Chè Đắng (Ilex kaushue)

4 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây
Chè Đắng (Ilex kaushue)

Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cảm sốt, nhiệt bệnh, Chè đắng được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com)  xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Chè đắng.

1 Giới thiệu về cây Chè đắng

Chè Đắng còn có tên gọi khác là Ché khôm, Chè vua, mọc rải rác trong rừng thường xanh cây lá rộng vùng núi đá vôi, ở ven suối hoặc trong rừng thưa bên sườn núi, ở độ cao 600-900m.

Tên khoa học của Chè đắng là Ilex kaushue S.Y.Hu (I.kudingcha C.J.Tseng), thuộc họ Nhựa ruồi (Aquifoliaceae). Cần phân biệt với cây Ba Chạc (Melicope pteleifolia), cũng có tên gọi khác là Chè đắng.

Dưới đây là hình ảnh của cây Chè đắng.

Hình ảnh cây Chè đắng
Hình ảnh cây Chè đắng

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây gỗ cao 6-20m, có thể tới 35m, đường kính thân 20-60cm, có cây đạt tới 120cm. Cành thô, màu nâu xám, không có lông; nhánh non hình trụ tròn có nhiều gờ nhỏ. Lá đơn, mọc so le, dai, mỏng, hình thuôn dài hoặc hình ngọn giáo ngược, có kích thước thay đổi. Ở cây trưởng thành, lá thường dài 11-17cm, rộng 4-6cm; ở cây non hay những cành chồi sau khi cây bị chặt, lá thường lớn hơn, có thể tới 27-31 x 9-13cm; chóp lá có mũi nhọn ngắn hoặc tù, gốc hẹp dần; mép lá có răng cưa nhỏ gần đều nhau, đầu răng màu đen, mặt trên lục sẫm, mặt dưới nhạt hơn, không lông; gân bên 10-14 đôi, xếp chéo với gân giữa tạo thành một góc lớn hơn 45 độ; cuống lá dài 1,5-2cm.

Hoa khác gốc. Cụm hoa đực có trục dài cỡ 1cm, dạng ngù, thường có 20-30 hoa có cuống mảnh dài 4-5mm; đài hoa có đường kính cỡ 3mm; lá đài 4, hình trứng hoặc hình tròn dạng tam giác; cánh hoa 4, hình trứng ngược, dài 3,5-4mm; nhị 4, ngắn hơn hay dài bằng cánh hoa. Cụm hoa cái dạng chùm giả, gồm 3-9 hoa, có cuống thô, dài 4-6mm. Quả hạch gần hình cầu, đường kính cỡ 1cm, ở trên cuống ngắn 2-3mm, khi chín màu đỏ, chứa 2-3 hạch. Hạt hình thuôn, dài 7mm, rộng 4mm, mặt lưng và mặt trên có vân và rãnh dạng mắt lưới. Ra hoa tháng 2-4, quả chín vào tháng 6 trở đi.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá.

Thu hái quanh năm, lá non và búp non sao thành trà uống, lá già sau khi bỏ cuống thì phơi khô, nấu nước uống.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây có nhiều ở Cao Bằng, Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc.

2 Thành phần hóa học

Chè đắng chứa saponin, hợp chất phenol, purin alkaloid, Flavonoid, cyanoglucoside và phytosteroid… Trong đó, các thành phần chính là Chlorogenic acid, dẫn xuất Caffeoyl (3,5-Dicaffeoylquinic acid), Caffeoyl axit shikimic, Catechin (C), Epicatechin (EC), Catechin galat (CG), Epicatechin gallate, Kaempferol, Myricetin,Quercetin, Rutin và Kudinoside.

Các hợp chất khác đã được tìm thấy từ Chè đắng bao gồm: 

  • Polyphenol: Dẫn xuất axit caffeoylquinic hoặc axit dicaffeoylquinic.
  • Saponin triterpenoid: axit ursolic, axit randialic, sanguisorbigenin.
  • Cyanoglucoside: menisdaurin.

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Dây thìa canh - Vị thuốc hiệu quả trong điều trị đái tháo đường

3 Tác dụng - Công dụng của Chè đắng

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Điều hòa rối loạn lipid và chống béo phì

Triterpenoid saponin từ lá Chè đắng ức chế sự lắng đọng lipid tổng hợp do LDL gây ra trong đại thực bào. Tổng saponin từ cây này có thể có một ứng dụng điều trị đáng kể trong chứng tăng cholesterol máu và xơ vữa động mạch, vì chúng cải thiện các thông số huyết học bất thường ở chuột bị rối loạn lipid máu.

