Dầu Mè Tía (Mè Lai - Jatropha gossypifolia L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) | Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) | Jatropha |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Jatropha gossypifolia L. |
Mè lai thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 2 mét. Lá cây mọc so le, phiến lá chia thành 3 thùy, gốc lá có dạng hình tim, đầu nhọn, méo lá có lông mi dạng tuyến. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Jatropha gossypifolia L.
Tên gọi khác: Thầu Dầu ba lá tía, Dầu lai vải, Mè lai.
Họ thực vật: Euphorbiaceae (Thầu dầu).
1.1 Đặc điểm thực vật
Dầu Mè tía thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 2 mét.
Lá cây mọc so le, phiến lá chia thành 3 thùy, gốc lá có dạng hình tim, đầu nhọn, méo lá có lông mi dạng tuyến, cuống lá dài bằng phiến lá cũng có lông, lá kèm mọc xẻ.
Cụm hoa mọc thành chùy, hoa có màu đỏ, lá bắc có dạng thuôn, hoa đơn tính, hoa đực có lông ở mặt ngoài và phiến lá đài có dạng hình trái Xoan. Hoa có có lá đài dài hơn hoa đực, cánh hoa giống với hoa đực.
Quả nang, có dạng hình cầu, bề mặt nhẵn, 2 đầu của quả bằng, chia thành 3 khía, hạt có màu xám đỏ, trên bề mặt có nhiều chấm đen.
Mùa hoa quả từ tháng 4 đến tháng 6.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, vỏ cây, hạt.
1.3 Đặc điểm phân bố
Dầu mè tía là loài cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của châu Mỹ, sau này được du nhập và phát triển ở khắp các vùng nhiệt đới của châu Á, châu Phi và các đảo thuộc Thái Bình Dương.
Tại nước ta, Dầu mè tía là một loại cây trồng nhưng đã trở nên hoang dại hóa ở một số tỉnh trung du và vùng núi thấp của miền Bắc như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thái Nguyên,...
Dầu mè tía đặc biệt ưa sáng, có khả năng chịu được khô hạn. Cây thường được trồng để làm hàng rào xung quanh bờ ruộng hoặc bờ nương rẫy. Dầu mè tía ra hoa quả nhiều hàng năm, có khả năng tái sinh tốt từ hạt, trồng được bằng phương pháp giâm cành.
2 Thành phần hóa học
Lá cây chứa 2 chất hóa học là triterpen I và triterpen II.
Hạt của cây Dầu mè tía có chứa tinh dầu (chiếm 35,8%), chất xơ (chiếm 9,25%), protein (chiếm 13,4%), carbohydrate (chiếm 30,32%), Saponin với hàm lượng 6g/kg.
Thành phần trong dầu béo gồm có acid myristic, acid caprylic, acid palmitoleic, acid oleic, acid palmitic, acid linoleic, acid arachidic, acid vernolic, acid lignocetic, acid behenic.
Thân cây chứa lignan gồm isogadain, gadain và một số thành phần khác.
Nhựa mủ có chứa các polypeptid cyclogossin.
Dầu mè tía có chứa chất jatrophon là một hoạt chất cho thấy tác dụng sinh học.
Rễ cây có chứa diterpen là jatropholon A và jatrophatrion.
3 Tác dụng của cây Dầu mè tía
3.1 Tác dụng dược lý
Cao chiết ether từ cành non của cây Dầu mè tía cho thấy hoạt tính kháng khuẩn đối với một số chủng vi khuẩn bao gồm Escherichia coli và Staphylococcus aureus.
Cao nước của cây Dầu mè tía cho thấy tác dụng diệt côn trùng.
Khi tiến hành thử nghiệm nghiên cứu về hoạt tính chống sốt rét trên in vitro đối với chủng Plasmodium falciparum, các nhà khoa học nhận thấy rằng, cao chiết nước nóng cho thấy tác dụng ức chế 100% khi dùng liều lượng tương đương 30µg.
