Cọ (Livistona saribus L.)
31 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Cọ được sử dụng rộng rãi bởi công dụng lợp nhà, đan lát…; ngoài ra còn có tác dụng chữa bệnh. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Cọ thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Cọ
Cọ còn có tên gọi khác là Kè nam, Cây lá gồi, Cây lá nón, mọc trong rừng, ven suối, vùng núi hoặc mọc rải rác trên đồi thấp miền trung du, ở độ cao lên đến 1500m.
Tên khoa học của Cọ là Livistona saribus L., thuộc họ Cau (Arecaceae). Ngoài ra, phổ biến ở Việt Nam còn có Cọ dầu (Alaeis guineensis) và Cọ khẹt (Danbergia assamica).
1.1 Đặc điểm thực vật
Lưỡng tính, đơn độc. Thân cây cao tới 40m, đường kính 15-65cm. Lá 25 - 30 chiếc hình cầu; cuống lá hình vòng cung, dài 1-2m, rộng đến 12cm ở phần giáp với thân, thuôn nhỏ dần về phía lá, phía bên phẳng đến hơi có gờ, nhẵn, màu xanh lá cây đến xanh tím đến xanh đỏ, bóng, thường có màu hơi đỏ; mép có gai lớn, đơn lẻ, cong ngược về phía sau, màu lục đến nâu, dài 10-60mm. Phiến lá chia thành nhiều thùy bởi các vết xẻ sâu đến gần giữ; 6-7 gân song song mỗi bên gân giữa.
Cụm hoa tự ở gốc không phân nhánh, dài 60-230 cm, không vượt quá giới hạn của tán, cong, phân nhánh thành 4; cụm hoa từng phần 4-9, dài 45-60 cm; lá bắc có cuống, hình mác có vỏ bọc lỏng lẻo, nhẵn; cuống hoa dài 15-45 cm, rủ xuống, màu vàng, nhẵn. Cánh hoa rộng hình tam giác, tù. Quả hình cầu, hoặc hình elip đến hình thận, dài 11-25 mm, đường kính 10-18 mm, thường có hai thùy, màu xanh bóng đến tím. Hạt hình cầu đến elip, dài 9-24 mm, đường kính 9-10 mm, đỉnh nhọn.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ.
Rễ có thể thu hái quanh năm, sau khi rửa sạch được cắt đoạn hoặc thái lát, phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, Cọ có mặt ở Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị, Lâm Đồng, Tp.Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin.
2 Thành phần hóa học
Sàng lọc hóa chất thực vật cho thấy sự hiện diện của các alkaloid, saponin, glycoside tim, terpen, đường khử oxy, anthraquinone, phenol, flavonoid và phlobatannin với số lượng khác nhau. Hàm lượng terpen và Saponin tương đối cao trong S.rotundifolius và L.chinensis (Cọ xẻ). Quả và rễ của Cọ xẻ đã được báo cáo là có chứa flavonoid, phenolic, ceramide và glyceride.
3 Tác dụng - Công dụng của Cọ
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Nhờ chứa các hoạt chất như 2(3,4-dihyroxyphenyl)-7-hydroxy-5-axit benzenpropanoic và axit oxooctadecanoic, tương ứng là axit phenolic và axit stearic, chiết xuất Cọ đã được chứng minh là có khả năng chống oxy hóa thông qua cơ chế hoạt động là loại bỏ các loại oxy phản ứng hoặc/và tăng cường mức độ chất chống oxy hóa nội sinh. Flavonoid và tanin phát huy các hoạt động chống oxy hóa của chúng bằng cách nhặt gốc tự do, chelat hóa kim loại và ức chế peroxid hóa lipid.
