Cốt Khí Muồng (Vọng Giang Nam, Muồng Tây, Muồng Lá Khế - Cassia occidentalis L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Caesalpiniaceae (Vang) |
Chi(genus) | Cassia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Cassia occidentalis L. |
Vọng giang nam thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,6 đến 1 mét, gốc cây hóa gỗ. Thân cành đều có cạnh. Lá cây Vọng giang nam mọc theo kiểu lá kép lông chim, so le. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Cassia occidentalis L.
Tên gọi khác: Cốt khí hạt, Muồng lá khế, Cốt khí muồng, Muồng bạch yến, Muồng tây.
Họ thực vật: Caesalpiniaceae (Vang).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cốt khí muồng thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,6 đến 1 mét, gốc cây hóa gỗ.
Thân cành đều có cạnh.
Lá cây Cốt khí muồng mọc theo kiểu lá kép lông chim, so le, chiều dài có khi lên đến 30cm, mỗi cành lá gồm từ 2 đến 6 đôi lá chét không có cuống hoặc cuống lá rất ngắn., mọc đối, phiến lá chét có dạng hình bầu dục, gốc lá tròn, đầu lá thuôn nhọn dài, cuống lá kép có một tuyến màu nâu ở gần gốc.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành tạo thành chùm, chiều dài khoảng 5cm, ngắn hơn lá, kích thước các lá đài không bằng nhau, những lá ở phía ngoài có hình mắt chim, những lá ở bên trong có hình bầu dục, cánh hoa không đều nhau, có màu vàng, nhị 10.
Quả dạng đậu, chiều dài mỗi quả khoảng từ 8 đến 9cm, hơi cong nhẹ.
Hạt cứng, dẹt, bề mặt nhẵn bóng, các hạt xếp xít nhau.
Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 7, mùa quả từ tháng 8 đến tháng 10.
Cần lưu ý tránh nhầm lẫn với cây Cốt khí có tên khoa học là Tephrosia candida DC. thường được trồng với mục đích làm phân xanh.
Dưới đây là hình ảnh cây Muồng hòe:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Hạt, thân, lá và rễ.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cassia L. là một chi lớn, chi này có nguồn gốc ở vùng Nam Mỹ sau đó mới lan ra các khu vực khác trên thế giới. Hiện nay, các nhà khoa học ước tính chi này có khoảng 600 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, từ châu Mỹ sang châu Phi rồi đến châu Á. Ở châu Á, cây được tìm thấy ở một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Ấn Độ có 20 loài còn nước ta có 19 loài, trong đó, Cốt khí muồng là loài thường mọc hoang dại, được tìm thấy ở cả khu vực đồng bằng và trung du, miền núi, độ cao phân bố của cây không quá 600 mét. Không bắt gặp loài cây này ở vùng núi cao.
Cốt khí muồng là loài ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc ở những bãi hoang, ven đường, nương rẫy. Cuối tháng 3 đến tháng 5 hàng năm, phát hiện thấy nhiều cây con mọc từ hạt, cây ra hoa quả vào đầu thu sau đó trải qua giai đoạn tàn lụi. Quả khi chín tự mở, hạt từ đó cũng phát tán ra xung quanh cây mẹ, tồn tại qua mùa thu và mùa đông sau đó nảy mầm vào mùa xuân năm sau.
2 Cách trồng
Cốt khí muồng được trồng chủ yếu ở khu vực trung du, đồng bằng để làm phân xanh, hạt của cây được dùng làm thuốc. Cốt khí muồng không kén đất, chịu hạn tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh khi thời tiết vào mùa hè, đặc biệt nếu cung cấp môi trường đủ ẩm cho cây phát triển.
Cây được nhân giống bằng hạt, vào tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, hạt bắt đầu chín, sau đó vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 năm sau thì bắt đầu nảy mầm. Có thể gieo trồng theo luống hoặc trồng thành hốc làm hàng rào, khoảng cách thông thường từ 60 đến 80cm, trường hợp trồng để làm phân xanh thì trồng mau hơn, khoảng cách các hố trồng có thể rút ngắn xuống 50-60cm, có thể gieo hạt trong vườn ươm rồi đánh đi trồng.
