Thông Ba Lá (Pinus kesiya Royle ex Gordon)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Pinophyta (ngành Thông) Pinopsida (lớp Thông) |
Bộ(ordo) | Pinales (Thông) |
Họ(familia) | Pinaceae (Thông) |
Chi(genus) | Pinus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Pinus kesiya Royle ex Gordon | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Pinus khasya Hook. f. |

Thông ba lá thuộc dạng cây gỗ lớn, chiều cao khoảng từ 30 mét, một số cây có thể có chiều cao lớn hơn. Thân cây thẳng, tròn, vỏ thân dày, có màu nâu sẫm, có nhiều rãnh nứt dọc sâu. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Pinus kesiya Royle ex Gordon
Tên gọi khác: Pinus khasya Hook. f.
Tên gọi khác: Ngo.
Họ thực vật: Pinaceae (Thông).
Cây thông ba lá thuộc nhóm thực vật nào? Thông ba lá thuộc nhóm thực vật Hạt trần.
1.1 Đặc điểm thực vật
Thông ba lá thuộc dạng cây gỗ lớn, chiều cao khoảng từ 30 mét, một số cây có thể có chiều cao lớn hơn. Thân cây thẳng, tròn, vỏ thân dày, có màu nâu sẫm, có nhiều rãnh nứt dọc sâu.
Lá cây có màu lục sẫm, thể chất mềm, thường có 3 lá mọc cụm thành một bẹ ở đầu cành ngắn, chiều dài lá khoảng từ 15 đến 20cm, bẹ lá dài từ 1-2cm.
Nón quả có dạng hình trứng rộng, chiều dài khoảng từ 5 đến 9cm, chín trong 2 năm, vẩy chí khi có rốn hơi lồi, đôi khi có gai nhọn, có 2 đường gờ ngang và dọc, đi qua giữa mặt.
Hạt có cánh dài từ 1,5 đến 2,5mm.
Dưới đây là hình ảnh cây thông ba lá:

Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Chồi cành gọi là Tùng tiêm, lá gọi là Tùng diệp, Tùng châm, mắt Thông gọi là Tùng tiết, vỏ thân gọi là Tùng thụ bì, nhựa gọi là Tùng hương, quả non gọi là Nộn quả, phấn hoa Thông gọi là Hoa phấn.
1.2 Đặc điểm phân bố
Thông ba lá được tìm thấy ở Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Tại nước ta, cây phân bố ở một số tỉnh thành từ Bắc vào Nam như Lai Châu, Quảng Nam, Lào Cai, Khánh Hòa, Ninh Thuận nhưng tập trung nhiều nhất ở Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
Thông ba lá thường được tìm thấy ở những khu vực có độ cao từ 600 đến 1800 mét. Cây mọc thuần loại hoặc hỗn giao với các loài cây lá rộng khác. Thông ba lá có thể sinh trưởng và phát triển được trên những loại đất nghèo dinh dưỡng nhưng vẫn cần đảm bảo khả năng thoát nước tốt.
Thông ba lá tái sinh bằng hạt mạnh ở khu vực đất trồng.
Cây ra hoa vào tháng 4 đến tháng 5, nón chín sau 2 năm.

2 Quy trình kỹ thuật trồng Thông 3 lá
2.1 Quy trình
Thông ba lá có thể được trồng xen kẽ với các loài bản địa có những đặc điểm tương đồng về sinh thái và lâm sinh.
Đất trồng cần đảm bảo thoát nước tốt, đào hố có kích thước 30x30x30cm hoặc 40x40x40cm. Bón lót phân NPK vào hố trước khi trồng.
Mật độ trồng Thông ba lá còn tùy thuộc vào mục đích của rừng trồng:
- Nếu trồng rừng phòng hộ và kinh doanh gỗ lớn thì trồng hỗn loài với keo hoặc các cây bản địa khác, mật độ trồng là 1660 cây/ha, trồng Thông ba lá chiếm 2/3 số lượng.
- Nếu trồng rừng để lấy gỗ làm giấy thì trồng thuần loài, mật độ trồng là 2500 cây/ha.
Cây con cần được ươm giống trong khoảng từ 9 đến 12 tháng rồi mới đem đi trồng.
Thời vụ trồng thường là từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch.
2.2 Cách chăm sóc cây Thông ba lá
Chăm sóc rừng trong vòng 5 năm, năm đầu tiên và năm thứ hai chăm sóc 3 lần, năm thứ ba chăm sóc 2 lần, năm thứ tư và năm thứ năm chăm sóc 1 lần.
Tiến hành các biện pháp phòng trừ sâu bệnh khi cần thiết.