3.1.2 Kháng khuẩn và kháng nấm
Chiết xuất Cọ xẻ thể hiện đặc tính kháng khuẩn mạnh đối với B.subtilis, P.aruginosa và C.albicans. Đặc tính kháng khuẩn quan sát được có thể là do các hợp chất kháng khuẩn vốn có trong mỗi chiết xuất, đặc biệt là lượng lớn các hợp chất phenolic. Chiết xuất lá S.rotundifolius đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự phát triển của E.coli, S.aureus, P.aeruginosa và S.typhi. Hơn nữa, sự hiện diện của nồng độ cao các hợp chất phenolic có đặc tính làm se trong quả L.chinensis dẫn đến sự biến tính DNA, enzym và protein của S.aureus. Tannin có đặc tính làm se da, đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương và niêm mạc bị viêm.
3.1.3 Chống ung thư
Các chất chiết xuất từ cây cọ L.chinensis, A.catechu và S.rotundifolius cũng được sàng lọc về hoạt tính gây độc tế bào in vitro đối với các tế bào ung thư biểu mô ở người HeLa, H460, MCF-7 và PC-3. Không có chất chiết xuất nào được thử nghiệm cho thấy hoạt động đáng kể. Tuy nhiên, chiết xuất hạt etanol của L.chinensis ức chế sự phát triển của tế bào ung thư biểu mô tế bào gan (Hep G2) và chiết xuất hạt A.catechu được báo cáo là có tác dụng gây độc tế bào đối với tế bào MCF-7. Cần lưu ý rằng chất chiết xuất từ cây cọ có thể thể hiện hoạt tính chống tăng sinh đầy hứa hẹn tương tự đối với các tế bào HeLa, H460, MCF-7 và PC-3 ở liều cao.
3.1.4 Trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt
Chiết xuất lipidosterolic của Serenoa repens (Cọ lùn), cho thấy nhiều cơ chế hoạt động bao gồm ức chế in vitro cả hai isoenzyme loại 1 và loại 2 của 5 alpha-reductase và can thiệp vào sự gắn kết của dihydrotestosterone với androgen ở tuyến tiền liệt, giúp cải thiện u xơ tiền liệt tuyến.
Ngoài ra, sử dụng chiết xuất Cọ lùn cũng giúp chức năng cương dương và chức năng xuất tinh được cải thiện đáng kể.
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Cây Cọ có tính mát, hàn, vị ngọt, có khi hơi nhạt, đắng chát, cọ dầu có vị béo, ít hoặc không độc, có tác dụng lợi tiểu, chỉ huyết, nhuận tràng, tiêu thũng, chỉ thống.
Trong đông y, cây Cọ được dùng trong trị bạch đới, khí hư; cọ cảnh trị nôn máu, đại tiện máu, chấn thương chảy máu; cọ dầu trị tích ứ sưng đau; cọ xẻ trị rong kinh, ung thư, bạch huyết…
4 Các bài thuốc từ cây Cọ
4.1 Trị bạch đới, khí hư
Nguyên liệu: Rễ Cọ, rễ Cau, rễ Tre, rễ cây Móc lượng bằng nhau.
Cách làm: Sắc đặc uống 2 lần trong ngày, liều 6-12g mỗi ngày.
4.2 Trị u ác tính
Nguyên liệu: Hạt Cọ xẻ 30g, thịt nạc heo 30g.
Cách làm: Rửa sạch nguyên liệu, hầm nhừ trong 2 giờ, ăn mỗi ngày.
4.3 Trị xuất huyết tử cung
Nguyên liệu: Lá Cọ xẻ.
Cách làm: Đốt thành tro, hòa vào nước uống; hoặc sao lên, sắc lấy nước uống.
4.4 Trị tăng sản tiền liệt tuyến lành tính, tiểu đêm, tiểu nhiều lần
Nguyên liệu: Cọ lùn, hạt Bí đỏ. Có thể kết hợp với các thảo dược khác.
Cách làm: Rửa sạch, ép lấy dầu sử dụng mỗi ngày.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Emmanuel Essien, Bassey Sunday Antia, Esangubong Etuk (Ngày đăng tháng 2 năm 2017). Phytoconstituents, Antioxidant and Antimicrobial Activities of Livistona chinensis (Jacquin), Saribus rotundifolius (Lam.) Blume and Areca catechu Linnaeus Nuts, ResearchGate. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2023.
2. Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1 (Xuất bản năm 2021). Cọ trang 566-570, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2023.