Nguyệt quới (Nguyệt quế - Murraya paniculata)
0 sản phẩm
Dược sĩ Lệ Mỹ Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 3 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Sapindales (Bồ hòn) |
Họ(familia) | Rutaceae (Cam) |
Chi(genus) | Murraya |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Murraya paniculata |
Cây Nguyệt quới là loại cây thân gỗ có nguồn gốc từ từ Châu Á và Châu Úc, cây có nhiều công dụng trong y học cũng như được dùng làm cây cảnh. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc thông tin chi tiết về cây Nguyệt Quới
1 Giới thiệu về cây Nguyệt Quới
1.1 Tên khoa học của cây Nguyệt Quới
Cây nguyệt quới có tên khoa học là Murraya paniculata, thuộc chi Murraya, họ Cam - Rutaceae.
Cây Nguyệt Quới còn có tên gọi khác là cây Nguyệt Quý, tuy nhiên nó hoàn toàn khác với cây Nguyệt Quế (Laurus nobilis). Chúng tôi sẽ có phần so sánh hai cây này ở dưới bài viết. Tuy nhiên dân gian thường gọi Nguyệt Quới bằng tên Nguyệt Quế hơn, do đó chúng tôi sử dụng 2 tên Nguyệt Quới (Nguyệt Quế) trong bài.
1.2 Mô tả thực vật
Nguyệt quới là loại cây nhỏ thân gỗ, có chiều cao từ 2 đến 8 mét, với vỏ màu trắng nhạt. Lá của cây có đặc điểm lá kép lông chim, thường có 5 đến 9 lá chét mọc theo hình so le, có hình bầu dục ở ngọn giáo. Lá này có đặc điểm là có gân chính nổi rõ, đồng thời ở phần gốc thường nhọn.
Quả của cây có màu đỏ, có hình cầu hoặc hình trứng, thường có đài tồn tại với 1 đến 2 hạt.
Hoa của nguyệt quới khá to, thường có màu trắng vàng và phát ra hương thơm đặc trưng. Hoa thường nở thành xim, ít tại nách lá hoặc ở ngọn cây. Nguyệt Quới là loài cây ra hoa quanh năm nhưng cần thường xuyên chăm bón và tỉa cành.
Nguyệt quới là loại cây dễ dàng để cắt tỉa và bẻ uốn, điều này làm cho quá trình tạo hình cây cảnh trở nên dễ dàng. Do đó ngoài công dụng làm thuốc, cây Nguyệt quới còn được sử dụng làm cây cảnh.
Giới chơi cây kiểng Nam bộ xưa có câu rất nổi tiếng đó là: 'nhất kim, nhì nguyệt, tam cần, tứ mai', xếp theo thứ tự lần lượt kể trên là cây kim quýt (cây kim Quất), cây nguyệt quế (nguyệt quới), cây cần thăng và cây mai chiếu thủy. Tức đây là 4 cây thuộc top được ưa thích và có giá trị cao trong làng cây kiểng.
2 Phân biệt cây Nguyệt quới và cây Nguyệt quế
Đặc điểm | Cây Nguyệt Quới | Cây Nguyệt Quế thực sự (Nguyệt Quế Hy Lạp) |
Nguồn gốc | Cây nguyệt quới có tên khoa học là Murraya Paniculata (L.) Jack., thuộc chi Murraya, họ Cam - Rutaceae. | Cây nguyệt quế có tên khoa học là Laurus nobilis L., thuộc họ Long Não - Lauraceae. |
Đặc điểm thực vật | Nguyệt quới là loại cây nhỏ thân gỗ, có chiều cao từ 2 đến 8 mét. Quả của cây có màu đỏ, có hình cầu hoặc hình trứng, thường có đài tồn tại với 1 đến 2 hạt. Lá của cây có đặc điểm lá kép lông chim, thường có 5 đến 9 lá chét mọc theo hình so le, có hình bầu dục ở ngọn giáo. Lá này có đặc điểm là có gân chính nổi rõ, đồng thời ở phần gốc thường nhọn. | Cây nguyệt quế là cây gỗ nhỏ cao hơn cây Nguyệt quới, khoảng 9-12m. Quả của cây có màu đen, hình bầu dục, quả mọng, kích thước to bằng quả xơ ri. Lá dai, có hình xoan ngọn giáo, bề mặt lá bóng. Lá có phiến bầu dục thuôn, dày, cứng và không có lông; cuống dài 5-15cm. |
Mời quý bạn đọc xem thêm về cây Nguyệt quế: Cây Nguyệt Quế
3 Phân bố, thu hái, chế biến
3.1 Phân bố
Nguyệt quới có nguồn gốc từ Châu Á và Châu Úc.
