Sâm Chân Rết (Sâm Bòng Bong, Quản trọng - Helminthostachys zeylanica)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Pteridophyta (ngành Dương xỉ) Psilotopsida (lớp Quyết lá thông) |
Bộ(ordo) | Ophioglossales (Lưỡi rắn) |
Họ(familia) | Belminthostachyaceae (Sâm chân rết) |
Chi(genus) | Helminthostachys |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Helminthostachys zeylanica (L.) Hook. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Osmunda zeylanica L. |

Sâm chân rết thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 30cm. Thân rễ nằm ngang, có nhiều rễ phụ mập nhìn như những con rết. Cuống lá mập, dài, cuống có màu lục hoặc màu tím nhạt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Helminthostachys zeylanica (L.) Hook.
Tên đồng nghĩa: Osmunda zeylanica L.
Tên gọi khác: Sâm Bòng Bong, Quản trọng, Sâm rừng, Guột sâm.
Họ thực vật: Belminthostachyaceae (Sâm chân rết).
1.1 Đặc điểm thực vật

Sâm chân rết thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 30cm.
Thân rễ nằm ngang, có nhiều rễ phụ mập nhìn như những con rết.
Cuống lá mập, dài, cuống có màu lục hoặc màu tím nhạt, phiến không sinh sản, chiều dài mỗi lá khoảng từ 12 đến 15cm, chiều rộng từ 8 đến 12cm, lá chia thành nhiều thùy có dạng hình mác, đầu nhọn hoặc tù, nhìn giống như bàn tay, có nét giống lá bòng bong, mép lá nguyên hoặc hơi khía răng, lượn sóng. Phần không sinh sản mọc ở gốc, phần sinh sản mọc thành bông có chiều dài khoảng 5 đến 10cm, cuống dài.
Túi bào tử xếp dày đặc quanh trục bông, bào tử có dạng hình tròn, có màu vàng nhạt hoặc không màu.
Mùa sinh sản từ tháng 5 đến tháng 7.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân rễ.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố

Helminthostachys Kaulf. là chi của loại dương xỉ có kích thước nhỏ, đơn loài.
Sâm chân rết thường chỉ thấy ở những khu vực thuộc vùng nhiệt đới của châu Á bao gồm một số tỉnh thuộc phía Nam Trung Quốc, Lào, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam.
Tại nước ta, Sâm chân rết thường phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên bao gồm các tỉnh như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Đôi khi còn bắt gặp Sâm chân rết ở một số tỉnh thuộc vùng trung du nhưng rất hiếm.
Sâm chân rết có bản chất là loài ưa sáng, có thể hơi chịu bóng, cây thường mọc rải rác hay tập trung thành những đám nhỏ trên đất nương rẫy mới bỏ hoang hoặc mọc lẫn trong các đám cỏ thấp ở vùng chân đồi.
Sâm chân rết sinh trưởng và phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm, các bộ phận trên mặt đất sẽ tàn lụi khi vào mùa đông, vào mùa xuân năm sau, từ phần thân rễ dưới mặt đất sẽ mọc lên một chồi mới.
Sâm chân rết cùng một số loài cùng họ có hình thái đặc biệt trong ngành dương xỉ do các bào tử không mọc trên lá mà lại mọc trên cuống dài tạo thành hình bông. Nếu xét về khu vực phân bố thì Sâm chân rết được coi là loài có vùng phân bố rộng ở nước ta nhưng do kích thước hạn chế lại thường mọc rải rác nên vẫn được xếp vào những loài cần bảo vệ.
2 Thành phần hóa học

Sâm chân rết có chứa fucosterol, striginasteroid, dulcitol.
3 Cây Sâm chân rết (Sâm bòng bong) có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Sâm chân rết là một loại thảo mộc dân gian truyền thống được sử dụng để cải thiện tình trạng viêm và sốt ở Đài Loan. Các nghiên cứu trước đây cho thấy chiết xuất từ cây Sâm chân rết có thể cải thiện tình trạng tổn thương phổi cấp tính do lipopolysaccharide gây ra ở chuột. Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem chiết xuất nước của cây Sâm chân rết và etyl axetat (HZE) có ức chế sự thâm nhiễm bạch cầu ái toan và tình trạng tăng phản ứng đường thở (AHR) ở chuột bị hen suyễn hay không, đồng thời làm giảm phản ứng viêm và stress oxy hóa ở các tế bào biểu mô khí quản. Kết quả đã chứng minh rằng chiết xuất nước làm giảm đáng kể tình trạng tăng phản ứng đường thở và thâm nhiễm bạch cầu ái toan, đồng thời làm giảm tăng sản tế bào hình đài ở phổi của chuột bị hen suyễn. Chiết xuất nước của cây Sâm chân rết cũng ức chế stress oxy hóa và làm giảm mức độ cytokine Th2 trong dịch rửa phế nang. Chiết xuất nước của cây Sâm chân rết còn làm giảm các thay đổi bệnh lý và phản ứng viêm của bệnh hen suyễn bằng cách ức chế sản xuất cytokine Th2 ở chuột bị hen suyễn nhạy cảm với OVA.

3.2 Tính vị, tác dụng
Thân rễ của cây Sâm chân rết có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.
Sâm chân rết có tác dụng hóa đờm, mát phổi, khu ứ, thanh nhiệt, giải độc, chỉ thống.
3.3 Công dụng

Thân rễ của cây Sâm chân rết được sử dụng trong trường hợp ho nhiều đờm xuất tiết, ho lao, hen suyễn.
Liều dùng là 12 đến 20g thân rễ đem sắc lấy nước uống.
Người già khi ăn trầu thường thêm một ít thân rễ của cây Sâm chân rết sẽ giúp giảm ho, chống ho.
Đồng bào dân tộc Tày và Mường thường dùng thân rễ của cây Sâm chân rết đem phơi khô sau đó thái nhỏ rồi ngâm rượu uống trong trường hợp đau thần kinh tọa, mỏi gối, đau lưng.
Có nhiều bài thuốc chữa nhức xương cũng sử dụng Sâm chân rết. Người dân đồng bào H’Mông và Mán còn dùng thân rễ của cây Sâm chân rết tươi đem hầm với gà ăn giúp bồi bổ cơ thể đặc biệt là phụ nữ mới sinh em bé.
Có thể dùng thân rễ tươi giã nát đắp lên vết thương và vết rắn cắn, kết hợp uống thuốc sắc để nhanh khỏi.
Nước sắc của cây Sâm chân rết dùng để chữa lở loét, mụn nhọt, phát ban.
Nhân dân Indonesia, Malaysia và Philippin sử dụng chồi non của cây Sâm chân rết để ăn sống, nấu chín ăn như măng tây.

4 Giá sâm chân rết là bao nhiêu?
Giá Sâm chân rết thường dao động khoảng vài trăm nghìn đồng 1kg dược liệu tươi. Khi mua hàng, bạn đọc nên lựa chọn những địa chỉ uy tín, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái vừa gây tổn thất kinh tế vừa ảnh hưởng đến sức khỏe trong quá trình sử dụng.
5 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Sâm bòng bong, trang 688-689. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Wen-Chung Huang và cộng sự (Ngày đăng năm 2020). Helminthostachys zeylanica Water Extract Ameliorates Airway Hyperresponsiveness and Eosinophil Infiltration by Reducing Oxidative Stress and Th2 Cytokine Production in a Mouse Asthma Model, PubMed. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2025.