Dâu Tây (Fragaria vesca L.)
9 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Rosales (Hoa hồng) |
Họ(familia) | Rosaceae (Hoa hồng) |
Chi(genus) | Fragaria (Dâu tây) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Fragaria vesca L. |
Dâu Tây thuộc dạng cây thảo. Thân cây mảnh, có màu xanh lục. Quả Dâu Tây có vị chua, ngọt, tính mát được sử dụng trong các trường hợp cảm, sốt, viêm đường tiết niệu hay ngâm rượu hoặc làm siro. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Dâu Tây
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Fragaria vesca L.
Tên nước ngoài: Strawberry (tiếng Anh), fraisier (tiếng Pháp).
Họ thực vật: Hoa hồng Rosaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dâu Tây thuộc dạng cây thảo, cây có khả năng sống qua nhiều năm. Thân cây mảnh, có màu xanh lục. Cây mọc bò trên mặt đất, tại các mấu có bén rễ.
Lá kép, mọc so le, có 3 lá chét, mép lá chét có khía răng cưa, lá kèm nhỏ. Cuống lá rất dài.
Hoa có màu trắng, đài 5, tiểu đài có 5 móng, tràng 5.
Mỗi lá noãn chứa 1 noãn.
Quả bế tụ, có màu đỏ, quả mọng nước.
Mùa hoa rơi vào tháng 2 đến tháng 4.
Mùa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 7.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây và quả.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Fragaria L. trên thế giới có khoảng 10 loài, được tìm thấy chủ yếu ở các vùng ôn đới và vùng cận nhiệt đới.
Tại nước ta, chi này có 3 loài, trong đó có 2 loài được nhập vào nước ta và đều có tên là dâu tây.
Fragaria vesca L. có nguồn gốc từ châu Âu, sau đó được đem về Đà Lạt trồng trước những năm 1954. Dâu Tây cũng đã được trồng thử ở các vùng có khí hậu mát mẻ khác nhau Tam Đảo, SaPa.
Có bản chất là cây ưa sáng, thích hợp trồng trong những khu vực có khí hậu mát mẻ. Nhiệt độ để cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất là từ 15 đến 20 độ C. Khi nhiệt độ xuống quá thấp (dưới 0 độ C), cây sẽ có dấu hiệu kém phát triển, quả bị đen. Chính vì lý do này, tại các nước như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, cây chỉ được trồng ở những vùng núi có độ cao trên 1000 mét với thời tiết mát mẻ quanh năm.
Cây có khả năng mọc từ các mấu của thân bò, Dâu Tây thường phát triển thành từng đám do đó, việc phân biệt từng cá thể thường gặp nhiều khó khăn.
Tại Đà Lạt, cây ra quả nhiều vào mùa đông xuân, năng suất không giống nhau giữa các loài.
2 Thành phần hóa học
Các thành phần hóa học có trong Dâu Tây bao gồm:
- Nước, protein, chất xơ, carbohydrate, vitamin C.
- Sau khi ủ men dịch chiết từ rễ, các nhà khoa học đã phân lập được 3 dimer procyanidin.
- Lá cây chứa d-catechin, quercetin, leucocyanidin, kaempferol,...
3 Tác dụng dược lý của Dâu tây
Lá Dâu Tây được chứng minh là có đặc tính sát trùng, làm mềm và bảo vệ da nhờ sự sự có mặt của các hợp chất hoạt tính sinh học, chẳng hạn như flavonoid, axit phenolic, ellagitannin và proanthocyanidin.
Bên cạnh đó, dịch chiết của cây có tác dụng chống oxy hóa, chiết xuất Dâu Tây có thể được sử dụng để bôi ngoài da, là thành phần mỹ phẩm đầy hứa hẹn trong tương lại.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Toàn cây, quả Dâu Tây có vị ngọt, chua, tính mát.
Tác dụng: Thanh nhiệt, bổ phế, lợi tiểu, giải độc, lợi hầu.
4.2 Công dụng
Toàn cây và quả được sử dụng trong các trường hợp cảm sốt, viêm mang tai, họng bị sưng đau, sỏi tiết niệu, người bệnh thiếu Vitamin C với liều dùng được khuyến cáo là 10-15g, đem sắc lấy nước uống.
