Đào Nhân (Semen Persicae)
5 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Đào nhân từ lâu đã được sử dụng để chữa ho, ngoài ra còn dùng làm thuốc điều kinh, cầm máu sau đẻ.... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Đào nhân.
1 Vị thuốc đào nhân là gì?
Vị thuốc Đào nhân là nhân của hạt đào tên khoa học là Semen Persicae, được lấy từ cây đào Prunus persica (L.) Batsch .
1.1 Mô tả dược liệu
Hạt đào cứng, hình trứng dẹt, dài 1,2 cm đến 1,8 cm, rộng 0,8 cm đến 1,2 cm, dày 0,2 cm đến 0,4 cm.
Mặt ngoài có màu nâu vàng đến nâu đỏ, có những nốt sần nhỏ nhô lên. Một đầu nhọn, một đầu tròn, phần giữa phình to, hơi lệch, bờ cạnh tương đối mỏng.
Đầu nhọn
có rốn hình tuyển ngắn Đầu tròn có màu hơi thẫm, hợp điểm không rõ, từ hợp điểm tỏa ra nhiều bó mạch dọc.Vỏ hạt mỏng, hai lá mầm màu trắng, nhiều chất dầu. Mùi thơm nhẹ, vị béo, hơi đắng.
Cần phân biệt đào nhân với vị thuốc hạnh nhân là hạt lấy ở quả chín được bỏ hạch cứng đã phơi hay sấy khô của cây Mơ (Primus armeniaca L.), họ Hoa hồng (Rosaceae) do hạnh nhân và đào nhân có bề ngoài khá giống nhau.
Hạt hạnh nhân có hình tim dẹt, dài 1 cm đến 1,9 cm, rộng 0,8 cm đến 1,5 cm, dày 0,5 cm đến 0,8 cm. Mặt ngoài màu nâu vàng đến màu nâu thẫm, một đầu hơi nhọn, một đầu tròn, 2 mặt bên không đối xứng. Ở đầu nhọn có rốn vạch ngắn nổi lên. Ở phía đầu tròn có một hợp điểm với nhiều vân màu nâu sẫm tỏa lên, vỏ hạt mỏng, hạt có 2 lá mầm màu trắng kem, nhiều dầu béo. Không mùi, vị đắng.
1.2 Một số thông số chất lượng
Độ ẩm: Nhân hạt đào có độ ẩm không quá 8,0 % (1 g, 105 độ C, trong 6 giờ).
Tạp chất:
- Không được có các hạt vỡ, vỏ hạt hay các tạp chất khác.
- Không bị ôi.
- Nghiền vài hạt dược liệu với nước nóng, không được ngửi thấy mùi ôi của dầu.
2 Thu hái, chế biến
Thu hoạch quả đào chín vào mùa hè hoặc mùa thu, sau đó loại bỏ phần thịt, xay vỡ hạch lấy hạt bên trong, chú ý không làm vỡ nhân, phơi hoặc sấy khô nhân hạt đào.
Đào nhân: Loại bỏ tạp chất, phơi khô, khi dùng có thể đem giã nát.
Đàn đào nhân: Lấy đào nhân sạch, loại bỏ tạp chất, cho vào nước sôi, đun đến khi vỏ lụa của nhân bong ra thì vớt ra ngâm vào nước ấm, chà sát cho tách riêng vỏ ngoài, phơi khô, khi dùng giã nát.
Đào nhân sao: Đào nhân rửa sạch, để ráo nước, cho vào chảo, đun nhỏ lửa, đảo đều đến khi có màu vàng, thơm. Khi dùng giã nát.
3 Thành phần hóa học của đào nhân
Đào nhân có tới hơn 50% là dầu, dầu từ hạt đào có tỷ trọng 0,9114 - 0,9325, chỉ số xà phóng 190, chỉ số iod là 72 - 99.
Ngoài ra còn amygdalin chiếm 3,5%, tinh dầu chiếm từ 0,4 - 0,7%, men emunsin, colin và axetylcolin.
4 Tác dụng dược lý: Hạt đào có ăn được không?
Hạt đào chứa hợp chất hydrogen cyanide độc tố cao. Vì vậy không nên ăn hay nhai, nuốt hạt đào.
Nước sắc đào nhân có tác dụng ức chế dự đông máu của thỏ, sau khi dùng mỗi ngày 1 lần, trong 7-8 ngày, thời gian chảy máu bị kéo dài rõ rệt.
Thành phần chiết xuất từ đào nhân có tác dụng chống viêm tai chuột do hóa chất gây nên. Tại Nhật Bản, thành phần protein PR-A và PR-B từ đào nhân có tác dụng ức chế rõ rệt phù bàn chân chuột do caragenin gây nên.
Dạng chiết nước và chiết cồn của đào nhân thí nghiệm trên chuột cống trắng và chuột nhắt có tác dụng chống dị ứng.
5 Hạt đào có tác dụng gì
5.1 Tính vị, công năng
Đào nhân có vị đắng, ngọt, tính bình quy kinh tâm, can, đại tràng có tác dụng phá huyết, hành ứ, nhuận táo, hoạt trường.
5.2 Công dụng
Đào nhân để nguyên vỏ lụa và đầu nhọn, dùng sống bằng cách giã dập có tác dụng phá huyết còn ngâm nước nóng cho tróc vỏ lụa, cắt đầu nhọn sao vàng lại cho tác dụng hoạt huyết.
Đào nhân có thể chữa bế kinh, trưng hà (hòn, cục trong bụng), phong tỳ, ứ huyết sưng đau, còn chữa ho, hen suyễn khó thở.
Tại Nhật Bản còn dùng chữa cho phụ nữ có rối loạn nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh.
Liều dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc uống liều 4,5-9g mỗi ngày.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng.
6 Bài thuốc có đào nhân
6.1 Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng
Dùng 6-8g mỗi vị đào nhân, hồng hoa, Ngưu Tất, Tô mộc, mần tưới, nghệ vàng.
Đem sắc nước uống.
6.2 Chữa máu kết thành cục không tan trong bụng
Dùng 3g đào nhân đã bổ vỏ, 3g hồng hoa, 3 g tô mộc, 2,5g thanh bì, 1g ô dược, 2g Độc Hoạt, 3,5g Bạch Tật Lê bỏ gai.
Đem sắc nước uống
6.3 Chữa huyết bế sau đẻ
Dùng 12g đào nhân bỏ vỏ và 1 cái ngó Sen, đem sắc nước uống.
6.4 Chữa bế kinh, ứ huyết đau kinh
Đào nhân 6g, Đương Quy 10g, Xích Thược 10g, Xuyên Khung 3g, Hồng Hoa 5g, đem sắc nước chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Ngoài ra, khi tìm hiểu các bài thuốc, bạn có thể bắt gặp thông tin về bài thuốc chứa đào nhân, hạnh nhân, chi tử, hạt tiêu và gạo nếp, nghiền ra, trộn với lòng trắng trứng rồi đắp vào lòng bàn chân để ngăn ngừa tai biến. Các chuyên gia đã cảnh báo không có cơ sở khoa học cho phương pháp này, cũng như chưa chứng minh được tác dụng của bài thuốc. Vì vậy, bạn không nên dùng.
7 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006). Đào trang 743 - 747, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 19 tháng 06 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Chuyên luận dược liệu: Đào (hạt) trang 1157-1159, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 19 tháng 06 năm 2023.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Đào trang 706 - 707, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 19 tháng 06 năm 2023.