Vòi Voi (Heliotropium indicum)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Theo kinh nghiệm và các bài thuốc dân gian còn ghi chép lại, Cây Vòi Voi dùng để chữa phong thấp, sưng khớp, viêm họng, mẩn ngứa, thông kinh nhưng nếu dùng liều cao có thể gây sảy thai. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cây Vòi Voi.
1 Giới thiệu về Cây Vòi Voi
Cây Vòi Voi còn có những tên gọi khác như Dền Voi, Đại Vĩ Đạo, Cẩu Vĩ Trùng, Thiên Giới Thảo.
Danh pháp khoa học của Cây Vòi Voi là Heliotropium indicum L., thuộc họ họ Mồ hôi Boraginaceae - bộ Mồ hôi Boraginales.
- Tên tiếng Việt: Cẩu vĩ trùng; Đại vĩ đạo; Dền voi; Vòi voi;
- Tên tiếng Anh: Indian heliotrope, Indian turnsole
- Tên tiếng Trung: 大尾摇 - Thái Vĩ Dao
- Tên tiếng Thái: หญ้างวงช้าง
2 Mô tả thực vật
Vòi vòi là cây thân thảo, cao khoảng vài chục cen-ti-mét từ 40 - 60cm. Thân cây hình trụ, màu lục, trên thân và cành đều có lông.
Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc lá men theo cuống, đầu lá nhọn, mép lá uốn lượn, hình răng cưa không đều, mặt trên màu lục sẫm, có gân sâu thành mạng rõ, mặt dưới rất nhạt hơi có màu xám, hai mặt lá đều có lông.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành xim hình bọ cạp, dài 8 - 10cm, hoa màu tím nhạt hoặc trắng, đài hình ống ngắn; tràng hình chuông ở phía trên, hình ống ở phía dưới; nhị 5, bầu 4 ô, mỗi ô có 1 noãn.
Quả gồm 4 hạch nhỏ, trên đỉnh dính vào nhau, phía dưới xa nhau cao 4mm, càng lên phía trên càng hẹp lại, khi chín thì tách ra.
Toàn cây có lông nháp và mùi hôi.
Mùa hoa quả rơi vào khoảng tháng 5 - 7 hàng năm.
3 Cây Vòi Voi thường mọc ở đâu?
3.1 Phân bố
Việt Nam chỉ có 3 loài trong số 250 loài thuộc chi Heliotropium L.
Cây vòi voi có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, nhưng ngày nay thấy cây phân bố ở các vùng nhiệt đới khác. Cây mọc tự nhiên phổ biến ở các nước châu Á như Indonesia, Philippin, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Lào, phía nam Trung Quốc.
Ở Việt Nam, cây mọc ở hầu khắp các tỉnh, trừ vùng núi cao trên 1500m. Vòi voi cũng có ở tất cả các đảo lớn như Cát Bà, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo.
3.2 Sinh thái
Vòi voi là cây ưa sáng, thường mọc trên các bãi đất ẩm ở ven đường đi, quanh làng, nương rẫy, vườn và bãi bồi sông.
Cây con mọc từ hạt vào khoảng tháng 4 - 5, sinh trưởng nhanh trong mùa hè, ra hoa quả nhiều và tàn lụi vào giữa mùa thu.
Cây vòi voi không kén đất, chịu được nắng nóng trong mùa hè, gieo giống tự nhiên từ hạt. Do đó cây thường mọc tập trung thành cụm ở nơi trước đây có cây mẹ.
Vòi voi thường bị coi là loài cỏ dại ảnh hưởng đến cây trồng. Tuy nhiên khi cây mọc dày, có tác dụng chống xói mòn vào mùa mưa; toàn bộ phận trên mặt đất được dùng làm phân xanh.
3.3 Bộ phận sử dụng
Toàn cây vòi voi, đem phơi khô hay dùng tươi.
4 Thành phần hóa học
Tổng hợp các nghiên cứu khoa học cho thấy, cây vòi voi có chứa nhiều chất phytochemical quan trọng, bao gồm pyrrolizidine alkaloids, indicine, echinitine, supinine, heleurine, heliotrine, lasiocarpine, acetyl indicine, indicinine, indicine N-oxide, cynoglossine, europine N - oxide , heleurine N-oxide, heliotridine N -oxide, heliotrine N -oxide, heliotrine, dầu dễ bay hơi, triterpen, amin và sterol, ( E )-Ethyl-12-cyclohexyl-4,5-dihydroxydodec-2-enoate...
