Đăng Tâm Thảo (Juncus effusus Linn.)

2 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây
Đăng Tâm Thảo (Juncus effusus Linn.)

Đăng tâm thảo được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ bảo vệ tim phổi, thần kinh. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Đăng tâm thảo.

1 Đăng tâm thảo là cây gì?

Đăng tâm thảo còn có tên gọi khác là Bấc, Cỏ bấc đèn, mọc thành từng khóm từ vùng ven biển tới trung du và cả vùng núi.

Tên khoa học của Đăng tâm thảo là Juncus effusus Linn., thuộc họ Bấc (Juncaceae).

Hình ảnh và hình vẽ Đăng tâm thảo
Hình ảnh và hình vẽ Đăng tâm thảo

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thân thảo sống lâu năm, cao 0,5-1m. Thân tròn cứng, mọc thành cụm dày, đường kính thân 1,5-4mm, mặt ngoài màu xanh nhạt có vạch dọc; ruột xốp cấu tạo bởi những tế bào hình sao, để hở nhiều lỗ khuyết lớn. Lá thoái biến rất nhiều, chỉ còn bẹ ở gốc thân, màu hoe hoe hoặc nâu.

Cụm hoa mọc ở giữa thân, phân nhánh xếp thành hình cầu gồm rất nhiều hoa đều, lưỡng tính, màu lục nhạt; bao hoa khô xác, gồm 6 phiến hẹp, nhọn, không phân hóa; nhị 3, bao phấn hình sợi; bầu có vòi ngắn, 3 núm. Quả nang tròn, hơi dài hơn bao hoa, chứa nhiều hạt nhỏ. Mùa hoa quả vào tháng 3-7.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lõi thân, ruột cây. 

Cây được thu hái vào tháng 9-10, cắt về rạch dọc thân cây để tách lấy lõi, bó thành bó rồi phơi hoặc sấy khô. Có thể dùng nguyên sợi hoặc làm thành bột bằng cách tẩm với nước cơm phơi khô mới dễ tán, sau đó cho vào nước, vớt bột bấc nổi phía trên sử dụng.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây có nhiều ở Hà Nam, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

2 Thành phần hóa học

Dưới đây là các hợp chất đã được phân lập từ Đăng tâm thảo:

  • Coumarin và dẫn xuất: 2 hợp chất acid ester coumarin đã được xác định từ chiết xuất Đăng tâm thảo, bao gồm Juncusyl ester A & B và (2s)-1-O-p-coumaroyl glyceride. 
  • Terpen: Effusenone (A). Có 5 triterpen glyceride được phân lập từ phần trên mặt đất của Đăng tâm thảo: Juncoside I–V.
  • Acid phenolic: P-Coumaric acid, vanillic acid, methyl p-hydroxybenzoate, markhamioside F, canthoside B và caffeic acid-3‘-O-glucorhamnoside đã được báo cáo là có trong lõi của Đăng tâm thảo.
  • Phenanthren: Có 5 phenanthren glycoside trong Đăng tâm thảo - effusides I–V.
  • Flavonoid: Bao gồm Luteolin-4‘-O-glucoside, Quercetin, Isocutellarein pent methyl ether, Luteolin-5,30-dimethyl ether.

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Bình vôi - Vị thuốc an thần, giảm đau nhức hữu hiệu

3 Đăng tâm thảo có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Bảo vệ răng miệng

Tiền xử lý các tế bào biểu mô miệng bằng chiết xuất nước từ Đăng tâm thảo làm giảm đáng kể P.gingivalis hoặc quá trình sản xuất chemokine qua trung gian lipopolysaccharide- (LPS-); và bảo vệ các tế bào biểu mô miệng khỏi tổn thương bởi các chất kích thích hóa học, Cetylpyridinium clorua và benzethonium clorua. Hơn nữa, chiết xuất nước từ Đăng tâm thảo kết hợp chất kháng khuẩn hoặc thuốc chống tiêu sợi huyết đã được sử dụng làm thành phần trong nước súc miệng có thể làm giảm đáng kể việc sản xuất chemokine từ các tế bào biểu mô miệng được kích thích bởi P.gingivalis LPS.

3.1.2 Các tác dụng khác

Khả năng gây độc tế bào và chống khối u: Một số phenanthrene được phân lập từ Đăng tâm thảo đã thể hiện các hoạt tính chống ung thư in vitro và gây độc tế bào tốt. Nhiều chất chuyển hóa 9,10-dihydrophenanthrene được phân lập từ Đăng tâm thảo có hoạt tính chống ung thư trong ống nghiệm.

Kháng khuẩn, kháng virus: Hoạt tính kháng virus đã được báo cáo đối với chiết xuất ethyl axetat và dihydrophenanthrenes của Đăng tâm thảo.

Kháng nấm: Ngoài ra, hoạt động chống tảo của dihydrophenanthrenes được phân lập từ Đăng tâm thảo đã được báo cáo. Cũng có báo cáo rằng Phenylpropane Glycerides được phân lập từ Đăng tâm thảo có tác dụng chống ung thư trên Selenastrum capricornutum.

