Sở (Trà Mai, Dầu Sở - Camellia drupifera Lour.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Ericales (Đỗ quyên) |
Họ(familia) | Theaceae (Chè) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Camellia drupifera Lour. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Thea drupifera (Lour.) Pierre Thea sasanqua Pierre |

Sở thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 4 đến 10 mét. Thân cành có thể chất nhẵn, bề mặt có màu xám nhạt. Lá cây mọc so le, phiến lá dày, có dạng hình bầu dục hoặc hình mác thuôn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây hoa sở là cây gì?
Tên khoa học: Camellia drupifera Lour.
Tên đồng nghĩa: Thea drupifera (Lour.) Pierre, Thea sasanqua Pierre
Tên gọi khác: Dầu sở, Du trà, Dầu chè, Trà mai.
Họ thực vật: Theaceae (Chè).
1.1 Đặc điểm thực vật

Sở thuộc dạng cây nhỡ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 4 đến 10 mét. Thân cành có thể chất nhẵn, bề mặt có màu xám nhạt.
Lá cây mọc so le, phiến lá dày, có dạng hình bầu dục hoặc hình mác thuôn, chiều dài mỗi lá khoảng từ 3 đến 10cm, gốc lá thắt lại, đầu lá tù hoặc nhọn, mép lá có khía răng nhỏ, gân không rõ, cuống nhẵn, có rãnh.
Hoa thường mọc riêng lẻ hoặc mọc thành từng đôi một ở kẽ lá gần ngọn cây, hoa có lông tơ màu trắng, lá bắc có kích thước nhỏ, đài có lông óng ánh nằm ở mặt lưng, hoa thơm, trành có cánh, bao phấn thuôn, bầu 3-4 ô, nhiều lông màu trắng.
Quả của cây Sở thuộc dạng quả nang, quả có dạng hình cầu hoặc hình trái Xoan, vỏ quả dày, thể chất cứng.
Mỗi quả có 1-3 hạt có cạnh lồi.
Dưới đây là hình ảnh cây Sở:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Dầu hạt và lá.
Thời điểm thu hái: Lá thu hái quanh năm, quả hái khi đã chín.
Chế biến: Lá dùng tươi, quả đem về phơi khô, đập vỏ lấy hạt để ép dầu.
Ước tính 100kg quả thu được 50kg nhân hạt, từ 100kg nhân hạt sau khi ép thì thu được 15 đến 16 lít dầu và 80 đến 85kg khô dầu Sở.
1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Camellia sở hữu khoảng 280 loài thực vật phân bố ở Đông Á trên cả hai bên chí tuyến Bắc. Trong số này, Trung Quốc là nơi phân bố rộng rãi nhất với 238 loài, các loài còn lại được tìm thấy ở Bán đảo Đông Dương và Nhật Bản.
Sở là loài có nguồn gốc ở vùng Đông Á, hiện nay cây được trồng nhiều ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Tại nước ta, Sở đã được trồng từ lâu ở vùng trung du và vùng núi thấp ở phía bắc nhằm mục đích thu dầu từ hạt để thắp đèn, chế sơn hoặc dùng để ăn.
Ở Việt Nam trước đây có một số tỉnh trồng nhiều cây Sở như Phúc Thọ, Yên Bái, Hà Giang nhưng hiện nay do nhu cầu sử dụng chỉ xoay quanh việc pha chế sơn, số lượng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng hạn chế nên một số vùng đã chủ động phá bỏ và chuyển sang trồng chè.
Sở có bản chất là loài ưa sáng, có khả năng chịu hạn tốt, cây được trồng thuần loại ở các vùng đồi hay vùng nương rẫy cũ, đất đã bị rửa trôi nhiều, đất hơi chua. Cây sinh trưởng mạnh nhất trong mùa mưa ẩm, cây ra hoa quả vào mùa hè, sang mùa đông thì quả già và bắt đầu thu hoạch. Sở là loài có khả năng tái sinh từ chồi khỏe ngay sau khi đã chặt.
2 Cách trồng