5 Cây Vòi Voi trị bệnh gì? Cây Vòi Voi có độc không?
5.1 Cây Vòi Voi có ăn hay uống được không?
Các alcaloud pyrrolizidin trong cây vòi voi có tất dụng độc trên động vật, gia súc và lẻ tẻ trên người, nhiều alcaloid này có tác dụng độc hại gan rõ rệt. Các oxydase ở gan động vật có vú biến đổi những alcaloid này thành những cấu trúc pyrrol là chất alkyl hóa mạnh tác động với các chất ưa nhân thích hợp của tế bảo, ví dụ các acid nucleic và protein. Tuy tác dụng độc của các chất chuyển hóa này thường được nhận xét thấy chủ yếu ở gan, nhưng phổi và / hoặc những mô khác cũng có thể bị ảnh hưởng. Thêm vào tác dụng độc hại tế bào, các alcaloid pyrrolizidin còn có tác dụng gây đột biến và gây ung thư. Vì vậy, dù có những bài thuốc kinh nghiệm có thể dùng vòi voi uống trị bệnh, nhưng thường rất hạn chế.
(E)-Ethyl-12-cyclohexyl-4,5-dihydroxydodec-2-enoate, được phân lập từ cây vòi voi, được phát hiện là có tác dụng bảo vệ dạ dày đáng kể. Các nhóm prostaglandin, oxit nitric và sulfhydryl phi protein không tham gia vào cơ chế hoạt động của hoạt chất này.
Các báo cáo khoa học tiết lộ rằng loại thảo mộc này cho thấy chất chống oxy hóa, giảm đau, kháng khuẩn, chống ung thư, chống lao, chống co thắt cơ, chống đục thủy tinh thể, chống khả năng sinh sản, chữa lành vết thương, chống viêm, chống nhiễm trùng, hạ đường huyết, chống giun, lợi tiểu, chống ho, chống tăng nhãn áp, chống dị ứng và hoạt động diệt ấu trùng. Tóm lại, các nghiên cứu trong ống nghiệm với mô hình động vật dường như cho thấy tiền năng của vòi voi chống lại nhiều loại rối loạn và là nguồn cung cấp các hợp chất trị liệu bằng thực vật. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng là cần thiết để xác nhận các tác động quan sát được trên mô hình động vật, xác định độc tính của liều điều trị và phân lập các thành phần hoạt tính sinh học thực sự.
5.2 Cây Vòi Voi chữa xương khớp
Theo y học cổ truyền, các ghi chép cho thấy, cây vòi voi có vị đắng nhạt, hơn cay, mùi hăng, tính mát, có tác dụng thông huyết, trừ phong thấp, thanh nhiệt, tiêu viêm.
Cây vòi voi được dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa phong thấp, sưng khớp, lưng gối nhức mỏi, viêm họng, nhọt viêm tấy, mẩn ngứa.
Vòi voi còn được dùng làm thuốc thông kinh, khi dùng liều cao có thể gây sẩy thai.
Ở một số nước Đông Nam Á, lá cây vòi voi được dùng trị hột cơm, mụn cóc và làm thuốc đắp để trị các khối u. Ở Indonesia, nước sắc lá trị bệnh tưa, bệnh do nấm Candida. Trong y học dân gian Lào và Campuchia, toàn cây vòi voi được dùng dưới dạng thuốc sắc uống hoặc thuốc đắp trị viêm, sưng tấy, bong gân, thâm tím, viêm họng, áp xe và thấp khớp, thuốc đắp lá tri herpes và thấp khớp. Ở Philippin, rễ được dùng làm thuốc diều kinh, nước hãm lá để rửa vết thương và mụn nhọt, lở loét. Ở Thái Lan, nước sắc phần trên mặt đất là thuốc hạ sốt, chống viêm và rễ trị bệnh về mắt. Ở Tây Phi, thuốc đắp lá trị eczema và chốc lở.
Ở Ấn Độ, cây vòi voi được dùng để làm mềm da, lợi tiểu, trị vết thương và dùng đắp tại chỗ trị loét, chốc lở, vết thương, nhọt ở lợi, các bệnh da, thấp khớp và sâu bọ cắn. Nước sắc chồi non trị ho và ghẻ; nước sắc lá trị sốt và mày đay, nước sắc rễ trị ho và sốt. Hạt nhai và nuốt làm dễ tiêu. Ở Nam và Trung Mỹ, nước sắc lá còn trị lỵ và trĩ, dịch ép lá uống chữa chảy máu bên trong, nước hãm lá dùng súc miệng trị viêm họng. Ở Bờ Biển Ngà, nhân dân bôi dịch ép vòi voi để chữa vết thương, đắp lá rồi băng lại để trị một số bệnh về da, đặc biệt trị eczema và chốc lở ở trẻ em.
