Đậu Mèo Rừng (Mucuna pruriens L.)
5 sản phẩm
Dược sĩ Khánh Huyền Dược sĩ chuyên môn
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Đậu mèo rừng được sử dụng rộng rãi bởi công dụng tẩy xổ, sát trùng, giải độc. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Đậu mèo rừng thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Đậu mèo rừng
Đậu mèo rừng còn có tên gọi khác là Móc mèo, Đậu ngứa, Mắc mèo, dây sắn, ma niêu, đậu mèo lông bạc, monkey tamarind, velvet bean (Tiếng Anh); 刺毛黧豆 - Thích Mao Lê Đậu (Tiếng Trung). Cây mọc ở các trảng cây bụi, các lùm cây, bụi tre, bãi lầy, ven rừng vùng núi ở độ cao tới 1800m. Cây ra hoa tháng 12 - 1 năm sau, ra quả tháng 2-3.
Tên khoa học của Đậu mèo rừng là Mucuna pruriens L., thuộc họ Đậu (Fabaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Dây leo bằng thân quấn, sống hàng năm, có thân khía dọc mang nhiều lông màu hung. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét dài 7-12cm, rộng 5-8cm, đầu nhọn, hình trái Xoan quả trám, mặt trên ít lông, mặt dưới có nhiều lông trắng mềm; các lá chét bên mất cân xứng, lá kèm sớm rụng. Cuống lá dài 8-12cm.
Cụm hoa mọc ở nách lá, hình chùm thõng xuống, dài tới 50cm, mang nhiều hoa và có nhiều lông ngứa; lá bắc và lá bắc con hình mác. Hoa màu tím dài 5cm; đài có 5 răng nhọn, có lông ở mặt ngoài; tràng có cánh cờ rộng, nhị 2 bó. Quả đậu hình chữ S, dài 5-8cm, rộng 1,2cm; dẹt, không có nếp gấp, phủ đầy lông tơ ngứa màu hung. Hạt 5-6, hình trứng, màu hạt dẻ.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt, rễ.
Rễ thu hái quanh năm, hạt lấy ở những quả chín; phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây mọc phổ biến khắp nơi. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Sri Lanka, Malaysia, Indonesia, Philippin, Polynedi.
2 Thành phần hóa học
Đậu mèo rừng là một loại cây đặc biệt. Một mặt, nó là một nguồn thực phẩm tốt vì giàu protein thô, acid béo thiết yếu, hàm lượng tinh bột và một số acid amin thiết yếu. Mặt khác, nó cũng chứa nhiều yếu tố kháng dinh dưỡng khác nhau, chẳng hạn như chất ức chế Protease, tổng số phenolic, oligosaccharide (raffinose, stachyose, verbascose) và một số cyclitol có tác dụng chống bệnh tiểu đường.
2.1 Yếu tố kháng dinh dưỡng và độc tố
Ngoài hàm lượng acid amin chứa Lưu Huỳnh thấp trong hạt Đậu mèo rừng, sự hiện diện của các yếu tố chống sinh lý và độc tố có thể góp phần làm giảm chất lượng dinh dưỡng tổng thể của chúng. Những yếu tố này bao gồm polyphenol, chất ức chế trypsin, phytate, glycoside cyanogen, oligosaccharide, Saponin, lectin và alkaloid. Polyphenol (hoặc tanin) có thể liên kết với protein, do đó làm giảm khả năng tiêu hóa của chúng. Các hợp chất phenolic ức chế hoạt động của các enzym tiêu hóa cũng như thủy phân như Amylase, trypsin, chymotrypsin và Lipase.
Hydro xyanua (HCN) được biết là gây ra cả độc tính cấp tính và mãn tính, nhưng hàm lượng HCN trong hạt Đậu mèo rừng thấp hơn nhiều so với mức gây chết người.
2.2 Các thành phần hoạt tính
Acid béo: Acid linoleic rõ ràng là acid béo chiếm ưu thế, tiếp theo là acid palmitic, oleic và linolenic.
Oligosaccharide: Các nhà khoa học đã nghiên cứu nồng độ oligosaccharide trong hạt, và verbascose được báo cáo là oligosaccharide chính trong đó.
