Đậu Ngự (Phaseolus lunatus L.)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Fabaceae (Đậu) |
Chi(genus) | Phaseolus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Phaseolus lunatus L. |
Đậu ngự là cây sống 2 năm hoặc có thể lâu hơn do cấu tạo rễ củ của cây. Cây thuộc dạng thân quấn, chiều dài có thể lên đến 7-8 mét. Hạt của cây dùng để làm thức ăn hoặc nấu chè. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Phaseolus lunatus L.
Tên gọi khác: Đậu kẻ bạc, Đậu tiềm.
Họ thực vật: Đậu Fabaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Đậu ngự là cây sống 2 năm hoặc có thể lâu hơn do cấu tạo rễ củ của cây. Cây thuộc dạng thân quấn, chiều dài có thể lên đến 7-8 mét.
Lá có 3 lá chét hình trái xoan, gốc lá tù, đầu lá nhọn, lá khi già thì nhẵn.
Hoa có màu trắng lục, nhỏ, mọc cách quãng với nhau, xếp thành chùm thưa ở các nách lá, mang hoa ở phần nửa trên của cây.
Quả ngắn, dai, nhẵn, hơi cong nhẹ thành hình cung.
Có 3-4 hạt màu trắng, có dạng hình trứng, tuy nhiên thường gặp là các hạt có màu vàng, đốm nâu. Loài này có nhiều sự thay đổi cả về màu sắc và kích thước.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt.
1.3 Đặc điểm phân bố
Phân bố gốc ở các khu vực nhiệt đới của Châu Mỹ, sau được trồng ở các khu vực nhiệt đới và thuần hòa. Cây cũng được trồng nhiều ở nước ta.
Khi trồng, cây thường được trồng cho leo thành hàng rào hoặc giàn.
Cây ra hoa vào tháng 6 đến tháng 8, ra quả vào tháng 10 đến tháng 11.
2 Cách trồng đậu ngự
Trồng đậu ngự vào tháng nào? Đậu ngự là loài có thể trồng được quanh năm nhưng có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong thời tiết mát mẻ, tuy nhiên không nên trồng khi thời tiết ẩm ướt, quá lạnh hoặc quá nóng. Thời điểm thích hợp nhất để trồng đậu ngự là tháng 4-5, cây ra hoa vào tháng 6 đến tháng 8.
Đậu ngự có thể trồng bằng hạt, có thể trồng trong thùng xốp trước khi cho cây ra vườn.
Nên lựa chọn những loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, trộn đất cùng với phân chuồng để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Khi trồng, tiến hành đào hố sâu khoảng 5cm và gieo hạt, các hạt cách nhau từ 10 đến 15cm để tạo không gian cho Đậu ngự phát triển.
Khi cây bắt đầu nảy mầm, tiến hành đặt giá đỡ hoặc làm rào cho cây leo.
Tưới nước thường xuyên. Tiến hành xới đất và làm cỏ, bón phân để cây phát triển.
3 Thành phần hóa học
Trong hạt khô của cây có chứa:
- Protein chiếm 25%.
- Lipid chiếm 1,6%.
- Dẫn xuất không protein chiếm 70,30%.
- Chất xơ chiếm 4,9%.
- Tro chiếm 3,9%.
Hạt tươi của cây Đậu ngự có chứa:
- 20% Protein.
- 1% lipid.66,60% dẫn xuất không protein.
- 3,2% chất xơ.
- 5,1% tro.
Rễ cây còn chứa glycosid cyanogenic là phaseolenitin dưới tác dụng của một men sẽ tạo ra acid cyanhydric ở một nhiệt độ không đủ làm men phân hủy.
Tuy nhiên, trong quá trình trồng trọt, các hợp chất độc đã giảm thiểu nhiều, đặc biệt ở những cây có hạt trắng, dẹt, lớn. Đối với những cây mọc hoang, hạt có màu tím sẫm, nhiều cạnh và rất độc vì tỷ lệ acid cyanhydric vượt quá 20mg/100g.
4 Công dụng của đậu ngự theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Đậu ngự có tác dụng bổ huyết, tiêu thũng.
4.2 Công dụng
Quả và hạt non của cây được sử dụng để làm thức ăn, có thể đem xào hoặc nấu chè. Lá được dùng làm thức ăn chăn nuôi, giá trị dinh dưỡng của đậu ngự cao hơn một số loại ngũ cốc khác như lá của cây lạc, cây đậu tương.
Hạt già sau khi bóc vỏ đem hấp cơm hoặc nấu chè đường ăn có giá trị dinh dưỡng cao. Hạt của cây còn được sử dụng để làm thuốc chữa đau dạ dày và đau ruột.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi (Nhà xuất bản Y học). Đậu ngự, trang 906-907 tập 1. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2024.