Vải (Litchi chinensis sonn)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Hương Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Vải với người dân Việt Nam loại cây này không còn xa lạ gì mỗi khi hè về. Không chỉ là thứ quả ngon ngọt mà loại cây này còn có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch, cải thiện quá trình trao đổi chất, hay có khả năng ngăn ngừa ung thư,... Còn vô vàn những công dụng về vải mà có thể bạn chưa biết. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy xin gửi đến bạn đọc những thông tin bổ ích dưới đây.
1 Giới thiệu về cây Vải
Vải xuất phát với tên khoa học là Litchi chinensis sonn, thuộc họ Bồ hòn - Sapindaceae. Hiện nay ở Việt Nam hay trên thế giới có rất nhiều loại vải như Vải thiều, vải giấy, vải guốc,.. Hay từ cây vải người ta có thể khai thác được những công dụng với các bộ phận của cây khác nhau như quả, rễ, lá,..
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây vải là cây ăn quả với thân gỗ vùng nhiệt đới với chiều cao khoảng 8-15m. Cành cây tròn, màu gụ. Lá kép hình lông chim, 2-4 đôi lá chét cứng dai, đầu nhọn, gốc hơi tù, mặt trên sáng, mặt dưới thẫm. Lá non mới mọc có màu đồng đỏ sáng sau rồi chuyển dần thành màu xanh lục đến khi đạt tới kích thước cực đại. Hoa xếp thành hình chùy ở ngọn cành, có lông nâu, cuống hoa có đốt. . Đài hoa hình đấu phân thùy nhẵn, có lông ở cả 2 mặt. Cây không có tràng. Đĩa vòng phân thùy nhẵn. Nhị 7-10. Bầu 2 ô, có lông.
Quả vải thuộc loại quả hạch, có hình trứng dài khoảng 3-4cm. Bên ngoài có lớp vỏ xù xì màu đỏ, không ăn được nhưng có thể bóc dễ dàng. Bên trong có thịt quả dày, màu trắng ngà bao gần hoàn toàn hạt; hạt có màu nâu, cứng.
1.2 Thu hái và chế biến
Như đã đề cập, Cây vải là một trong những loài cây có thể khai thác các bộ phận để sử dụng làm dược liệu như quả có tên dược liệu là Lệ chi, rễ có tên là Lệ chi căn, lá có tên là Lệ chi diệp, vỏ quả ngoài là Lệ chi xác, và hạt có tên là Lệ chi hạch hay tên khoa học là Fructus, Radix, Folium, Pericarpium et Semen Litchi.
Quả được thu hoạch vào mùa hè. Thịt quả có thể dùng tươi hay sấy khô như long nhãn. Hạt vải đem rửa sạch, thái nhỏ, tẩm nước muối sao ( 30%) hoặc đốt tồn tính hoặc đồ chín, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây vải thường mọc trong rừng, đồi thấp và có thể sinh trưởng, phát triển ở mọi loại đất thoát nước tốt, hơi chua và giàu chất hữu cơ. Đây là loại cây thích hợp với những vùng có mùa đông ngắn, khô và mát, nhưng không lạnh giá và mùa hè dài nóng, độ ẩm cao. Vải được trồng và mọc hoang phần lớn ở khu vực phía Bắc và Trung bộ Việt Nam nhiều nhất là ở Hải Dương ( vải thiều ), hay ở Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, trên thế giới, vải còn được trồng tại miền Nam Trung Quốc, Ấn Độ, miền nam Nhật Bản và gần đây là tại Hawaii ( Hoa Kỳ ) cũng như các khu vực ẩm ướt thuộc miền đông Australia.
2 Thành phần hóa học
Trong hạt vải có α- (methylenecyclopropyl)- glycine, saponosid, tannin. Áo hạt chứa đường và các aminoacid.
Vỏ vải thường được coi là sản phẩm phụ, tuy nhiên, đây là nguồn hợp chất có hoạt tính quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy, vỏ vải chứa flavonol đơn giản, sesquiterpene, axit phenolic và proanthocyanidin, góp phần tạo nên nhiều đặc tính dược liệu như tác dụng chống oxy hóa, chống tiểu đường, ngăn ngừa ung thư và chống viêm.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Vải
3.1 Tác dụng dược lý
- Ngăn ngừa ung thư: Hợp chất Flavonoid trong quả vải có công dụng phòng ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư vú ( Theo Livestrong ). Ngoài ra, Vitamin C có khả năng trung hoa các gốc tự do, ngăn chặn quá trình chuyển hóa của các tế bào bình thường thành tế bào ung thư.