Sở được nhân giống bằng hạt, nên chọn những hạt thu hái từ cây mẹ khỏe mạnh, từ 15 năm trở lên, nhiều quả.
Thời điểm thu hái hạt là từ tháng 9 đến tháng 10 sau khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng, rồi đem hong quả ở những nơi thoáng gió trong vòng 4 đến 5 ngày, lúc này hạt sẽ tự tách ra. Ngoài ra, cũng có thể phơi quả dưới ánh nắng nhẹ vào sáng sớm nhưng không được phơi khô hạt vì sẽ mất đi khả năng nảy mầm của hạt.
Hạt sau khi hong thì có thể gieo được ngay hoặc bảo quản trong cát ẩm, nếu bảo quả thì cần thường xuyên đảo hạt, thay cát, phun ẩm, loại bỏ những hạt mốc thối để đảm bảo cây sinh trưởng khỏe.
Tiến hành gieo hạt ở vườn ươm hoặc gieo trong bầu để lấy cây con, ngoài ra cũng có thể áp dụng phương pháp gieo thẳng, thời điểm gieo là từ tháng 11 đến tháng 12 hoặc tháng 1 đến tháng 2 năm sau. Nếu trồng bằng cây con thì trồng vào mùa thu hoặc mùa xuân năm sau.
Đất trồng Sở nên chọn đất nham thạch có độ dày từ 50cm trở lên, có khả năng thoát nước tốt, nhiều mùn, độ pH từ 5 đến 6, có độ dốc nhất định, thường trồng xen canh với cây chè hoặc cây Sơn, mật độ trồng là 500 cây/ha nếu trồng xen hoặc 1000 cây/ha nếu chỉ trồng nguyên cây Sở.
Bón phân để đảm bảo năng suất cho cây.
Sở có nhiều loài sâu bệnh gây hại, khi còn nhỏ thì dễ bị thối cổ rễ, lở cổ rễ, khi lớn lên thì dễ bị sâu đục thân, sâu đo gây hại do đó cần có biện pháp phòng ngừa, chăm sóc tốt, đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng, đủ dinh dưỡng, thường xuyên là cỏ để hạn chế sâu bệnh.
3 Thành phần hóa học

Dầu Sở được dùng thay thế cho dầu Oliu.
Khô dầu có chứa độc tính nên không dùng làm thức ăn cho gia súc mà chỉ dùng để làm phân bón.
Thành phần chủ yếu của tinh dầu là eugenol với tỷ lệ chiếm 95 đến 96%. Tuy nhiên, theo phân tích hiện nay thì lá Sở thu được ở một số tỉnh miền Bắc lại chứa rất ít tinh dầu với thành phần chính là linalool.
Hoa Sở có chứa anthocyanin chủ yếu là cyanidin 3-O-beta-D.
Thành phần của tinh dầu hoa Sở theo phân tích của một số nhà khoa học Nhật Bản trên 62 mẫu của 5 loài Sở thì thấy có linalool, linalool oxide, benzoat, benzyl alcol, salicylat, benzaldehyde và một số thành phần khác.
Thành phần axit béo và tính chất lý hóa của dầu hạt Sở tương tự như dầu ô liu, được mệnh danh là 'Dầu ô liu phương Đông' với giá trị dinh dưỡng và dược liệu cao và có nhiều triển vọng ứng dụng trong ngành thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và dược phẩm.
4 Cây Sở có tác dụng gì?
4.1 Tác dụng dược lý
Đun dầu hạt với nước sôi, đem đổ xuống đất nơi có giun sinh sống thì thấy giun chết.
Ngoài ra, dầu hạt Sở cũng có tác dụng đối với các loại giun tròn ở người và động vật nhưng do có độc nên ít được sử dụng.
4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.2.1 Tính vị, tác dụng
Dầu hạt Sở có vị béo, nhờ dính có tác dụng giải độc, sát trùng.
Lá cây Sở có tác dụng tán ứ, hoạt huyết.
4.2.2 Công dụng
Dầu hạt Sở được dùng để chế dầu gội đầu. Về lĩnh vực thuốc, dầu Sở được dùng làm thuốc chữa ghẻ.
Lá cây được dùng để đắp bó trong trường hợp bị gãy xương, lá cũng dùng để cất lấy tinh dầu.
Khô dầu Sở được dùng làm phân bón, trừ giun đất, trừ sâu, làm duốc cá ở những khu vực nước đọng.
Cây Sở Lạng Sơn là một trong những cây trồng đem lại kinh tế cao cho người dân nơi đây.
5 Thuốc bó gãy xương từ cây Sở

50g lá Sở.
50g lá Si.
20g lá Náng.
Các vị dùng tươi, giã nát sau đó trộn cùng với lòng trắng trứng, đem đắp và bó lại đoạn xương bị gãy.
Giá cây hoa sở làm cảnh là bao nhiêu?
Tùy thuộc vào kích thước, cách tạo dáng của mỗi người, mỗi nhà vườn mà giá thành cây hoa Sở cũng có nhiều sự khác nhau. Một số cây hoa Sở dáng đẹp, cổ thụ thì giá thành có thể lên đến vài triệu hoặc vài chục triệu đồng.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Sở, trang 749-751. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Tengfei Xia và cộng sự (Ngày đăng tháng 11 năm 2023). Metabolomic profiles and health-promoting functions of Camellia drupifera mature-seeds were revealed relate to their geographical origins using comparative metabolomic analysis and network pharmacology approach, PubMed. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Cây Sở trang 338-340. Truy cập ngày 8 tháng 2 năm 2025.