Chỉ Thực (Fructus aurantii Immaturi)
16 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Chỉ thực là vị thuốc quen thuộc có tác dụng trị táo bón, đau ngực, ăn uống đầy bụng trướng, không tiêu,...Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về vị thuốc chỉ thực.
1 Chỉ thực là quả của cây gì?
Theo sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" tập 1, vị thuốc chỉ thực là quả non đã phơi hay sấy khô, thu hái từ những quả có đường kính trên 1 cm của cây Citrus hystrix DC., họ Cam - Rutaceae.
Theo Dược điển Trung Quốc 1997 (bản in tiếng Anh) và Dược điển Việt Nam 5 tập 2 chuyên luận dược liệu, chỉ thực là quả non bổ đôi hay để nguyên đã phơi hay sấy khô của cây cam chua, có tên khoa học là Citrus aurantium L. hoặc cây cam ngọt Citrus sinensis (L.) Osbeck, thuộc họ cam Rutaceae.
Chỉ thực tên khoa học là Fructus aurantii Immaturi/ Fructus ponciri Immaturi
1.1 Mô tả dược liệu
Dược liệu chỉ thực có hình bán cầu (quả non cắt đôi), hay hình cầu (quả non giữ nguyên cả quả), đường kính trong khoảng từ 0,5 đến 2,5 cm, vỏ ngoài dược liệu có màu lục nâu thẫm đến lục đen có những nếp nhăn và những điểm lỗ có hình hạt, ngoài ra còn có vết cuống quả, những vết sẹo của vòi nhụy.
Trên mặt cắt của dược liệu, vỏ quả phần giữa hơi phồng lên, màu nâu vàng hoặc màu trắng vàng, phần này dày từ 0,3 - 1,2 cm. Phần ngoài có 1-2 hàng túi tinh dầu. Vỏ quả sau khi phơi hay sấy khô trở nên cứng, vỏ và múi non của quả có màu nâu.
Chỉ thực có mùi rất thơm, mát, vị đắng và hơi chua.
1.2 Thu hái và chế biến
Quả non được thu hoạch vào tháng 5 hoặc tháng 6. Có thể nhặt những quả tự rụng, loại bỏ bụi bẩn, lá khô, cành khô lẫn vào. Quả nhỏ có thể để nguyên, những quả lớn hơn, đường kính trên 1 cm có thể bổ đôi theo chiều ngang, sau đó đem phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp.
1.2.1 Bào chế vị thuốc chỉ thực
Sau khi thu hái, rửa sạch và loại bỏ những tạp chất lẫn vào, ủ mềm rồi thái lát dày, đem phơi khô. Lát tròn, thường dài khoàng 2,5cm, rộng 1,2 cm, đường kính 3 đến 15 mm, các lát thường không đều nhau.
Sau khi phơi, vỏ dược liệu có màu nâu thẫm hoặc lục đen, vỏ giữa có 1-2 hàng tinh dầu phía ngoài, phần trong màu nâu hơi vàng hay trắng hơi vàng, phần tép quả và vỏ trong sau khi khô có màu nâu
1.2.2 Bào chế chỉ thực sao cám
Đun cám trong chảo cho đến khi bốc khói, rồi cho chỉ thực đã sơ chế sạch và thái lát vào, sao cho tới khi bề mặt dược liệu chuyển sang màu vàng hay thẫm đều thì dừng lại, loại bỏ cám, lấy ra để nguội. Cứ 10 kg dược liệu ta cần 1 kg cám để sao cùng.
2 Thành phần hóa học của chỉ thực
Theo các ghi chép, chỉ thực có chứa glycosid, alcaloid, saponin
Phần tinh dầu của lá và cành chứa citronelal. Vỏ quả có chứa tinh dầu có tới 57 thành phần, có thể kể đến là citronelal, b-pinen, sabinen...
Định lượng dược liệu chỉ thực, hàm lượng Hesperidin không được thấp hơn 5% tính theo dược liệu khô kiệt
3 Chỉ thực có tác dụng gì
3.1 Tính vị, quy kinh
Chỉ thực có vị đắng, cay, chua, tính mát
Quy kinh tỳ và vị
3.2 Công dụng
Phá khí tiêu tích, hóa đờm tiêu bĩ. Được dùng để điều trị thực tích, thực nhiệt tích ở đại tràng gây táo bón, đàm trọc ứ trệ ở ngực gây cảm giác đau ở ngực, ăn không tiêu, đầy trướng
3.3 Liều lượng
Dùng mỗi ngày khoảng 3-9g, dùng phối hợp với các vị thuốc trong các thang thuốc
3.4 Kiêng kỵ
Không nên dùng cho phụ nữ có thai, người tỳ vị hư hàn nhưng không có đầy tích
4 Bài thuốc có chỉ thực
4.1 Chữa dạ dày, gan kém hoạt động, khó đi ngoài
Dùng 20g chỉ thực, 6g Bạch Truật, sắc lấy nước và uống 3 lần mỗi ngày
4.2 Chữa trẻ em cam tích, bụng to căng, hôi miệng, hay đau bụng, phân thối khắm
Dùng 8g chỉ thực, 6g nghệ đen, 6g quả giun có thể dùng sắc uống hoặc sao rồi tán bột, uống mỗi lần 5-6g với nước sắc hạt muồng sao
5 Tài liệu tham khảo
- Dược Điển Việt Nam V tập 2 (Xuất bản năm 2017). Chuyên luận dược liệu: Chỉ thực trang 1110-1111, Dược điển Việt Nam V tập 2. Truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006). Chỉ xác trang 432-434, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.