Cây Vả (Ficus auriculata Lour.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Cây Vả là loại cây gần giống cây sung, cây có rất nhiều công dụng trong y học dân gian như quả làm mạnh dạ dày, nhuận tràng, rễ và lá có tác dụng giải độc, tiêu thũng... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Cây Vả.
1 Cây vả có mấy loại?
Ở bài viết này, chúng tôi nhắc đến Cây Vả hay còn gọi là Ngõa, với tên khoa học là Ficus auriculata Lour., tên đồng nghĩa là Ficus roxburghii Wall. ex Miq., cây thuộc họ Dâu tằm - Moraceae.
Ngoài ra, còn có một số loài vả như cây vả mật rừng hay ngõa rừng, cây vả huế...
2 Mô tả thực vật
Cây vả là loài gỗ nhỏ, cao chừng 5-10m, tán lá tỏa rộng, thân có nhiều cành mập, có lông cứng và thưa.
Lá cây vả lớn, mọc so le, phiến dài, hình trái xoan, thường là tròn, có khi có hình tim ở gốc, chóp tròn hay có mũi nhọn; phiến lá mềm có lông ở mặt dưới, 5-7 gân gốc, mép khía răng không đều; cuống lá dài, to; lá kèm màu hung, cao 2,5 cm.
Cụm hoa sung ở gốc thân hay ở trên cành già, trên những nhánh riêng không có lá, rộng đến 4cm, có lông vàng, hình cầu, hoa đực xếp xung quanh lỗ cụm hoa, đài 4 răng không đều, hàn liền ở gốc, nhị 2 đỉnh ở gốc, hoa cái ở gốc cụm hoa, đài 3 răng hàn liền bao kín bầu lúc non, bầu thuôn ở gốc.
Hoa sẽ phát triển thành quả phức to bằng nắm tay, xếp dày đặc trên thân cây, hình cầu dẹp, có nhiều lông thưa, khi chín màu đỏ thẫm. Phần trên quả phẳng và lọc to, hơi lõm ở giữa, phần cuống thuôn nhỏ dần. Thịt quả mềm, mặt ngoài có lông mịn, bên trong có dịch đường sánh như keo.
2.1 Phân bố
Cây vả có nguồn gốc ở các vùng Ấn Độ, Malaysia.
Cây mọc hoang và trồng ở các tỉnh miền núi Việt Nam.
Ngoài ra, cây vả còn có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan.
2.2 Sinh thái: Cây vả trồng bao lâu có trái?
Mọc nơi ẩm, hơi chịu bóng trên đất sét hoặc đất lẫn đã nhiều mùn, ở độ cao tới 1500m. Thường mọc ở bờ các khe suối dưới tán rừng, thích nghi với khí hậu vùng nhiệt đới hay cận nhiệt đới,
Cây vả cũng thường được trồng; cây mọc nhanh, tái sinh chồi mạnh.
Sau khi trồng khoảng 3 năm cây sẽ bắt đầu cho quả bói và ra hoa quả hàng năm.
2.3 Có nên trồng cây vả trước nhà?
Cây vả là loại cây thân gỗ, có lá to, tán rộng, trồng cây vả trước nhà có thể tạo bóng mát, giúp không khí trong lành.
Ngoài ra, nếu xem xét đến vấn đề phong thủy, cây vả còn tượng trưng cho sự sung túc, no đủ nên dân gian quan niệm trồng loại cây này trước nhà có thể mang lại may mắn cho gia chủ.
Người ta hay nói, 'trồng cây vả, ngã một người' hoặc 'trồng vả trả người' hàm ý chỉ những điều không may mắn. Quả Vả có hình dáng giống quả sung, tuy nhiên, sung thường có vị chát, cùi mỏng nên chỉ thường dùng sung để muối. Quả Vả ngon hơn, chế biến được nhiều món ăn hơn nhưng lại được đặt cho cái tên 'vả' hàm ý chỉ sự vất vả nên cây thường chỉ được trồng trong góc vườn, ít khi được chú ý.
Cây Vả khi chín thường rụng xuống đất, thu hút nhiều loài côn trùng do đó, trong quá trình trồng cần chăm sóc, hái quả và dọn dẹp thường xuyên.
2.4 Cách trồng cây Vả
Cây có thể trồng vào mọi thời điểm trong năm nhưng nên trồng khi khí hậu mát mẻ, thời tiết không quá nóng hoặc không quá lạnh để tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất.
Đất: Cây không kén đất nhưng nên chọn đất tơi xốp, khả năng thoát nước tốt như đất cát, đất thịt, trước khi trồng tiến hành bón lót cho cây.
Ánh sáng: Lựa chọn những khu vực có ánh sáng ở mức vừa phải.
Nước: Khi giâm cành cây vả thì nên tưới nước thường xuyên để cây nhanh ra rễ.
