Cỏ Gà (Cỏ Chỉ, Cỏ Ống - Cynodon dactylon (L.) Pers.)
0 sản phẩm
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) | Poales (Lúa) |
Họ(familia) | Poaceae (Lúa) |
Chi(genus) | Cynodon |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Cynodon dactylon (L.) Pers. |
Cỏ gà thuộc dạng cây thảo, cây sống lâu năm, chiều cao mỗi cây chỉ khoảng 20 đến 30cm. Thân thuộc dạng thân rễ, thanh mảnh nhưng cứng cáp, mọc bò dài. Thân khí sinh mọc đứng, tập trung thành đám nhỏ. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Cynodon dactylon (L.) Pers.
Tên gọi khác: Cỏ chỉ, Cỏ ống, Hành ngu chi.
Họ thực vật: Poaceae (Lúa).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cỏ gà thuộc dạng cây thảo, cây sống lâu năm, chiều cao mỗi cây chỉ khoảng 20 đến 30cm. Thân thuộc dạng thân rễ, thanh mảnh nhưng cứng cáp, mọc bò dài. Thân khí sinh mọc đứng, tập trung thành đám nhỏ. Ngọn thân của cây bị sâu ký sinh tạo thành một khối phồng lên mang lá.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình dải hẹp, lá ngắn, gốc lá có bẹ, màu lục hơi vàng, mép lá nguyên, sờ hơi ráp, lưỡi bẹ có một ít lông thưa.
Cụm hoa mọc thành bông, gồm nhiều bông có kích thước nhỏ, mảnh, mỗi bông thường gồm 4 hoa, xếp tỏa tròn, hoa Cỏ gà có màu lục hoặc màu tía, hoa không có cuống, mang hoa lưỡng tính và hoa lép.
Quả thuôn thường bị dẹt một bên, được bao bọc bởi mày hoa.
Mùa hoa quả từ tháng 3 đến tháng 10.
Dưới đây là hình ảnh cây Cỏ gà (Cỏ chỉ):
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ hoặc toàn cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Cynodon Rich trên thế giới có khoảng 10 loài, được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Tại nước ta, chi này có 2 loài, trong đó Cỏ gà là loài quen thuộc, có thể bắt gặp ở khắp nơi trừ những khu vực có độ cao trên 1500 mét so với mực nước biển. Cỏ gà cũng được tìm thấy ở nhiều nơi của Châu Á như Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước Nam Á và Đông Nam Á.
Cỏ gà có bản chất là một loài ưa sáng, ưa ẩm, có khả năng chịu khô hạn, thường mọc thành thảm ở ven đường đi. Cỏ gà sinh trưởng và phát triển nhanh nhờ những chồi nhánh ở hệ thống thân cành mọc bò trên mặt đất. Cây ra hoa quả hàng năm, hạt dễ phát tán đi xa. Trong một đám Cỏ gà thường thấy một số cành bị dị dạng là do côn trùng đẻ trứng vào búp non làm cho ngọn non không phát triển bình thường, các bẹ lá ôm sát vào nhau, khi bóc ra sẽ thấy một con sâu nhỏ ở bên trong.
Cỏ gà là nguồn thức ăn cho nhiều loại gia súc, cũng là loài cây gây ảnh hưởng đến sự phát triển của một số cây trồng khác.
1.4 Tại sao trong cỏ gà lại có con sâu?
Đây là một loại ký sinh trùng, chúng đẻ trứng khi cây Cỏ gà còn nhỏ, sau đó là cây phát triển và bao bọc lấy ký sinh trùng này ở bên trong. Tại đây, ấu trùng tiếp tục sinh trưởng và phát triển thành sâu, sử dụng chính cây cỏ gà làm nguồn thức ăn cho mình do đó, khi bóc những khối phồng trên cây thì thấy con sâu bên trong.
2 Thành phần hóa học
Khi nghiên cứu phần cỏ xanh trên mặt đất, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số hoạt chất như protein, carbohydrate, chất khoáng là các chất đa lượng (canxi, photpho, Magie và các oxit của chúng).
Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện được chất hữu cơ β-sinoterol, thân rễ chiết xuất được cynodin là một chất có khả năng kết tinh. Ngoài ra, Cỏ gà còn chứa một số thành phần khác bao gồm đường, tinh bột và Vitamin C.
Cỏ gà (Cynodon dactylon) chứa nhiều thành phần hóa học đa dạng có giá trị y học cao. Theo phân tích thực vật, loài cây này bao gồm Flavonoid, alkaloid, glycoside, terpenoid, triterpenoid, steroid, Saponin, tannin, resin, phytosterol, đường khử, carbohydrate, protein, và các loại tinh dầu bay hơi và tinh dầu không bay hơi. Các hợp chất này mang lại những tác dụng sinh học phong phú, hỗ trợ các hoạt động như chống oxy hóa, kháng khuẩn, và chống viêm.
Phân tích định lượng các chất phytochemical cho thấy, hàm lượng glycosid đạt 12.2%, tannin 6.3%, alkaloid 0.1%, và resin 1.0%. Ngoài ra, phân tích dinh dưỡng của Cynodon dactylon cho thấy trong 100g mẫu khô chứa 11.6g protein, 2.1g chất béo, 75.9g carbohydrate, 25.9g chất xơ, 10.4g tro, và các khoáng chất quan trọng như canxi, photpho, Sắt và kali.
Những thành phần hóa học này không chỉ mang lại giá trị dinh dưỡng cao mà còn được ứng dụng rộng rãi trong y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý như tiêu chảy, loét dạ dày, viêm khớp, và một số bệnh da liễu.
3 Cây Cỏ gà có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương
Cao chiết Ethanol từ phần trên mặt đất của Cynodon dactylon thể hiện tác dụng chống co giật trên chuột, thông qua việc ức chế các cơn co giật do pentylenetetrazole gây ra. Nghiên cứu cho thấy cao chiết này có khả năng làm tăng mức catecholamine và GABA trong não, giúp kiểm soát các triệu chứng co giật, đồng thời làm tăng thời gian ngủ khi sử dụng kết hợp với các thuốc an thần như pentobarbitone và Diazepam, chứng tỏ tác dụng an thần của nó.
3.1.2 Tác dụng chống tiểu đường
Cao chiết ethyl acetate từ rễ và thân của Cynodon dactylon được chứng minh có khả năng hạ đường huyết hiệu quả trên chuột bị tiểu đường. Khi thử nghiệm, cả hai liều 50 và 100 mg/kg đều giảm đáng kể lượng đường trong máu của chuột và có tác dụng gần giống như Insulin.
3.1.3 Tác dụng kháng khuẩn
Cao chiết lá Cynodon dactylon cho thấy hiệu quả kháng khuẩn đáng kể trên các vi khuẩn Gram dương và Gram âm, bao gồm Escherichia coli, Staphylococcus aureus, và Streptococcus pyogenes. Thử nghiệm in vitro cho thấy cao chiết nước có khả năng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn này với hiệu quả kháng khuẩn phụ thuộc vào nồng độ. Các cao chiết ethanol và ethyl acetate cũng cho thấy hiệu quả kháng khuẩn phổ rộng, làm suy yếu các vi khuẩn gây bệnh trong điều kiện thí nghiệm.
3.1.4 Tác dụng chống ký sinh trùng, côn trùng và đuổi muỗi
Cao chiết từ Cynodon dactylon có hiệu quả chống lại giun ký sinh. Thử nghiệm cho thấy tinh dầu dễ bay hơi từ cây có khả năng đuổi muỗi Aedes aegypti kéo dài trong 3 giờ, và cao nước của cây cũng có tác dụng chống giun đất Ấn Độ (Pheretima posthuma) tương đương với chứng dương albendazole.
