Nhót (Elaeagnus latifolia L.)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Rosids (nhánh hoa hồng)

Bộ(ordo)

Rosales (Hoa hồng)

Họ(familia)

Elaeagnaceae (Nhót)

Chi(genus)

Elaeagnus

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Elaeagnus latifolia L.

Nhót (Elaeagnus latifolia L.)

Nhót thuộc dạng cây bụi, mọc dựa, cây phân cành nhiều. Các cành vươn dài, có thể có gai hoặc không, có gai là do các cành nhỏ biến đổi thành. Lá cây mọc so le, dai. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Cây nhót là cây gì?

Tên khoa học: Elaeagnus latifolia L.

Tên gọi khác: Hồ đồi tử, Bất xá.

Họ thực vật: Elaeagnaceae (Nhót).

1.1 Đặc điểm thực vật

Nhót thuộc dạng cây bụi, mọc dựa, cây phân cành nhiều. Các cành vươn dài, có thể có gai hoặc không, có gai là do các cành nhỏ biến đổi thành.

Lá cây mọc so le, dai, phiến lá có dạng hình bầu dục, chiều dài mỗi lá khoảng từ 4 đến 10cm, chiều rộng từ 2 đến 2,5cm, gốc lá tròn, đầu lá nhọn, mặt trên của lá có màu lục sẫm, mặt dưới của lá có màu trắng bạc, chiều dài mỗi cuống lá khoảng từ 6 đến 10mm.

Hoa có màu vàng rơm, thường mọc riêng lẻ hoặc mọc tụ họp thành 2 đến 3 cái, hoa mọc ở kẽ lá, có 4 lá đài và 4 nhị.

Quả thuộc dạng quả hạch, có hình bầu dục, đài tồn tại ở đỉnh, quả khi chín có màu đỏ, thịt nạc, mọng nước, có vị chua và có thể ăn được.

Hạt có 8 sống dọc, 2 đầu nhọn, chiều dài mỗi quả khoảng 2cm.

Cành, lá, hoa, quả đều có phủ một lớp lông trắng.

Mùa hoa từ tháng 1 đến tháng 2, mùa quả từ tháng 3 đến tháng 4.

Dưới đây là hình ảnh cây Nhót:

Hình ảnh cây Nhót
Hình ảnh cây Nhót

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Quả, lá.

Thời điểm thu hái: Quả thu hái khi chín, lá thu hái quanh năm.

Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô.

Ngoài ra, rễ và hoa cũng được sử dụng.

1.3 Cây Nhót mọc ở đâu?

Trên thế giới, chi Elaeagnus L. có khoảng 20 loài, nước ta có khoảng 4 đến 5 loài, Nhót là loài được trồng chủ yếu để ăn quả, còn các loài khác thường chỉ mọc hoang dại, quả không ăn được.

Nhót đã được trồng từ lâu, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc của cây. Nhót cũng được trồng ở một số quốc gia nhiệt đới khác trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan, đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Nhót thường rụng lá vào mùa đông để cho cây ra những cành mới vào mùa xuân năm sau, vào mùa thu, người trồng thường cắt bỏ những cành già. Mùa xuân cây ra chồi mới và có quả vào cuối mùa xuân.

Nhót có bản chất là loài ưa sáng do đó, khi trồng cần phải có giá thể để cây mọc dựa vào.

Hoa của cây Nhót
Hoa của cây Nhót

2 Cách trồng cây Nhót

Nhót là loài cây ăn quả được trồng phổ biến ở nhiều nơi. Nhót được nhân giống bằng hạt hoặc nhân giống bằng phương pháp chiết cành.

2.1 Cây nhót trồng bao lâu có trái?

Nếu nhân giống bằng hạt thì phải gieo vào lúc hạt còn tươi sau khi thu hoạch, hạt được gieo trong vườn ươm sau đó mới đánh đi trồng. Những cây trồng bằng hạt thì thời gian ra quả lâu nhưng có tuổi thọ cao hơn so với những cây trồng bằng phương pháp chiết cành. Cây trồng bằng cách chiết cành thì sau 1-2 năm đã có thể cho quả.

Thời điểm trồng nhót thích hợp nhất là vào mùa xuân, Nhót không kén đất nhưng lại đòi hỏi đất có khả năng thoát nước tốt, cao ráo. Khi trồng thì đào hố có kích thước 40x40x40, khoảng cách phải được đảm bảo, trước khi trồng thì bón lót phân chuồng hoại mục sau đó mới đặt cây giống rồi nén chặt gốc.

Lúc mới trồng phải thường xuyên làm cỏ, xới xáo quanh gốc cây, sau khi cây lớn thì thỉnh thoảng tưới nước cho cây khi trời quá khô hạn. Nên dùng nước từ phân chuồng, nước giải để tưới thúc cho cây ở thời điểm cây ra hoa và cành lá mới.

Sau mỗi vụ, tiến hành cắt bỏ những cành bị yếu, sâu bệnh.

Nhót không bị sâu bệnh phá hoại.

