Thanh Long (Mắt Rồng - Hylocereus undalatus (Haw.) Britton ex Rose)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Tracheophyta (Thực vật có mạch)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Caryophyllales (Cẩm chướng)

Họ(familia)

Cactaceae (Xương rồng)

Chi(genus)

Hylocereus

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Hylocereus undalatus (Haw.) Britton ex Rose

Danh pháp đồng nghĩa

Cereus triangularis Haw.

Thanh Long (Mắt Rồng - Hylocereus undalatus (Haw.) Britton ex Rose)

Thanh long thuộc dạng cây leo, bám vào tường hoặc những cây khác, cây sống biểu sinh, rễ cây thuộc dạng khí sinh. Thân cây rất dài, có 3 cánh rộng, mép uốn lượn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Hylocereus undalatus (Haw.) Britton ex Rose

Tên đồng nghĩa: Cereus triangularis Haw.

Tên gọi khác: Tường liên, Cây lòng chảo.

Cây Thanh long thuộc nhóm thực vật nào? Thanh long thuộc họ thực vật: Cactaceae (Xương rồng).

1.1 Đặc điểm cây thanh long

Thanh long thuộc dạng cây leo, bám vào tường hoặc những cây khác, cây sống biểu sinh, rễ cây thuộc dạng khí sinh. Thân cây rất dài, có 3 cánh rộng, mép uốn lượn.

Cây thanh long có lá không? Thanh long không có lá mà chỉ có lá đài bao bọc quanh hoa.

Hoa của cây Thanh long có kích thước lớn, hình ống, chiều dài khoảng từ 20 đến 25cm, thường nở về buổi chiều, bao hoa gồm các bộ phận ở ngoài có màu vàng và thường cong ra phía ngoài, các bộ phận ở trong có màu trắng, mọc đứng, nhị và nhụy đều có màu trắng sữa.

Quả có dạng hình trái Xoan, đường kính mỗi quả khoảng từ 8 đến 10cm, mặt ngoài nhẵn bóng, trên vỏ có nhiều vảy mảnh, Thanh long sau khi chín có màu đỏ hồng, thịt quả lại có màu trắng, bên trong có nhiều hạt màu đen như hạt vừng, hạt có thể ăn được.

Mùa hoa quả thường từ tháng 5 đến tháng 7.

Dưới đây là hình ảnh cây Thanh long:

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Hoa và quả.

Thời điểm thu hái: Mùa hè, mùa thu.

Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô.

Ngoài ra, thân cây cũng được dùng.

1.3 Nguồn gốc cây thanh long

Chi Hylocereus (Berger) Britt & Rose chỉ có một loài là Thanh long ở nước ta, cây có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của Trung Mỹ, hiện đã được trồng rải rác ở nhiều nước thuộc vùng nhiệt đới, đặc biệt là các nước thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Tại nước ta, cây không rõ được nhập trồng từ bao giờ, Thanh long được trồng nhiều ở các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận trở vào. Hiện nay, cây được trồng thêm ở một số khu vực khác như Tây Nguyên và Khánh Hòa. Những cây được trồng ở khu vực phía nam cho hoa quả nhiều, những cây trồng ở miền bắc thường chỉ trồng làm cảnh vì hoa đẹp, cho quả ít, quả không ngọt.

Thanh long có bản chất là loài đặc biệt ưa sáng, sinh trưởng tốt trong điều kiện chiếu sáng nhiều. Thanh long có khả năng chịu hạn cao, hệ thống rễ chùm thuộc dạng rễ khí sinh vừa giúp cây leo vừa đảm bảo dinh dưỡng cho cây.

Quả thanh long có nhiều hạt nhỏ, chưa xác định được hạt có nảy mầm hay không, cây có khả năng tái sinh khỏe, từng đoạn thân riêng sau khi vùi xuống đất hoặc buộc vào giá thể vẫn có khả năng sinh trưởng thành cây mới.

2 Cách trồng cây thanh long

Hoa của cây Thanh long
Hoa của cây Thanh long

2.1 Thanh long có bao nhiêu loại?

Thanh long chia làm 2 giống: Giống quả dài và giống quả tròn. Giống quả tròn cho năng suất cao, quả nhiều, kích thước lớn, mỗi quả có thể đạt kích thước từ 600 đến 700g, đây cũng là loài được trồng phổ biến hơn.

Thanh long được nhân giống bằng các đoạn thân, chiều dài khoảng từ 60 đến 80cm. Thời vụ trồng cũng khác nhau tùy thuộc vào mỗi địa phương. Nhân dân Phú Yên và Khánh Hòa thường trồng vào tháng 7 đến tháng 8 trong khi đó, ở Ninh Thuận và Bình Thuận thì nhân dân lại trồng từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.