Tác dụng của Đăng tâm thảo
Tác dụng của Đăng tâm thảo

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Lạc tiên - Vị thuốc bổ giúp an thần, chữa mất ngủ

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Đăng tâm thảo có tính hơi hàn, vị ngọt, nhạt, quy vào kinh tâm, phế, tiểu trường, có tác dụng thanh tâm, thanh nhiệt lợi thấp, giáng hỏa, lợi thủy, thông lâm.

Trong đông y, Đăng tâm thảo được dùng trong làm mát tim phổi, chống sốt cao, tâm phiền, tim hồi hộp, khó ngủ, trẻ khóc đêm, lợi tiểu, tiêu phù thũng, vàng da, miệng lưỡi lở loét, viêm họng.

4 Các bài thuốc từ vị thuốc Đăng tâm thảo

4.1 Trị lâm chứng

Nhiệt lâm nói chung: Đăng tâm thảo 9g, Xa tiền thảo, Phượng vĩ thảo, mỗi thứ 30g sắc với nước vo gạo uống.

Chữa tiểu ít, tiểu khó, phù thũng: Dùng Đăng tâm thảo 8g, Mộc thông, Mã Đề, Cỏ xước mỗi vị 12g. Sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày. Hoặc: Sắc 8g Đăng tâm thảo với 250ml nước trong 15 phút, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa tiểu buốt, tiểu đục, tiểu máu: Dùng Đăng tâm thảo, Bạch mao căn mỗi vị 8g, sắc lấy nước uống trong ngày.

Tiểu đau, tiểu khó: Cam Thảo, Mộc thông, Chi Tử, Đông quỳ tử mỗi thứ 9g, Hoạt thạch 12g, Đăng tâm 3g. Sắc uống.

Bí tiểu do thực nhiệt: Bột Đăng tâm thảo 100g, Phục Linh bỏ vỏ 200g, Hoạt thạch (thủy phi) 200g, Trư linh 80g, Trạch Tả 120g, Nhân Sâm 480g, xắt lát, nấu thành cao, trộn với bột thuốc, làm thành viên to bằng hạt nhãn lớn, dùng Châu sa bọc ngoài làm áo. Mỗi lần dùng 1 viên.

4.2 Trị mất ngủ

Trị khó ngủ: Đăng tâm thảo sắc uống thay trà thì ngủ được.

Chữa tim hồi hộp, khó ngủ, miệng khát: Dùng Đăng tâm thảo 4g, lá Tre, Mạch Môn mỗi vị 12g, sắc uống.

Trường hợp mất ngủ, bức rức, miệng khát: Đăng tâm thảo 3g, Đạm trúc diệp 9g, hãm với nước như trà.

4.3 Trị các chứng chảy máu 

Trị bị thương ra máu: Đăng tâm thảo, nhai nhỏ đắp vào nơi vết thương thì cầm.

Trị chảy máu cam không cầm: Dùng 40g Đăng tâm tán bột, bỏ vào 4g Đơn sa, uống với nước cơm, lần uống 8g.

4.4 Trị viêm họng cấp, bệnh răng miệng

Đăng tâm 1 nắm, dùng 2 tấm ngói đốt Đăng tâm tồn tính, lại sao một muỗng muối,  trộn lại, thổi vào miệng họng nhiều lần thì đỡ.

Hoặc Đăng tâm đốt cháy 6g, trộn bột Bồng sa trộn vào. Phương khác dùng Đăng tâm và lá cọ đốt cháy, mỗi thứ liều dùng bằng nhau thổi vào họng.

Chữa viêm họng, lở loét miệng: Dùng Đăng tâm thảo đốt tồn tính, lấy bột thổi vào họng hoặc bôi vào vết loét.

4.5 Trị đậu sang làm cho người mệt như suyễn, tiểu tiện không thông

Dùng 1 nắm Đăng tâm, Miếp giáp 80g, nước 1 thăng rưỡi, sắc 6 chén uống 2 lần.

Trà Đăng tâm thảo giúp an thần, trị mất ngủ
Trà Đăng tâm thảo giúp an thần, trị mất ngủ

4.6 Trị vàng da do thấp nhiệt

Dùng Rễ đăng tâm thảo 120g, rượu với nước mỗi thứ 1 nửa bỏ trong bình sứ, sắc nửa ngày, phơi sương một đêm, uống nóng.

Ngoài ra theo báo cáo, người ta dùng Đăng tâm thảo kết hợp với Thổ Ngưu Tất sắc uống trị phù do tim, nếu thuộc phong thấp thì thêm rễ cây Xú ngô đồng 30g. Sắc uống.

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Abdelsamed I. Elshamy và cộng sự (Đăng vào tháng 7 năm 2012). Phytochemical review of Juncus L. genus (Fam. Juncaceae), ResearchGate. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2023. 

2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Bấc trang 136-137, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2023.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Đăng Tâm Thảo (Juncus effusus Linn.)

An Thần Yên Bái
An Thần Yên Bái
Liên hệ
Hoàn An Thần
Hoàn An Thần
Liên hệ
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633