Quả Thị (Diospyros decandra Lour.)

0 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Ericales (Đỗ quyên)

Họ(familia)

Ebenaceae (Thị)

Chi(genus)

Diospyros

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Diospyros decandra Lour.

Quả Thị (Diospyros decandra Lour.)

Quả thị là quả của cây Thị. Thị thuộc dạng cây to, chiều cao mỗi cây khoảng từ 7 đến 10 mét, cành nhiều. Những cành khi còn non có phủ một lớp lông tơ mềm màu hung. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Diospyros decandra Lour.

Tên gọi khác: Thị muộn, Thị sáp.

Họ thực vật: Ebenaceae (Thị).

Quả thị miền Nam gọi la gì? Thị là tên gọi phổ biến của quả thị từ Bắc vào Nam.

1.1 Quả thị là quả gì?

Quả thị là quả của cây Thị.

Thị thuộc dạng cây to, chiều cao mỗi cây khoảng từ 7 đến 10 mét, cành nhiều. Những cành khi còn non có phủ một lớp lông tơ mềm màu hung.

Lá cây mọc so le, cuống lá ngắn, phiến lá có dạng hình trái Xoan thuôn, gốc lá có dạng hình nêm, đầu tù hơi nhọn, hai mặt của lá gần như trùng màu, bề mặt có nhiều lông, gân lá nổi rõ.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim, ngắn hơn lá, hoa có màu trắng, những hoa đực có ống đài ngắn, hoa tạp tính gồm những hoa sinh sản ở giữa, hoa không sinh sản ở mặt ngoài, đều có lông, bầu nhiều noãn.

Quả Thị thuộc dạng quả mọng, có dạng hình cầu, đít quả tròn, kích thước mỗi quả bằng quả cam, quả khi chín có màu vàng, thơm, còn đài tồn tại.

Hạt có thể chất cứng, dẹt.

Bên cạnh đó, còn có một loại quả có kích thước nhỏ hơn, có tên gọi là Thị lục sáp.

Dưới đây là hình ảnh cây Thị:

Cây Thị cổ thụ
Cây Thị cổ thụ

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Vỏ, rễ, quả.

Thời điểm thu hái: Vỏ rễ, lá được thu hái quanh năm.

Quả thị chín vào tháng mấy? Quả thường thu hái vào tháng 8 đến tháng 9, khi quả chín.

Chế biến: Phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Diospyros L. trên thế giới có dưới 100 loài thường được tìm thấy ở vùng cận nhiệt đới, nhiệt đới.

Tại nước ta, chi này có 60 loài, chủ yếu là các loài cây gỗ, một số loài điển hình như Mun (cho gỗ) và Hồng (cho quả).

Thị là loài có nguồn gốc ở vùng Đông Á, một số tài liệu ghi chép rằng, Thị là loài đặc hữu của Việt Nam, Campuchia và Lào. Tại nước ta, Thị thuộc loại cây trồng quen thuộc, là hình tượng đã đi vào nhiều câu chuyện cổ tích từ thời xa xưa. Thị được trồng nhiều ở các vườn gia đình, đình chùa đặc biệt là ở khu vực đồng bằng, trung du và vùng núi thấp ở miền Bắc.

Cây thị khi còn nhỏ thường chịu bóng, sau trở nên ưa sáng, cây ra chồi và lá non khi thời tiết sang mùa xuân hè, vào giữa thu thì quả bắt đầu chín. Cây thị tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Quả thị là nguồn thức ăn của nhiều loại chim và các loài gặm nhấm, giúp phát tán hạt đi xa.

Quả thị
Quả thị

2 Cách trồng

2.1 Kỹ thuật trồng cây thị

Cây thị được trồng ở nhiều khu vực nhằm mục đích lấy quả ăn, cúng lễ. Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt thị sau khi thu hái đem về phơi khô ngay để hạn chế tình trạng cây mất khả năng nảy mầm. Do đó, sau khi quả thị chín, người ta thường ăn rồi gieo hạt luôn trong vườn. Sang mùa xuân hạt bắt đầu nảy mầm, những cây con được đánh đi trồng thì thời tiết bước sang mùa thu hoặc chờ mùa xuân năm sau. Khi đánh, cần thận trọng, tránh làm đứt rễ cái của cây.

Cây thị không kén đất, có khả năng sinh trưởng được ngay cả ở những khu vực đất khô hạn, cây không chịu được ngập úng kéo dài. Hố trồng cần được đào sâu, rộng, tùy thuộc vào kích thước của cây giống, khoảng cách các cây thường từ 7 đến 10 mét, bón lót phân chuồng vào các hố.

