Đắng Cảy (Đắng Cay, Đắng Cây - Zanthoxylum armatum DC.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Sapindales (Bồ hòn) |
Họ(familia) | Rutaceae (Cam) |
Chi(genus) | Zanthoxylum |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Zanthoxylum armatum DC. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Zanthoxylum planispinum Sieb. et Zucc. Zanthoxylum alatum Roxb. |
Đắng cảy thuộc dạng cây nhỏ hay cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 3 đến 4 mét, phân cành nhiều. Thân và cành cây đều nhẵn, có nhiều gai dẹt, màu nâu. Lá đắng cây mọc kép lông chim. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Zanthoxylum armatum DC.
Tên đồng nghĩa: Zanthoxylum planispinum Sieb. et Zucc., Zanthoxylum alatum Roxb.
Tên gọi khác: Thục tiêu, Hoàng mộc, Đắng cay, Đắng cây, Hoa tiêu, Trúc diệp tiêu.
Họ thực vật: Rutaceae (Cam).
1.1 Đặc điểm thực vật
Đắng cảy thuộc dạng cây nhỏ hay cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 3 đến 4 mét, phân cành nhiều. Thân và cành cây đều nhẵn, có nhiều gai dẹt, màu nâu.
Lá đắng cây hay lá Đắng cảy mọc kép lông chim, mọc so le, có 3-5 lá chét, không có cuống, các lá có kích thước to dần về phía ngọn, phiến lá chét có dạng hình mũi mác, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn, cuống chung có cánh ở giữa, khi soi lá thì thấy tuyến mờ, vò ra có mùi thơm hắc.
Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, hoa đơn tính, màu trắng lục, có 5 lá đài, 5 cánh hoa hẹp ngang, hoa đực có 5 nhị dài bằng cánh hoa, chỉ nhị mảnh, bầu lép, nhị của hoa cái tiêu giảm thành lưỡi, mỗi bầu có 1-5 noãn.
Quả nang, vỏ quả ngoài sần sùi, có tuyến chứa tinh dầu, quả khi chín có màu đỏ nâu, nứt tạo thành 2 mảnh.
Hạt đơn độc, có dạng hình cầu, màu đen.
Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 6, mùa quả từ tháng 8 đến tháng 9.
Dưới đây là hình ảnh cây Đắng cảy:
1.2 Thu hái và chế biến
Rễ, lá, vỏ, thân thu hái quanh năm, đem phơi khô.
Quả chín và hạt thu hái vào mùa thu, phơi trong bóng râm hoặc đem sấy nhẹ.
2 Đặc điểm phân bố
Zanthoxylum L. là một chi lớn gồm các loài cây bụi, bụi trườn, một số loài thuộc dạng cây gỗ. Trên thế giới, chi này tập trung chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Bắc bán cầu.
Tại nước ta, chi này có 12 loài, trong đó có 9 loài được dùng để làm thuốc, trong đó có cây Đắng cảy.
Đắng cảy phân bố ở phía Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Việt Nam và một số quốc gia khác. Tại nước ta, cây thường được tìm thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang với độ cao phân bố khoảng 1500 mét. Tại Ấn Độ, giới hạn độ cao này là 600 đến 2100 mét.
Đắng cảy là loài ưa sáng, cây có khả năng sinh sống được trong khu vực khô hạn, Đắng cảy thường mọc ở những khu rừng thứ sinh, khu rừng ẩm, bờ nương rẫy hoặc bờ rào.
Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, dễ bị nhầm lẫn với các loài cùng chi, được trồng chủ yếu bằng hạt, cây phát triển nhanh.
3 Thành phần hóa học
Dầu hạt có chứa xanthoplanin và các acid hữu cơ.
Thành phần của tinh dầu chủ yếu là linalool, Limonene, cinnamate và các thành phần khác với hàm lượng thấp.
3 chất kết tinh đã được phân lập từ dịch chiết ether dầu của cây.
4 Tác dụng của cây Đắng cảy
Các thử nghiệm sàng lọc dược lý cho thấy, thân cây Đắng cảy có tác dụng hạ lượng đường trong máu.
