Dầu Giun (Rau Muối Dại - Chenopodium ambrosioides)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Tracheobionta (Thực vật có mạch)

Magnoliopsida (Thực vật hai lá mầm)

Bộ(ordo)

Caryophyllales (Cẩm chướng)

Họ(familia)

Chenopodiaceae (Rau muối)

Chi(genus)

Chenopodium

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Chenopodium ambrosioides L.

Dầu Giun (Rau Muối Dại - Chenopodium ambrosioides)

Dầu giun thuộc dạng cây thảo, sống theo năm, một số cây có thể sống lâu năm. Thân cây mọc đứng, vỏ thân có khía dọc, phân nhánh nhiều, chiều cao mỗi cây Dầu giun từ 50 đến 70cm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Chenopodium ambrosioides L.

Tên gọi khác: Kinh Giới đất, Rau muối dại, Thổ kinh giới.

Họ thực vật: Rau muối Chenopodiaceae.

1.1 Đặc điểm thực vật

Dầu giun thuộc dạng cây thảo, sống theo năm, một số cây có thể sống lâu năm.

Thân cây mọc đứng, vỏ thân có khía dọc, phân nhánh nhiều, chiều cao từ 50-70cm.

Lá cây mọc so le, cuống lá ngắn, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn, chiều dài mỗi lá khoảng 5,5 đến 7,5cm, chiều rộng từ 1-2cm, các thùy khía không đều, hai mặt của lá có màu lục nhạt.

Cụm hoa là những chùy dày hợp thành bông kép, hoa nhỏ, có màu vàng nhạt, nhị 5.

Quả bế, có dạng hình cầu, quả có màu lục nhạt hoặc phớt trắng.

Hạt nhỏ, đen bóng.

Toàn cây phủ một lớp lông mịn, có mùi hăng.

Mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 7.

Toàn cây dầu giun
Toàn cây dầu giun

1.2 Thu hái và chế biến

Cành mang lá, hoa quả, thời điểm thu hái vào tháng 5 đến tháng 6. Thời điểm này, tinh dầu cũng như ascaridol đều có hàm lượng cao. Những cây non có hàm lượng tinh dầu và ascaridol thấp. Cây già có hàm lượng ascaridol cao hơn nhưng lượng tinh dầu lại thấp hơn và những cây già thì hoa và quả cũng đã rụng nhiều.

Những cây già chỉ thu hái 1 lần, nên thu hái vào những ngày khô ráo, không nên thu hái vào những ngày mưa gió. Mỗi cây Dầu giun có thể thu hái được từ 2-3 lần. Ở lần đầu thu hái, thường sử dụng liền hoặc hái để cắt ⅔ cây, sau đó cây sẽ tiếp tục phát triển do đó có thể thu hái được thêm những lần tiếp theo (thường là sau 1 tháng).

Thường cất tinh dầu từ những cây Dầu giun sau khi phơi khô để thu được nhiều tinh dầu, hàm lượng ascaridol vẫn ở mức cao. Theo các tài liệu nước ngoài, có thể cất tinh dầu từ nguyên liệu tươi.

Cần bảo quản nguyên liệu cẩn thận, không nên xếp đống, cây dễ bị mốc ảnh hưởng đến chất lượng tinh dầu. Những cây tươi phơi trong bóng râm cho nhiều tinh dầu hơn những chỉ phù hợp trong trường hợp chế biến với số lượng ít. Đối với những trường hợp chế biến có nhiều nguyên liệu, cần phải đem phơi nắng, lúc này lượng tinh dầu thu được thấp nhưng hàm lượng ascaridol vẫn cao.

Trong quá trình chưng cất, cần giữ nhiệt độ đều. Tinh dầu dễ bị phân hủy khi chưng cất nóng trong thời gian dài do đó cần chưng cất từng mẻ một và chưng cất nhanh, thời gian chưng cất cho mỗi mẻ là khoảng 25-30 phút kể từ khi nước sôi.

Lá cây Dầu giun
Lá cây Dầu giun

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Chenopodium L. trên thế giới có khoảng 250 loài, phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới và vùng ôn đới ấm. Ở châu Á có 4 loài, Việt Nam có 4 loài.

Dầu giun phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan.

Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực thuộc vùng đồng bằng, miền núi thấp, vùng trung du. Các tỉnh phía Bắc từ Nghệ An trở ra bắt gặp cây mọc nhiều hơn.

Dầu giun có bản chất là loài ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc ở bãi đá, dọc bờ kênh, làng bản.

Cây mọc từ hạt, chủ yếu vào tháng 3 đến tháng 4, sang mùa hè cây sinh trưởng và phát triển mạnh, ra hoa quả vào màu thu và tàn lụi vào mùa đông. Những cây mọc muộn có thể sống sót được qua mùa đông, hạt của cây phát tán nhờ nước.