Vả có thể được trồng bằng hạt giống, hạt giống nên được ngâm ấm, sau đó gieo trồng trong điều kiện thích hợp, tưới nước thường xuyên để cây nhanh nảy mầm. Khi kích thước cây con đạt từ 40 đến 60cm thì tiến hành đem trồng tại vườn.
3 Lá cây vả có ăn được không? Quả vả có ăn được không?
Quả vả có thể ăn được, khi xanh có thể làm rau ăn, khi chín, bên trong quả có dịch đường, ăn sẽ thấy rất ngọt. Lá vả có thể làm gỏi
Trong y học, quả, rễ, lá - Ficus, Radix et Folium Fici Auriculatae, của cây được sử dụng để chữa bệnh.
4 Cách chế biến trái vả: Cách ăn quả vả chín
Quả vả xanh có thể gọt vỏ, đem thái thành từng miếng rồi sơ chế cho hết nhựa. Sau đó đem nấu canh, kho hay hầm với các nguyên liệu như thịt, xương...
Hoặc một cách khác, bạn có thể luộc nguyên quả, cạo vỏ rồi cắt miếng ăn vừa phải, trộn với tôm, thịt, gia vị, ăn kèm rau thơm.
Cách chế biến, bảo quản quả vả được lâu khác là đem muối chua cho lên men, sau 3-7 ngày là có thể sử dụng.
5 Thành phần hoá học
Quả chứa chất keo thơm. Chiết xuất methanol của quả chứa 10-metyl-9,10-dihydroacridin-1-ol.
Lá cây vả chứa Axit Galic.
6 Tác dụng của cây vả: Lá vả có tác dụng gì?
6.1 Theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng: Quả có vị ngọt, tính bình; có tác dụng làm mạnh dạ dày, nhuận tràng, điều hoà trong ruột, lợi tiểu. Rễ và lá có tác dụng giải độc, tiêu thũng.
Công dụng: Quả Vả dùng làm rau ăn, quả chín ăn ngọt, ngon và thơm, dùng chế rượu hoặc phơi làm mứt, quả khô. Lá làm gỏi. Người ta dùng quả trị kiết lỵ, lòi dom, táo bón và trị giun. Nhựa dùng bôi chữa đàn ông có mũi nhiều mụn đỏ lòm lòm.
Để chữa suy nhược, kém ăn, gầy yếu, dùng quả vả vừa chín tới, phơi nắng hay sấy cho khô, cắt nhỏ 500g quả vã đã khô, đem ngâm với 1 lít rượu trắng trong 10 - 20 ngày, ngày uống 3 lần trước bữa ăn và lúc đi ngủ, mỗi lần 1 chén nhỏ.
6.2 Theo y học hiện đại
Trong lá cây vả có chứa Axit Galic. Đây là một chất chống oxy hóa nổi tiếng được cho là có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe và được tìm thấy trong nhiều loại thực vật.
7 Bài thuốc có chứa vả
7.1 Chữa họng sưng đau
Dùng 100g quả vả non, 50g lá chó đẻ, 30g búp tre, dùng các nguyên liệu này để tươi, giã nát rồi sao nóng, đắp vào chỗ đau, băng lại, mỗi ngày làm hai lần.
7.2 Chữa cảm, ngộ độc
Dùng 200g quả vả và 200g quả sung, 50g mỗi vị móc mèo, rễ canh châu. Đem thái nhỏ, phơi khô, tẩm rượu, sao vàng, sắc uống mỗi ngày 2 lần.
7.3 Thuốc tăng tiết sữa
Dùng mỗi lần 12g quả vả khô sấy giòn, tán bột với nước đun sôi để nguội vào lúc đói, ngày dùng 2 lần trong 3-5 ngày.
8 Mua quả vả ở đâu?
Bạn có thể tham khảo và tìm mua quả vả, cũng như những chế phẩm từ quả vả như quả vả sấy khô, mứt vả tại các trang web bán hàng online uy tín như beecost.vn, thaoduocvn.net, thaoduochcm.com...
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua tại các siêu thị lớn hay các siêu thị, cửa hàng trái cây lớn.
9 Tài liệu tham khảo
- Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2021). Vả trang 1134 - 1135, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2 (Xuất bản năm 2006). Vả trang 1044 - 1045, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.
- Tác giả: Prasad Sunnapu và cộng sự (Ngày đăng: ngày 21 tháng 06 năm 2022). Extraction, Isolation, and Structural Elucidation of Novel Phytoconstituents from Ficus auriculata Lour, eurekaselect. Truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.
- Tác giả: Thangsei Nengneilhing Baite và cộng sự (Ngày đăng: năm 2021). Ultrasound assisted extraction of gallic acid from Ficus auriculata leaves using green solvent, sciencedirect. Truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.