Đại Hồi (Hồi, Bát Giác Hồi Hương - Illicium verum H.)

39 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Đại Hồi (Hồi, Bát Giác Hồi Hương - Illicium verum H.)

Đại hồi được sử dụng rộng rãi bởi công dụng trị rối loạn tiêu hóa, đau xương khớp. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Đại hồi thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây. 

1 Giới thiệu về cây Đại hồi

Đại Hồi còn có tên gọi khác là Hồi, được trồng ở độ cao 200-400m, trên đất phong hóa có tầng dày và ẩm.

Tên khoa học của Đại hồi là Illicium verum H., thuộc họ Hồi (Illiciaceae).

Theo Dược điển, vị thuốc Đại hồi có tên là Fructus Illicii veri.

Hình ảnh cây Đại hồi
Hình ảnh cây Đại hồi

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây gỗ nhỡ, chiều cao trung bình 6-10m, thân và cành thẳng, thân to, nhẵn, khi non có màu lục nhạt, sau chuyển nâu xám. Lá mọc so le, có mùi thơm, phiến nguyên, dày, cứng giòn, nhẵn bóng, dài 8-12cm, rộng 3-4cm, hình mác hoặc hình trứng thuôn, hơi nhọn đầu, mặt trên xanh bóng hơn mặt dưới.

Hoa lưỡng tính mọc đơn độc ở nách lá, có khi xếp 2-3 cái; cuống to, ngắn; 5 lá đài màu trắng có mép màu hồng; 5-6 cánh hoa đều nhau màu hồng thẫm; bao phấn 1–1,5 mm, hạt phấn có ba màu. Quả kép gồm 6-8 đại hoặc hơn, xếp thành hình sao đường kính 2,5-3cm, khi non màu xanh lục sau chuyển nâu sẫm, mỗi đại dài 10-15mm, có mũi nhọn ngắn ở đầu. Lá noãn dài 10mm, hình thuyền, cứng nhăn nheo, chứa một hạt. Hạt hình trứng, nhẵn bóng.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Quả Đại hồi và tinh dầu, đôi khi dùng cả hoa và lá.

Quả chín (từ màu lục chuyển sang màu vàng) được thu hái vào mùa thu, đông: tháng 7-9 và tháng 11-12, sau đó tách thành từng mảnh, bỏ hạt, rửa sạch, phơi trong bóng râm tới khô. Hoặc đem nhúng qua quả trong nước sôi, sấy nhẹ hoặc phơi trong bóng râm 5-6 ngày cho khô. Khi dùng tẩm rượu hoặc nước muối (cách giấy) sao qua. Tinh dầu có thể chiết xuất từ quả tươi hoặc khô.

Đại hồi
Đại hồi

1.3 Đặc điểm phân bố

Cây được trồng ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Giang. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Philippin, Jamaica.

2 Thành phần hóa học

2.1 Tinh dầu Đại hồi

Hàm lượng chất dễ bay hơi là 2,5–3,5% trong quả hồi tươi và 8–9% trong nguyên liệu khô. Theo các báo cáo đã công bố trước đây, tinh dầu từ quả hồi chủ yếu bao gồm (E)-anethole (70–94%), estragole, Limonene, (Z)-anethole, pinene, -phellandrene và -terpineol.

Thành phần chính trong tinh dầu Đại hồi
Thành phần chính trong tinh dầu Đại hồi

2.2 Sesquiterpen

Các sesquiterpene có cấu trúc độc đáo này thường được phân loại thành ba lớp khung, seco-prezizaane, anislactone và allo-cedrane. Veranisatins A, B và C lần đầu tiên được phân lập dưới dạng chất gây co giật mới với lượng nhỏ từ Đại hồi. Các sesquiterpene loại seco-prezizaane khác, tashironin A và tashironin cũng được phân lập từ rễ Đại hồi.

2.3 Phenylpropanoid và lignan

Phenylpropanoids, được sinh tổng hợp từ axit shikimic, rất có thể là thành phần đặc trưng của các loài Hồi. Hiện có một số chất đã được phân lập, bao gồm: Anisoxide, (E)-anethole và các chất tương tự (E)-anethole. Một số neolignan loại biphenyl, chẳng hạn như verimols G và H, được phân lập từ lá Đại hồi.