Cao cồn chiết từ rễ của cây Dầu mè tía cho thấy tác dụng ức chế ung thư thực nghiệm khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm.
Jatrophon và một số hợp chất có liên quan đã được phân lập cho thấy tác dụng kháng ung thư trên bệnh bạch cầu lympho P388 khi nghiên cứu trên in vitro và fn vivo. Jatrophon còn cho thấy tác dụng ức chế trực tiếp và không cạnh tranh đối với sự co bóp của cơ tim và cơ trơn cô lập khi nghiên cứu trên carcinom mũi - hầu in vitro.
Nhựa mủ và cao methanol từ hạt của cây Dầu mè tía đã được nghiên cứu về tác dụng diệt sên, đây là vật chủ trung gian gây ra nhiều bệnh lý như sán lá, sán máng. Nghiên cứu cho thấy rằng, nhựa mủ có tác dụng đối với sên Lynara acuminata trong môi trường nước. Độc tính của nhựa mủ là do ức chế acetylcholinesterase và các phosphatase acid và kiềm trên động vật.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Dầu hạt Dầu mè tía có thể dùng để bôi ngoài để trị bệnh phong. Nhựa cây dùng trong trường hợp bị rắn cắn.
Lá cây Dầu mè tía đem sắc nước uống chữa ho khan, liều dùng mỗi lần là 7-12 lá. Ngoài ra, lá Dầu mè tía cũng được dùng để làm thuốc dán bằng cách nấu thành cao cùng lá Vạn niên thanh và củ Ngô đồng.
Tại một số quốc gia Đông Nam Á, nhựa mủ Dầu mè tía được dùng để trị loét, lá tươi dùng để trị sưng vú. Lá cây dùng để nấu nước tắm trị sốt hoặc uống để trị sốt. Nước sắc từ lá dùng làm thuốc tẩy, giúp dễ tiêu, trị bệnh về tai và hoa liễu, thuốc lọc máu. Lá cây dùng để đắp ngoài trị mụn nhọt, ngứa, eczema. Rễ cây còn được dùng để trị bệnh phong, nước sắc từ vỏ cây dùng trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng Dầu mè tía để trị các bệnh ở đường tiết niệu, nước sắc từ vỏ cây có tác dụng điều kinh, nước sắc từ lá có tác dụng trị đau dạ dày, lọc máu, trị bệnh hoa tiêu. Lá cây Dầu mè tía dùng trong trường hợp ngứa, mụn nhọt, eczema, dịch lá ép để trị loét lưỡi ở trẻ nhỏ, lá tươi dùng để đắp trong trường hợp sưng vú.
Nhân dân Nepal sử dụng nhựa mủ của cây Dầu mè tía để trị đau răng.
Nhân dân Hanti sử dụng nước sắc từ lá của cây Dầu mè tía khi bị đau bụng, dịch ép lá có tác dụng giảm phù nề.
Nhân dân Đông Phi sử dụng nhựa mụ của cây để trị vết loét trên miệng lưỡi của trẻ, lá dùng ngoài để trị các bệnh về da, có thể uống nước sắc từ lá để giúp nhuận tràng, nhân dân còn trồng Dầu mè tía để làm hàng rào có tác dụng đuổi rắn.
Nhân dân Venezuela sử dụng rễ cây trong trường hợp bị rắn độc cắn hoặc trị bệnh phong.
Nhân dân Costa Rica sử dụng nước sắc của cây Dầu mè tía để trị ung thư, tuy nhiên, tỷ lệ người bị ung thư hầu họng ở khu vực này cũng tăng cao, có thể do trong dầu hạt của cây Dầu mè tía có chứa thành phần este đồng gây ung thư.
Nhân dân ở một số khu vực khác còn dùng lá tươi khi bị sốt từng cơn, nhựa mủ dùng để trị loét, dầu hạt dùng ngoài trong trường hợp bị bệnh phong.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Dầu mè tía, trang 266-268. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2024.