Đan Sâm (Huyết Sâm - Salvia miltiorrhiza Bunge)
114 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Đan sâm được biết đến khá phổ biến với công dụng giảm đau, bổ huyết và nhuận tràng hiệu quả. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Đan sâm.
1 Giới thiệu về Đan sâm
Đan sâm hay còn được gọi là Huyết sâm, Xích sâm, tên khoa học là Salvia miltiorrhiza Bunge, Lamiaceae (họ Hoa môi).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo lâu năm có chiều cao khoảng từ 40 đến 80 cm. Rễ nhỏ dài hình trụ có đường kính khoảng từ 0,5 đến 1,5 cm và có màu đỏ nâu. Lá kép mọc đối với thường gồm từ 3 đến 7 lá chét, trong đó lá chét giữa thường lớn hơn và mép lá chét có răng cưa tù. Mặt trên của lá chét có lông và màu xanh tro. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành dài khoảng 10 đến 15 cm với 6 vòng hoa, mỗi vòng thường gồm từ 3 đến 10 hoa, nhưng thông thường có 5 hoa, màu đỏ tím nhạt. Tràng hoa có 2 môi, môi trên cong hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ ba thùy, và có 2 nhị ở môi dưới. Quả của loài cây này có kích thước nhỏ, dài 3mm và rộng 1,5mm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ và thân rễ (Radix et Rhizoma Salviae miltiorhizae). Thu hoạch thường được thực hiện vào mùa đông. Sau khi đào lên, rễ được rửa sạch và loại bỏ các rễ con, sau đó phơi hoặc sấy khô. Nếu muốn sử dụng, rễ được tẩm nước và ủ mềm một đêm, sau đó thái mỏng và phơi khô. Rễ cũng có thể được sao qua hoặc tẩm rượu 1 giờ trước khi sử dụng. Để bảo quản, rễ cần được giữ ở nơi khô ráo và thoáng mát.
Mô tả Dược liệu Đan sâm: Cây có thân rễ ngắn, cứng chắc, đôi khi còn giữ nguyên phần gốc ở đỉnh. Rễ hình trụ dài, hơi cong và mặt ngoài màu đỏ nâu hoặc đỏ nâu tối, thô ráp, có vân nhăn dọc. Vỏ rễ già có màu nâu tía và thường bong ra. Chất liệu cứng và giòn, mặt bẻ gãy không chắc có vết nứt hoặc hơi phẳng và đặc, phần vỏ màu đỏ nâu và phần gỗ màu vàng xám hoặc màu nâu tía, với bó mạch màu trắng vàng được xếp theo hướng xuyên tâm. Dược liệu Đan sâm có mùi nhẹ, vị hơi đắng và se.
1.3 Đặc điểm phân bố
Loài cây này đã được đưa vào Việt Nam và trồng tại phía Bắc, tuy nhiên, sản lượng thu được là không đáng kể. Cây có khả năng thích nghi với môi trường sáng và ẩm, sinh trưởng tốt ở đất nước chúng ta. Cây thường ra hoa vào khoảng tháng 4-8 và cho trái vào khoảng tháng 7-10. Hiện tại, loại cây này được trồng tại một số địa điểm ở Việt Nam như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội và một số vườn thuốc, cũng như xuất hiện ở Trung Quốc và Nhật Bản.
1.4 Thành phần hóa học
Rễ Đan sâm chứa chủ yếu diterpenoid (tanshinon, isotanshinon...), polyphenol (acid salvianolic, acid caffeic, acid rosmarinic, acid lithospermic) và hơn 40 tanshinon bao gồm: tanshinone I, tanshinone IIA, tanshinone IIB, cryptotanshinone, hydroxytanshinone, dihydrotanshinone I, methyltanshinone, miltirone, tanshindiol, przewatanshinquinone, tanshinlactone, isotanshinone I, isotanshinone IIA và neotanshinone.
2 Tác dụng - Công dụng của Đan sâm
2.1 Tác dụng dược lý
Đan sâm có tác dụng giãn mạch vành, chống oxy hóa, bảo vệ tế bào cơ tim và gan, kháng viêm và cũng được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer và kháng khối u. Ngoài ra, Tanshinon - một hoạt chất có trong Đan sâm - cung cấp các tính chất khác như chống oxy hóa, chống viêm, chống ung thư, hoạt động như Phytoestrogen, giãn mạch, bảo vệ thần kinh và điều chỉnh chức năng trao đổi chất.