Cây thị khi mới trồng cần thường xuyên vun gốc, xới xáo, làm cỏ, bón thúc. Sau khi cây có quả thì tiến hành bón thúc mỗi năm 3-4 lần vào các thời điểm quan trọng bao gồm lúc cây ra hoa, khi cây có quả, sau khi thu hoạch.

Cây thị không cần chăm sóc nhiều, tiến hành tỉa bớt cành già sau khi cây ra quả.

2.2 Có nên trồng cây thị trước nhà?

Cây thị thường được trồng trong các đình, chùa hoặc trong vườn nhà để làm cây ăn quả. Theo phong thủy, không nên trồng những cây có kích thước lớn trước nhà vì tán lá xum xuê gây cản trở tài lộc vào nhà. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào quan niệm của từng người, bạn hoàn toàn có thể trồng cây Thị trước nhà theo sở thích của bản thân, kết hợp chăm sóc, thường xuyên tỉa cành để cây sống khỏe mạnh.

3 Thành phần hóa học

Vỏ quả thị có chứa tinh dầu có mùi gần giống ether amyl valcrianic.

Thịt quả chứa nước, chất béo, protid, glucid, tannin, cellulose.

4 Tác dụng của cây Thị

4.1 Tác dụng đối với giun đất trên in vitro

Dùng 20g bột thịt quả của cây Thị đem phơi khô, tán nhỏ, chiết bằng 200ml nước. Kết quả cho thấy rằng, khi dùng liều vừa phải thì bột thịt quả có tác dụng làm tê liệt giun, liều cao làm chết giun và khi càng tăng liều lên cao thì giun chết càng nhanh. Một số tác giả cho rằng, tác dụng này là do tannin glucosid.

4.2 Tác dụng đối với ruột thỏ cô lập

Sau khi mổ bụng thỏ, quan sát ruột bằng mắt thường, dùng nước sắc từ lá của cây Thị theo tỷ lệ 1:1 (1g lá cây Thị khô đem sắc rồi cô đến khi còn 1ml) rồi tiêm vào tĩnh mạch vành tai của thỏ với liều 2ml/kg, 3ml/kg và 5ml/kg thấy ruột tăng co bóp, ruột căng phồng, tăng nhu động và tống phân ra ngoài.

4.3 Tác dụng trên ruột thỏ cô lập

Dùng một đoạn hồi tràng thỏ cô lập theo phương pháp Magnus nuôi trong Dung dịch Tyrode, tiến hành nhỏ nước sắc lá thị 1:1 theo liều lượng là 5 giọt, 8 giọt và 10 giọt thì thấy ruột tăng co bóp cả về tần số và biên độ.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

4.4 Tác dụng trên tim mạch, hô hấp

Khi dùng liều nhỏ dịch chiết lá Thị thì thấy biên độ tim tăng nhưng dùng liều cao thì làm yếu tim, tim loạn nhịp sau đó là ngừng tim.

Liều nhỏ dịch chiết lá Thị không ảnh hưởng nhiều đến huyết áp nhưng khi dùng liều cao thì thấy tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp.

Hô hấp hơi tăng bao gồm tăng tần số và tăng biên độ hô hấp.

4.5 Độc tính

Khi sử dụng nước sắc lá Thị khô cho các động vật thí nghiệm bao gồm thỏ, khỉ, chuột lang, ếch, chuột nhắt bằng cách tiêm dưới da, tiêm vào túi bạch huyết, tiêm tĩnh mạch cho ếch đều thấy ít độc, nhưng khi dùng liều cao thì xuất hiện độc tính.

4.6 Thử nghiệm lâm sàng

Đã sử dụng nước sắc lá Thị theo tỷ lệ 1:1 trên lâm sàng ở bệnh viện Phú Thọ bằng cách  uống 10, 20, 30ml đồng thời dùng bông tẩm lấy nước sắc rồi đắp vào rốn sau khi mổ thì cho thấy kết quả rất tốt, thời gian trung tiện được rút ngắn so với lô chứng.

5 Công dụng theo Y học cổ truyền

5.1 Tính vị, tác dụng

Vỏ rễ có vị đắng, tính hơi lạnh, có tác dụng trừ giun, giải nhiệt độc.

Thịt quả có tác dụng an thần, trừ giun.

Vỏ quả có tác dụng tiêu viêm, tiêu độc.

Lá hạ khí giúp tiêu viêm, gây trung tiện, giảm đau.

Quả thị có màu vàng bắt mắt
Quả thị có màu vàng bắt mắt

5.2 Công dụng

Thịt quả dùng để an thần, tẩy giun đặc biệt là giun kim ở trẻ em, hàng ngày ăn khoảng 2-3 quả.

