Thiên Danh Tinh (Hạc Sắt - Carpesium abrotanoides L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Carpesium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Carpesium abrotanoides L. |

Thiên danh tinh thuộc dạng cây thảo, cây mọc đứng, đơn hay phân nhánh, bề mặt vỏ thân hơi có lông mềm mọc lún phún, chiều cao mỗi cây khoảng từ 60 đến 120cm. Lá hình ngọn giáo ngược. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Carpesium abrotanoides L.
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc).
1.1 Đặc điểm thực vật

Thiên danh tinh thuộc dạng cây thảo, cây mọc đứng, đơn hay phân nhánh, bề mặt vỏ thân hơi có lông mềm mọc lún phún, chiều cao mỗi cây khoảng từ 60 đến 120cm.
Lá cây thuôn hình ngọn giáo ngược, gốc lá thắt lại nhìn giống như những cuống lá, đầu lá nhọn sắc nhiều hay í, chiều dài mỗi phiến lá khoảng từ 10 đến 15cm, rộng từ 5 đến 8cm, mặt trên của lá có phủ một lớp lông ráp, mặt dưới phủ lông mềm hơn, mép lá khía răng uốn lượn.
Cụm hoa mọc thành đầu, hoa có màu vàng, cụm hoa mọc ở nách những phiến lá bên trên, hoa không cuống hoặc gần như không có cuống, rộng khoảng 7-8mm, các lá bắc bao bên ngoài có dạng hình trái Xoan, dạng lá, các lá bắc khác lại có dạng vảy, hình bầu dục, đầu rất tròn, lông mi ở mép.
Quả của cây Thiên danh tinh thuộc dạng quả bế, chiều dài khoảng 2,5mm, bề mặt quả có nhiều rãnh dọc, mỏ khoảng 0,3 đến 0,4mm.
1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Quả thường gọi là Hạc Sắt, ngoài ra, toàn cây Thiên danh tinh cũng được dùng để làm thuốc.
Thời điểm thu hái: Quả được thu hái vào mùa xuân, hạ và mùa đông.
Chế biến: Quả sau khi thu hái thì đem về phơi khô trong bóng râm.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Carpesium (Asteraceae) bao gồm khoảng 21 loài trên toàn thế giới. Các loài thuộc chi này thường được tìm thấy ở Châu Âu và Châu Á, đặc biệt là ở vùng núi Tây Nam Trung Quốc. Các loài trong chi Carpesium thường được sử dụng trong các bài thuốc Y học cổ truyền tại một số vùng Châu Á để điều trị bệnh lý cho các trường hợp khác nhau như cảm lạnh, sốt, côn trùng, vết bầm tím, viêm và rắn cắn.
Thiên danh tinh được tìm thấy ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam. Tại nước ta, cây phân bố ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn.
2 Thành phần hóa học

Thiên danh tinh có chứa tinh dầu.
Quả có chứa calabrone, n-hexanoic acid, carpesialactone.
Thiên danh tinh được phát hiện tạo ra nhiều chất chuyển hóa khác nhau như sesquiterpen, sesquiterpen dimeric, monoterpen, sterol và các hợp chất aliphatic và nitơ có hoạt tính sinh học đầy hứa hẹn.
3 Tác dụng của cây Thiên danh tinh
3.1 Tác dụng chống ký sinh trùng
Bệnh scuticociliatosis là một trong những bệnh ký sinh trùng phổ biến do Miamiensis avidus gây ra , dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở cá Paralichthys olivaceus (Cá bơn ô liu). Chiết xuất EtOH từ quả của cây Thiên danh tinh (nồng độ 50, 70 và 100% v/v) cho thấy tiềm năng chống ký sinh trùng đối với M. avidus.
3.2 Chống đái tháo đường
Bệnh tiểu đường là một căn bệnh mãn tính trên toàn thế giới ảnh hưởng đến hàng triệu người. Chiết xuất MeOH 80% từ các bộ phận trên mặt đất của cây Thiên danh tinh được phát hiện có chứa một lượng đáng kể tổng lượng phenolic và Flavonoid. Chiết xuất cũng cho thấy hiệu quả ức chế α-glucosidase không cạnh tranh đem hiệu hiệu quả trên bệnh đái tháo đường.
3.3 Chống oxy hóa

