Cây Rau Răm (Polygonum odoratum L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Caryophyllales (Cẩm chướng) |
Họ(familia) | Polygonaceae (Rau răm) |
Chi(genus) | Persicaria |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Polygonum odoratum Lour. |
Cây rau răm là loại cây có nhiều tác dụng chữa bệnh như kích thích tiêu hóa, chống nôn, chữa sốt... tuy nhiêu chưa có nhiều người biết đến các công dụng này. Trong bài viết sau đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về cây rau răm.
1 Giới thiệu về cây rau răm
Cây rau răm được biết đến như một loại rau ăn kèm của nhiều món ăn, tạo hương thơm và vị cay nồng đặc trưng của cây cho những món ăn này. Rau răm có tên khoa học là Polygonum odoratum Lour., thuộc họ Rau răm - Polygonaceae.
Ngoài ra, cây Rau răm còn có tên gọi khác là Thủy liễu, Thủy lục.
1.1 Mô tả thực vật
Cây rau răm là cây thảo mọc hằng năm, có tuyến nhiều hay ít. Thân mọc trườn ở gốc và đâm rễ ở các mấu, rồi mọc đứng lên cao 30-35cm.
Lá mọc so le, hình bầu dục ngọn giáo, nhọn hay tù ở chóp, cuống rất ngắn, mép lá và gân chính phủ đầy những lông nhọn khá dài; bẹ chìa ngắn ôm lấy thân, có nhiều gân song song mà phần lớn kéo dài ra thành những sợi dài.
Hoa hợp thành bông dài, hẹp, mảnh, đơn độc hay xếp từng đôi, hoặc thành chùm ít phân nhánh.
Quả nhỏ, có 3 cạnh, nhọn hai đầu, nhẵn và bóng.
1.2 Sinh thái
Cây rau răm thuộc loài đặc hữu của Đông Đông Dương, mọc hoang nhưng thường được trồng trong vườn rau, ruộng bùn.
Trồng bằng chồi sau, khi trồng 1-2 tháng, có thể cắt cành lá nhưng nếu cắt thường xuyên thì cây không ra hoa.
Mùa hoa tháng 6-7, mùa quả tháng 9-10.
1.3 Phân bố
Phổ biến khắp các tỉnh trong cả nước. Còn có ở Lào, Campuchia.
1.4 Bộ phận dùng
Cành và lá được gọi là Ramulus et Folium Polygoni Odorati.
Thu hái cành lá quanh năm, thường dùng tươi. Nhưng cũng có thể phơi khô hay tán thành bột.
2 Thành phần hoá học
Lá có tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm mát dễ chịu, các dẫn xuất polyphenol và Flavonoid....
3 Tính vị, tác dụng
3.1 Ăn rau răm có nóng không?
Rau răm theo y học cổ truyền có vị cay nồng, mùi thơm, tính ấm; có tác dụng tán hàn, tiêu thực, sát trùng. Vì vậy, nếu ăn quá nhiều có thể gây nóng cho cơ thể.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy một số loại thành phần hóa học thực vật của P.odoratum đã được báo cáo là có tiềm năng chống lại các tế bào ung thư. Những chất quan trọng có thể là các dẫn xuất polyphenol và flavonoid. Cơ chế phân tử của các hoạt chất trong rau răm chống lại bệnh ung thư đã được báo cáo là liên quan đến việc ức chế các protein thiết yếu cần thiết cho sự tăng sinh tế bào, xâm lấn, di cư, chết theo chương trình và hình thành mạch của tế bào ung thư.
Chiết xuất từ lá của cây rau răm còn cho thấy các hoạt động chống viêm và chống oxy hóa mạnh
4 Uống nước rau răm có tác dụng gì?
Thường dùng ăn để kích thích tiêu hoá, chữa dạ dày lạnh, đầy hơi đau bụng, kém ăn, co gân (chuột rút), ỉa chảy. Còn dùng chữa sốt, làm thuốc lợi tiểu và chống nôn, làm thuốc giảm tình dục
Dùng ngoài để chữa bệnh ngoài da (hắc lào,sâu quảng), rắn cắn và chó dữ cắn. Ngày dùng 20- 30g, giã tươi lấy nước uống hay sắc uống.
