Cúc Hoa Vàng (Chrysanthemum indicum L.)
70 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Cúc hoa vàng (thường gọi là Hoa cúc vàng) được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị cảm sốt. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cúc hoa vàng.
1 Giới thiệu về cây Cúc hoa vàng
Cây Cúc hoa vàng còn có tên gọi khác là Kim cúc, Hoàng cúc, Cam cúc, thích hợp với khí hậu mát, khô ở độ cao tới 1500m.
Cúc hoa vàng với tên khoa học là Chrysanthemum indicum L., thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Theo dược điển Việt Nam 5 tập 2, vị thuốc Cúc Hoa Vàng sử dụng cụm hoa (hay gọi là hoa) đã chế biến và phơi hay sấy khô có tên Flos Chrysanthemi indici.
Cúc Hoa là loại dược liệu đã được sử dụng từ lâu đời, đây cũng được coi là biểu tượng của sự thuần khiết, thanh tao, là thức uống được giới quý tộc đặc biệt ưa thích vì không chỉ có hương thơm mà còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Trải qua nhiều năm phát triển, Cúc hoa dần trở thành một thức uống phổ biến, dần đi vào văn hóa của người dân Việt Nam.
Việt Nam là đất nước chịu nhiều ảnh hưởng bởi văn hóa của Trung Hoa do đó, Cúc hoa cũng được trồng và sử dụng từ lâu. Cúc hoa còn có tên gọi khác là Cúc chi (được trồng ở Nghĩa Trai - Hưng Yên), Dã cúc, Kim Cúc và còn có tên 'Cúc tiến vua'. Cúc hoa ở nước ta được đánh giá cao về hương vị và dược tính.
Trà hoa cúc được các phi tần thời bấy giờ sử dụng nhiều nhờ công dụng thanh nhiệt, chống oxy hóa, duy trì vẻ đẹp tươi trẻ. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cây thường được dùng để làm thuốc chữa bệnh.
Loài hoa này hiện nay ngày càng phổ biến, đặc biệt trong văn hóa uống trà. Trà hoa cúc có hương vị thơm ngon, giúp tăng cường sức khỏe, trở thành thức uống ưa thích của nhiều người.
Cúc hoa vừa là trà vừa là loại thảo dược quý có nhiều công dụng đối với sức khỏe của con người.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây Cúc hoa vàng là cây thân thảo, cao 0,25–1m, có thân rễ mọc dài hoặc ngắn; thân mọc thẳng hoặc mọc lan tỏa, phân nhánh, có lông thưa. Các lá phía dưới khô héo khi ra hoa; các lá ở thân giữa hình trứng, hình trứng dài hoặc hình elip, mọc so le, cả hai bề mặt đều có màu xanh nhạt hoặc màu ô liu, có lông tơ thưa thớt ở dọc trục, dạng lông chim, có thùy lông chim, hoặc phân chia không rõ ràng, gốc cụt, hơi hình dây hoặc hình nêm rộng; mép có răng thưa, không cuống.
Cụm hoa hình đầu mọc ở nách lá hoặc ngọn cành, đường kính 1-1,5cm, cuống dài 2,5cm. Lá bắc có 3-4 hàng, lá ngoài hình trứng hoặc hình tam giác, lá giữa hình trứng, lá trong hình elip hẹp; phiến hoa dạng tia màu vàng, dài 1–1,3 cm, đỉnh nguyên hoặc có 3 răng cưa. Các hoa vòng ngoài hình lưỡi, các hoa vòng trong hình ống. Quả bế không có mào lông.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng của cúc hoa: Cụm hoa.
Cụm hoa được thu hái vào mùa thu đông, khi trời khô ráo, đem hoa sau khi hái xông với Lưu Huỳnh, nén chặt khoảng một đêm, phơi ép tới héo, loại bỏ nước đen rồi phơi hoặc sấy ở 40 - 50 độ C tới khô.
Mô tả vị thuốc theo dược điển: Cụm hoa hình đầu, có màu vàng hơi ngả nâu, đôi khi còn đính cuống, đường kính khoảng 0,5 - 1,2 cm. Có tổng cộng 4-5 hàng lá bắc, mặt ngoài màu xanh hơi xám hoặc nâu nhạt, ở giữa hai bên mép rất nhạt và khô xác. Có hai loại hoa: Hoa hình lưỡi nhỏ một vòng, đơn tính, không đều ở phía ngoài, nhiều hoa hình ống, đều, mẫu năm, lưỡng tính phía trong. Chất nhẹ, mùi thơm, vị đắng.