6 Cách sử dụng Cây Vòi Voi
6.1 Tắm cây Vòi Voi có tác dụng gì?
Cách sử dụng cây vòi voi như sau:
- Nếu dùng thuốc sắc, ngày dùng 15 - 30g. Vì cây vòi voi có tác dụng độc hại đối với gan, nên hạn chế việc dùng uống để chữa bệnh.
- Dùng ngoài, cành lá hoa tươi, giã nhỏ, chưng với giấm đắp, chữa mụn nhọt, chín mé, viêm hạch, vấp ngã tụ máu, bong gân.
- Cây vòi voi còn có thể đun nước tắm để chống viêm, trị mụn, nhọt hay mẩn ngứa ở trẻ nhỏ hay người lớn.
- Ngoài ra, cây vòi voi còn có thể đem ngâm rượu.
6.2 Cây Vòi Voi ngâm rượu
Trong 2 năm 1961-1962, bệnh viện Hải Dương đã dùng cao rượu vòi voi điều trị cho 856 bệnh nhân bị bong gân, tụ huyết, bầm sưng do sang chấn, viêm, viêm tấy, áp xe, chín mé, viêm hạch v.v... đã đi tới một số kết luận sau đây:
- Cao rượu vòi voi có tác dụng rất tốt đối với những trường hợp viêm hay cương tụ huyết chưa làm mủ: Chỉ cần đắp cao rượu vòi voi trong 3-4 ngày, đắp ướt liên tục.
- Nếu đã có mủ rồi, cao rượu vòi voi không có tác dụng làm tan mủ, nhưng cũng làm cho mủ không lan rộng hơn và làm giảm sưng tấy ở những vùng xung quanh ổ mủ.
- Sau khi trích mủ, nếu băng bằng cao rượu vòi voi, vết thương chóng lành và đỡ đau hơn là băng thường.
- Cao rượu vòi voi đắp lên chỗ sung làm dịu đau ngay, bệnh nhân thấy có cảm giác mát dịu, dễ chịu, không nhức nhối như khi chưa đắp thuốc.
7 Bài thuốc có cây Vòi Voi
7.1 Chữa sai khớp và bong gân, sau khi đã chỉnh hình các khớp
Vòi voi (lá và hoa) 30g, tỏi 1 củ, muối ăn 10g. Tất cả giã nát đắp vào chỗ sưng tấy, băng chặt.
7.2 Chữa vết thương phần mềm
Vòi voi 50g, Sài Đất 200g, Tô mộc 20g. Sắc nước rửa.
7.3 Chữa sưng đầu gối
Chữa sưng đầu gối với những triệu chứng sau đây: Trước phát bệnh mỏi đầu gối, 3 hôm sau, vùng đầu gối đỏ và sưng to lên, người lên cơn sốt nhẹ, không đi lại được.
Dùng cây tươi, chặt thành từng đoạn nhỏ, giã cho dập, bỏ vào nồi sao với giấm hoặc với rượu, gói vào miếng vải, buộc vào chỗ sưng. Làm như vậy trong một năm (Y học tạp chí đông y, 1961, số 11).
8 Hình ảnh cây Vòi Voi
9 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam Tập 2 (Xuất bản năm 2006). Vòi Voi trang 1061 - 1062, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 03 tháng 08 năm 2023.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Cây Vòi Voi trang 502 - 503, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 03 tháng 08 năm 2023.
- Tác giả: Chandan Sarkar và cộng sự (Ngày đăng: ngày 01 tháng 06 năm 2021). Heliotropium indicum L.: From Farm to a Source of Bioactive Compounds with Therapeutic Activity, Pubmed. Truy cập ngày 03 tháng 08 năm 2023.
- Tác giả: Yaraset López-Lorenzo và cộng sự (Ngày đăng: tháng 12 năm 2022). Gastroprotective activity of ( E)-ethyl-12-cyclohexyl-4,5-dihydroxydodec-2-enoate, a compound isolated from Heliotropium indicum: role of nitric oxide, prostaglandins, and sulfhydryls in its mechanism of action, Pubmed. Truy cập ngày 03 tháng 08 năm 2023.