Thiên Đầu Thống (Trái Keo - Cordia dichotoma G. Forst)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Boraginales (Vòi voi) |
Họ(familia) | Borraginaceae (Vòi voi) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Cordia dichotoma G. Forst | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Cordia obliqua Wall. |

Thiên đầu thống thuộc dạng cây gỗ cao, chiều cao mỗi cây khoảng từ 3 đến 8 mét, nhánh cây có màu trắng. Phiến lá có dạng hình trái Xoan tròn hay gần như hình tim. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Cordia dichotoma G. Forst
Tên đồng nghĩa: Cordia obliqua Wall.
Tên gọi khác: Ong bầu, Trái keo.
Họ thực vật: Borraginaceae (Vòi Voi).
1.1 Đặc điểm thực vật
Thiên đầu thống thuộc dạng cây gỗ cao, chiều cao mỗi cây khoảng từ 3 đến 8 mét, nhánh cây có màu trắng.
Phiến lá có dạng hình trái xoan tròn hay gần như hình tim, gốc tron hay hơi thắt lại, chóp tù, chiều dài mỗi phiến lá khoảng từ 7 đến 15cm, chiều rộng từ 5 đến 8cm, phiến lá cứng, hơi dai, mặt trên của lá nhẵn, mặt dưới có phủ một lớp lông mềm.
Hoa có kích thước nhỏ, mọc thành từng cụm có dạng hình tháp hay dạng ngù ở ngọn hoặc ở đầu các nhánh bên, hoa có màu trắng, chiều dài mỗi cụm hoa khoảng 10cm.
Quả của cây Thiên đầu thống có dạng hình trứng, bề mặt nhẵn, bóng, quả khi chín có màu vàng hay màu hồng nhạt, hạch trắng, chiều dài khoảng 25mm hoặc hơn, còn đài tồn tại, hạch cứng, gồm 2-4 ô nằm trong lớp nạc thể chất nhớt giống như keo, đài mang hoa phình to.
Dưới đây là hình ảnh cây Thiên đầu thống:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, quả.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Thiên đầu thống thường được tìm thấy ở Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Tại nước ta, Thiên đầu thống phân bố ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Tiền Giang.
Cây có bản chất là loài ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc ven rừng, độ cao phân bố lên đến 1500 mét.
Thiên đầu thống ra hoa vào tháng 4 đến tháng 8, có quả vào tháng 9 đến tháng 10.

2 Thành phần hóa học
Vỏ cây có chứa tanin (chiếm 20%).
Ngoài ra, quả của cây Thiên đầu thống có chứa chất nhầy và nhớt dính.
Hạt chứa α-amyrin, betulin, octacosanol, lupeol-3rhamnoside, β-sitosterol, β-sitosterol-3glucoside, hentricontanol, hentricontane, taxifolin-3-5-dirhamnoside, hesperitin-7-rhamnoside và các axit béo như axit palmitic, axit stearic, axit arachidic, axit behenic, axit oleic và axit linoleic. Bốn Flavonoid glycoside (robinin, Rutin, rutoside, datiscoside và Hesperidin), một flavonoid aglycone (dihydrorobinetin) và 2 dẫn xuất phenolic (axit chlorogenic và axit caffeic) đã được phân lập từ hạt. Hoạt động chống viêm đáng kể của hạt là do α-amyrin và taxifolin-3-5-dirhamnoside (lần lượt là 71,4%, 67,8%). Hạt cũng chứa axit béo và flavonoid.

3 Tác dụng của cây Thiên đầu thống
3.1 Tác dụng dược lý
Tiềm năng kháng khuẩn và kháng nấm của vỏ cây Thiên đầu thống đã được nghiên cứu. Hoạt động kháng khuẩn của Ethanol và chiết xuất butanolic của vỏ cây đã được thực hiện đối với hai loại vi khuẩn Gram âm là Escherichia coli và Pseudomonas aeruginosa và hai loại vi khuẩn Gram dương là Streptococcus pyogenes và Staphylococcus aureus. Hoạt động kháng nấm của chiết xuất đã được thực hiện đối với các loại nấm gây bệnh là Aspergillus niger, Aspergillus clavatus và Candida albicans. Vùng ức chế của chiết xuất đã được so sánh với vùng ức chế của các tiêu chuẩn khác nhau như ampicilline, Ciprofloxacin, Norfloxacin và Chloramphenicol về hoạt động kháng khuẩn và Nystatin và Griseofulvin về hoạt động kháng nấm. Chiết xuất cho thấy sự ức chế đáng kể vùng phát triển của vi khuẩn và nấm và kết quả thu được tương đương với vùng ức chế của các loại thuốc chuẩn đối với các sinh vật đã thử nghiệm.
Ngoài ra, Thiên đầu thống còn thể hiện tác dụng điều hòa đường huyết, thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Quả của cây có tác dụng lợi tiểu, trừ giun, làm nhầy, long đờm, nhuận tràng.
Lá của cây Thiên đầu thống có tác dụng giảm đau, tiêu viêm.
Vỏ có tác dụng hạ nhiệt.
Ở Trung Quốc, rễ và quả của cây được xem như có vị hơi ngọt, tính bình, có tác dụng hóa đàm chỉ khái, hành khí chỉ thống.

3.2.2 Công dụng
Quả của cây Thiên đầu thống có thể ăn được. Nhân dân Ấn Độ dùng quả để trị bệnh ở đường tiết niệu, bệnh về lá lách và bệnh về phổi.
Dịch vỏ của cây Thiên đầu thống dùng để trị cúm. Vỏ đem sắc uống dùng để trị đầy hơi và sốt, người ta thường sắc nước uống xem như là một loại thuốc bổ.
Nhân dân Giava thường phối hợp vỏ cây Thiên đầu thống với vỏ Lựu trong trường hợp sốt rét và trị lỵ.
Hạch quả đem tán thành bột đắp ngoài trong trường hợp bị nấm tóc.
Lá cây Thiên đầu thống dùng để đắp ngoài trị ung nhọt và trị đau đầu. Ngoài ra, lá của cây Thiên đầu thống cũng dùng để trị các loại viêm và u bướu. Có nhiều nơi còn dùng cây Thiên đầu thống để chữa bệnh Thiên đầu thống.
Nhân dân thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sử dụng rễ và quả dùng để trị tâm vị khí thống, viêm nhánh khí quản cấp tính và viêm nhánh khí quản mạn tính, thấp nhiệt ỉa chảy. Nhân dân ở Quảng Tây sử dụng rễ để trị viêm dạ dày ruột, đau xoang dạ dày.

4 Cây Thiên đầu thống trị bệnh gì?
Trị bệnh Thiên đầu thống: Dùng 8 đến 12g lá cây Thiên đầu thống khô đem sắc nước uống, đồng thời lấy lá tươi của cây Thiên đầu thống đem giã nhỏ đắp vào vùng thái dương, đây là bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian ở Vĩnh Phú.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2, Thiên đầu thống, trang 866. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2025.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Thiên Đầu Thống trang 420-421. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2025.
Tác giả Prasad G Jamkhande và cộng sự (Ngày đăng tháng 12 năm 2013). Plant profile, phytochemistry and pharmacology of Cordia dichotoma (Indian cherry): A review, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2025.