Dầu Mè (Dầu Lai, Ba Đậu Nam, Đậu Cọc Rào - Jatropha curcas L.)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) | Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) | Jatropha |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Jatropha curcas L. |
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Jatropha curcas L.
Tên gọi khác: Ba đậu nam, Dầu lai, Nhao (tiếng Tày), Đông thụ, Đậu cọc rào.
Họ thực vật: Thầu dầu Euphorbiaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dầu mè thuộc dạng cây nhỏ hoặc cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng 1,5 đến 5 mét.
Cành mọc tỏa rộng, thân cành nhẵn, mập, trên bề mặt có nhiều vết sẹo do lá rụng tạo thành, khi bấm có nhựa mủ.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình trứng, đầu hơi nhọn, có cạnh hoặc chia thành 3-5 thùy, lá có chiều dài khoảng 10 đến 13cm, chiều rộng từ 8-11cm, hai mặt của lá nhẵn, có khoảng 5-7 gân chính, mọc tỏa ra theo dạng hình chân vịt. Cuống lá có chiều dài khoảng 7-12cm, ở phần gốc cuống mọc phình to.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành xin phân đôi, đài có chiều dài khoảng 8cm, nhẵn hoặc có lông mịn màu trắng.
Quả nang, có dạng hình trứng, dài và rộng từ 2 đến 2,5cm, hạt 3, có dạng gần giống hình cầu.
Mùa hoa quả là từ tháng 5 đến tháng 8.
Dưới đây là hình ảnh cây Dầu mè (Dầu lai, Đậu cọc rào):
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, rễ, nhựa cây và dầu béo ép từ hạt của cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Jatropha L trên thế giới chỉ có ít loài, được phân bố chủ yếu ở các vùng nhiệt đới của châu Mỹ và châu Á.
Tại nước ta, có khoảng 5 loài thuộc chi này, trong đó cây Dầu mè là cây có nguồn gốc từ châu Mỹ, thường được trồng ở một số nước thuộc vùng Đông Nam Á và Ấn Độ.
Dầu mè có bản chất là loài ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt, thường được trồng làm bờ rào. Cây ra hoa quả nhiều, những cây bị chặt gốc vẫn có khả năng tái sinh nên có thể trồng bằng cách giâm cành.
2 Thành phần hóa học
Nhựa mủ của cây có chứa curcam (là một loại enzyme thủy phân có trọng lượng phân tử là 22.000), ngoài ra còn có thêm curcacyclin A và curcacyclin B là 2 loại peptit mạch vòng.
Thân cành và lá của cây Dầu mè có chứa triacontanol, 7-ceto-beta-sitosterol.
Vỏ thân có chứa tanin.
Lá khi còn tươi có chứa isovitexin.
Hạt chứa dầu béo, protein, tinh bột, acid hữu cơ. Ngoài ra, hạt của cây còn chứa 2 chất độc là curcin (Albumin) và một chất nhựa.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Dầu mè
3.1 Cây Dầu mè có tác dụng gì?
Dầu hạt của cây có tác dụng tẩy, tuy nhiên có thể gây kích ứng trên dạ dày-ruột với mức độ mạnh hoặc gây ngộ độc.
Toàn bộ hạt của cây có tác dụng tẩy và diệt giun sán. Dầu hạt có độc tính cao do đó thường không dùng chúng trong những trường hợp này.
Chất độc trong dầu hạt là những ester của chất diterpen 12-deoxy-16-hydroxyphorbol. Các chất này đã được đánh giá về tác dụng gây kích ứng trên chuột nhắt trắng, đồng gây ung thư trong một thử nghiệm lâm sàng về sự biến đổi của các tế bào lympho người gây ra bởi virus Epstein-Barr.
Các protein tinh chiết từ phân đoạn protein đã được chứng minh gây ngưng kết cầu cầu người và ức chế in vitro sự tổng hợp protein ở hồng cầu lưới ở thỏ thí nghiệm. Các nghiên cứu kiểm tra giả thuyết về hoạt tính thủy phân protein trong ứng dụng điều trị cầm máu, làm lành vết thương của nhựa mủ cây dầu mè đã được chứng minh.
Chất curcacyclin A cho thấy tác dụng ức chế tăng sinh mức độ vừa phụ thuộc vào liều của tế bào T của người, không thấy tác dụng độc đối với tế bào.
Lá cây có tác dụng mạnh đối với tim mạch. Cao methanol từ lá có tác dụng chống co thắt gây ra bởi Kali clorid và acetylcholin.
Nhựa mủ của cây Dầu mè còn cho thấy tác dụng kháng khuẩn đối với tụ cầu khuẩn vàng.
Cao nước và cao cồn chiết từ rễ và thân cây Dầu mè cho thấy tác dụng ức chế vi khuẩn Staphylococcus aureus, Strep.viridans, Streptococcus pyogenes.
3.2 Cây Dầu mè trị bệnh gì?
Hạt của cây Dầu mè có tác dụng tẩy mạnh nhưng do có độc nên không được sử dụng.
Có thể sử dụng nhựa mủ của cây để bôi lên vết thương hoặc vết loét, sau khi vết thương khô sẽ tạo thành một màng bao phủ.
Lá cây đem giã nát, đắp lên bụng để gây tẩy cho trẻ em, có thể dùng ngoài trong các trường hợp thấp khớp.
Rễ cây dùng ngoài đối với các trường hợp bại liệt, tê liệt.
Tại một số nước châu Á, nhựa mủ của cây được dùng ngoài trong các trường hợp vết thương, chảy máu, bỏng, bệnh nấm da hoặc bệnh ngoài da như eczema. Lá cây dùng ngoài để chữa ngứa, eczema, chữa nhọt, chảy máu lợi.
Dầu mè cũng được coi là loại thuốc độc đối với cá, hạt sau khi giã nhỏ, đem trộn với dầu cọ để làm bả chuột.
Dầu mè còn dùng được trong các trường hợp lở loét ở gia súc. Lá đem xông để trị rệp. Dịch ép từ lá có thể bôi ngoài để chữa trĩ.
Dầu hạt của cây dùng trong các trường hợp thấp khớp, bệnh về da, đau dây thần kinh hông, liệt.
Lá cây sau khi nghiền nát đắp vào những vùng sưng vú, ngoài ra còn có tác dụng lợi sữa.
Vỏ cây sau khi giã nát dùng để đắp trị bong gân, sai khớp.
Tại một số nước ở châu Phi và Nam Mỹ, nhựa mủ của cây còn được dùng ngoài trong các trường hợp vết thương, đau tai hoặc dùng để gây sung huyết da.
Lá cây giã nát để trị thấp khớp, làm thuốc xua ruồi khỏi đốt ngựa.
4 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Dầu mè, trang 624-626. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2024.