2.4 Flavonoid và các hợp chất khác

Các flavonol đã được phát hiện trong Đại hồi, bao gồm kaempferol và glycoside của nó, quercetin và glycoside của nó. 

Ngoài ra cũng đã phân lập được các hoạt chất khác như: (R)-sec-butyl--dglucopyranoside và axit shikimic.

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Gừng - Cải thiện tiêu hóa, chống nôn và chống say tàu xe hiệu quả  

3 Tác dụng - Công dụng của Đại hồi

3.1 Tác dụng dược lý 

3.1.1 Kháng khuẩn

Những phát hiện gần đây đã chỉ ra rằng các chất chiết xuất từ CO2 và Ethanol siêu tới hạn của Đại hồi đã phát huy tác dụng kháng khuẩn đáng kể đối với 67 chủng phân lập kháng thuốc lâm sàng, bao gồm 27 Acinetobacter baumannii, 20 Pseudomonas aeruginosa và 20 chủng Staphylococcus aureus kháng methicillin.

Hoạt tính kháng khuẩn in vitro của dịch chiết metanol và nước sắc quả Đại hồi cũng được chứng minh là chống lại các vi khuẩn gây bệnh nha chu kỵ khí và hiếu khí tùy tiện: Porphyromonas gingivalis, Prevotella spp., Fusobacterium nucleatum, Capnocytophaga gingivalis, Veilonella parvula, Eikenella corrodens, Peptostreptococcus microsActinomyces odontolyticus.

3.1.2 Chống oxy hóa

Hoa hồi chứa tương đối ít phenolic (2,02 g axit gallic tương đương/100 g trọng lượng khô) và có hoạt tính chống oxy hóa hơi thấp. Tác dụng nhặt rác của dịch chiết ethyl acetat đối với gốc tự do DPPH tăng tuyến tính khi nồng độ tăng từ 5 đến 20 mg/mL.

3.1.3 Hoạt động giảm đau, an thần và co giật

Chiết xuất metanol của cây hồi thể hiện tác dụng hạ nhiệt ở mức 3g/kg và ức chế quằn quại 23% ở liều uống 500mg/kg. Trong khi đó, chiết xuất etyl axetat cho thấy tình trạng hạ thân nhiệt ở liều uống 100mg/kg và sử dụng 500mg/kg gây co giật và gây độc tính chết người ở chuột. Trong số các hợp chất trong Đại hồi, veranisatin A đã được thử nghiệm thêm về tác dụng giảm đau và an thần. 

3.1.4 Các tác dụng khác

Các tác dụng khác của Đại hồi bao gồm: Ngăn ngừa tử vogn do sốc nhiễm trùng; trị bệnh lao; bảo vệ gan; chống khối u.

Tác dụng của Đại hồi
Tác dụng của Đại hồi

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Hoàng đằng - Vị thuốc chống viêm, trị kiết lỵ hiệu quả

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Đại hồi có tính ấm, vị cay, ngọt, mùi thơm, quy vào kinh tỳ, vị, can, thận, có tác dụng trừ đàm, khai vị, kiện tỳ, tiêu thực, giảm co bóp trong dạ dày và ruột, lợi sữa, trừ phong, giảm đau, sát trùng. Tinh dầu Hồi có tác dụng kích thích, làm dễ tiêu, chống co giật, ức chế sự lên men ruột, gây trung tiện, long đờm và lợi tiểu nhẹ.

Trong đông y, Đại hồi được dùng trong trị nôn mửa, tiêu chảy, trướng bụng, đau ruột sán khí; tiểu nhiều, đái dầm, ngộ độc thịt cá; tay chân nhức mỏi; rắn cắn. Tinh dầu Hồi trị đau bụng, dùng chữa ho, thấp khớp, đau tai, sát khuẩn, trị nấm da và ghẻ.

Liều lượng: Ngày dùng 3g - 6g dạng thuốc sắc hay ngâm rượu dùng đển xoa bóp.

Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng không được dùng.

4 Cách dùng Đại hồi trị bệnh trong Đông y

4.1 Trị cảm hàn, đau bụng thổ tả

Dùng Hồi hương tán bột uống mỗi lần 2g với rượu, ngày uống 3-4 lần. Hoặc uống tinh dầu Hồi mỗi lần 4 giọt, ngày uống 3-4 lần.

4.2 Trị hôi miệng, thở hôi

Dùng hoa Hồi nhai nuốt, mỗi lần vài cánh.

