Tai Tượng Ấn (Tai Tượng Xanh - Acalypha indica L.)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Tracheophyta (Thực vật có mạch)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa Hồng)

Bộ(ordo)

Malpighiales (Sơ ri)

Họ(familia)

Euphorbiaceae (Thầu dầu)

Chi(genus)

Acalypha

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Acalypha indica L.

Danh pháp đồng nghĩa

Acalypha chinensis Benth

Tai Tượng Ấn (Tai Tượng Xanh - Acalypha indica L.)

Tai tượng xanh thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 40 đến 50cm, các cành phân nhánh ngay từ gốc. Thân và cành có phủ một lớp lông ngắn, thân có rãnh. Lá cây mọc so le. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Acalypha indica L.

Tên đồng nghĩa: Acalypha chinensis Benth

Tên gọi khác: Tai tượng xanh.

Họ thực vật: Euphorbiaceae (Thầu Dầu).

1.1 Đặc điểm thực vật

Tai tượng Ấn thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 40 đến 50cm, các cành phân nhánh ngay từ gốc. Thân và cành có phủ một lớp lông ngắn, thân có rãnh.

Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình trái Xoan, gốc lá có dạng hình nêm, đầu lá tù, chiều dài mỗi lá khoảng từ 3,5 đến 5cm, chiều rộng từ 2,5 đến 4cm, phiến lá mỏng nhẵn, mép có khía răng ở đoạn giữa kéo dài lên đầu lá, gân gốc 5, chiều dài cuống lá khoảng từ 3,5 đến 7,5cm. Lá kèm thường sớm rụng.

Cụm hoa mọc đơn độc hoặc mọc tụ họp nhưng số lượng ít ở kẽ lá, chiều dài cụm hoa khoảng 4 đến 8cm, các hoa đực ở bên trên, hoa cái mọc ở dưới, có 4 lá đài, 8 nhị, các hoa cái có lá đài có lông mi ở mép, bầu có lông.

Quả của cây Tai tượng Ấn thuộc dạng quả nang, có lông.

Hạt có dạng hình trứng.

Mùa hoa quả từ tháng 6 đến tháng 7.

Dưới đây là hình ảnh cây Tai tượng Ấn:

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá, rễ.

Xem thêm: Cây Tai Tượng Đỏ (Acalypha wilkesiana Muell. - Arg.) có tác dụng gì với cơ thể?

1.3 Đặc điểm phân bố

Tai tượng Ấn thường được tìm thấy ở các khu vực nhiệt đới cổ, kéo dài từ châu Á đến châu Phi. Ở các nước châu Á, cây được tìm thấy ở Ấn Độ, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào và các tỉnh thuộc phía Nam Trung Quốc.

Tại nước ta, Tai tượng Ấn cũng được tìm thấy ở nhiều tỉnh thành, cây phân bố rải rác ở khắp các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ.

Tai tượng Ấn có bản chất là loài ưa sáng, cây thường mọc ở những khu vực có đất ẩm trên các bãi hoang, ven đường đi, nương rẫy, các vùng ruộng bị bỏ hoang ở miền núi. Tai tượng Ấn có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, ra hoa quả nhiều, cây được nhân giống tự nhiên từ hạt, những cây mọc ở phía Bắc có xu hướng tài lụi khi thời tiết chuyển sang mùa đông.

Toàn bộ cây Tai tượng Ấn
Toàn bộ cây Tai tượng Ấn

2 Thành phần hóa học

Theo một số tác giả, rễ và lá cây Tai tượng Ấn có chứa stigmasterol, ngoài ra, lá cây còn chứa một ester là acalypha acetat.

Tai tượng Ấn còn chứa sitosterol.

Ngoài ra, cây Tai tượng Ấn còn chứa glucoside cyanogenic, tannin, coumarin, glycoside flavonoid, axit béo và tinh dầu dễ bay hơi.

Cây Tai tượng Ấn
Cây Tai tượng Ấn

3 Tác dụng của cây Tai tượng Ấn

Theo các tài liệu nước ngoài, lá, hoa và chồi non của cây Tai tượng Ấn có tác dụng diệt giun sán, tẩy, lợi đờm, giảm đau, gây nôn, gây ngủ.

