Cốc Tinh Thảo (Eriocaulon sexangulare L.)
2 sản phẩm
Dược sĩ Khánh Huyền Dược sĩ chuyên môn
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị đau mắt, nhức đầu, đau họng, Cốc tinh thảo được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Cốc tinh thảo.
1 Giới thiệu về cây Cốc tinh thảo
Cốc tinh thảo còn có tên gọi khác là Cỏ dùi trống. Cỏ dùi trống mọc ở đâu? Cây mọc ở nơi đất ẩm ven đường, đầm lầy, ruộng bùn từ vùng thấp lên tới độ cao 800m.
Tên khoa học của Cốc tinh thảo là Eriocaulon sexangulare L., thuộc họ Cốc tinh thảo (Eriocaulaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo nhỏ, sống hàng năm. Rễ chùm. Thân rất ngắn mang một chùm lá mọc vòng, rộng và hình dải, nhẵn, có nhiều gân dọc, gốc có bẹ mọc ốp vào nhau, đầu thuôn nhọn.
Cụm hoa mọc thành đầu. Cán hoa dài 10-55cm, có cạnh sắc và vặn nhiều hay ít. Đầu hình trứng hay hình trụ, có lông rải rác; lá bắc của tổng bao nhẵn, cứng, màu vàng rạ, lợp lên nhau và che các hoa vào phía trong. Hoa đực có 2 lá đài đính thành ống, 2 cánh hoa dính thành ống và bao phấn màu đen. Hoa cái có 3 lá đài rời, 3 cánh hoa ngắn hơn lá đài và có lông rải rác. Quả nang, chứa 1 hạt.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Đầu hoa và toàn cây.
Cụm hoa thu hái tốt nhất vào mùa thu, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô ở 50-60 độ C, cắt ngắn cuống.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Quốc, Philippin.
2 Thành phần hóa học
Có rất ít nghiên cứu về thành phần hóa học cũng như tác dụng dược lý của Cốc tinh thảo. Dưới đây là một số hợp chất đã được tìm thấy trong chiết xuất thảo dược này:
Flavonoid: Quercetagetin, Patuletin-3-O-glucopyranoside, Hispidulin, Hispidulin 7-O-glucoside, Iristectorigenin A, Quercetagetin-3-O-hexoside, 7-methoxy-hesperetin.
Naphthopyranone: 9,10-dihydroxy-7-methoxy-3-(R)-methyl1Hnaphtho[2,3c]pyran-1-one-9-O-β-Dglucopyranoside, 5-desmethoxypaepalantine-9-O-β-Dglucopyranosyl-(1→6)-glucopyranoside, Semivioxanthin-9-O-hexosyl-hexoside.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Cúc Hoa Vàng Và Những Lợi Ích Tuyệt Vời Cho Sức Khỏe
3 Tác dụng - Công dụng của Cốc tinh thảo
3.1 Tác dụng dược lý
Theo một số tài liệu, Cốc tinh thảo có tác dụng chống oxy hóa, hạ sốt, giảm đau và an thần nhờ hàm lượng Flavonoid lớn.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Cốc tinh thảo có tính mát, vị cay, ngọt, quy vào kinh , có tác dụng thanh can minh mục, khư phong chỉ thống, tán nhiệt.
Trong đông y, Cốc tinh thảo được dùng trong chữa đau mắt do phong nhiệt, đau đầu, đau răng, đau họng, thông tiểu và trị ghẻ lở.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây sáng mắt - Duy trì thị lực, giảm triệu chứng hô hấp
4 Các bài thuốc từ cây Cốc tinh thảo
4.1 Chữa viêm giác mạc
Nguyên liệu: Cốc tinh thảo, Phòng Phong mỗi vị 16g.
Cách làm: Tán nhỏ, mỗi lần uống 1-2g, ngày uống 3 lần.
4.2 Chữa nhức đầu
Nguyên liệu: Cốc tinh thảo 8g, Nhũ hương 4g, Địa Long 1g.
Cách làm: Tán nhỏ, mỗi lần lấy 4g đốt, hít lấy khói vào mũi.
4.3 Chữa phong nhiệt nhức đầu, đau mắt, đau họng
Nguyên liệu: Cốc tinh thảo 20g, Huyền Sâm 16g, Kinh Giới, Dành dành, Mộc thông mỗi vị 12g, Thanh ngâm 8g.
Cách làm: Sắc nước uống.
4.4 Chữa quáng gà
Nguyên liệu: Cốc tinh thảo, vỏ Hến nung trắng mỗi vị 20g, Cúc Hoa, hạt Muồng mỗi vị 10g, Khởi tử 8g.
Cách làm: Phơi khô, tán thành bột mịn; người lớn uống 12g mỗi ngày, trẻ em uống 4-5g mỗi ngày theo độ tuổi.
4.5 Trị trẻ cam tích, nhìn không rõ, mắt đỏ, sợ ánh sáng
Nguyên liệu: Cốc tinh thảo 63 - 125g, gan lợn 125g.
Cách làm: Chưng cách thủy lấy nước uống.
4.6 Chữa viêm kết mạc, viêm giác mạc, quáng gà
Nguyên liệu: Cốc tinh thảo, Kỷ tử, Cúc hoa, Thục Địa mỗi vị 20g, Phòng phong 30g.
Cách làm: Sắc uống.
4.7 Trị can thận đều hư gây đau mắt
Nguyên liệu: Cốc tinh thảo, Mộc Tặc, Thảo Quyết Minh mỗi vị 12g, Sài Hồ 8g.
Cách làm: Sắc uống.
4.8 Trị đau mắt đỏ kéo mộng, thiên đầu thống, đau răng do phong hoả
Nguyên liệu: Phục Linh, Xích Thược, Ngưu bàng tử, Cốc tinh thảo mỗi vị 12g; Kinh giới, Mộc thông, Long đởm thảo mỗi vị 8g; Sinh Địa 16g, Hồng Hoa, Cam Thảo mỗi vị 4g.
Cách làm: Sắc uống.
4.9 Trị răng lợi sưng đau
Dùng 20-50g Cốc tinh thảo, sắc lấy nước uống.
4.10 Trị viêm gan vàng da
Nguyên liệu: Cốc tinh thảo, Diệp Hạ Châu, Rau Má, Diếp Cá mỗi vị 30g; lá Tre 20g.
Cách làm: Sắc uống.
Kiêng kỵ: Người bệnh âm hư huyết thiếu không dùng.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Laysa Lanes Pereira Ferreira Moreira và cộng sự (Ngày đăng 24 tháng 10 năm 2022). Review on Compounds Isolated from Eriocaulaceae Family and Evaluation of Biological Activities by Machine Learning, MDPI. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Cỏ dùi trống trang 501-502, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 27 tháng 3 năm 2023.