Quả nhót khi còn xanh
Quả nhót khi còn xanh

2.2 Cách làm cho cây nhót ra trái

Như đã đề cập, thông thường những cây trồng bằng hạt sẽ cho thời gian ra quả lâu hơn những cây trồng bằng phương pháp chiết cành. Trong quá trình trồng, nếu bạn muốn cây nhót nhanh ra trái thì cần chăm sóc, bón phân, xới xáo, dọn cỏ cho gốc, vào mùa đông thì tiến hành cắt tỉa những cành già, cành hỏng để kích thích cây ra quả vào mùa xuân năm sau.

2.3 Trồng cây nhót trước nhà có tốt không?

Nhót là loài cây ăn quả ít bị sâu bệnh, hơn nữa, Nhót thuộc dạng cây dựa nên nếu trồng trước nhà không chỉ giúp cho không gian trở nên xanh mát mà cũng tạo phong cảnh ấn tượng cho ngôi nhà.

Việc trồng cây nhót trước nhà giúp đem lại nhiều may mắn theo phong thủy nhưng một số người lại cho rằng, đây là loài cây làm giảm vượng khí của ngôi nhà. Điều này còn phụ thuộc vào quan điểm của từng người, trong quá trình trồng thì cần chăm sóc thường xuyên để cây luôn xanh tốt.

3 Thành phần hóa học

Quả của cây Nhót có chứa một số thành phần hóa học như:

  • Nước.
  • Acid hữu cơ.
  • Protid.
  • Cellulose.
  • Carbohydrate.
  • Canxi.
  • Phospho.
  • Sắt.

Lá cây có chứa Saponin, tanin, polyphenol.

Quả nhót có tác dụng gì?
Quả nhót có tác dụng gì?

4 Tác dụng của cây Nhót

4.1 Tác dụng dược lý

Một số tác giả đã nghiên cứu được tác dụng dược lý của lá nhót như sau:

Chế phẩm lá nhót thể hiện tác dụng kháng khuẩn đối với nhiều chủng vi khuẩn Gram dương và Gram âm, tác dụng kháng khuẩn thể hiện mạnh nhất đối với Shigella shigae, Shigella sonnei,...

Khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, các nhà khoa nhận thấy rằng, chế phẩm lá nhót thể hiện tác dụng ức chế quá trình viêm cấp và viêm mạn.

Ngoài ra, chế phẩm lá nhót còn có tác dụng tăng co bóp tử cung nhưng không có tác dụng co bóp đối với cơ trơn ruột cô lập.

Chiết xuất quả Nhót giúp làm giảm tình trạng béo phì do chế độ ăn nhiều chất béo ở chuột và làm giảm tình trạng viêm do đại thực bào gây ra ở tế bào mỡ trong ống nghiệm. Nghiên cứu cơ chế này cho thấy rằng việc sử dụng chiết xuất quả Nhót có thể là một chiến lược hiệu quả để kiểm soát tình trạng béo phì và các bệnh lý liên quan.

4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.2.1 Tính vị, tác dụng

Nhót có vị chua, hơi chát, tính bình, quy vào kinh phế, đại tràng. Nhót có tác dụng bình suyễn, chỉ khái, chỉ tả.

4.2.2 Quả nhót có tác dụng gì?

Trái nhót có thể dùng để ăn hoặc nấu canh chua.

Theo kinh nghiệm nhân dân ở vùng Gia Lâm (Hà Nội), lá cây Nhót thường được dùng trong trường hợp lỵ trực khuẩn, tiêu chảy. Liều dùng là 20-30g lá tươi hoặc 6-12g lá khô đem thái nhỏ sao vàng sau đó sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml chia thành 2 lần uống trong ngày. Ngoài ra, có thể dùng dưới dạng thuốc bột. Có thể dùng nhót riêng hoặc phối hợp với vỏ cây Đỗ Trọng nam với liều bằng nhau.

Nhiều tác giả cũng đã sử dụng viên cao từ lá nhót để chữa cho bệnh nhân bị tiêu chảy, lỵ trực khuẩn, viêm đại tràng mạn tính.

Lá nhót sau khi phơi khô giòn thì đem tán thành bột, hòa với nước cơm trong trường hợp hen suyễn. Ngoài ra, có thể dùng 30g lá nhót khô phối hợp với 5 lá Bồng Bồng đã lau sạch bông rồi đem thái nhỏ sau đó sắc lấy nước uống.

Quả của cây Nhót cũng được sử dụng tương tự như lá nhót, liều dùng là 5-7 quả nhót đã phơi khô, đem thái nhỏ sau đó sắc lấy nước uống.

Rễ nhót dùng trong trường hợp đau họng, thổ huyết với liều là 30g đem sắc nước uống.

Có thể dùng rễ cây nấu nước để tắm trong trường hợp bị mụn nhọt.

5 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Nhót, trang 467-469. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2025.
  2. Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Cây Nhót trang 777-778. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2025.
  3. Tác giả Narongsuk Munkong và cộng sự (Ngày đăng tháng 12 năm 2024). Elaeagnus latifolia Fruit Extract Ameliorates High-Fat Diet-Induced Obesity in Mice and Alleviates Macrophage-Induced Inflammation in Adipocytes In Vitro, PubMed. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Nhót (Elaeagnus latifolia L.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595