Chỉ Thiên (Cỏ Lưỡi Mèo, Cây Thổi Lửa - Elephantopus scaber L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Elephantopus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Elephantopus scaber L. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Pseudelephatolus spicatus (Juss.) Rohr |
Chỉ thiên thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 50cm, thân cây có dạng hình trụ, thể chất cứng, bề mặt có phủ một lớp lông thô, cây phân nhánh nhiều khi cây ra hoa. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Elephantopus scaber L.
Tên đồng nghĩa: Pseudelephatolus spicatus (Juss.) Rohr
Tên gọi khác: Cây thổi lửa, Chân voi nhám, Cỏ lưỡi mèo, Khổ địa đảm, Tiền hồ nam.
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc).
1.1 Đặc điểm thực vật
Chỉ thiên thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 50cm, thân cây có dạng hình trụ, thể chất cứng, bề mặt có phủ một lớp lông thô, cây phân nhánh nhiều khi cây ra hoa.
Những lá mọc ở gần gốc có dạng hình hoa thị, phiến lá có dạng hình mác, chiều dài mỗi lá khoảng từ 6 đến 12cm, chiều rộng khoảng 3-5cm, phiến lá uốn lượn và men theo cuống ôm lấy thân. Những lá mọc ở gần ngọn có kích thước nhỏ dần, khía răng nhỏ, hai mặt của lá đều phủ một lớp lông trắng đặc biệt là ở các gân.
Cụm hoa mọc thành xim hoặc ngù mang nhiều đầu giả, hoa có màu tím hoặc tím hồng, tràng hình ống, bao phấn có tai.
Quả của cây Chỉ thiên thuộc dạng quả bế, có dạng hình thoi, mỗi quả có 10 cạnh lồi.
Mùa hoa quả từ tháng 1 đến tháng 8.
Dưới đây là hình ảnh cây Chỉ thiên:
1.2 Cây Chỉ thiên có mấy loại?
Cần tránh nhầm lẫn với loài Chỉ thiên dại (tên khoa học là Elephantopus spicatus Aubl.) cùng họ Cúc nhưng lá hẹp hơn cây Chỉ thiên và cụm hoa ở dạng bông.
1.3 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
1.4 Đặc điểm phân bố
Chỉ thiên có thể bắt gặp ở nhiều khu vực khác nhau từ vùng núi có độ cao khoảng 1500 mét đến vùng trung du, đồng bằng và các đảo.
Chỉ thiên có bản chất là loài ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt, thường mọc thành từng đám hoặc mọc xen kẽ với các loài cỏ khác ở bờ ruộng, đồi núi, bờ nương rẫy. Cây có khả năng sinh trưởng và phát triển được trên nhiều loại đất khác nhau. Cây nhân giống bằng hạt, cây con mọc từ hạt vào cuối mùa xuân, sinh trưởng nhanh khi thời tiết có nhiều mưa, độ ẩm cao. Sau mùa hoa quả, cây bắt đầu tàn lụi vào giữa mùa thu. Những cây mọc trên đất ẩm, phần đất có thể tồn tại được qua mùa đông và phát triển vào mùa xuân năm sau.
Chỉ thiên được coi là một loài cỏ dại ảnh hưởng đến cây trồng.
2 Cách trồng cây Chỉ thiên
Chỉ thiên không kén đất, cây có khả năng chịu hạn tốt, thích nghi được với nhiều môi trường sống khác nhau, ít bị sâu bệnh. Hiện nay, Chỉ thiên mới được trồng ở các vườn thuốc gia đình, bệnh viện, trạm y tế xã, vườn mẫu.
Chỉ thiên được nhân giống bằng hạt. Vào tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, tiến hành thu hạt sau đó phơi khô và để đến tháng 2-3 năm sau thì đem đi gieo.
Đất nào cũng có thể trồng được Chỉ thiên, chỉ cần làm sạch cỏ, cày bừa cẩn thận, mỗi lần lên luống cao khoảng 15 đến 20cm, chiều rộng mỗi luống khoảng từ 0,8 đến 1m. Bón lót một ít phân chuồng thì càng tốt.