Bảo quản: Để nơi khô thoáng, định kỳ xông lưu huỳnh.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cúc hoa vàng có nguồn gốc từ Ấn Độ, được tìm thấy ở nhiều vùng đồng bằng và trung du miền núi Bắc Bộ tới các tỉnh miền trung và Tây Nguyên. Ngoài ra còn gặp ở nhiều nước khác.
2 Thành phần hóa học
2.1 Flavonoid
Kết quả cho thấy hàm lượng flavonoid tổng số trong lá là cao nhất. Flavonoid đóng một vai trò quan trọng, trong đó flavonoid lianrin được coi là chất chuẩn kiểm soát chất lượng duy nhất của Cúc vàng.
Có khoảng 42 flavonoid được phân lập từ cây, bao gồm 38 flavonoid và 4 flavonoid dihydro với các flavonoid chính như linarin, acacilin, luteolin-7-glucopyranoside, acacetin-7-O-D-galactopyranoside.
2.2 Terpenoid
Terpenoid là một nhóm hợp chất có chứa một hoặc nhiều đơn vị isopren trong phân tử và phần lớn chúng được phân lập từ Cúc vàng là sesquiterpen. Cho tới nay có rất nhiều terpenoid đã được phân lập, chẳng hạn như một số sesquiterpen dimer, thậm chí cả trimer sesquiterpen hiếm đã xuất hiện. Có 96 sesquiterpen đã được phân lập và xác định, với chất chính là handelin, angeloylcumambrin, artegalasin).
2.3 Hợp chất phenylpropanoid và axit phenolic
Phenylpropanoid và axit phenolic cũng là những loại hợp chất hoạt động trong cây, và hầu hết chúng đều thể hiện các hoạt động sinh học rõ ràng và được tìm thấy rộng rãi trong tự nhiên. Cho đến nay, khoảng 21 hợp chất đã được phân lập và xác định, và cấu trúc của chúng được thể hiện trong hình dưới.
2.4 Polyaxetylen
Polyacetylen là loại hợp chất hydrocarbon đặc biệt được tìm thấy trong Cúc hoa vàng, và các nghiên cứu liên quan đã chỉ ra rằng loại hợp chất này có hoạt tính gây độc tế bào nhất định. 2 polyacetylen đã được chiết xuất từ Cúc vàng.
2.5 Các hợp chất khác
Ngoài các hợp chất nêu trên, một số hợp chất khác cũng đã được phân lập từ cây, chẳng hạn như steroid, tinh dầu (camphor, chrysanthenon, beta-caryophyllen oxyde) và chúng cũng chịu trách nhiệm cho một số hoạt tính. Ví dụ, có báo cáo rằng tinh dầu hoa Cúc vàng có hoạt tính kháng khuẩn.
3 Tác dụng - Công dụng của Cúc hoa vàng
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Vị thuốc Cúc hoa có hoạt tính chống oxy hóa rõ ràng và chiết xuất metanol có thể loại bỏ các gốc DPPH. Chiết xuất chất lỏng carbon dioxyde siêu tới hạn có thể làm tăng hoạt động của các enzym chống oxy hóa SOD, CAT và GPX, đồng thời điều chỉnh giảm hoạt hóa của NF-κB và các biểu hiện của TLR4/MyD88.
3.1.2 Hoạt động chống viêm
Chất chiết xuất từ Cúc vàng có tác dụng ức chế rõ ràng đối với các chất gây viêm này trong cơ thể con người. Chiết xuất Ethanol 70% của Hoa cúc vàng ức chế hoạt động của IL-1, TNF-α và ức chế sự tích tụ bạch cầu. Chiết xuất 80% metanol ức chế TNF-α, PGE-2 và COX-2. Các chiết xuất metanol cũng ức chế NF-κB và các thí nghiệm đã chỉ ra rằng Akt 1 và Akt 2 có thể là mục tiêu trực tiếp và hợp chất hoạt động chính có thể là Luteolin. Các chiết xuất carbon dioxide siêu tới hạn không chỉ có thể ức chế sản xuất các chất trung gian gây viêm như TNF-α, IL-1β, IL-6, mà còn điều chỉnh giảm sự kích hoạt của NF-κB.
