Chiêng Chiếng (Caesalpinia crista L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Caesalpiniaceae (Vang) |
Chi(genus) | Caesalpinia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Caesalpinia crista L. |
Chiên Chiến có tên gọi khác là Chiêng Chiếng, là loại cây được tìm thấy ở nhiều cánh rừng thứ sinh. Chiên Chiến được sử dụng trong các bài thuốc trị mệt mỏi, đau xương. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về cây Chiên Chiến
1 Giới thiệu
Tên gọi khác: Điệp Xoan, Kim Anh Đằng, Chiêng Chiếng.
Tên khoa học: Caesalpinia crista L.
Họ thực vật: Vang Caesalpiniaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Chiên Chiến là một loại cây nhỡ, độ cao từ 2 đến 3 mét.
Cành tưởng đối mảnh và mềm, thường dựa vào cây khác, vỏ cành có màu lục sau trắng nhạt.
Lá kép, phiến lá rộng, gồm 2 đến 4 đôi lá chét hình trứng, mỗi lá chét dài khoảng 2-5cm, phiến rộng 1,5 đến 3cm.
Lá chét có màu xanh lục, mặt trên bóng, mặt dưới có màu trắng xám.
Cuống lá dài từ 10 đến 15cm, có gai rải rác.
Cụm hoa tận cùng, hoa có màu vàng, gồm 5 lá đài, lá phía ngoài có hình mũ, các lá còn lại hình bầu dục.
Cánh hoa có móng, hơi ngắn, nhị 10, bầu gần như không có cuống.
Quả đậu.
Hạt dẹt gần như hình thận.
Mùa hoa rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, mùa quả rơi vào tháng 6 đến tháng 8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ.
Thu hái quanh năm, sau khi thu hái, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sao vàng.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chiên Chiến là loại cây ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt, thường mọc hoang ở các rừng thứ sinh.
Tại các tỉnh đồng bằng Nam Bộ của nước ta, Chiên Chiến được tìm thấy mọc thành bụi ở các bờ kênh và rừng.
Chiên Chiến có khả năng tái sinh dễ dàng từ hạt.
Một số địa phương còn sử dụng Chiên Chiến trồng xung quanh nương rẫy để làm bờ rào.
2 Thành phần hóa học
Lá và quả của cây Chiên Chiến chứa bonducin là một glycoside đắng, không tan trong nước, tan được trong một số dung môi hữu cơ như chloroform, alcol, aceton, pyridin.
Hạt chứa guilandinin, phytosterinin.
3 Tác dụng - Công dụng của cây chiên chiến
3.1 Tác dụng dược lý
Thành phần bonducin được tìm thấy trong lá và hạt Chiên Chiến được cho là có tác dụng chống sốt rét.
Dịch chiết bằng cồn từ hạt của cây Chiên Chiến khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm cho thấy có tác dụng hạ huyết áp và ức chế sự co bóp của tim, dạng chiết bằng nước không có những tác dụng này.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Hạt và lá của cây có vị đắng, tính mát.
Tác dụng: Thanh nhiệt, khử ứ, giải độc, chỉ thống.
3.2.2 Công dụng
Hạt Chiên Chiến được sử dụng để trị giun sán, chữa sốt rét, kiết lỵ, ho với liều dùng được khuyến cáo là 0,5 đến 10g mỗi lần, ngày uống 2-3 lần.
Người dân Ấn Độ và người dân Philippin sử dụng lá Chiên Chiến để làm thuốc hạ sốt, trị giun sán, lá đắp ngoài chữa viêm sưng.
Người dân Trung Quốc sử dụng rễ Chiên Chiến để làm thuốc lợi tiểu, chữa đau gân cốt.
Tại Pháp, có thầy thuốc đã sử dụng bonducin để chữa sốt rét với liều 0,1 đến 0,2g.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Chiên Chiến
4.1 Chữa mệt mỏi, kém ăn, suy nhược cho phụ nữ sau khi sinh
Rễ Chiên Chiến sau khi rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, sao vàng.
Sử dụng 20-30g rễ, thêm 400ml nước sắc đến khi còn 1000ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
4.2 Chữa đau xương, đau gân
- Sử dụng 24g rễ Chiên Chiến sau khi sao vàng.
- 20g Hà Thủ Ô chế với nước Đậu Đen.
- 20 Thổ Phục Linh.
- 16g Hy Thiêm tẩm rượu.
- 16g rễ Ý Dĩ sao vàng.
- 12g rễ Gai Tầm Xọng sao vàng.
- 12g rễ Xuyên Tiêu sao vàng.
- 12g rễ Bưởi Bung.
Các vị tán nhỏ, rây lấy bột mịn, luyện với hồ hoặc sử dụng Mật Ong để tạo viên có kích thước bằng 2 hạt ngô.
Người lớn mỗi lần uống 20 viên với rượu, mỗi ngày uống 3 lần.
Trẻ em sử dụng theo độ tuổi, mỗi lần uống từ 5-10 viên, uống với nước.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (tập 1). Chiên Chiến (trang 435-436). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 2 tháng 3 năm 2024.