Sau khi gieo hạt, đợi đến khi cây con có 3-4 lá thật thì tiến hành tỉa cây. Trong quá trình trồng thì cần làm cỏ, xới đất mỗi tháng một lần.
Cây được thu hoạch khi đang nở hoa, sau khi thu hoạch thì tiến hành phơi khô.
3 Thành phần hóa học
Toàn cây chứa elephantopin, elephatin, dihydrodcoxyelephantopin.
Đài hoa chứa luteolin-7-glucosid.
Hoạt chất elephantin khi dùng liều 100mg/kg cho trên chuột cống cho thấy tác dụng ức chế tế bào sarcom 256 và thành phần deoxyelephantopin khi dùng liều 2,5mg/kg trên chuột cống trắng cho thấy tác dụng ức chế tế bào u báng rõ rệt.
4 Tác dụng của cây Chỉ thiên (Cây thổi lửa)
4.1 Tác dụng dược lý
Các nghiên cứu cho thấy, Chỉ thiên có tác dụng ức chế đáng kể sự phát triển của ung thư biểu mô Walker 256 trên chuột cống trắng, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư bệnh bạch cầu, tác dụng bảo vệ gan.
4.2 Tính vị, tác dụng
Chỉ thiên có vị đắng, tính mát, khi dùng thì quy vào 2 kinh Tỳ và Phế. Cây có tác dụng tiêu viêm, thanh nhiệt, thông tiểu, giải độc, tiêu thũng.
4.3 Công dụng
Cây Chỉ thiên được dùng trong các trường hợp sốt cao, cảm mạo, chảy máu cam, ho, viêm thận cấp, nôn ra máu, rắn cắn, mụn nhọt lở ngứa, khí hư bạch đới, viêm gan do virus.
Liều dùng được khuyến cáo là 16-20g cây khô dưới dạng thuốc sắc hoặc 50g cây tươi đem sao vàng sau đó sắc làm 2 lần, uống trong ngày. Bên cạnh đó, có thể dùng ngoài bằng cách giã nát để đắp lên nốt mụn, không kể liều lượng.
Kiêng kỵ: Người đang bị tiêu chảy, người hư hàn, bệnh có tính chất lạnh thì không dùng Chỉ thiên.
Rễ cây Chỉ thiên có tác dụng gì? Y học dân gian Ấn Độ sử dụng nước sắc từ rễ và lá khi bị đau hoặc khi bị tiêu chảy, đái khó, kiết lỵ, đau dạ dày, viêm. Rễ dùng để cầm nôn, ngoài ra rễ còn được dùng để tán thành bột, trộn với bột hạt tiêu khi bị đau răng. Lá cây vò nát, đun với dầu dừa khi bị loét, eczema. Nước sắc từ cây Chỉ thiên dùng khi bị sốt rét, nước sắc từ rễ còn dùng làm thuốc bổ gan và tim.
Các nước Đông Nam Á sử dụng Chỉ thiên để làm thuốc lợi tiểu, hạ sốt, làm dịu da. Nhân dân Malaysia sử dụng nước sắc từ lá hoặc rễ phối hợp cùng với một số loại thuốc khác để chữa hen, ho, giun sán, các bệnh hoa liễu. Rễ tươi dùng để đắp chữa phù, làm ngừng nôn.
Nhân dân Indonesia sử dụng rễ cây sắc nước hoặc đem giã nát dùng khi bị thiếu máu, khí hư, làm thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh, lá cây trị giun sán, chữa ho, tiêu chảy.
Nhân dân Myanmar sử dụng nước sắc từ thân và lá của cây Chỉ thiên trong trường hợp rối loạn kinh nguyệt.
Nhân dân Thái Lan dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa sốt rét, ho, nhiễm ký sinh trùng.
Nhân dân Philippin sử dụng nước sắc từ rễ và lá khi bị đau.
5 Cây Chỉ thiên chữa bệnh gì?
5.1 Chữa cảm sốt thể phong nhiệt
Bệnh nhân có các triệu chứng bao gồm sốt cao, sợ gió, ra mồ hôi, đau đầu, chảy nước mũi, khát nước, rêu lưỡi vàng mỏng, nước tiểu vàng, mạch nhanh.