Nước hãm từ lá của cây Dâu Tây được sử dụng trong các trường hợp tiêu chảy hoặc các bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu.
Nhân dân sử dụng quả Dâu Tây để ăn tươi, giải nhiệt hoặc ngâm với rượu hoặc ngâm với đường để làm siro.
Nhân dân dùng Kashmir của Ấn Độ sử dụng rễ của cây để thay cà phê.
5 Một số cách trị bệnh từ cây Dâu Tây
5.1 Chữa sỏi tiết niệu
30g quả Dâu Tây khi gần chín.
10g Kim tiền thảo.
8g rễ Cỏ Tranh.
10g quả Cối Xay.
Thêm 400ml nước đun đến khi còn 200ml.
Mỗi ngày sắc 1 thang, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Thời gian điều trị kéo dài 10 ngày.
5.2 Ngâm rượu Dâu Tây
500g quả Dâu Tây.
500g Táo tàu.
1,5 lít rượu ngon.
Quả Dâu Tây sau khi sơ chế, bỏ cuống, rửa sạch bằng nước, để ráo.
Cho Dâu Tây vào một chiếc túi vải, buộc chặt miệng túi.
Cho túi vải chứa Dâu Tây vào bình đã rửa sạch, phơi khô.
Thêm Táo Tàu.
Đổ rượu.
Sau 20 ngày, vớt túi đựng Dâu Tây ra và vắt lấy nước, bỏ bã.
Táo Tàu sau 60 ngày thì vớt bỏ.
Lấy rượu uống, mỗi ngày uống 30ml, thời điểm uống là trước bữa ăn tối.
Có thể dùng trong nhiều ngày.
6 Lợi ích đối với sức khỏe của Dâu Tây
6.1 Ngăn ngừa béo phì
Nhờ hàm lượng nước cao trên 90% và giá trị calo thấp 32 kcal/100g, Dâu Tây thường được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân béo phì để giảm cân, được thêm vào chế độ ăn thông thường để kiểm soát cân nặng.
6.2 Chống oxy hóa
Quả dâu tây do chứa các hợp chất polyphenolic và vitamin C nên có tác dụng chống oxy hóa. Các hợp chất phenolic, bao gồm axit phenolic, có nhiều hoạt động sinh học như chống ung thư, chống viêm, thoái hóa thần kinh và chống oxy hóa.
6.3 Tăng cường miễn dịch
Quả Dâu Tây chứa nhiều vitamin C. Đây là một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do và được sử dụng như một tác nhân điều trị bệnh. Bên cạnh đó, vitamin C còn có tác dụng bảo vệ hệ thống miễn dịch, giảm mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng và giúp chống nhiễm trùng.
6.4 Bổ sung folate
Folate được coi là một thành phần thiết yếu trong chế độ ăn uống liên quan đến nhiều con đường trao đổi chất, chủ yếu là trong các phản ứng chuyển carbon, chẳng hạn như sinh tổng hợp purine và pyrimidine và chuyển đổi xen kẽ axit amin. Folate có tác dụng ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, thiếu máu cục bộ và ung thư.
6.5 Chống ung thư
Flavonoid trong Dâu Tây bao gồm flavonol, flavanol và anthocyanin. Các flavonoid này đóng vai trò bảo vệ trong quá trình gây ung thư bằng cách làm giảm khả dụng sinh học của chất gây ung thư. Bên cạnh đó, flavonoid có trong Dâu Tây còn có tác dụng làm giảm mức độ oxy hóa cholesterol LDL.
7 Những ai không nên ăn dâu tây?
Do trong thành phần có chứa vitamin C nên những người bị viêm loét dạ dày tá tràng không nên ăn dâu tây. Bên cạnh đó, một số đối tượng sau không nên ăn dâu tây bao gồm:
- Bệnh nhân cao huyết áp.
- Bệnh nhân viêm đại tràng.
8 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam, tập 1. Dâu Tây, trang 618-619. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2024.
Tác giả Joana Couto và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2020). Fragaria vesca L. Extract: A Promising Cosmetic Ingredient with Antioxidant Properties, NCBI. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2024.