Chùa Dù (Elsholtzia penduliflora W.W. Smith)
5 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Chùa dù được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị cảm cúm, ho sốt. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Chùa dù.
1 Giới thiệu về cây Chùa dù
Chùa dù còn có tên gọi khác là Kinh giới rủ, mọc trên các bãi hoang và ven đường vùng núi, ở độ cao từ 1000m trở lên.
Tên khoa học của Chùa dù là Elsholtzia penduliflora W.W. Smith, thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây bụi thấp, mọc thẳng đứng, cao 1-1,5m. Thân vuông, có lông tơ ngắn và điểm tuyến ở phần non. Lá mọc đối, hình trứng tới mũi mác, dài 5-15cm, rộng 1,5-4cm, đầu nhọn, gốc tròn hay hình tim, mép khía răng cưa, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông trên các gân và các điểm tuyến, gân bên 5-7 đôi; cuống lá dài 5-12mm.
Cụm hoa dạng chùm ở đỉnh cành hoặc kẽ lá, dài 5-15 cm, sau khi nở thường rủ xuống bên dưới. Lá bắc ngắn hơn hoa, có lông dày. Hoa có cuống ngắn; đài hình chuông, có 10 gân dọc. Tràng màu trắng có hai môi, môi trên 2 thùy, môi dưới 3 thuỳ. Nhị 4, hơi thò ra ngoài, 2 nhị dưới dài hơn hai nhị ở trên. Bầu nhẵn. Quả bế hình trứng, màu đen nhánh. Toàn cây có tinh dầu thơm. Mùa hoa quả vào tháng 9-12.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thu hái vào tháng 7-8 tới khi cây lụi vào tháng 11-12, phơi khô để làm thuốc hoặc cất lấy tinh dầu.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Lai Châu, Lào Cai. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc.
2 Thành phần hóa học
Tinh dầu Chùa dù chứa 1,8-cineole là thành phần chính (71,7%) và các hợp chất quan trọng khác là β-pinene (7,3%), α-pinene (3,9%), sabinene (2,8%) và Limonene (2,4%).
Các thành phần hóa học chính khác có trong Chùa dù bao gồm: 7-methoxylchrysin-5,7,8-trimethoxyflavanone; acid ferulic; acid betulinic; luteolin; acid caffeic; acid 3β-O-acetyl ursolic; acid hyptadienic và acid euscaphic.
Gần đây, nghiên cứu phân đoạn của dịch chiết 80% Ethanol từ các bộ phận trên mặt đất của Chùa dù đã dẫn đến sự phân lập của bảy triterpene glycoside mới: penduloside A–G.
Một nghiên cứu khác đã xác định được một hợp chất mới từ Chùa dù là elsholtzioxin, cùng 15 hợp chất đã biết (apigenin, p-hydroxyphenylacetic acid methyl ester, methyl (R)-3-
hydroxy-5-phenyl pentanoate, methyl 2-O-feruloyl-3-(3’,4’-dihydroxyphenyl) lactate, methyl isoferuloyl-7-(3,4- dihydroxyphenyl) lactate, methyl caffeate, trans-p-coumaric acid, protocatechuic aldehyde, 4-hydroxybenzoic acid, 2,6-dihydroxy-2,4-dimethyl-3(2H)-benzofuranone, 2-(3’,4’-dihydroxyphenyl)-1,3-benzodioxole-5-aldehyde, 4-acetonyl-3,5-dimerhoxy-p-quinol,
(E)-2-(4-hydroxy-3-methyl-2-butenyl)-hydroquinone, (1’R)-1’-(4-hydroxy-3,5-dimethoxyphenyl)propan-1’-ol 4-O-b-D-glucopyranoside, p-ethylphenyl-1-O-b-D-glucopyranoside.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Rau Kinh giới - Vị thuốc trị mụn và cảm cúm hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của Chùa dù
3.1 Tác dụng dược lý
Hiện có rất ít nghiên cứu về tác dụng dược lý của Chùa dù.
3.1.1 Chống virus
Các nghiên cứu trước đây cho thấy loài Chùa dù có tác dụng ức chế tốt bệnh viêm phổi nặng do virus. Gần đây, tác dụng này cũng đã được làm rõ. Hợp chất elsholtzioxin thể hiện hoạt tính kháng virus cúm tiềm tàng đối với chủng H1N1 với tỷ lệ ức chế là 47,19%. Các hợp chất apigenin, protocatechuic aldehyde và 2-(3’,4’-dihydroxyphenyl)-1,3-benzodioxole-5-aldehyde thể hiện hoạt tính ức chế đáng kể với IC50 lần lượt là 26,16; 34,66 và 20,81μM.
3.1.2 Chống ung thư
Các hợp chất penduloside đã được thử nghiệm về hoạt tính gây độc tế bào đối với hai dòng tế bào ung thư ở người in vitro, cho thấy khả năng gây độc tế bào đáng kể đối với tế bào ung thư phổi ở người (A549) và tế bào ung thư vú ở người (MCF-7). Điều này chứng tỏ tiềm năng của Chùa dù trong điều trị ung thư.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Màng tang - Vị thuốc chống viêm, giảm đau hữu hiệu
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Chùa dù có tính ấm, vị cay, đắng, mùi thơm, có tác dụng khư phong tán hàn, giải nhiệt, chỉ thống.
Trong đông y, Chùa dù được dùng trong chữa cảm cúm, sốt, ho, tiểu tiện khó do bị viêm, tiểu tiện ra máu. Tinh dầu chữa đau và tiêu chảy. Rễ trị sốt rét.
Ở Trung Quốc, cây dùng trị bệnh nhiệt thán (thán thư) và ngoại thương cảm nhiễm. Còn ở Vân Nam, toàn cây chữa bệnh cúm, sốt rét, cảm mạo, viêm họng, viêm amygdal.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Chùa dù
4.1 Cách dùng
Ngày dùng 10-15g cây khô, dạng thuốc sắc hay hãm. Có thể dùng cây tươi để xông chữa cảm cúm, hoặc giã nát đắp hay xoa bóp chỗ đau khi trẻ em ho hay sốt. Cũng có thể sử dụng tinh dầu để thay thế. Liều dùng rễ là 8-10g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc. Để chữa kiết lỵ, dùng là tươi rửa sạch, vò nát, vắt lấy nước uống.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Chữa tiểu khó do nhiệt, tiểu ra máu
Dùng Chùa dù phơi khô 10-20g, hãm hoặc sắc uống, có thể phối hợp với Kim Ngân Hoa và lá tre (đồng lượng).
4.2.2 Chữa viêm thận
Dùng Chùa dù phơi khô, tán thành bột, uống với nước đun sôi để nguội. Mỗi lần uống 3-6g, ngày 2 lần, dùng trong 4 tuần.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Kinh Giới rủ trang 1258-1259, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023.
2. Tác giả Lu Zhang và cộng sự (Ngày đăng 30 tháng 7 năm 2020). A new prenylated 3-benzoxepin derivative with anti-influenza A virus activity from Elsholtzia penduliflora, PubMed. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023.
3. Tác giả Thi Dieu Huong Hoang, Thi Kim Van Le, Thi Ha Do (Ngày đăng 9 tháng 8 năm 2022). Triterpene glycosides from the aerial parts of Elsholtzia penduliflora W. W. Smith and their cytotoxic activity, PubMed. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023.