4.3 Trị đau lưng

Đại hồi bỏ hạt, tẩm nước muối sao, tán nhỏ, mỗi lần dùng 6-10g với rượu. Ngoài ra dùng lá Ngải Cứu chườm nóng vào lưng.

4.4 Trị cổ trướng, thũng trướng mạn tính

Nguyên liệu: Đại hồi 2g, hạt Bìm Bìm đen 8g.

Cách làm: Tán thành bột, chia làm 2-3 lần uống trong ngày, dùng 3-4 ngày.

4.5 Trị đại tiểu tiện không lợi

Nguyên liệu: Đại hồi, Bìm bìm đen tỷ lệ 1:4.

Cách làm: Tán thành bột, mỗi lần uống 4g với nước Gừng.

4.6 Trị hàn sán, vùng bụng và khu vực rốn quặn đau, dịch hoàn sưng

Nguyên liệu: Đại hồi (sao muối), Mộc Hương, Xuyên luyện tử, Sa sâm mỗi vị 40g.

Cách làm: Tán thành bột, luyện với mật tạo viên hoàn bằng hạt ngô. Uống 12-16g với rượu nhạt hoặc nước sôi pha muối, uống 1 lần, nếu bệnh nặng có thể uống 2 lần.

Tinh dầu Đại hồi trị đau bụng, rối loạn tiêu hóa
Tinh dầu Đại hồi trị đau bụng, rối loạn tiêu hóa

4.7 Hỗ trợ trị tụt huyết áp, trụy mạch, choáng váng

Nguyên liệu: Đại hồi, Can khương, Sinh khương, Quế nhục mỗi vị 4g.

Cách làm: Sắc lấy nước uống.

4.8 Trị đau răng, viêm lợi, sưng đau nướu

Nguyên liệu: Quả Đại hồi, Kê nội kim (màng mề gà) đốt tồn tính, mỗi thứ 10g, Phèn phi (dạng bột) 30g.

Cách làm: Tán thành bột, bỏ lọ dùng dần. Khi dùng lấy bột thoa lên vùng răng lợi bị sưng đau.

4.9 Trị thấp khớp

Đại hồi hãm với nước sôi, uống như trà.

4.10 Trị sa ruột, đau bụng, sa tinh hoàn

Nguyên liệu: Đại hồi, hạt Vải sao đen, đồng lượng.

Cách làm: Tán thành bột, mỗi lần uống 8g với rượu ấm.

4.11 Trị hàn thấp gây ho bạch đới

Nguyên liệu: Đại hồi 12g, Can khương 8g.

Cách làm: Sắc lấy nước, pha với đường đỏ uống 1 thang/ngày.

5 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Guo-Wei Wang và cộng sự (Ngày đăng 14 tháng 6 năm 2011). Illicium verum: A review on its botany, traditional use, chemistry and pharmacology, ScienceDirect. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2023. 
  2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Hồi trang 1138-1140, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2023.
  3. Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Đại hồi (quả), trang 1149 - 1150, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 21 tháng 09 năm 2023.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Đại Hồi (Hồi, Bát Giác Hồi Hương - Illicium verum H.)

Dưỡng Vị Tán Xuân Quang 30g
Dưỡng Vị Tán Xuân Quang 30g
Liên hệ
Dầu Xoa Bóp Thảo Dược Mật Gấu
Dầu Xoa Bóp Thảo Dược Mật Gấu
75.000₫
Lactozim
Lactozim
Liên hệ
Natural Remedy + Deep Blue Health 
Natural Remedy + Deep Blue Health 
Liên hệ
Green Herb Oil
Green Herb Oil
Liên hệ
Vị Thống Tán
Vị Thống Tán
Liên hệ
Cinamom Gold
Cinamom Gold
Liên hệ
Fukaboshi
Fukaboshi
690.000₫
Tinh Dầu Thảo Dược XỊT HOÀNG GIA
Tinh Dầu Thảo Dược XỊT HOÀNG GIA
95.000₫
Lactamom
Lactamom
Liên hệ
Dầu lăn Ngải cứu Bảo Linh 10ml
Dầu lăn Ngải cứu Bảo Linh 10ml
Liên hệ
Dầu lăn Sâm Bảo Linh 10ml
Dầu lăn Sâm Bảo Linh 10ml
Liên hệ
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633