3.1.5 Tác dụng chống oxy hóa
Các nghiên cứu đã cho thấy cao chiết ethyl acetate từ Cynodon dactylon có khả năng tăng cường mức độ của các chất chống oxy hóa enzym như superoxide dismutase (SOD), Glutathione Peroxidase (GPx), catalase và các chất chống oxy hóa không enzym như glutathione, Vitamin A và Vitamin E. Trong thử nghiệm trên chuột cấy ghép lymphoma Ehrlich (ELA), các cao chiết đã cải thiện đáng kể các chỉ số chống oxy hóa bị suy giảm do các gốc tự do từ gan giải phóng.
Cao chiết Cynodon dactylon cũng được đánh giá in vitro bằng các phương pháp như hoạt tính loại bỏ gốc DPPH, loại bỏ superoxide anion, và khả năng loại bỏ gốc nitric oxide. Trong các thử nghiệm này, cao chiết thể hiện hiệu quả loại bỏ gốc tự do tùy thuộc vào nồng độ, với mức ức chế gốc superoxide anion lên đến 93.33% và tổng khả năng chống oxy hóa tương đương với 172.39 mg/g axit ascorbic.
3.1.6 Tác dụng trên hệ tiêu hóa
Cao chiết ethanol từ Cynodon dactylon đã được thử nghiệm để đánh giá khả năng bảo vệ dạ dày trên chuột bị loét do Indomethacin và cồn gây ra. Cao chiết này làm giảm số lượng và kích thước các vết loét, cho thấy tiềm năng bảo vệ niêm mạc dạ dày trong các trường hợp viêm loét dạ dày.
3.1.7 Tác dụng tim mạch
Cao chiết từ rễ cây Cynodon dactylon có khả năng cải thiện chức năng tim và giảm triệu chứng suy tim phải trong thử nghiệm trên chuột. Kết quả cho thấy cao chiết làm giảm áp lực thất phải cuối tâm trương và tăng sức co bóp cơ tim, giúp cải thiện tình trạng sung huyết ở phổi và tim, nâng cao tỷ lệ sống sót của động vật thí nghiệm.
3.1.8 Tác dụng miễn dịch và chống dị ứng
Cao chiết Cynodon dactylon được chứng minh có khả năng ổn định tế bào mast, ức chế phản ứng dị ứng và giảm lượng nitric oxide trong huyết thanh, giúp chống lại phản ứng dị ứng mạnh. Cao chiết này còn làm tăng nồng độ kháng thể khi sử dụng đường uống, cho thấy tiềm năng trong việc tăng cường miễn dịch.
3.1.9 Tác dụng chống viêm, hạ sốt và giảm đau
Trong các mô hình phù chân chuột do carrageenan gây ra, cao chiết nước của Cynodon dactylon đã cho thấy khả năng chống viêm rõ rệt. Cao chiết này cũng giảm đáng kể mức độ đau trong thử nghiệm "writhing" trên chuột và thể hiện khả năng hạ sốt tương đương với paracetamol.
3.1.10 Tác dụng chống ung thư
Cao chiết methanol của lá Cynodon dactylon có khả năng ức chế sự phát triển tế bào ung thư và kích thích quá trình chết tế bào theo chương trình. Trong các thử nghiệm trên chuột cấy ghép tế bào ung thư, cao chiết này giúp kéo dài thời gian sống sót, đồng thời giảm các tế bào tiền ung thư trong mô đại tràng bị hóa ác tính.
3.1.11 Tác dụng bảo vệ
Các thành phần chống oxy hóa trong cao chiết Cynodon dactylon đã chứng minh hiệu quả trong việc bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra, làm tăng hoạt tính của các enzyme chống oxy hóa và giúp duy trì trạng thái ổn định của màng tế bào.
3.1.12 Tác dụng lợi tiểu
Trong các thí nghiệm trên chuột, cao chiết Cynodon dactylon cho thấy khả năng lợi tiểu nhẹ, làm tăng lượng nước tiểu và hỗ trợ thải trừ các ion natri, Kali, và chloride ra khỏi cơ thể.
3.1.13 Tác dụng trên da
Trong thử nghiệm làm lành vết thương trên chuột, cao chiết từ Cynodon dactylon đã kích thích sự sản sinh Collagen và giảm peroxide lipid trong mô tổn thương. Cao chiết này hỗ trợ tăng tốc quá trình tái tạo mô và làm lành vết thương.