Khi cây còn nhỏ cần phải chăm sóc đặc biệt, thường xuyên tưới nước, bón phân, dọn cỏ, sau khi cây trưởng thành thì không cần chăm sóc nhiều.
3 Thành phần hóa học
Hạt của cây Cốt khí muồng có chứa anthranoid, dầu béo, chất ngày, Albumin độc, tanin.
Các chất anthranoid gồm:
- Physcion.
- 1,4,5-trihydroxy-7-methoxy-anthraquinone.
- 1,8-dihydroxy-2-methyl anthraquinone.
- Chrysarobin.
- Physcion-glucosid.
Chất nhầy thuộc nhóm galactomannan.
Dầu béo chứa các loại acid béo no gồm acid oleic, acid galic, acid linoleic.
Hạt của cây còn chứa N-methylmorpholin.
Quả chứa nhiều Flavonoid.
Lá chứa diantheondiheterosid.
Hoa chứa hemosin, physcion, physcion glucosid, emodin.
Rễ chứa 1,8-dihydroxyanthraquinon, hemosin, physcion.
4 Tác dụng của cây Cốt khí muồng
4.1 Tác dụng dược lý
Rễ cây Cốt khí muồng hay cây Vọng giang nam cho thấy tác dụng ức chế sự phát triển của trực khuẩn mủ xanh khi tiến hành thí nghiệm nghiên cứu trên in vitro bằng phương pháp khuếch tán.
Hai chế phẩm của Ấn Độ có nguồn gốc từ thảo dược dùng để trị bệnh gan với thành phần chứa Vọng giang nam đã được thử nghiệm về hoạt tính chống sự nhiễm độc gan trên chuột cống trắng gây ra bởi carbon tetraclorid. Thuốc được tiêm vào phúc mạc trong 4 ngày, thử nghiệm được tiến hành song song với việc sử dụng Silymarin. Cả 2 chế phẩm đều cho thấy tác dụng bảo vệ gan rõ rệt.
4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.2.1 Tính vị, tác dụng
Cốt khí muồng có vị đắng, tính mát, có tác dụng sát trùng, nhuận tràng.
4.2.2 Công dụng của cây Muồng hòe
Toàn cây được dùng ở liều nhỏ với mục đích nhuận tràng, liều lớn có tác dụng tẩy, giảm đau dạ dày do nhiệt, đau bụng, ăn uống không tiêu, viêm họng, hen suyễn.
Liều dùng mỗi ngày là từ 10-30g thuốc dưới dạng thuốc sắc.
Hạt của cây Muồng hòe (Cốt khí muồng) được dùng trong các trường hợp đau mắt, mờ mắt, ăn không tiêu, táo bón, kiết lỵ, đau nhức gân xương, đau lưng, mắc bệnh ngoài da. Tuy nhiên, phải rang hạt chín trước khi dùng vì hạt tươi có độc. Liều dùng là 10-20g hạt dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng lá tươi đem giã nát, đắp để chữa rắn cắn hoặc dùng lá về rễ nhai nuốt nước, bã đắp chữa rắn cắn.
Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng hạt của cây Cốt khí muồng để chữa táo bón, đau bụng, kiết lỵ, đau nhức, ăn không tiêu, sốt, điều kinh. Nhân dân một số nước còn sử dụng hạt và rễ để tẩy.
Hạt và lá dùng trong trường hợp sốt theo cơn. Cốt khí muồng còn có trong thành phần của một số sản phẩm chữa bệnh gan của Ấn Độ. Nhân dân Nepal sử dụng hạt rang ăn để trị nhức đầu và ho, bột nhão từ cây đắp lên trán trị nhức đầu.
Có dân tộc ở Nigeria sử dụng Cốt khí muồng để điều trị rối loạn tâm thần.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cốt khí muồng, trang 531-533. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Vọng Giang Nam trang 469-470. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2024.