Ở Việt Nam, cây thường phân bố ở phía Nam, như các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai...
3.2 Thu hái, chế biến
Bộ phận được thu hái là lá, hoa, quả, vỏ rễ, cành. Có thể dùng sống, sao vàng hoặc nấu chín để trị một số bệnh.
4 Thành phần hoá học của cây Nguyệt Quới (Nguyệt Quế)
Tinh dầu từ lá và quả của cây Murraya Paniculata (L.) Jack. trồng ở Nigeria được phân tích bằng phương pháp sắc ký khí và sắc ký khí kết hợp với phép đo phổ khối. Cả hai loại dầu đều giàu sesquiterpenoid. Thành phần chính của dầu lá là β -cyclocitral (22,9%), Methyl Salicylate (22,4%), trans -nerolidol (11,7%), α -cubebene (7,9%), (-)-cubenol (6,8%), β -cubebene (5,8%) và isogermacrene (5,7%). Thành phần hóa học chiếm nhiều hàm lượng nhất trong tinh dầu quả là β -caryophyllene (43,4%). Các thành phần chính khác là (-)-zingiberene (18,9%), germanacrene D (8,3%), α -copaene (5,5%) và α -humulene (5,1%). Thành phần tinh dầu ở lá và quả cây Nguyệt quới khác nhau về hàm lượng và số lượng.
5 Tác dụng sinh học của cây Nguyệt quới (Nguyệt Quế)
5.1 Khả năng chống oxy hóa
Năm 2005, Rohman và Sugeng đã báo cáo hoạt động chống oxy hóa đáng kể của chiết xuất Ethanol của lá M. Paniculata trong phương pháp linoleicthiocyanate và 2,2-diphenyl-l-picryl hydrazyl (DPPH) [6]. Họ cho thấy IC50 của dịch chiết lá M.paniculata là 126,17μg/mL trong khi IC50 của Vitamin E đối chứng dương là 8,27μg/mL. Hơn nữa, có nghiên cứu phát hiện ra rằng chiết xuất axeton 500μg/mL của lá M. Paniculata cho thấy tác dụng ức chế 72% đối với hoạt động tyrosinase. Ngoài ra, dịch chiết 100μg/mL có khả năng ức chế 62% hoạt động của lipoxygenase (LOX) và 10% hoạt động của xanthine oxidase.
5.2 Khả năng điều trị đái tháo đường
Năm 2012 Gautam và cộng sự báo cáo rằng dùng chiết xuất lá M. Paniculata với thuốc hạ đường huyết như sulfonylures làm giảm đáng kể mức Glucose ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Họ cho thấy chiết xuất lá M. Paniculata 400 mg/kg làm giảm đáng kể mức glucose (62,52 mg/mL) ở chuột mắc bệnh tiểu đường so với nhóm đối chứng bình thường (94,78 mg/mL). Những kết quả in vivo này làm rõ rằng chiết xuất lá M. Paniculata có thể có tác dụng điều trị vượt trội đối với Bệnh tiểu đường (DM).
5.3 Khả năng kháng khuẩn
Chiết xuất M. Paniculata thường được sử dụng như một loại thuốc kháng khuẩn và được cho là có hoạt tính kháng khuẩn đáng kể. Chiết xuất từ lá đã được báo cáo là an toàn ở liều hiệu quả qua đường uống vì nó không gây độc tính khi thử nghiệm trên chuột.