3.1.2 Kháng khuẩn

Bốn saponin triterpenoid của Chè đắng cho thấy hoạt động kháng khuẩn chống lại Staphylococcus aureusStaphylococcus aureus kháng methicillin.

3.1.3 Chống oxy hóa

Các gốc tự do có nguồn gốc từ axit caffeoylquinic trong Chè đắng có đủ độ ổn định cho hoạt động sinh học và đóng góp đáng kể vào hóa học chống oxy hóa. Các hợp chất phenol chính trong Chè đắng là axit mono- và dicaffeoylquinic, chịu trách nhiệm cho tác dụng này.

Tác dụng của Chè đắng
Tác dụng của Chè đắng

3.1.4 Chống tiểu đường

Lá Chè đắng được sử dụng như một loại thuốc dân tộc trong điều trị bệnh đái tháo đường và béo phì ở Trung Quốc. Một nhóm “các thành phần tích cực”, bao gồm ba axit dicaffeoylquinic và ba saponin triterpenoid mới, làm giảm đáng kể nồng độ Glucose và lipid huyết thanh tăng cao ở chuột mắc bệnh tiểu đường loại II.

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây chè vằng - Vị thuốc bồi bổ cho phụ nữ sau sinh

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Tác dụng của Chè đắng Cao Bằng: Chè đắng có tính mát, vị đắng, ngọt, có tác dụng tán phong thanh nhiệt, trừ phiền khát, thanh đầu mục.

Trong đông y, Chè đắng được dùng trong trị đau đầu, đau răng, đau mắt đỏ, tai điếc, tai giữa chảy mủ, nhiệt bệnh phiền khát, lỵ, đau họng, bỏng lửa.

4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Chè đắng

4.1 Cách dùng và cách pha Chè đắng

Liều dùng 3-10g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng. Dưới đây là một số cách dùng Chè đắng chữa tiểu đường, bổ thần kinh, giúp thư giãn, thanh nhiệt:

  • Lá già phơi khô, ủ cho mềm rồi cuộn lại như kén, đóng thành túi tùy khối lượng. Mỗi ngày lấy 1-2 lá đã cuộn (tương ứng 1-2g) hãm với nước sôi để uống như trà.
  • Lá khô tán nhỏ thành bột rồi đóng vào túi làm trà túi lọc, mỗi túi chứa 0,5g bột. Sử dụng như trà túi lọc hoặc pha với nước sôi uống, mỗi lần dùng 1 túi, ngày 2-3 lần.

Lưu ý: Tác hại của Chè đắng: Chè đắng có tính mát nên không thích hợp cho người tạng hàn, người đang có vấn đề về tiêu hóa, phụ nữ trong thời kỳ hành kinh và phụ nữ mới sinh đẻ. Những người này nếu dùng Chè đắng có thể gây ra đau bụng lạnh, tiêu chảy, thống kinh…

Bài thuốc chữa tiểu đường từ Chè đắng
Bài thuốc chữa tiểu đường từ Chè đắng

4.2 Bài thuốc

Chữa cảm nắng, sốt cao: Chè đắng 10g, sắc nước uống.

Chữa viêm họng: Chè đắng 10g, Cát Cánh 8g, sắc nước uống. Hoặc: Chè đắng 10g, La hán quả 6g, sắc nước uống.

Chữa lỵ, viêm dạ dày ruột cấp tính: Chè đắng 10g, Phượng vĩ thảo 30g, sắc nước uống.

Chữa bỏng lửa, cháy: Chè đắng nấu nước, để nguội, thoa hoặc tán nhuyễn với dầu sở bôi ngoài vết bỏng.

Chữa đầu váng mắt hoa: Chè đắng 10g, cam Cúc Hoa 12g, sắc nước uống.

Tăng máu lên não, cải thiện trí nhớ: Chè đắng, lá Bạch Quả, đồng lượng. Phơi khô, tán thành bột, mỗi lần dùng 1g pha với nước uống trong ngày thay trà.

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Dacheng Hao và cộng sự (Đăng vào tháng 2 năm 2013). Research progress in the phytochemistry and biology of Ilex pharmaceutical resources, Science Direct. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2023. 

2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Chè đắng trang 423-424, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2023.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Chè Đắng (Ilex kaushue)

Viên giảm cân A + B
Viên giảm cân A + B
Liên hệ
Trà Đông Trùng Hạ Thảo Banikha
Trà Đông Trùng Hạ Thảo Banikha
Liên hệ
Thanh Đường An
Thanh Đường An
105.000₫
Ích Giáp Vương
Ích Giáp Vương
215.000₫
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633