5 Ăn rau răm có yếu sinh lý không?
Rau răm tuy không độc, nhưng nhân dân có kinh nghiệm từ xưa lưu truyền lại: dùng nhiều rau răm quá thì hại về mặt sinh lý, kém cường dương tráng khí, chân huyết cũng khô đi.
6 Tác dụng của rau răm với phụ nữ
Khi ăn nhiều rau răm sẽ khiến phụ nữ bị rong kinh, rối loạn kinh nguyệt, làm giảm ham muốn cũng như giảm khả năng thụ thai
7 Tác hại của rau răm với nam giới
Cũng như đối với nữ giới, ăn quá nhiều rau răm sẽ khiến nam giới giảm ham muốn, giảm tinh khí, chất lượng tinh trùng giảm, vì vậy cũng góp phần gây vô sinh.
Tuy nhiên, ăn rau răm có bị vô sinh không? Chỉ trừ khi bạn ăn quá nhiều rau răm trong thời gian dài, với lượng vừa phải như một loại gia vị và tần suất không quá nhiều, rau răm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
8 Rau răm có tác dụng gì cho bà bầu
Rau răm có tác dụng phá huyết, nên khi có thai cũng không nên ăn nhiều rau răm. Đặc biệt trong ba tháng đầu, phụ nữ có thai không nên sử dụng rau răm để phòng ngừa nguy cơ gây sảy thai, động thai.
9 Đơn thuốc chứa cây rau răm
1. Chữa bỗng dưng đau tim không chịu nổi: Dùng rễ Rau răm 50g sắc rồi chế thêm một chén rượu vào uống, mỗi lần một chén.
2. Chữa mùa hè say nắng, chết khát: Giã Rau răm tươi, vắt cốt, đun sôi cho uống.
3. Theo bác sĩ Lê Minh, người bị say nắng thể trạng bán hôn mê, dùng Rau răm 30g, Sâm bố chính 20g (tẩm nước Gừng), rễ Đinh Lăng (lá nhỏ) 16g, Mạch Môn 10g; 4 vị sao vàng, nước 600ml, sắc còn ngày. 200ml, chia 2 lần uống trong ngày
4. Chữa kém ăn: Rau răm ăn theo gia vị hoặc dùng cả cây 10-20g sắc uống sau bữa ăn.
5. Chữa ghẻ lở, chốc, sâu quảng: Rau răm toàn cây ngâm rượu. Lấy rượu đó bôi, hoặc giã nát xát hoặc đắp rồi băng lại.
6. Chữa tê bại, vết thương bầm tím sưng đau: Rau răm tươi giã nát trộn với Long Não hoặc dầu Long não hay cồn Long não, xoa hoặc băng than vào các nơi tê đau.
7. Chữa rắn cắn: Rau răm dùng tươi cả cây nhai nuốt (hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống) còn bã đắp vào vết thương. Hoặc lấy 20 ngọn Rau răm tươi đâm vắt nước uống, bã đắp.
8. Giảm tình dục: dùng 30g rau răm, rửa sạch đem luộc với 300ml nước, vớt rau ăn và lấy nước uống, ngày 2 lần. Chú ý dùng cây rau răm tía
10 Tài liệu tham khảo
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam tập 2 (xuất bản 2021). Rau răm trang 598, từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 08 tháng 06 năm 2023.
- Cây rau cây thuốc (Xuất bản năm 2005). Rau răm trang 43, Cây rau cây thuốc. Truy cập ngày 08 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: Thanut Khuayjarernpanishk và cộng sự (Ngày đăng: năm 2022). Anticancer Activities of Polygonum odoratum Lour.: A Systematic Review, Pubmed. Truy cập ngày 08 tháng 06 năm 2023
- Tác giả: Nittaya Chansiw và cộng sự (Ngày đăng: năm 2019). Anti-inflammatory and Antioxidant Activities of the Extracts from Leaves and Stems of Polygonum odoratum Lour, Pubmed. Truy cập ngày 08 tháng 06 năm 2023