Vỏ quả đem phơi khô, đốt thành than rồi tán thành bột mịn, hòa cùng với Dầu Vừng hay mỡ lợn, bôi ngoài chữa rộp da khi bị Giời Leo, rắn cắn. Ngoài ra, có thể trộn bột với than chiếu cói và Đinh Hương để chữa lỗ rò hậu môn.

Dùng 40g vỏ rễ cây Thị (chỉ lấy lớp mỏng trắng ở trong), đem sắc nước uống trong trường hợp nôn mửa, đầu nóng.

Vỏ thân cây thị đem cạo lấy lớp tơ trắng ở bên trong, thêm muối rồi giã đắp vào vết thương để giảm đau, ngoài ra còn dùng để rút gai, dằm khi bị đâm.

Lá cây thị dùng để gây trung tiện, thông hơi, dùng trong trường hợp bị phù thũng. Liều dùng là 30 đến 50g. Có thể dùng ngoài bằng cách lấy lá tươi giã đắp khi bị mụn nhọt, vết bỏng lửa, vết thương.

6 Cây thị trị bệnh gì?

6.1 Chữa lở loét, sâu quảng

Vỏ cây thị đem sắc lấy nước hoặc dùng lá cây thị sắc đặc, nước này dùng để rửa. Dùng thêm vỏ thân đốt thành than, tán mịn, rắc vào vết thương.

6.2 Làm thuốc trung tiện chữa đầy hơi, chướng bụng

Dùng lá thị thái nhỏ, phơi khô, dùng giấy cuộn như cuộn thuốc lá, mỗi ngày hút 3 lần.

Hoặc dùng 100g lá tươi giã nát, một nửa đắp lên rốn, một nửa đắp vào hậu môn.

Hoặc dùng 100g lá thị khô, sắc đến khi còn 100ml, cho bệnh nhân sau mổ uống 20-30ml mỗi lần, ngày 2 lần, dùng thêm bông tẩm nước sắc để đắp vào rốn.

6.3 Chữa viêm tinh hoàn, mụn nhọt mới phát

Dùng lá thị tươi, giã nát sau đó thêm ít rượu, chắt lấy nước uống còn bã đắp vào vết thương.

6.4 Chữa dị ứng

100g lá thị.

50g thân rễ cây Ráy.

Các vị đem thái nhỏ, phơi khô, nấu cùng với nước rồi đem xông.

6.5 Chữa phù thũng

50g lá thị.

50g lá Đu Đủ.

50g lá Trầu Không.

50g lá lộc mại.

Các vị đem phơi khô, sắc lấy nước uống.

Có thể kết hợp cùng với lá tươi của 4 vị dược liệu với lượng như trên rồi giã nát, dùng lá chuối để gói, đem lên bếp nướng chín, đắp vào rốn rồi dùng gạc để băng lại.

Cây Thị cổ thụ
Cây Thị cổ thụ

7 Một số câu hỏi thường gặp

7.1 Quả thị kị gì?

Theo quan niệm, ở những vùng nông thôn có người nấu rượu gạo thì rất kỵ để quả thị trong nhà vì có thể làm cho rượu bị hỏng, xuất hiện mùi chua khó chịu.

7.2 Quả thị có ăn được không?

Trong câu chuyện cổ tích về quả thị thì có một câu nói như này “bà để bà ngửi chứ bà không ăn”, khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng quả thị không ăn do có chứa độc tính. Tuy nhiên, thị thường được trồng làm cây ăn quả, quả thị có vị ngọt, ngoài ra, đây cũng là một vị thuốc tẩy giun trong Y học cổ truyền. Cần lưu ý rằng, quả thị có chứa tanin do đó không nên ăn quá nhiều vì có thể gây tình trạng cồn ruột.

7.3 Địa chỉ bán cây thị thơm

Cây thị thơm thường được bán ở các nhà vườn với giá thành thay đổi tùy theo kích thước và năm tuổi của cây. Nếu mua cây giống về trồng thì giá thành mỗi cây chỉ khoảng vài chục nghìn, rất phù hợp để trồng làm cây ăn quả hay lấy bóng mát.

7.4 Tại sao cây thị có ma?

'Cây thị có ma cây đa có thần' là câu nói chắc hẳn không còn quá xa lạ với nhiều người. Theo quan niệm xưa, cây Thị là nơi trú ngụ của những linh hồn đã khuất. Chính vì lý do này mà cây thường được trồng ở những nơi như đình, chùa. Thực hư câu chuyện này vẫn chưa có lời giải đáp.

7.5 Giá quả thị là bao nhiêu?

Giá thành 1kg quả thị khoảng từ 100.000 đến 150.000 đồng, tại một số thời điểm, giá thành có thể lên đến 200.000 đồng 1kg.

8 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Thị, trang 852-854. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2025.
  2. Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Thị, trang 410-412. Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Quả Thị (Diospyros decandra Lour.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595