2.2 Thanh long ưa đất gì?

Thanh long không kén đất trồng, có thể trồng ở những khu vực đất nghèo dinh dưỡng, đất cát nhưng cần đảm bảo đủ nước và thuận tiện khi tưới tiêu.

Thanh long là loài mọc dựa, do đó khi trồng cần có cây choái để cây dựa vào, có thể dùng cây chết hoặc cây còn sống như Me tây, cây Vông, cây Cóc với đường kính thân trên 10cm. Cây choái cần trồng trước từ 1 đến 1 năm rưỡi trước khi trồng Thanh long, khoảng cách cây choãi là 4x4, 5x5m. Nếu dùng cây choái chết thì phải chọn những cây có chất gỗ tốt để đảm bảo được một chu kỳ kinh tế của Thanh long là 15 năm, cây choái khi trồng thì chôn sau khoảng 50cm, trên đầu có thể làm giàn cho Thanh long bò. Xung quanh mỗi cây choái thì đào thêm 4-5 hố để bón lót phân chuồng.

Tiến thành trồng thanh long và tưới nước 3-4 ngày một lần, từ mùa khô năm thứ 2 thì tưới nước 7 ngày một lần. Thường xuyên dọn cỏ, lấy rơm rạ phủ gốc cây để giúp cây giữ được ẩm cũng như hạn chế cỏ dại mọc.

Thanh long thường bị kiến và bọ cánh cứng gây hại do đó cần có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Có thể thắp đèn sáng vào buổi tối để kích thích cây ra hoa và kết quả. Vòng đời cây Thanh long khoảng 15 năm, có khi hơn do đó đây là một trong những loại cây trồng cho kinh tế cao.

3 Nên trồng cây Thanh long trước nhà không?

Người xưa thường quan niệm, nhà nào có cây thanh long trồng trước nhà thì giàu sang phú quý. Theo phong thủy, Thanh long có hoa đẹp, quả khi chín có màu đỏ là biểu tượng của sự may mắn, trồng cây thanh long trước nhà giúp thu hút tài lộc, bình an cho gia chủ.

Hoa của cây Thanh long
Hoa của cây Thanh long

4 Thành phần hóa học

Thanh long có chứa hentriacontan, beta-sitosterol và một vài hoạt chất nhóm sterol khác.

5 Tác dụng của cây Thanh long

5.1 Tính vị, tác dụng

Thanh long có vị ngọt, tính hơi hàn.

Quả Thanh long có tác dụng giải khát, giải nhiệt, nhuận tràng, lợi tiểu.

Hoa của cây Thanh long có tác dụng dưỡng ẩm, thanh nhiệt, chỉ khát.

Thanh long có tác dụng gì?
Thanh long có tác dụng gì?

5.2 Công dụng

Quả của cây Thanh long thuộc loại trái cây ngon, được nhiều người ưa chuộng đặc biệt là ở các nước nhiệt đới và ôn đới. Thịt quả mềm, ngọt, hơi chua, tính mát, thường được dùng làm món tráng miệng sau mỗi bữa ăn.

Trong Y học, quả thanh long thường được dùng trong các trường hợp khát nước, háo nhiệt, giảm mệt mỏi. Những người bị rôm sảy và táo bón ăn quả thanh long sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh

Các nghiên cứu cho thấy rằng, mỗi ngày ăn từ 600-700g thanh long có tác dụng bổ sung Vitamin C cho cơ thể, phòng bệnh Scorbut, cải thiện chứng chảy máu thông thường.

Nhân dân Đài Loan còn sử dụng Thanh long để điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp.

Nhân dân Trung Quốc dùng 15-30g hoa Thanh long đem sắc lấy nước uống hoặc nấu với thịt lợn nạc để làm canh ăn trong trường hợp lao hạch, lao phổi, viêm phế quản. Thân cây bỏ vỏ và gai đem giã nát để chữa gãy xương kín, mụn nhọt.

6 Một số câu hỏi thường gặp

Toàn cây Thanh long
Toàn cây Thanh long

6.1 Thanh long bao nhiêu tiền 1kg?

Thanh long có giá thành dao động khoảng 35.000 đến 55.000 đồng 1kg tùy thuộc vào thời vụ.

6.2 Bệnh gì kiêng ăn thanh long?

Thanh long có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, tuy nhiên những người đang bị rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn quá nhiều thanh long.

7 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Thanh long, trang 826-827. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2025.

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Thanh Long trang 479-480. Truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Thanh Long (Mắt Rồng - Hylocereus undalatus (Haw.) Britton ex Rose)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595