5.4 Khả năng chống ung thư
Hợp chất chính được tìm thấy trong dầu M. Paniculata, (E)-caryophyllene, được phát hiện có hoạt tính gây độc tế bào chống lại tế bào khối u ở người MDA-MB-231 (IC50= 31,6 μg/mL) và Hs 578T (IC50= 78,3 g/mL)
6 Cây Nguyệt Quới có công dụng gì?
Các bộ phận khác nhau của cây này đã được sử dụng trong y học cổ truyền. Ở Bangladesh, chiết xuất lá M. Paniculata được dùng bằng đường uống để giảm đau .. Ở Philippines, lá còn được dùng để chữa bệnh tiêu chảy và kiết lỵ do có tác dụng kích thích và làm se. Ở Ấn Độ, người ta đôi khi sử dụng vỏ rễ của M. Paniculata làm thuốc chữa ho, đặc biệt là ho có đờm. Ngoài ra, lá nấu chín và cành luộc được dùng để làm dịu chứng viêm khớp và đau dạ dày.
7 Ý nghĩa phong thủy của cây Nguyệt Quới (Nguyệt Quế)
Dân gian chơi cây cảnh ngày xưa có câu "nhất kim, nhì nguyệt, tam cần, tứ mai", tức là có các cây cảnh quý đẹp đáng chơi xếp thứ tự là kim quýt, nguyệt quế, cần thăng và mai chiếu thủy, trong đó cây nguyệt quới xếp thứ 2 chỉ sau cây kim quýt. Cây nguyệt quế có hoa trắng nở rộ đặc trưng, có mùi thơm đặc trưng với ý nghĩa mang lại may mắn, thành công rực rỡ trong công danh, sự nghiệp của gia chủ, giúp gia chủ mọi việc thành công suôn sẻ, học hành đỗ đạt cao, thuận lợi trong công việc. Chơi cây nguyệt quới còn mang ý nghĩa giúp tình cảm gia đình bền chặt, cả gia đình khỏe mạnh và gặt hái được nhiều tài lộc cho gia chủ.
Có ý kiến còn cho rằng không chỉ mang ý nghĩa mọi sự hanh thông, trồng cây còn giúp trừ tà, xua đuổi ma quỷ và những điềm xấu cho cả gia đình.
Với mùi thơm của cây đặc trưng, màu sắc hoa trắng bắt mắt, giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ, mang lại không khí thoải mái. Tuy nhiên, lúc hoa đang nở rộ nếu ngửi thoáng qua thấy rất thơm, nhưng nếu ngửi gần và trong thời gian dài có thể sẽ hơi nhức đầu nhẹ.
8 Bài thuốc có chứa cây Nguyệt Quới
Theo y học cổ truyền, nguyệt quới có vị cay, tính ấm, có công năng giải biểu, tiêu viêm, khứ phong hoạt lạc.
Một số bài thuốc có chứa cây Nguyệt Quới như sau:
- Trị đau răng: Sử dụng lá tươi, cắt nhỏ ra ngâm rượu, có thể dùng rượu này để ngậm mỗi khi bị đau răng hoặc đơn giản hơn, bạn có thể dùng lá tươi nhai nhỏ ngậm từ 3-4 lần trong 2-3 ngày khi bị đau răng.
- Trị phong thấp, viêm khớp: Kết hợp các dược liệu Nguyệt quới 15g, rễ móng bò 15g, rễ bông ổi 15g, sử dụng nấu với thịt gà làm súp hoặc có thể ngâm rượu uống.
- Trị ho có đờm: Sử dụng 10g Lá nguyệt quới phơi khô, sau đó sao vàng, sắc lấy nước uống và dùng 2-3 lần trong ngày.
9 Hình ảnh cây Nguyệt quới (Nguyệt Quế) độc đáo
9.1 Cây Nguyệt quế bonsai của nghệ nhân Lĩnh nam Trung Quốc
9.2 Hình ảnh cây Nguyệt Quới (Nguyệt Quế) Bonsai tại Việt Nam
9.3 Hình ảnh cây Nguyệt Quế (Nguyệt Quới) siêu cổ thụ
10 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Katayoun Sayar và cộng sự (Ngày đăng năm 2014), Pharmacological Properties and Chemical Constituents of Murraya paniculata (L.) Jack , Medicinal & Aromatic Plants. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2024.