5 Công dụng theo Y học cổ truyền
5.1 Tính vị, tác dụng
Hạt có vị cay, tính ấm, hơi độc, quy vào kinh phế, vị, có tác dụng làm ấm bụng, trừ hàn thấp, sát trùng, tan khí lạnh.
5.2 Công dụng
Hạt của cây Đắng cảy được dùng để chữa đau bụng, tiêu chảy.
Lá cây đem sắc đặc, ngậm khi bị sâu răng, có thể dùng lá nấu nước xông, rửa trong trường hợp bị mề đay, phong hủi.
Y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng vỏ, quả và hạt từ cây Đắng cảy để trị đầy hơi, giúp dễ tiêu, trị giun sán. Vỏ thân có tác dụng làm sạch răng.
Quả và hạt của cây dùng để chữa sốt và khó tiêu. Cao quả có tác dụng tẩy giun đũa. Nhờ tính chất khử mùi, sát trùng, tẩy uế mà quả của cây Đắng cảy còn được dùng để trị các bệnh liên quan đến răng miệng hoặc làm thuốc bôi ghẻ, thuốc chống ruồi muỗi trong nhà. Vỏ cây và nhiều bộ phận khác còn được dùng để làm bả cá và xua đuổi côn trùng. Quả khô cho tinh dầu dùng để sản xuất xà phòng, các chế phẩm chăm sóc răng miệng. Để trị đái tháo đường, có thể dùng bài thuốc gồm 10g lá khô Đắng cảy, 40g Vỏ xoài, 40g vỏ vối rừng, 40g vỏ Acacia nilotica, đem sắc với 8 lít nước cho đến khi còn 2 lít, mỗi lần uống 50ml, ngày 2 lần sau ăn.
5.3 Rễ cây Đắng cây có tác dụng gì?
Nhân dân Nepal sử dụng Đắng cảy làm thuốc chữa chảy nước mũi, viêm xổ, giúp long đờm.
Ngoài ra, người ta còn sử dụng rễ cây đắng cay với lượng 25g đem sắc với 100ml nước trong 20 phút, sau đó đem lọc và uống 3 thìa cà phê, trong 3 ngày, mỗi ngày uống 1 lần để trị giun sán.
Để trị giun sán cho gia súc dùng rễ Đắng cay, rễ chanh, muối, các vị dùng lượng bằng nhau, đem nghiền nhỏ, mỗi lần cho uống 4-8 thìa cà phê tùy thuộc vào trọng lượng của súc vật, uống trong 2-3 ngày, mỗi ngày uống 2-3 lần.
6 Một số cách trị bệnh từ cây Đắng cảy
6.1 Chữa đau bụng, tiêu chảy, lạnh dạ
8g hạt Đắng cảy sao, tán nhỏ, uống cùng nước nóng.
6.2 Chữa đau bụng giun
8g hạt Đắng cảy.
12g Ô mai.
Các vị đem sắc nước uống.
7 Cách chế biến rau Đắng cảy
Rau Đắng cảy sau khi hái về cần chế biến ngay để giữ được độ giòn và độ ngon. Dưới đây là một số cách chế biến món ăn ngon từ rau Đắng cảy:
Rau đắng cảy xào lòng gà
Chuẩn bị:
- Rau đắng cảy.
- Rau ngải cứu.
- Lòng, mề gà.
- Hành tím, ga
Cách thực hiện:
- Rau đắng cảy chọn lá non, rửa sạch.
- Rau Ngải Cứu rửa sạch, vò nát.
- Thêm dầu vào chảo, thêm hành, phi thơm.
- Thêm lòng gà vào xào, thêm muối cho ngấm.
- Thêm nước sôi vào đun.
- Thêm Gừng vào cho thơm.
- Thêm rau đắng cảy và rau ngải vào nấu cho chín, múc ra bát và thưởng thức.
7.1 Rau đắng cảy xào trứng gà
Chuẩn bị:
- Trứng gà: 2 quả.
- Rau đắng cảy.
- Gia vị.
Cách thực hiện:
- Rau đắng cảy cho vào chảo xào.
- Thêm trứng, gai vị vừa đủ.
- Cho ra đĩa và thưởng thức.
8 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam. Đắng cay, trang 752-753. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2024.