Bài thuốc như sau:
- 40g Chỉ thiên.
- 40g lá Cối xay.
- 20g Cam Thảo đất.
- 20g Bạc Hà.
- 3 lát gừng.
- Các vị dùng tươi, đem sắc nước uống.
5.2 Chữa cảm nắng, sốt nóng đơn thuần
Bệnh nhân có triệu chứng sốt, không sợ lạnh, khát nước, ra mồ hôi, nôn ọe.
Bài thuốc như sau:
- 30g Chỉ thiên.
- 30g Sắn dây.
- 30g Rau Má.
- 30g Lá chanh.
- 30g Cam thảo đất.
- Trường hợp ra nhiều mồ hôi thì thêm 1 nắm lá tre.
- Mỗi ngày sắc 1 thang, uống lúc nguội.
5.3 Chữa ho do viêm họng hoặc viêm amidan cấp
50g Chỉ thiên tươi đem sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, trong 3 ngày liên tục.
5.4 Chữa ho
Chỉ thiên, lá Bồ bồ, Cải trời, lá Bưởi, Cam thảo đất, Ớt, Đậu xanh, rễ Tranh, mỗi vị 1 nắm, 1 cây Húng Quế, 1 cái vỏ QUýt, 1 quả chanh, 3 lát Gừng sống.
Các vị đem sắc và uống khi còn nóng, ngày 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ.
5.5 Chữa hen suyễn
100g lá Chỉ thiên.
100g hoa hoặc lá Cà Độc Dược.
50g lá Ngải Cứu.
50g Diêm tiêu.
20g Bông tranh.
Các vị phơi khô, giã nát, trộn lẫn với nhau, dùng giấy cuốn thành điếu, sấy khô.
Khi bệnh nhân chuẩn bị lên cơn hen thì đốt cho bệnh nhân xông rồi hít.
5.6 Chữa suyễn cấp tính
50g Chỉ thiên.
30g Bạc hà.
1 cục phèn chua.
Các vị cho vào nước, sắc, để sôi trong 15 phút, nước sắc chia làm 3 lần uống trong ngày. Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt, có thể cho uống thêm 4-5 ngày, mỗi ngày 1 thang.
5.7 Chữa viêm phế quản cấp tính thể phong hàn
8g rễ Chỉ thiên.
12g Tía Tô.
10g lá Hẹ.
10g Kinh Giới.
8g Bạch Chỉ.
6g Xuyên Khung.
6g Trần Bì.
Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
5.8 Chữa viêm phế quản thể phong nhiệt
8g rễ Chỉ thiên.
16g lá Dâu.
12g rễ cây Dâu.
12g Rau má.
8g rễ Chanh.
8g Bạc hà.
8g Cúc Hoa.
8g Lá hẹ.
6g Bán Hạ chế.
4g Xạ Can.
Các vị sắc lấy nước uống.
5.9 Chữa đái buốt, đái đục, đái ra máu
Chỉ thiên, rễ Bần trắng, rễ Mò đỏ, rễ Cỏ tranh, cỏ bấc, mỗi thứ một nắm, các vị đem sắc uống.
5.10 Chữa môi lở sưng đau
Lá chỉ thiên rửa sạch, thêm muối, giã nhỏ, chắt lấy nước bôi hoặc đắp.
5.11 Chữa rắn cắn
Chỉ thiên tươi giã nát, bã đắp, nước để uống, có thể phối hợp thêm lá Bồ cu vẽ, lá Ớt.
5.12 Chữa nhọt, đinh râu
Lá tươi Chỉ thiên đem giã với mẻ và giấm, đắp lên vết nhọt.
5.13 Chữa di căn ung thư lympho
Dùng cỏ Chỉ thiên trộn với muối và giấm, giã nhỏ, đắp vào nơi tổn thương.
Lưu ý, đây chỉ là bài thuốc thử nghiệm.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Chỉ thiên, trang 430-432. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Chỉ Thiên trang 233-234. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2024.