Cơm rượu (Bưởi bung - Glycosmis cochinchinensis)
3 sản phẩm
Dược sĩ Lệ Mỹ Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
1 Giới thiệu về cây Cơm rượu
1.1 Tên khoa học của cây Cơm rượu
Cây Cơm rượu có tên khoa học là Glycosmis cochinchinensis (Lour.) Pierre, thuộc họ Cam Rutaceae.
Cây Cơm rượu còn có tên gọi khác là Bưởi bung.
1.2 Mô tả thực vật
Bộ phận | Mô tả |
Toàn thân | Cây nhỏ, thường mọc thành bụi, chiều cao thông thường từ 1-3m, tuy nhiên vẫn có cây cao tới 6m, cành có màu tím đỏ, nứt nẻ. |
Lá | Lá thuộc lá kép, có chứa 3-7 lá chét không lông, hình mác thuôn, kích thước chiều dài 6-16 cm, rộng 2 – 5cm, mép có thể nguyên hoặc răng cưa. |
Hoa | Hoa thường có màu trắng hoặc trắng xanh nhạt, thường mọc thành chùm tán ở đầu cành hoặc ở vị trí trên kẽ lá về phía ngọn cây. |
Quả | Quả có hình cầu, khi chín thường có màu hồng tím. Mùa ra quả thường rơi vào khoảng tháng 11-tháng 3. |
2 Phân bố, thu hái và chế biến
2.1 Phân bố
Cây Cơm rượu là một loại cây dễ sống, có thể mọc khắp nơi ở Việt Nam. Chúng thường mọc ở những chỗ như bờ rào, đất hoang hoặc trên vùng núi.
2.2 Thu hái và chế biến
Các bộ phận được thu hái là rễ, cành và lá. Chúng có thể được thu hái quanh năm. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô để sử dụng
3 Thành phần hóa học của cây Cơm rượu
Trong cành và lá cây Cơm rượu có chứa tinh dầu. Bên cạnh tinh dầu, nghiên cứu cho thấy trong Cơm rượu có chứa các ankaloid bao gồm các hoạt chất dictamin C12H9O2N (132%), skimmiamin C14H13O4N (175°), kokusaginin C14H13O4N (168°), noracromyxin C19H17O3N (198-200°), arborin C16H14O2N (150-152°), arborinin (175°), glycorin C9H8ON (145-147°), glycosminin C15H12ON (249°).
4 Tác dụng dược lý của cây Cơm rượu
Một nghiên cứu hóa học thực vật của cành Glycosmis cochinchinensis đã dẫn đến việc phân lập hai alkaloid mới, glycosmisacridone (1) và glycosmisindole (2), cùng với 8 hợp chất đã biết trên. Cấu trúc của chúng được phân tích bằng phương pháp quang phổ. Hợp chất alkaloid của nó thể hiện hoạt tính kháng khuẩn vừa phải đối với Staphylococcus Aureus kháng methicillin với giá trị MIC là 16 µg/mL.
5 Công dụng của cây Cơm rượu
Theo y học cổ truyền, Cơm rượu có vị cay, hơi ngọt và tính ấm, được sử dụng hỗ trợ điều trị các vấn đề về tiêu hóa, phục hồi sức khỏe sau sinh của phụ nữ, có thể làm thuốc sát trùng da, hỗ trợ làm lành vết thương, hỗ trợ điều trị mụn nhọt, tiêu viêm, chữa đau lưng mỏi gối.
6 Bài thuốc có chứa Cơm rượu
6.1 Phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh
Sử dụng 10g lá Cơm rượu, sau đó sao vàng. Thêm 400ml nước vào nồi, sắc đến khi còn 200ml, chia mỗi ngày uống 2 lần giúp hỗ trợ tình trạng mất sức, vàng da ở phụ nữ sau sinh.
6.2 Bài thuốc hỗ trợ điều trị đau lưng mỏi gối
Sử dụng các dược liệu 25g rễ cây Bưởi bung, 10g Cẩm tích, 10g Huyết Đằng 10g Tỳ giải cùng với 15g rễ Quýt gai cho vào nồi sắc. Sau đó thêm 600ml nước vào nồi, sắc đến khi còn 300ml, chia mỗi ngày uống 3 lần.
6.3 Bài thuốc chữa mụn nhọt (mụn ổ gà) mọc ở bẹn hoặc nách
Sử dụng 5-10 lá của các loại cây: cây Cơm rượu, Thổ Phục Linh, cây Ổi. Đem rửa sạch chúng rồi thái nhỏ, giã nát, sau đó sử dụng lá chuối non để hơ nóng trên lửa đến khi mềm, sau đó đắp lên vị trí nốt mụn.
6.4 Bài thuốc chữa đau bụng kinh
Chuẩn bị các dược liệu sau: 10g rễ cây Cơm rượu, 10g cây Gỗ vang, 10g Rễ bướm bạc, 6g mỗi loại Sim rừng và Thiên niên kiện phơi khô. Sau đó cho vào ấm sắc với 350ml nước đến khi còn 100ml. Sử dụng nước sau khi sắc ngày 2 lần.
6.5 Bài thuốc chữa đau dạ dày
Cho 12g mỗi loại lá Cơm rượu, lá Khôi và Dạ cẩm, 6g Cam Thảo dây vào ấm sắc cùng với 500ml nước. Sắc đến khi còn một nửa lượng nước, chia mỗi ngày uống 2 lần. Sử dụng duy trì đến khi các triệu chứng chấm dứt.
7 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả GS. TS. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 83 – 84. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024.
2. Tác giả Tawanun Sripisut và cộng sự, Alkaloids from Glycosmis cochinchinensis twigs, Science direct. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2024.