3 Thành phần hóa học
Cây cho nhựa tốt nhưng sản lượng thấp hơn Thông đuôi ngựa và Thông nhựa. Nhựa từ cây Thông ba lá chế ra được tùng hương và tinh dầu Thông.
Tinh dầu có chứa 95,7% alpha và beta pinene.
Thử nghiệm hóa thực vật cho thấy terpenoid (tức là α-pinene được xác nhận bằng GC-MS), ancaloit, steroid, xanthone, đường khử và Saponin.

4 Tác dụng của cây Thông ba lá
Các nghiên cứu trước đây cho thấy Thông ba lá có độc tính tế bào cao đối với các tế bào ung thư gan. Do đó, cơ chế chi tiết về tác dụng chống ung thư của chiết xuất hydro-ethanol 50% từ cành của cây Thông ba lá đã được nghiên cứu trên các tế bào ung thư biểu mô tế bào gan HepG2. Độc tính tế bào của cây Thông ba lá được xác định bằng cách sử dụng xét nghiệm NR, sau đó xác định chế độ chết tế bào bằng phương pháp đo lưu lượng tế bào.
Kết quả cho thấy chiết xuất từ cây Thông ba lá thể hiện độc tính tế bào chọn lọc cao và gây apoptosis đối với HepG2. Phân tích quang phổ FTIR chỉ ra rằng Thông ba lá đã thay đổi các phân tử sinh học chính trong HepG2 khác với melphalan (một đối chứng dương tính), cho thấy một cơ chế khác nhau của tác động chống ung thư. Thông ba lá gây ra cái chết tế bào theo chương trình apoptosis thông qua con đường nội tại bằng cách tăng hoạt động của caspase 9 và 3/7, tăng Bax và giảm biểu hiện Bcl-2 dẫn đến những thay đổi về điện thế màng ty thể. Thông ba lá cũng ức chế hoạt động của Top I và PARP kích hoạt một con đường apoptosis nội tại.

5 Công dụng theo Y học cổ truyền
5.1 Tính vị, tác dụng
Thông ba lá có tác dụng thông kinh hoạt lạc, tiêu viêm chỉ thống, tán ứ hành huyết, trấn tĩnh an thần, thanh nhiệt giải độc.
5.2 Công dụng
Các bộ phận của Thông ba lá đều được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền với công dụng phổ biến bao gồm:
- Chồi Thông ba lá dùng trong trường hợp viêm niệu đạo, viêm bàng quang, đòn ngã tổn thương.
- Lá Thông ba lá dùng trong trường hợp viêm xương khớp, viêm thận, phòng cảm cúm.
- Mắt Thông ba lá dùng trong trường hợp bạch đới, đau do phong thấp.
- Vỏ Thông ba lá được dùng trong trường hợp sởi, thấp nhiệt bụng đau ỉa chảy.
- Nhựa Thông ba lá dùng trong trường hợp bạch điến, thấp nhiệt trong dạ dày, phong hồng.
- Quả Thông ba lá khi còn non được dùng trong trường hợp gãy xương, đòn ngã tổn thương.
- Phấn của cây Thông ba lá được dùng trong trường hợp viêm mũi, ngoại thương xuất huyết, viêm tai giữa, lở loét ngoài da, mẩn ngứa.

6 Cây giống thông ba lá mua ở đâu?
Hiện nay, có nhiều nhà vườn bán cây Thông ba lá nhằm mục đích trồng rừng để phát triển kinh tế, giá thành có thể dao động khác nhau tùy thuộc vào từng thời điểm. Khi mua cây giống, bạn nên chọn những cây khỏe, kích thước đều nhau, không bị sâu bệnh để đảm bảo cây sống tốt sau khi trồng.
7 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Thông ba lá, trang 909. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Piman Pocasap và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2021). Pinus kesiya Royle ex Gordon induces apoptotic cell death in hepatocellular carcinoma HepG2 cell via intrinsic pathway by PARP and Topoisomerase I suppression, PubMed. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2025.