Hợp chất phenolic: Thành phần phenolic chính của Đậu mèo rừng được tìm thấy là L-dopa (5%), cùng với một lượng nhỏ tetrahydroisoquinolin đã methyl hóa và không methyl hóa (0,25%). Tuy nhiên, ngoài L-dopa, các hợp chất 5-indole, hai trong số đó được xác định là tryptamine và 5-hydroxytryptamine, cũng được báo cáo trong chiết xuất hạt Đậu mèo rừng.
Alkaloid: Mucunine, mucunadine, prurienine, và prurieninine là bốn alkaloid đã được phân lập từ chiết xuất hạt.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Câu đằng - Vị thuốc trấn kinh và hạ huyết áp hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của Đậu mèo rừng
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống nhiễm độc nọc rắn
Đậu mèo rừng đã được chứng minh là có hoạt tính chống lại nọc độc của rắn và thực tế, hạt của nó được sử dụng trong y học cổ truyền để ngăn chặn tác dụng độc hại của rắn cắn, chủ yếu do các độc tố mạnh như độc tố thần kinh, độc tố tim, độc tố tế bào, phospholipase A2 (PLA2), và protease. Chiết xuất nước từ hạt bảo vệ chuột chống lại các tác động độc hại của nọc độc Echis carinatus thông qua cơ chế miễn dịch.
3.1.2 Bảo vệ thần kinh
Ở Ấn Độ, hạt của Đậu mèo rừng theo truyền thống đã được sử dụng như một loại thuốc bổ thần kinh và như một loại thuốc kích thích tình dục cho nam giới. Hạt bột có đặc tính chống bệnh parkinson, có thể là do sự hiện diện của L-dopa (tiền chất của chất dẫn truyền thần kinh dopamin). L-Dopa, tiền chất của dopamin, có thể vượt qua hàng rào máu não và trải qua quá trình chuyển đổi thành dopamin, phục hồi dẫn truyền thần kinh. Chiết xuất n-propanol của hạt Đậu mèo rừng mang lại phản ứng cao nhất trong thử nghiệm bảo vệ thần kinh liên quan đến sự phát triển và sống sót của tế bào thần kinh DA trong môi trường nuôi cấy.
3.1.3 Các tác dụng khác
Chống tiểu đường: Hạt Đậu mèo rừng dùng với liều 500 mg/kg làm giảm nồng độ Glucose huyết tương; rất có thể là do d-chiro-inositol và các dẫn xuất galacto của nó.
Chống oxy hóa: Chiết xuất ethylacetate và metanol của toàn bộ cây Đậu mèo rừng chứa một lượng lớn hợp chất phenolic, thể hiện hoạt tính chống oxy hóa và thu hồi gốc tự do cao.
Điều trị da: Các tế bào sừng của con người được điều trị bằng chiết xuất metanol từ lá thể hiện sự điều hòa giảm biểu hiện tổng số protein. Ngoài ra, điều trị bằng Đậu mèo rừng làm giảm đáng kể mức cơ bản của 4-hydroxynonenal có trong tế bào sừng của con người.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Đan sâm - Vị thuốc giảm đau, bổ huyết và nhuận tràng hiệu quả
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Lông ngứa của cây khi chạm vào người sẽ gây mẩn ngứa khó chịu, dính vào mắt sẽ gây đau mắt nguy hiểm. Hạt có tác dụng tẩy xổ, sát trùng và giải độc.
Trong đông y, Đậu mèo rừng được dùng trong trị rắn cắn, trị giun đũa và tẩy xổ.
4 Các bài thuốc từ cây Đậu mèo rừng
4.1 Cách chế biến Đậu mắt mèo trị giun đũa
Dùng hạt Đậu mèo rừng, nghiền nhỏ, trộn với Mật Ong hoặc siro làm thành thuốc dẻo ngọt, ăn trong 4-5 ngày với liều 15g cho người lớn và 4g cho trẻ em.
4.2 Trị rắn độc cắn
Dùng hạt Đậu mèo rừng bổ làm đôi, đắp lên vết rắn cắn giúp hút nọc độc ra ngoài.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Lucia Raffaella Lampariello và cộng sự (Đăng vào tháng 10-12 năm 2012). The Magic Velvet Bean of Mucuna pruriens, NCBI. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Đậu mèo rừng trang 904, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2023.