Cúc Kim Tiền
8 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Cúc kim tiền được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc dân gian, các tác dụng trong đó phải kể đến là trị viêm loét dạ dày, điều hòa kinh nguyệt, trị viêm họng... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về cúc kim tiền.
1 Giới thiệu về cây cúc kim tiền
Cây cúc kim tiền, nhiều nơi còn gọi với tên hoa xu si, có danh pháp quốc tế là Calendula officinalis L., thuộc họ cúc - Asteraceae
1.1 Mô tả thực vật
Cây cúc kim tiền là loại cây thảo, cao chỉ khoảng 20 – 30cm. Thân cây mềm, có các cạnh, khía. Đây là loại cây sống hàng năm.
Lá cây mọc kiểu so le, lá ở trên hình mác, càng về gần gốc lá thuôn hẹp dần.
Cụm hoa màu vàng cam, cam hay màu vàng, hoa dạng đơn hoặc kép, hình lưỡi, các cánh được xếp thành các vòng, tràng hoa có 5 cánh cùng với 5 nhị, bao phấn được dính ở xung quanh nhị.
Quả ở lưng có lông mọc dày, quả bế, cong
Mùa hoa quả hàng năm vào tháng 6, muộn nhất đến tháng 10
1.2 Phân bố, sinh thái
Ở Việt Nam chỉ có duy nhất cây cúc kim tiền thuộc chi Calendula L.
Theo nghiên cứu, cây mới được nhập trồng ở nước ta khoảng hơn 100 năm, cây ưa điều kiện môi trường ẩm mát, chỉ trồng được ở Đà Lạt và một số tỉnh phía Bắc.
Có thể dùng hạt để gieo giống hàng năm.
1.3 Bộ phận sử dụng
Người ta dùng thân, hoa và cả lá cây cúc kim tiền để làm thuốc.
2 Thành phần hóa học của cúc kim tiền
Cây cúc kim tiền chứa Flavonoid, triterpenoid, glycoside, saponin, Carotenoid, dầu dễ bay hơi, axit amin, steroid, sterol và quinine. Bộ phận trên mặt đất của cây chứa 6 loại saponin, thủy phân các Saponin này thu được acid glycuronic và acid oleanolic
Hoa Calendula (Calendula officinalis) có chứa triterpene glycosides và aglycones, carotenoids và tinh dầu.
Hạt của cây chứa dầu béo là các glycerid của acid palmitic và cả acid lauric
3 Tác dụng của cúc kim tiền
Theo một nghiên cứu trên bà mẹ cho con bú, cho thấy việc sử dụng hoa cúc kim tiền làm gia vị hay hương liệu được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ công nhận là an toàn. Hoa cúc kim tiền còn được ứng dụng để trị đau núm vú, nứt núm vú trong thời gian cho con bú.
Các thành phần hóa học trong cây cúc kim tiền mang lại tác dụng sinh học nhiều mặt như chống viêm, chống ung thư, trị giun sán, trị đái tháo đường, chữa lành vết thương, bảo vệ gan và chống oxy hóa. Ngoài ra, nó được sử dụng trong các trường hợp bỏng nhất định và các bệnh về đường tiêu hóa, phụ khoa, mắt và da.
Tác dụng trên ký sinh trùng amip Entamoeba histolytica chủng STA cho thấy dùng cao khô cúc kim tiền liều 300mg/kg có tác dụng trên ký sinh trùng amip
Tác dụng chống viêm: Tài liệu ở Đức cho thấy dịch chiết cúc kim tiền có tác dụng chống viêm rõ rệt trên mô hình gây viêm tai chuột bằng dầu ba đậu.
4 Công dụng
4.1 Tính vị, công năng
Cây cúc kim tiền theo các ghi chép cổ có tính bình, vị nhạt, hoa có tác dụng chỉ huyết, lương huyết còn rễ lại có tác dụng hoạt huyết
4.2 Công dụng
Cây cúc kim tiền được dùng để lợi tiểu, giúp ra mồ hôi, tăng tiết dịch mật, giúp điều hòa kinh nguyệt không đều
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, các thầy thuốc dùng cúc kim tiền trong các bài thuốc trị tiêu chảy ra máu, viêm loét dạ dày. Còn ở Bungari, thì các bệnh như cảm cúm, viêm ruột, dạ dày, hoàn đản, tiêu chảy ra máu, viêm phổi, viêm tai, viêm áp xe vú, âm đạo, đau khớp, cơ, bong gân, u xơ tử cung, kinh ra nhiều,... được điều trị bằng cúc kim tiền dạng thuốc sắc hay hãm uống với liều từ 5-40g
Còn dùng ngoài với lượng vừa đủ cúc kim tiền có thể điều trị vết thương thâm tím, lâu lành, da lở loét, bỏng, mụn trứng cá, côn trùng đốt, mẩn ngứa...
5 Các bài thuốc sử dụng cúc kim tiền
5.1 Bài thuốc trị cảm cúm, sốt, giúp ra mồ hôi, lợi tiểu
Lấy 30-40g hoa xu si hãm trong 10-15 phút với 1 lít nước sôi, uống thay nước
5.2 Bài thuốc trị vết thương, lở loét, mẩn ngứa
- Dùng cây cúc kim tiền, thái nhỏ rồi ngâm với cồn 70 độ theo tỷ lệ 1:10 trong 10 ngày, khi ngâm thỉnh thoảng lắc đều, sau đó lọc lấy dịch. Mỗi lần dùng lấy 25 giọt hòa cùng 150ml nước đun sôi để nguội để rửa, ngày rửa 2-3 lần
- Hoặc dùng hoa, nấu cao, lấy 5g cao, 40g ZnO, 10g Lanolin và lượng vaselin để vừa đủ 100g thuốc mỡ, dùng thuốc mỡ này bôi ngày 2 lần
- Sắc hoa lấy nước để rửa vết thương, vết loét nhiều lần mỗi ngày
5.3 Bài thuốc chữa mụn (trứng cá, mụn cơm)
Dùng phần lá cây cúc kim tiền giã lấy dịch bôi
6 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006). Cúc kim tiền trang 580-582, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: Chuyên gia pubmed (Ngày đăng: năm 2021). Calendula, Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: CKiran Shahane và cộng sự (Ngày đăng: năm 2023). An Updated Review on the Multifaceted Therapeutic Potential of Calendula officinalis L, Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 06 năm 2023