3.1 Chống hen suyễn

Một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng chống hen suyễn của chiết xuất Ethanol từ lá cây Tai tượng Ấn bằng cách sử dụng nhiều mô hình động vật thực nghiệm khác nhau. Kết quả cho thấy rằng, chiết xuất ethanol từ lá cây Tai tượng Ấn đối kháng mạnh với acetylcholine và sự co thắt do histamin gây ra của chuỗi khí quản ở dê, thể hiện tác dụng kháng cholinergic và kháng histamin. Thời gian bất động, do clonidine tạo ra, được phát hiện là giảm ở chuột, thể hiện tác dụng ngăn chặn thụ thể H1. Trong tình trạng tăng bạch cầu và tăng bạch cầu ái toan do sữa ở chuột, chiết xuất ethanol của lá cây Tai tượng Ấn làm giảm đáng kể số lượng bạch cầu và bạch cầu ái toan, thể hiện tác dụng chống dị ứng. Việc ức chế sự giải phóng hạt tế bào mast do clonidine gây ra ở chuột thể hiện tác dụng ổn định tế bào mast. Giảm phù nề bàn chân trong phản vệ thụ động ở bàn chân cho thấy hoạt động chống phản vệ của chiết xuất ethanol của lá cây Tai tượng Ấn. Chuột lang khi sử dụng chiết xuất ethanol của lá cây Tai tượng Ấn giúp ngăn chặn tình trạng co thắt phế quản do histamin gây ra, thể hiện tác dụng giãn phế quản. Bên cạnh đó, cấu trúc bệnh học mô học của mô phổi gần như bình thường.

Lá cây Tai tượng Ấn
Lá cây Tai tượng Ấn

3.2 Tác dụng chống viêm

Tác dụng chống viêm có thể là do sự hiện diện của các hợp chất phenolic, đặc biệt là Flavonoid có trong cây.

3.3 Tác dụng khác

Chiết xuất lá của cây Tai tượng ấn với các dung môi khác nhau bao gồm benzen, cloroform, etyl axetat và metanol đã được thử nghiệm về hoạt tính diệt ấu trùng, diệt trứng đối với Anopheles stephensi. Tỷ lệ tử vong của ấu trùng được quan sát thấy sau 24 giờ tiếp xúc. Kết quả cho thấy chiết xuất lá của cây Tai tượng ấn có triển vọng như hoạt động diệt ấu trùng và diệt trứng đối với vectơ sốt rét A. stephensi.

Toàn bộ cây Tai tượng Ấn
Toàn bộ cây Tai tượng Ấn

4 Công dụng trong Y học cổ truyền

Lá cây Tai tượng Ấn được nhân dân Ấn Độ dùng làm thuốc tẩy, có thể dùng thay thế senegal, dùng dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.

Lá cây phối hợp với tỏi dùng để tẩy giun ở Đường tiêu hóa, có thể trộn với muối giã nát đắp khi bị ghẻ lở. Dịch ép từ lá tươi được coi là thuốc gây nôn cho trẻ em với độ an toàn cao, dùng 1 thìa cà phê rất có lợi cho bệnh nhân viêm tắc thanh quản, liều lượng ít hơn có tác dụng lợi đờm dùng trong trường hợp viêm phế quản mạn tính, hen suyễn.

Lá tươi của cây Tai tượng Ấn có thể phối hợp với chanh, hành củ giã nát dùng trong trường hợp thấp khớp.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

Ở trẻ nhỏ bị táo bón, có thể dùng lá Tai tượng Ấn nghiền nát làm thành thuốc có hình viên đạn, đặt vào trực tràng có tác dụng làm giãn cơ thắt hậu môn, giúp trẻ đi đại tiện bình thường.

Nước hãm từ rễ cây Tai tượng Ấn cũng được dùng để làm thuốc tẩy.

Để chữa chứng điên cuồng người ta thường dùng lá, cành và hoa của cây Tai tượng Ấn rồi ngâm với rượu, uống cùng Mật Ong, mỗi ngày uống nhiều lần.

Tại một số quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Tai tượng Ấn cũng được sử dụng với công dụng và tác dụng tương tự. 

5 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Tai tượng Ấn, trang 772-773. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2025.
  2. Tác giả Prafull Bandopant Ninave và cộng sự (Ngày đăng 23 tháng 5 năm 2022). Pharmacological screening of Acalypha indica L.: Possible role in the treatment of asthma, PubMed. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2025.
  3. Tác giả Divya Sharma và cộng sự (Ngày đăng tháng 3 năm 2024. Unveiling the anti-inflammatory potential of Acalypha indica L. and analyzing its research trend: digging deep to learn deep, PubMed. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2025.
  4. Tác giả M Govindarajan và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2008). Studies on effect of Acalypha indica L. (Euphorbiaceae) leaf extracts on the malarial vector, Anopheles stephensi Liston (Diptera:Culicidae), PubMed. Truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Tai Tượng Ấn (Tai Tượng Xanh - Acalypha indica L.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595