Thổ Hoàng Liên (Thalictrum foliolosum DC.)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Ranunculales (Mao lương)

Họ(familia)

Ranunculaceae (Mao lương)

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Thalictrum foliolosum DC.

Thổ Hoàng Liên (Thalictrum foliolosum DC.)

Thổ hoàng liên thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 40 đến 50cm. Thân cây mảnh, bề mặt nhẵn, thường mọc lòa xòa. Rễ cây mọc vặn vẹo, phần thịt rễ có màu vàng tươi. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Thalictrum foliolosum DC.

Họ thực vật: Ranunculaceae (Mao lương).

1.1 Đặc điểm thực vật

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

Thổ hoàng liên thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 40 đến 50cm. Thân cây mảnh, bề mặt nhẵn, thường mọc lòa xòa.

Rễ cây mọc vặn vẹo, phần thịt rễ có màu vàng tươi.

Lá mọc kép, cuống lá dài, bẹ lá ngắn, lá xẻ 3 lần lông chim, phiến lá chét có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục, mép có khía răng tròn, mặt trên của lá có màu lục, mặt dưới của lá có màu xám nhạt, những lá chét tận cùng có kích thước lớn hơn.

Cụm hoa mọc thành chùy ở kẽ lá, cụm hoa có nhiều hoa nhỏ, hoa có màu tím nhạt.

Quả của cây Thổ hoàng liên có kích thước nhỏ, có hình dạng giống như hạt thóc, đầu hạt có mũi nhọn.

Mùa hoa quả từ tháng 10 đến tháng 12.

Xem thêm: Cây Hoàng liên (Coptis chinensis Franch.) - Vị thuốc kháng khuẩn, chống viêm

1.2 Thu hái và chế biến dược liệu thổ hoàng liên

Cây Thổ hoàng liên
Cây Thổ hoàng liên

Bộ phận dùng: Thân rễ.

Thời điểm thu hái: Đào rễ lúc trời khô ráo, đem về rửa nước thật nhanh để loại bỏ đất cát, tiến hành cắt bỏ rễ con và gốc thân, sau đó đem phơi hoặc sấy khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Thalictrum L. là một chi lớn, có khoảng 200 loài, các loài phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm Bắc bán cầu, một số ít loài được tìm thấy ở vùng Nam Mỹ, Nam Phi hoặc vùng nhiệt đới cao của Châu Á. Tại Trung Quốc, chi này có 70 loài, Ấn Độ có 50 loài, Đài Loan có 6 loài. Tại nước ta, Viện Dược liệu cho biết chi này có 3 loài.

Thổ hoàng liên thường được tìm thấy ở xã Tà Phìn của huyện Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai, ngoài ra, cây còn được tìm thấy ở một số khu vực khác.

Thổ hoàng liên thuộc dạng cây thảo, phần thân lá ở trên mặt đất một nửa sẽ tàn lụi sau khi sang mùa đông. Thổ hoàng liên là loài ưa sáng, có thể hơi chịu bóng nhẹ, cây thường mọc lẫn với các loài cây bụi khác hoặc cỏ ở vùng chân núi đá vôi, bờ nương rẫy, độ cao phân bố của cây từ 1300 đến 1700 mét. Tại nước ta, cây sinh trưởng và phát triển mạnh ở vùng khí hậu nhiệt đới núi cao, nhiệt độ trung bình năm dao động khoảng từ 13 đến 15,3 độ C, lượng mưa khoảng từ 1400 đến 2800 mm mỗi năm.

Hàng năm, thường là từ tháng 2 đến tháng 3, tại gốc cây có mọc lên nhiều chồi, các chồi này sinh trưởng và phát triển nhanh trong vụ xuân hè sau đó bắt đầu ra hoa, độ cao mỗi cây có thể lên đến 1,3 mét. Sau đó vào mùa đông, quả già, chỉ còn nhánh thân không ra hoa quả nhưng vẫn có thể tồn tại qua mùa đông. Hiếm khi thấy cây con mọc từ hạt.

Tại Việt Nam, Thổ hoàng liên là một trong những loài cây quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng do nạn tàn phá rừng cùng với việc khai thác quá mức.

Thổ hoàng liên được trồng bằng phần gốc còn rễ, cây thường được trồng từ tháng 12 đến tháng 2, khả năng sống sót đạt 100%. 

Hoa của cây Thổ hoàng liên
Hoa của cây Thổ hoàng liên

2 Thành phần hóa học

Thân rễ của cây Thổ hoàng liên có chứa Berberin hàm lượng 0,35%, magnoflorin, jatrohizin, palmatin.

Ngoài ra, cây còn chứa thalictrin.

3 Công dụng của cây Thổ hoàng liên

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn

Hình ảnh lá cây
Hình ảnh lá cây

Cao khô chiết từ phần rễ của cây Thổ hoàng liên bằng methanol thể hiện tác dụng kháng khuẩn nhưng không có tác dụng đối với nấm ở nồng độ nghiên cứu. Các vi khuẩn được nghiên cứu là Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Klebsiella pneumoniae, Staphylococcus aureus và Streptococcus faecalis.

3.1.2 Độc tính cấp

Cao khô chiết bằng Ethanol 50% từ rễ của cây Thổ hoàng liên sau khi nghiên cứu trên chuột nhắt trắng bằng cách tiêm trong màng bụng thì thấy liều LD50 là 125mg/kg.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Công dụng của cây Thổ hoàng liên
Công dụng của cây Thổ hoàng liên

Rễ cây có vị rất đắng, tính hàn, cây có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, khu phong.

3.2.2 Công dụng

Rễ cây được dùng trong trường hợp bị lỵ, hoàng đản, đầy hơi. Ngoài ra, rễ cây còn dùng trong trường hợp đau mắt, nổi mụn nhọt, thường được dùng để thay thế Hoàng liên.

Nhân dân Trung Quốc thường sử dụng rễ cây Thổ hoàng liên trong trường hợp bị sởi khó mọc, liều dùng là 2-4g mỗi ngày chia làm 2-3 lần, dùng dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc viên. Thuốc sắc Thổ hoàng liên ít được dùng do có vị đắng khó uống.

4 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Thổ hoàng liên, trang 877-878. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2025.

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Thổ Hoàng Liên trang 196. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Thổ Hoàng Liên (Thalictrum foliolosum DC.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595