cây thân thảo sống nhiều năm. Thân cây mảnh, dài, phủ lông mềm và bò lan trên mặt đất, dễ bén rễ tại các đốt. Lá kép dạng lông chim, mọc so le, có cuống dài, lông mịn, gồm ba lá chét hình trứng. Gốc lá hình nêm, đầu tròn, hơi nhọn, mặt trên lá nhẵn, mặt dưới lưa thưa lông, mép lá răng cưa không đều trừ phần gần gốc; lá kèm dạng mỏng, hình mác hẹp.

Hoa màu vàng tươi, mọc riêng lẻ trên cuống dài 3-6cm, đối diện lá. Hoa có nhiều lá đài; lá đài ngoài lớn, răng cưa, lá trong nhỏ, đôi khi khía răng. Cánh hoa hơi tròn, khuyết ở đỉnh, nhị khoảng 20, bao phấn tròn, chỉ nhị mảnh. Đế hoa phình lớn, phủ lông mịn.

Quả hình bầu dục, gần giống hình thận, khi chín có màu đỏ và ăn được.

Mùa hoa quả: Từ tháng 2 đến tháng 8.

Dâu núi
Dâu núi

1.2 Phân bố và sinh thái

Chi Fragaria L. có ít loài cây thảo sống lâu năm, thường mọc bò. Phân bố chủ yếu tại các khu vực ôn đới ẩm và á nhiệt đới ở Bắc bán cầu. Ở Việt Nam, có ba loài trong chi này, gồm hai loài nhập trồng và một loài mọc hoang.

Dâu núi phân bố tại các vùng núi phía Bắc, ở độ cao từ 600 - 1.500m. Cây thích hợp ở đất ẩm, ưa ẩm, hơi chịu bóng, thường thấy ở ven rừng hoặc gần nguồn nước. Cây dễ tạo thành cụm nhờ khả năng phân nhánh và bén rễ ở các đốt tiếp xúc mặt đất, khó phân biệt ranh giới giữa các cây. Dâu núi ra hoa quả hàng năm, quả có thể ăn. Phương pháp nhân giống chủ yếu là sử dụng các đoạn thân.

1.3 Bộ phận dùng

Toàn cây.

2 Thành phần hóa học của cây Dâu núi

Dâu núi
Dâu núi

Dâu núi chứa nhiều hợp chất thuộc các nhóm chính:

  • Triterpen: Acid 3β-hydroxyurs-12-en-28-oic; acid 2α, 3β, 19α-trihydroxyurs-12-en-28-oic; cùng các dẫn xuất glucopyranosid.
  • Tanin: Duchesid A và Duchesid B (Ye Liang và cộng sự, 1996).
  • Các hợp chất khác: Acid fumaric, daucosterol, brevifolin, kaempferitrin, acid pomolic, β-sitosterol.

3 Tác dụng dược lý của cây Dâu núi

Chống ung thư: Cao khô từ toàn cây thử nghiệm trên tế bào ung thư thanh quản người (in vitro) cho thấy ức chế phân chia tế bào ở liều 15mg/ml sau 48 giờ; liều 10mg/ml ức chế khoảng 46-49% nhưng tác động lên tổng hợp ADN nhẹ.

4 Tác dụng theo y học cổ truyền của cây Dâu núi

Dâu núi
Dâu núi

4.1 Tính vị, công năng

Dâu núi có vị ngọt, chua, tính mát, hơi hàn, ít độc, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, tán ứ, hoạt huyết.

4.2 Công dụng

Dùng chữa lỵ, viêm ruột, cảm sốt, ho, viêm họng, sưng amidan, quai bị, mụn nhọt, ung thư vú, bỏng, rắn cắn, côn trùng đốt.

Liều dùng: Ngày 9-15g sắc uống, hoặc 30-60g tươi ép nước uống. Dùng ngoài bằng cách giã nát, đắp hoặc phơi khô, tán bột rắc vết thương.

4.3 Bài thuốc với dâu núi

Chữa lỵ cấp, viêm ruột: Sắc 10-20g cây hoặc làm cao viên (mỗi viên tương đương 3g dược liệu), ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 4-5 viên.

Chữa tràng nhạc, ung thư vú: Sắc uống 20-40g/ngày, có thể kết hợp với các vị thuốc khác.

Dâu núi
Tiêu bản cây Dâu núi

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Dâu núi, trang 610-611. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Dâu núi (Dâu đất, Dâu tây dại, Xà mẫu, Xà bào thảo - Duchesnea indica (Andrews) Teschem.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633