- Kiểm soát biến chứng tim mạch, điều hòa huyết áp: Theo The American Heart Association ( AHA ), Kali trong vải giúp kiểm soát huyết áp, nhịp tim, ngăn ngừa đột quỵ. Vải có thể loại bỏ các cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt ( HDL) trong máu, từ đó cải thiện quá trình lưu thông máu, giảm nguy cơ đau tim và các bệnh tim mạch.
- Tăng cường bổ sung các loại vitamin cho cơ thể từ đó tăng cường miễn dịch: Ngoài vitamin C, Vitamin E, vitamin K..., thịt quả còn chứa nhiều vitamin B6. Vitamin B6 tham gia vào một số quá trình hấp thu của cơ thể như tiêu hóa, phân hủy thức ăn, tham gia vào quá trình tạo hồng cầu và giúp cơ thể chống viêm.
- Tạo làm da rạng ngời: Lâu nay, khi nhắc tới vải người ta sẽ thường hay nghĩ đến ăn vải sẽ hay bị nóng, nổi mụn. Tuy nhiên theo cuốn “ Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam “ của giáo sư Đỗ Tất Lợi ghi lại những triệu chứng như mụn nhọt, ngộ độc khi ăn vải không phải do nó gây ra. Do hàm lượng đường, độ pH, acid trong quả vải là môi trường phát triển thuận lợi cho loại nấm độc Candida tropicalis - thường phát hiện ở những quả chín, dập nát, ủng thối.
- Vỏ vải còn được sử dụng trong Y học cổ truyền trong các trường hợp tiêu chảy, ho, sốt, tăng huyết áp.
3.2 Công dụng của cây Vải theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Quả có vị ngọt, hoặc chua tùy loại; tính ấm
Tác dụng: Sinh tân, ích huyết, lý khí, chỉ thống.
- Hạt có vị ngọt, chát, tính ấm, có tác dụng ôn trung, lý khí, chỉ khống.
Có tài liệu ghi: Hạt có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, có tác dụng hành khí tán kết, khư hàn chỉ thống.
- Cùi có vị ngọt chua, tính mát, có tác dụng mát phổi, bổ tỳ, khoan khoái, bớt bốc nóng, nặng đầu
3.2.2 Công dụng của cây Vải theo Y học cổ truyền
- Quả được dùng để trị phiền khát, ách nghịch ( nấc), đau dạ dày, tràng nhạc, đinh thũng, đau răng, ngoại thương xuất huyết.
- Rễ: trị vị hàn trường thống, sán khí, di tinh, tê họng.
- Hạt dùng trị đau xoang dạ dày, đau sán khí, phụ nữ huyết khí thích thống.
- Lá dùng trị loét trong tai.
- Vỏ quả dùng trị lỵ, huyết băng, thấp chẩn.
- Có nơi dùng hạt chữa đau dạ dày, đau ruột non, đau tinh hoàn. Ngày dùng 6-20g, dạng thuốc sắc. Cùi vải dùng chữa khát nước, mệt có hạch ở cổ. Ngày dùng 5-10g, dạng thuốc sắc. Vỏ cũng được dừng chữa ỉa chảy và đau bụng đi ngoài.
- Vỏ vải có thể sắc với nước để giải khát, đặc biệt là trong trường hợp nóng trong do ăn quá nhiều cùi vải thiều. Vỏ vải còn được dùng để làm chất đốt có mùi thơm. Cách làm như sau: Vỏ vải rửa sạch, thêm rượu ngâm trong 2 ngày, đun nhỏ lửa đến khi cạn, sau đó đem phơi, thêm muối nghiền nát và đốt sẽ tạo mùi thơm rất dễ chịu.
4 Các bài thuốc từ cây vải
- Chữa đau bụng khi hành kinh hay sau khi đẻ:
Dược liệu | Hàm lượng |
Hạt vải ( đốt tồn tính, không để cháy thành than) | 20g |
Củ gấu ( Hương Phụ ) sao | 40g |
Đem các dược liệu đi tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với nước muối nhạt hay nước cơm. Ngày uống 2-3 lần
- Chữa dái sưng đau: Hạt vải, hạt quýt, thanh bì ( bỏ ruột ), hoa hồi, với tỉ lệ bằng nhau, sao, tán bột, uống mỗi lần 8g với rượu. Hoặc dùng hạt đốt tồn tính thành than, tán bột, uống với rượu.
- Chữa răng sưng đau có sâu: Quả vải xanh để cả vỏ đốt tồn tính, tán nhỏ, xát vào chân răng. Hoặc dùng nhân hạt sấy khô, tán bột, xát vào răng bị đau, nhiều lần trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 ( xuất bản năm 2021). Vải trang 1141-1142, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2023.
- Tác giả Peifen Yao và cộng sự, ngày đăng 19 tháng 12 năm 2021. Litchi (Litchi chinensis Sonn.): a comprehensive review of phytochemistry, medicinal properties, and product development, pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2023