3.1.3 Hoạt động điều hòa miễn dịch
Chiết xuất Hoa cúc vàng có hoạt tính ức chế chất điều hòa miễn dịch IL, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một phần hòa tan trong butanol của chất chiết xuất ethanol có tác dụng đáng kể trong việc kích hoạt kháng thể tế bào lymphopoiesis. Dịch chiết nước có thể làm giảm tỷ lệ thanh thải carbon ở chuột. Tóm lại, tác dụng điều hòa miễn dịch của chiết xuất Hoa cúc vàng được tạo ra bởi sự phối hợp lẫn nhau của các tác động lên tế bào miễn dịch và ức chế các chất điều hòa miễn dịch.
3.1.4 Hoạt động chống ung thư
Chiết xuất Hoa cúc vàng có thể ức chế sự phát triển của các dòng tế bào khối u ở người PC3 và HL60 ở liều lượng 32 μL/mL. Chiết xuất ethanol 95% của cây này có thể thúc đẩy quá trình chết theo chương trình của các tế bào MHCC97H thông qua con đường Caspase-3 phụ thuộc vào ty thể và ngăn chặn chu kỳ tế bào của các tế bào ung thư pha S bằng cách điều chỉnh tăng P21 và điều hòa giảm CDK4. Phần dung môi CH2Cl2 của chiết xuất ethanol 80% có thể ức chế đường truyền tín hiệu JAK1/2 và STAT3 để gây ra quá trình chết theo chương trình của tế bào, có tác dụng chống ung thư tuyến tiền liệt. Chiết xuất ethanol 70% có thể ức chế sự kích hoạt NF-κB do LMP1 gây ra và ức chế sự kích hoạt của các yếu tố gây ung thư gan.
3.1.5 Hoạt tính kháng khuẩn, virus
Dịch chiết của Hoa cúc vàng có tác dụng ức chế nhất định đối với S.aureus, E.coli, S.pneumoniae, P.aeruginosa và S.flexneri. Tinh dầu từ Cúc vàng có thể ức chế sự phát triển của S.aureus, E.coli và S.pneumoniae bằng cách làm hỏng quá trình trao đổi chất của vi sinh vật.
Ở khía cạnh kháng virus, chiết xuất Hoa cúc vàng có khả năng chống lại một số chủng, bao gồm HBV gây bệnh gan, virus cúm gia cầm (AIV), vi rút bệnh newcastle (NDV) và vi rút viêm phế quản truyền nhiễm ở gia cầm (IBV) nhờ khả năng ngăn ngừa virus khỏi sự hấp phụ, sinh sôi nảy nở hoặc ức chế sự lây lan của virus. Ngoài ra, dịch chiết nước có tác dụng ức chế đáng kể quá trình xâm nhập và quá trình hấp phụ của virus hợp bào hô hấp (RSV), virus viêm gan A ở vịt.
3.1.6 Hoạt động bảo vệ gan
Hoa cúc vàng có hoạt tính có lợi cho nhiều người bệnh gan, chẳng hạn như hoạt động chống HBV, làm giảm hoạt tính ALT và AST huyết thanh ở chuột bị tổn thương gan do rượu, tăng hoạt động của SOD trong mô gan, giảm hàm lượng MDA. Ngoài ra, chiết xuất nước có thể làm giảm độc tính trên gan và thận của thuốc chống ung thư adriamycin, có thể bắt nguồn từ hoạt động chống oxy hóa và hoạt động bảo vệ tế bào.
3.1.7 Hoạt động bảo vệ thần kinh
Chiết xuất Hoa cúc vàng có hoạt tính bảo vệ thần kinh và có tác dụng nhất định đối với bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson, có thể liên quan đến việc ức chế quá trình chết theo chương trình của tế bào thần kinh và ức chế con đường truyền tín hiệu NF-κB /IκB-a. Tinh dầu làm giảm stress oxy hóa nội bào và hoạt động kháng cholinesterase theo cách phụ thuộc vào liều lượng và cũng tăng cường hoạt động của tế bào thần kinh PC-12.