2 Thành phần hóa học

Tinh dầu là chất lỏng trong, có màu vàng đến vàng da cam, mùi khó chịu, vị đắng, nóng. Tinh dầu tan ít trong cồn 70 độ, tan tối đa trong hỗn trợ cồn 80 độ và 90 độ với tỷ lệ là 1;20 thể tích cồn 90 độ/80 độ.

Tinh dầu giun chứa 60-80% ascaridol, limonen, Camphor,...

Lá cây chứa kaempferol-7-rhamnoside.

Lá và hạt chứa oxalic, muối vô cơ, acid citric,...

Bảo quản tinh dầu (bảng B) trong lọ thủy tinh màu vàng, đậy kín, để mát, tránh ánh sáng.

Cây Dầu giun hay Rau Muối Dại
Cây Dầu giun hay Rau Muối Dại

3 Tác dụng - Công dụng của cây dầu giun

3.1 Tác dụng dược lý

Tinh dầu được sử dụng như một loại thuốc tẩy giun phổ biến nhưng hiện nay đã có nhiều loại thuốc khác thay thế vừa an toàn vừa hiệu quả hơn.

Ascaridol là hoạt chất chính đóng vai trò diệt giun do đó tinh dầu phải chứa hàm lượng ascaridol trên 60%.

Ở những con giun đũa khi làm thí nghiệm trên ống kính đã cho thấy rằng, ascaridol ban đầu kích thích sau đó làm tê liệt giun hoàn toàn, ascaridol có tác dụng mạnh hơn tinh dầu giun.

Dung dịch nuôi gun có nồng độ 1:5000 cũng có thể làm tê liệt giun.

Trên tim ếch cô lập, tinh dầu giun với nồng độ 1:10000 có thể gây nên những tổn thương nhẹ có thể hồi phục.

Trên tiêu bản ruột và tử cung cô lập, tinh dầu giun ban đầy gây kích thích co bóp sau đó gây tê liệt.

Tinh dầu giun được sản xuất ở Việt Nam đã được thử nghiệm về tác dụng diệt giun đối với giun đũa lợn (có hình thái và tổ chức học gần giống giun đũa ở người), các nhà khoa học đã sử dụng 3 mẫu tinh dầu có hàm lượng ascaridol khác nhau và cả 3 mẫu đều cho thấy tác dụng diệt giun phụ thuộc vào hàm lượng ascaridol.

Về mặt độc tính, liều gây chết theo đường tiêm ở động vật máu nóng là 0,2 đến 0,3g/kg, theo đường uống là 0,5g/kg.

Do tinh dầu có hàm lượng ascaridol không giống nhau nên liều gây chết cũng không giống nhau.

Là thuốc diệt giun có độc tính cao nên dùng liều lớn có thể gây ngộ độc, các triệu chứng cấp tính gồm ù tai, rối loạn thị giác, da đỏ, bồn chồn, trầm trọng hơn là hôn mê, co giật, liệt hô hấp.

Điều trị ngộ độc tinh dầu giun hay ascaridol không có thuốc đặc hiệu, tiến hành áp dụng các biện pháp điều trị tích cực cho người bệnh.

Hoa của cây Dầu giun
Hoa của cây Dầu giun

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Tinh dầu giun có vị đắng, cay, độc, được dùng để sát trùng, trừ thấp, trị ngứa.

Lá cây
Lá cây

3.2.2 Công dụng

Tinh dầu được dùng để trị giun đũa, giun móc, không có tác dụng với sán và giun kim. Do có độc tính cao nên khi dùng cần lưu ý:

  • Không dùng quá liều: Liều dùng cho người lớn là 1g, chia làm 2-3 lần uống, mỗi lần cách nhau từ nửa giờ đến 1 giờ. Sau lần uống cuối cùng, uống thêm 1 liều thuốc tẩy muối Magie sulfat hoặc uống cả liều trên ngay 1 lần hòa tan trong 30ml thầu dầu.
  • Không dùng cho trẻ dưới 5 tuổi.
  • Đối với trẻ trên 5 tuổi, liều dùng phụ thuộc vào số tuổi, tính theo giọt.
  • Không dùng cho bệnh nhân gầy yếu suy dinh dưỡng.
  • Không uống rượu trong thời gian dùng thuốc.
  • Sau khi uống thuốc 4-5 giờ nếu không đi ngoài được thì cần uống 1 liều thuốc tẩy lớn hơn.
  • Không dùng tiếp tinh dầu giun lần thứ 2 trong vòng 3-4 tuần lễ.

4 Tài liệu tham khảo

Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Dầu giun, trang 620-624. Truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Dầu Giun (Rau Muối Dại - Chenopodium ambrosioides)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633