Cóc Mẳn (Cỏ The - Centipeda minima)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Cây Cóc Mẳn có tên khoa học là Centipeda minima (L.) A.Br.et Aschers), đây là loại dược liệu mọc hoang có tác dụng chữa mụn nhọt, eczema, cảm sốt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Cóc Mẳn
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Centipeda minima (L.) A.Br.et Aschers.
Tên gọi khác: Cúc Mẳn, Cúc Ma, Nga Bất Thực Thảo, Cỏ The, Cây Thuốc Mộng, Cúc Ngồi, Cây Trăm Chân.
Họ thực vật: Họ Cúc Asteraceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cóc Mẳn thuộc loại cây thảo, cao từ 5 đến 20cm, cây sống hàng năm.
Cóc Mẳn có nhiều cành, cành sát mặt đất. Ngọn cây khi còn non có màu trắng nhạt, có lông nhung.
Lá mọc so le, phiến lá nhỏ, hình bầu dục. Lá có gốc thuôn, đầu lá nhọn, phiến dài khoảng 0,8 đến 1,5cm, rộng 3-7mm. Phiến lá có răng cưa, khi vò thấy có mùi hôi.
Cụm hoa không có cuống, hình đầu, mọc ở kẽ, cụm hoa mọc đối diện với lá. Hoa có màu vàng.
Tổng bao lá bắc ngắn, hoa cái xếp thành 6 hàng bao bên ngoài, hoa lưỡng tính ít hơn, có dạng hình ống.
Tràng hoa hình ống ở hoa cái. Tràng hoa có hình chuông, chia thành 4 thùy ở hoa lưỡng tính.
Nhị 4, bầu có 4 cạnh.
Quả bế, chiều dài quả khoảng 0,9mm.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 3 đến tháng 6 hàng năm.
Hình ảnh cây cóc mẳn
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Lúc cây ra hoa.
Chế biến: Có thể dùng tươi hoặc khô.
1.3 Cây cóc mẳn mọc ở đâu?
Cóc Mẳn phân bố ở một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Lào và Việt Nam.
Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các vùng có địa hình bằng phẳng, trung du hoặc vùng núi thấp, cây thường mọc nhiều ở các ruộng trồng hoa màu vào mùa đông.
Cóc Mẳn là loại cây ưa ẩm, nhiệt độ mát, có vòng đời ngắn (từ khi nảy mầm đến khi tàn lụi chỉ khoảng 3 đến 3,5 tháng).
Cây ra quả nhiều, hạt nhỏ, có khả năng tồn tại lâu trong đất canh tác.
2 Thành phần hóa học
Các thành phần có trong Cóc Mẳn bao gồm:
Các hợp chất bay hơi | Heptan-2-ol, heptan 2,4-dien-1-ol, acid isobutyric, ancol benzylic |
Các sesquiterpen lacton | Arnicolid C, 6-O-senecionylplenolin, helenalin, florihnatin |
Các flavonoid | Quercetin, apigenin |
Các triterpen và steroid | Lypsyl, taraxasterol acetate |
3 Tác dụng - Công dụng của cây Cóc mẳn
3.1 Tác dụng dược lý
Khi tiến hành nghiên cứu thử nghiệm trên chuột cống trắng, Cóc Mẳn cho thấy tác dụng giảm ho và long đờm.
Cao nước có tác dụng chống dị ứng trong thử nghiệm, đồng thời, cao cũng có tác dụng ức chế sự giải phóng histamin từ dưỡng bào phúc mạc của chuột thí nghiệm tương đối mạnh.
Cao chiết với nước nóng có tác dụng ức chế hoạt tính của các yếu tố hoạt hóa tiểu cầu khi nghiên cứu trên thỏ thí nghiệm.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị đắng, tính mát.
Tác dụng: Thoái nhiệt, khu phong, giải độc, thông khiếu, tiêu sưng.
3.2.2 Công dụng
Cóc Mẳn được sử dụng để chữa cảm sốt, sưng đau họng, đau mắt đỏ, viêm phế quản, tổn thương do vấp ngã, các bệnh ngoài da.
Liều dùng được khuyến cáo là 20-40g cây tươi hoặc 10-20g dược liệu khô đã sắc thuốc.
Sử dụng 20-40g cây tươi giã nát để đắp vào vùng bị tổn thương.
Người dân Trung Quốc sử dụng Cóc Mẳn trong đơn thuốc chữa ung thư.
Y học dân gian Ấn Độ sử dụng lá Cóc Mẳn tán thành bột mịn rồi phối hợp với các dược liệu khác để trị cảm lạnh.
Bột nhão được sử dụng để bôi vào má nhằm mục đích chữa đau răng.
Nước hãm Cóc Mẳn có tác dụng trị viêm mắt.
Hạt cây có tác dụng trị giun.
4 Cây cóc mẳn chữa bệnh gì?
4.1 Chữa cảm cúm, ho khan
- 40g lá Cóc Mẳn.
- 40g lá Xương Sông.
- 40g Râu Ngô.
Các vị dùng tươi, sắc lấy nước uống trong ngày.
4.2 Chữa ho
20g Cóc Mẳn khô hoặc 40g Cóc Mẳn tươi.
Sắc lấy nước uống làm 3 lần trong ngày.
4.3 Chữa viêm mũi dị ứng, viêm mũi mạn tính
Sử dụng cây tươi, vò nát, nhét vào lỗ mũi.
4.4 Chữa ho gà ở trẻ hay dự phòng cảm lạnh, sổ mũi
20g Cóc Mẳn tươi, vò nát sau đó hãm lấy nước uống.
4.5 Chữa mẩn ngứa, eczema
2 phần Cóc Mẳn.
1 phần Đậu Xanh.
Muối.
Giã nhỏ, đắp lên vùng tổn thương
4.6 Chàm, chốc lở
20-30g Cóc Mẳn tươi.
Hạt cây Lai.
Giã nát.
Trộn với rượu, bôi lên vùng tổn thương.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cóc Mẳn, trang 523-525. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2024.