3.1.8 Các hoạt tính khác
Ngoài các hoạt tính kể trên, chiết xuất Hoa cúc vàng còn có hoạt tính đối với tim mạch. Dịch chiết nước của cây có thể tạo ra sự giãn nở động mạch vành và mạch máu hệ thống một cách trực tiếp và đồng đều, đồng thời kèm theo sự co thắt của các mạch thận. Tinh dầu giúp giảm huyết áp và giúp thư giãn tinh thần và thể chất. Bên cạnh đó, chiết xuất từ Hoa cúc vàng có thể được sử dụng để điều trị bệnh gút bằng cách ức chế sản xuất axit xanthine oxidase, do đó làm giảm axit uric và đã được sử dụng làm thành phần chính trong một số bài thuốc cổ truyền. Chiết xuất n-butanol của Hoa cúc vàng có thể làm giảm bớt tổn thương oxy hóa thận qua trung gian natri valproat ở chuột, có thể bằng cách tăng cường khả năng chống oxy hóa nội sinh và bình thường hóa cấu trúc bệnh lý của thận. Phần etyl axetat trong chiết xuất etanol có thể ngăn ngừa béo phì một cách hiệu quả.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Hoa cúc vàng có tính hơi hàn, mùi thơm, vị đắng, cay, quy vào kinh phế, thận, can, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, minh mục, giáng áp.
Trong đông y, Hoa cúc vàng được dùng trong:
- Phòng cảm lạnh, cúm, viêm não.
- Viêm mủ da, viêm vú.
- Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao.
- Đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt.
- Viêm gan, kiết lỵ.
- Dùng ngoài trị đinh nhọt, rắn cắn, chấn thương bầm dập.
Liều lượng mỗi ngày từ 8 - 12g có thể đến 30g ở dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn ỉa chảy không nên dùng cúc hoa vàng.
4 Các bài thuốc từ cây Hoa cúc vàng
4.1 Trị cảm mạo phong nhiệt
Nguyên liệu: Cúc hoa vàng, Cát Căn, Tang diệp, rễ Lau mỗi vị 12g, Bạc Hà, Cam Thảo mỗi vị 5g.
Cách làm: Sắc uống mỗi ngày một thang.
4.2 Phòng cảm cúm
Nguyên liệu: Cúc hoa, Diếp Cá, Kim ngân dây mỗi vị 30g.
Cách làm: Sắc với 500ml nước tới khi còn 200ml, uống mỗi lần 20ml, ngày 3 lần.
4.3 Trị đinh nhọt
Nguyên liệu: Hoa cúc vàng, Bồ Công Anh, Tử hoa địa đinh mỗi vị 30g, Kim ngân 60g.
Cách làm: Sắc lấy nước uống.
4.4 Trị mụn nhọt các loại, viêm vú, mụn nhọt sưng nóng đỏ đau chưa lên mủ
Nguyên liệu: Cúc hoa vàng 20g khô hoặc 60-80g tươi, Kim ngân, Bồ công anh, Cam thảo mỗi vị 12g.
Cách làm: Sắc kỹ, uống nóng ngày 1 thang.
Hoặc: Dùng một nắm lá Cúc hoa vàng tươi và 3 cây hành tươi rửa sạch, giã nát, thêm ít muối đắp lên vết thươn ngày một lần.
4.5 Tang cúc ẩm gia giảm trị hoa mắt, chóng mặt, mắt khô
Nguyên liệu: Cúc hoa vàng, hạnh nhân, Cát Cánh mỗi vị 8g, tang diệp 12g, liên kiều 6g, cam thảo, đạm trúc điệp mỗi vị 4g.
Cách làm: Sắc uống ngày một lần.
4.6 Kỷ cúc địa hoàng hoàn trị hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ, mũi tắc
Nguyên liệu: Kỷ tử 20g, cúc hoa vàng, Đan bì, Phục Linh, Trạch Tả mỗi vị 12g, Thục Địa 32g, sơn thù, Hoài Sơn mỗi vị 16g.
Cách làm: Tán nhỏ thành bột, luyện với Mật Ong tạo viên hoàn bằng hạt ngô, mỗi ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 16-20 viên.
4.7 Cúc hoa trà điều tán trị hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ, mũi tắc
Nguyên liệu: Cúc hoa vàng, Xuyên Khung, Kinh Giới, bạc hà, Phòng Phong, khương hoạt, Hương Phụ, cam thảo, Bạch Chỉ, Tế Tân, khương tàm đồng lượng.
Cách làm: Tán nhỏ thành bột, uống 4-6g mỗi lần sau bữa ăn với nước chè.
5 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Yanhao Shao và cộng sự (Ngày đăng 20 tháng 5 năm 2020). Chrysanthemum indicum L.: A Comprehensive Review of its Botany, Phytochemistry and Pharmacology, PubMed. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Cúc hoa vàng (cụm hoa) trang 1130-1131, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 08 tháng 09 năm 2023.
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Cúc hoa trang 125-126, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Cúc hoa vàng trang 671-672, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2023.