Tác dụng của Đan sâm đối với bệnh thận mạn tính: Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, đối với bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính, việc thúc đẩy lưu thông máu, loại bỏ huyết ứ cần được thực hiện trong suốt quá trình điều trị bệnh. Đan sâm là một trong những dược liệu được sử dụng phổ biến đối với bệnh thận mạn tính ở Trung Quốc, các bộ phận thường dùng là rễ khô và thân rễ. Đan sâm có thể bào chế thành thuốc viên nén, thuốc tiêm. Một số nghiên cứu trên lâm sàng cho thấy rằng, Đan sâm có thể cải thiện chức năng thận ở những bệnh nhân này thông qua cơ chế tăng tốc độ lọc cầu thận (GFR), giảm creatinin huyết thanh (SCr), giảm protein niệu, tăng Độ thanh thải creatinin, tuy nhiên, kết luận của các nghiên cứu này vẫn chưa được xác minh. Các nghiên cứu cũng tiết lộ rằng Đan sâm có thể làm giảm bớt tổn thương thận thông qua ức chế stress oxy hóa và apoptosis và phát huy tác dụng bảo vệ thận. Tanshinone IIA làm giảm đáng kể xơ hóa thận bằng cách ức chế việc tuyển dụng tế bào sợi vào thận và giảm tổn thương thận ở chuột mắc bệnh tiểu đường thông qua ức chế stress oxy hóa và viêm. Salvianolate có thể làm giảm bớt tổn thương thận ở chuột suy thận mãn tính thông qua stress chống oxy hóa. Các nghiên cứu cho thấy Đan sâm có thể đem lại lợi ích nhất định đối với bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính, tuy nhiên vẫn cần có những nghiên cứu sâu hơn để kết luận cụ thể.
2.2 Vị thuốc Đan sâm - Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng: Đan sâm có vị đắng, tính mát nhẹ; có tác dụng khư ứ chỉ thống, kích thích lưu thông máu, giúp giải độc và làm dịu tâm lý.
==> Xem thêm Dược liệu có tác dụng bổ huyết: Đương quy - Vị thuốc bổ huyết, giảm đau và nhuận tràng hiệu quả
Công dụng: Hiện nay, Đan sâm được sử dụng để điều trị nhiều bệnh như đau thắt ngực, kinh nguyệt không đều, đau bụng, tăng cường tuần hoàn máu, rong kinh đau bụng, tử cung xuất huyết, đau khớp xương, hòn báng do khí huyết tích tụ, phong tê, ung nhọt sưng đau, đơn độc, ghẻ lở và còn được dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ và trẻ em ăn uống thất thường. Liều lượng thường dùng là 6-12g mỗi ngày và có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc rượu xoa bóp.
Ở Quảng Tây (Trung Quốc), Đan sâm được dùng để chữa tử cung xuất huyết, kinh nguyệt không đều, ứ huyết đau bụng, kinh bế, sán khí, tim đau thắt và mất ngủ.
Ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, Đan sâm còn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường và thoái hóa khớp xương.
Chế phẩm:
- Opcardio – Viên hộ tâm (viên nang - Công ty cổ phần Dược phẩm OPC).
- Đan sâm - Tam Thất (viên bao phim - Công ty cổ phần xuất nhập khẩu y tế Domesco).
Tác dụng của Thuốc Đan sâm tam thất: Thuốc Đan sâm tam thất có tác dụng phòng và điều trị chứng đau thắt ngực, đau nhói vùng tim do huyết ứ và thiếu máu mạch vành. Ngoài ra, thuốc cũng có thể giảm đau đầu do huyết ứ, cải thiện tuần hoàn máu não và ngăn ngừa sa sút trí nhớ do lưu thông máu não kém.
2.3 Cao Đan sâm có tác dụng gì?
Cao Đan sâm được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm bệnh tim, tâm hư phiền nhiệt, hồi hộp khó chịu, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng dưới kết hòn cục, phong thấp các khớp sưng đau, thần kinh suy nhược, nhức đầu, mất ngủ, chấn thương sai khớp, mụn độc, và ghẻ lở.
3 Bài thuốc từ Đan sâm
3.1 Giáng chi tiêu khát linh
12g Đan sâm.
6g Hoàng Liên.
6g Ích Trí Nhân.
12g Hà Thủ Ô đỏ.
10g Sơn Tra.
6g Thiên hoa phấn.
6g Hoàng tinh.
10g Ngưu Tất.
12g Linh chi.
12g Trạch Tả.
12g Sinh Hoàng Kỳ.
Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường kèm theo rối loạn lipid máu. Giáng chi tiêu khát linh có tác dụng hoạt huyết tiêu thực, kiện tỳ ích vị, táo thấp hóa đàm, dùng để trị các triệu chứng ngực đầy tức, đau đầu, tê mỏi tay chân, chóng mặt, rêu lưỡi trắng, người mệt mỏi.
3.2 Điều trị kinh nguyệt không đều, động thai, đẻ xong máu hôi không ra hết, và đau khớp xương
Dùng Đan sâm đã rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, tán nhỏ và uống 8g mỗi ngày chia thành 3 lần, sử dụng với nước nóng.
3.3 Điều trị viêm gan mạn tính hoặc sưng gan, và đau vùng gan
Ddùng Đan sâm và Cỏ nọc sởi, mỗi vị 20g, sắc và uống hàng ngày.
3.4 Điều trị phong nhiệt và ghẻ lở
Dùng Đan sâm 20g, Thổ sâm 16g, Sà sàng (hạt) 16g, nấu nước để rửa khi còn nóng.
4 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Đan sâm trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Đan sâm trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.