Con Nhái (Rana limnocharis Boie)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Con Nhái là loài động vật thường gặp ở nông thôn hay được chế biến thành các món ăn được nhiều người ưa thích. Trong y học, Con Nhái được Tuệ Tĩnh sử dụng trong các bài thuốc trị vàng da, chữa tâm thần bất ổn, theo kinh nghiệm dân gian còn dùng ngoài chữa mụn lở lâu ngày. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Con Nhái.
1 Con Nhái là con gì? Con Ngóe là con gì?
Con Nhái hay còn được gọi là Chẫu Chàng, Chẫu Chuột, Con Ngóe, có danh pháp khoa học là Rana limnocharis Boie, thuộc họ Ếch nhái (Ranidae).
1.1 Mô tả
Con Nhái là động vật lưỡng cư không có đuôi, có kích thước nhỏ. Thân dài 3,5 - 4 cm, mắt to lồi, mõm tù, miệng rộng.
Da chúng trơn, không có vảy, có nhiều tuyến chất nhờn. Lưng màu nâu xám hoặc xanh nhạt, có nhiều đốm màu sẫm.
Bụng màu trắng hoặc vàng nhạt.
Nhái có 4 chân, 2 chân sau dài và to hơn 2 chân trước.
Hình ảnh con nhái:
1.2 Con Nhái lớn thành con gì?
Nhái là một loài động vật có danh pháp khoa học riêng, đã được định danh, vì vậy, khi lớn lên, con nhái vẫn sẽ là nhái, không thể biến thành các loài khác như ếch hay cóc như nhiều người vẫn lầm tưởng.
2 Con nhái và con ếch: con nhái có phải là con ếch không?
Ếch và nhái là hai loài khác nhau tuy nhiên vẻ bề ngoài của chúng lại gần tương tự nhau, cần phân biệt rõ 2 loài động vật này:
Phân biệt | Ếch | Nhái |
Kích thước | Lớn hơn, có thể lên đến 8-10 cm Bụng thường to hơn | Kích thước nhỏ hơn, khoảng 4 cm Bụng nhỏ hơn |
Tiếng kêu | Tiếng "ộp, ộp" vang lớn | Tiếng kêu lanh lảnh hơn |
Khả năng leo, trèo | Có thể bơi, nhảy trên mặt đất nhưng không thể leo trèo cao | Có khả năng leo trèo và nhảy xa, thậm chí trên những cây cao |
3 Phân bố, sinh thái
Nhái phân bố ở Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác ở Đông Nam châu Á. Ở Việt Nam, khắp nơi từ đồng bằng, trung du đến miền núi đều có nhái. Nhái sống được trên cạn như đồng ruộng được dân gian gọi là con nhái đồng, vườn tược, bãi cỏ và dưới nước ở ao, đầm, suối.
Thức ăn của nhái gồm chuồn chuồn, kiến, gián, dế, giun, châu chấu, sâu, nhện....
Thân nhiệt của nhái biến đổi theo môi trường. Mùa rét, nhái ngủ đông.
Nhái sinh sản bằng cách đẻ trứng trong nước, giống như các động vật lưỡng cư, trứng nở thành nòng nọc, sau đó trải qua quá trình biến thái, nòng nọc rụng đuôi thành nhái.
4 Bộ phận sử dụng
Nhái là món ăn dân giã, được sử dụng làm thực phẩm ở nông nông khá phổ biến với những món nhái rán chả, khô nhái, nhái xào... Nhiều nơi, khô nhái trở thành đặc sản, mang lại giá trị kinh tế ổn định.
Cả con nhái có tên thuốc trong y học cổ truyền là hà mô.
5 Thành phần hóa học
Nhái chứa nhiều protein, lipid, các muối Canxi, Phospho, Sắt, các Vitamin B1, B2, và PP.
6 Tác dụng của con nhái: Con nhái có độc không?
Theo y học cổ truyền, nhái có vị cay, ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, chống viêm, trừ cam tích.
6.1 Công dụng
Ngoài làm thức ăn, trong y học, Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng nhái trong những trường hợp sau:
6.1.1 Chữa vàng da
Băm nhỏ 1 con nhái rồi trộn với 12g phèn đen, thêm vào một cái mề gà trống, đem nấu chín nhừ. Để nguội, bỏ nhái và phèn đen, ăn mề gà.
6.1.2 Chữa tâm thần bất ổn, nói năng lung tung
Đốt cháy 1 con nhái rồi tán nhỏ, uống cùng với rượu
Theo kinh nghiệm dân gian khác:
6.1.3 Chữa mụn lở lâu ngày
Nhái bỏ ruột, sao đen, tán nhỏ, trộn với Dầu Vừng, rồi đem đắp.
6.1.4 Chữa đinh râu, vết tụ máu bầm tím
Nhái phối hợp với lá mua, lá cà pháo, giã nhỏ, thêm ít nước vo gạo, gói vào bằng gạc, nướng rồi đắp.
6.1.5 Chữa sâu quảng
Nhái giã nhỏ với rau răm và Lá Lốt, rồi đắp
Ở nhiều nơi, người dân có tập quán đắp con nhái sống giã nhỏ vào mắt để chữa đau mắt đỏ. Họ cho rằng đáp nhái có cảm giác mát, dễ chịu hơn dùng các loại lá cây. Việc làm này rất nguy hiểm vì trong thịt nhái luôn có sán lá là vật chủ trung gian truyền bệnh cho người. Không nên làm theo cách này.
7 Bà bầu 3 tháng đầu có ăn được thịt ếch nhái không?
Bà bầu 3 tháng đầu cũng như trong thai kỳ hay 3 tháng cuối đều có thể ăn thịt ếch nhái, tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều, chỉ nên ăn 2-3 lần mỗi tháng, và phải đảm bảo thịt ếch nhái được chế biến kỹ càng, không nhiễm giun cũng như các loại sán gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
8 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam Tập 2 (Xuất bản năm 2006). Nhái trang 1175 - 1176, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 05 tháng 08 năm 2023.