Các chiết xuất của cây Thiên danh tinh thể hiện tác dụng chống oxy hóa qua nhiều nghiên cứu thử nghiệm.
3.4 Tác dụng chống viêm
Các tác giả đã đánh giá ảnh hưởng của chiết xuất EtOH từ các bộ phận trên không đối với biểu hiện COX-2 (cyclooxygenase-2) của nhiều chất chủ vận TLR (thụ thể giống Toll) trong đại thực bào ở chuột. Thiên danh tinh ức chế biểu hiện COX-2 do LPS (lipopolysaccharide, chất chủ vận TLR4), lipopeptide hoạt hóa đại thực bào 2-kDa (chất chủ vận TLR6 và TLR2) và axit polyriboinosinic polyribocytidylic (chất chủ vận TLR3) gây ra.
3.5 Chống ung thư
Trong một nghiên cứu, chiết xuất từ rễ cây Thiên danh tinh đã được chứng minh là có tác dụng chống ung thư đáng chú ý đối với ung thư vú trong ống nghiệm và chiết xuất từ rễ cây Thiên danh tinh thể hiện hoạt động chống ung thư bằng cách điều chỉnh quá trình chuyển hóa Glucose và biểu hiện PKM2. Những phát hiện này chỉ ra rằng chiết xuất từ rễ cây Thiên danh tinh là một tác nhân đầy hứa hẹn với các ứng dụng thực tế trong việc phát triển thực phẩm chức năng có chứa chiết xuất rễ cây Thiên danh tinh.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.1 Tính vị, tác dụng
Thiên danh tinh có vị đắng, cay, tính bình, cây có tác dụng tiêu tích, sát trùng, giảm đau.
4.2 Công dụng
Quả Thiên danh tinh dùng trong trường hợp nhiễm sán dây, giun đũa, giun kim, đau bụng giun, trẻ em cam tích, viêm mủ da. Liều dùng là 3 đến 10g dưới dạng thuốc sắc.
Cành, rễ và lá cây dùng để làm thuốc trị các chứng viêm do xung huyết như viêm mạng sườn, viêm cuống họng, viêm phế quản, ngoài ra, thuốc làm từ cây Thiên danh tinh còn có tác dụng gây nôn, tẩy và trị đờm.
Giã cành, rễ và lá cây rồi vắt lấy nước, thêm một ít giấm rồi nhỏ vào họng để trị đau sưng họng, bài thuốc rất hay, cho hiệu quả cao.
Cành và lá còn dùng để vắt nước trị trùng độc cắn bị thương cũng đem lại công hiệu tốt.
Nhân dân Trung Quốc thường dùng lá non giã nát dùng để chữa bệnh trong trường hợp thối gan bàn chân. Cành và lá dùng để đắp ngoài trị côn trùng độc cắn, đốt.
Ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, các bộ phận trên mặt đất của cây Thiên danh tinh được dùng theo đường uống để điều trị nhiều bệnh khác nhau như đau răng, loét dạ dày, nhọt, viêm amidan, viêm phế quản, nhiễm trùng do vi khuẩn, vết bầm tím, sưng tấy, nhiễm vi-rút, sốt và viêm họng, cũng như chống rắn cắn và côn trùng.

5 Cây Thiên danh tinh trị bệnh gì?
Bài thuốc trị giun đũa, giun kim: Dùng 10g quả của cây Thiên danh tinh, 10g hạt Cau, 10g Sử Quân Tử, các vị đem sắc lấy nước uống.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Thiên danh tinh, trang 865-866. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Sabrin R M Ibrahim và cộng sự (Ngày đăng 17 tháng 6 năm 2022). Ethnobotanical Uses, Phytochemical Composition, Biosynthesis, and Pharmacological Activities of Carpesium abrotanoides L. (Asteraceae), PubMed. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Xin-Xin Chai và cộng sự (Ngày đăng tháng 12 năm 2019). Carpesium abrotanoides (L.) Root as a Potential Source of Natural Anticancer Compounds: Targeting Glucose Metabolism and PKM2/HIF-1α Axis of Breast Cancer Cells, PubMed. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.