Khi tiến hành gây vết thương trên thỏ thực nghiệm bằng cách cắt bỏ một miếng da, sau đó bôi thuốc dẻo được bào chế từ cao chiết nước của cây Cỏ gà sau đó bôi cho thỏ hàng ngày đã thấy tác dụng thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, làm cho sẹo có kích thước nhỏ và mềm hơn so với lô chứng được điều trị bằng parafin mềm.
3.1.14 Tác dụng giãn phế quản
Cao chiết chloroform của Cynodon dactylon có tác dụng giãn phế quản thông qua việc ức chế kênh Canxi và phosphodiesterase, được chứng minh trên các mô hình in vitro và in vivo, giúp làm giãn cơ trơn phế quản tương tự như các thuốc giãn phế quản đối chứng.
3.1.15 Tác dụng trên hệ sinh sản
Cao chiết nước từ toàn bộ cây Cynodon dactylon khi sử dụng trên chuột cái cho thấy khả năng ảnh hưởng đến hormone sinh sản, bao gồm tăng nồng độ Estradiol và giảm hormone kích thích nang trứng và hoàng thể. Thử nghiệm cũng ghi nhận sự thay đổi về chu kỳ sinh sản của chuột.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Thân rễ của cây Cỏ gà có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng làm mát máu, thanh nhiệt, lợi tiểu.
3.2.2 Công dụng
Thân rễ của cây Cỏ gà được dùng làm thuốc lợi tiểu, dùng dưới dạng thuốc hãm hay thuốc sắc (dùng 20g Cỏ gà sắc với 1 lít nước). Có thể dùng dưới dạng cao chiết với nước. Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã sử dụng lá của cây Cỏ gà sắc cùng với nước để chữa sưng họng.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng nước sắc từ cây Cỏ gà để làm thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị phù toàn thân. Nước ép từ cây Cỏ gà cho thấy tác dụng làm săn do đó được dùng để trong trường hợp bị vết thương chảy máu.
Thân rễ của cây Cỏ gà được dùng để trị rối loạn niệu - sinh dục. Dịch ép toàn cây Cỏ gà dùng trong trường hợp bị rắn cắn, dùng theo đường uống.
Y học cổ truyền Nepal sử dụng dịch ép từ cây Cỏ gà để trị khó tiêu với liều 2-3 thìa cà phê một lần, ngày dùng 3 lần Ngoài ra, có thể pha loãng dịch ép này với nước, mỗi lần uống 2-3 thìa, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 giờ trong trường hợp bị ngộ độc thức ăn.
Nhân dân Algeria sử dụng nước sắc từ rễ cây để làm thuốc lợi tiểu. Nhân dân Rwanda còn sử dụng toàn cây cỏ gà trừ rễ để làm thuốc trị bệnh lậu, thuốc trị viêm kết mạc.
4 Cây cỏ gà trị bệnh gì?
4.1 Chữa ho gió nhiều đờm
1 nắm Cỏ gà sao cháy.
1 cái vỏ quýt.
3 củ sả.
3 lát gừng.
Các vị sắc lấy nước uống.
4.2 Chữa ho gà
12g Cỏ gà.
20g Bọ mắm.
12g Lá dâu tằm.
12g lá liễu.
12g Cam Thảo nam.
12g Lá chanh.
12g lá tre gai.
12g măng vòi tre.
12g Bạc Hà.
8g Gừng tươi.
Các vị đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi héo sau đó sao vàng.
Sắc với 3 bát nước đến khi còn 1 bát.
Người lớn mỗi ngày uống 1 thang, trẻ em 2 ngày uống 1 thang.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Cỏ gà, trang 481-482. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Cỏ gà, trang 507-508. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Cỏ Chỉ trang 218. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Al-Snafi, A. E. (đăng tháng 7 năm 2016). Chemical constituents and pharmacological effects of Cynodon dactylon-A review, IOSR Journal of Pharmacy, 6(7), tr.17-31. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2024.