Gỗ Ngọc am (Hoàng đàn liễu, Hoàng đàn rủ - Cupressus funebris)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Pinophyta (Thông) Pinopsida (Thông) |
Bộ(ordo) | Pinales (Thông) |
Họ(familia) | Cupressaceae (Hoàng đàn) |
Chi(genus) | Cupressus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Cupressus funebris Endl. |

1 Giới thiệu
Tên khoa học: Cupressus funebris Endl.
Tên gọi khác: Hoàng đàn liễu, Hoàng đàn rủ.
Họ thực vật: Cupressaceae (Hoàng đàn).
1.1 Gỗ ngọc am là gỗ gì?

Cách nhận biệt gỗ Ngọc Am: Ngọc am là loài cây gỗ lớn, có thể phát triển chiều cao lên tới 30 mét, thân cây có đường kính từ 70 đến 80cm, thẳng, tròn đều và mang vẻ đẹp uyển chuyển, trang nghiêm. Gỗ Ngọc am có màu nâu hoặc màu nâu cánh gián, mùi thơm, những người chơi gỗ lâu năm có thể dựa vào màu sắc và vân gỗ để phân biệt gỗ Ngọc am thật và giả.
Tán cây dày và rậm, tạo bóng mát rộng lớn. Cành cây mảnh mai, dẹt và đặc biệt là có đặc điểm rủ mềm mại xuống phía dưới, tạo nên dáng vẻ đặc trưng "cành liễu", rất dễ nhận biết và có giá trị thẩm mỹ cao.
Lá cây thuộc loại lá vảy nhỏ, đầu nhọn, mọc ép sát vào cành, trên mặt lưng mỗi lá có một tuyến dọc nhỏ, đây là đặc điểm quan trọng trong nhận dạng loài.
Quả (nón cái) có hình dáng gần cầu tròn, kích thước khoảng 1–1,2 cm đường kính. Quả gồm 4 đôi vảy, trong đó có một đôi ở gốc không mang hạt. Mỗi vảy mang từ 5 đến 6 hạt nhỏ, đỉnh vảy nhọn như mũi chông. Hạt có cánh mỏng giúp phát tán nhờ gió.
Ngọc am có hệ thống rễ bên phát triển tốt, giúp cây phát triển mạnh ngay cả trên đất cằn cỗi và nông. Chính vì lý do này mà Ngọc am rất thích hợp cho việc tiên phong trồng rừng và phục hồi sinh thái các vùng núi cằn cỗi. Ngọc am mọc thẳng, dáng cây đẹp nên còn được trồng làm cây cảnh ở Trung Quốc.
1.2 Thu hái và chế biến
Các phần của cây được sử dụng bao gồm:
- Cành và lá non (Ramulus Cupressi Funebris).
- Quả chín (Fructus Cupressi Funebris).
- Tinh dầu chiết xuất (Oleum Cupressi Funebris).
- Vỏ rễ (Cortex Cupressi Funebris).
1.3 Đặc điểm phân bố
Hoàng đàn liễu là loài cây thường xuất hiện lẻ tẻ trong các khu rừng thường xanh rậm rạp, nơi chủ yếu là cây lá rộng. Cây ưa sống ở địa hình sườn núi có nền đá vôi, thường mọc ở độ cao từ 500 mét trở lên so với mực nước biển, nơi có khí hậu ẩm mát, đất đai không quá dày nhưng thoát nước tốt.
Tại Việt Nam, cây phân bố tự nhiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, đáng kể nhất là ở Hà Giang và Lạng Sơn. Ngoài ra, cây còn được trồng làm cảnh hoặc mang ý nghĩa tâm linh tại các khu vực quanh đền, chùa. Trên thế giới, hoàng đàn liễu còn có mặt ở các vùng Trung Quốc và Ấn Độ, nơi có điều kiện sinh thái tương đồng.

2 Có nên để gỗ Ngọc am trong nhà? Gỗ ngọc am để trong nhà có tác dụng gì?
Gỗ Ngọc am là một loại gỗ quý, có mùi thơm đặc trưng. Trong phong thủy, gỗ Ngọc am được cho là có khả năng thu hút tài lộc và những năng lượng tích cực, đem lại sự thịnh vượng cho gia chủ. Tuy nhiên, trong nhà có trẻ nhỏ cần lưu ý không nên để gỗ Ngọc am hoặc các đồ vật làm từ gỗ Ngọc am trong phòng thủ hoặc gần khu vực trẻ chơi để đảm bảo an toàn.
3 Thành phần hóa học
Ngọc am có chứa flavonoid.
4 Tác dụng của cây Ngọc am
4.1 Tác dụng kháng khuẩn
Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn của tinh dầu cây Ngọc am đối với nhiều tác nhân gây bệnh vi khuẩn kháng thuốc cùng với việc nghiên cứu tương tác gắn kết phân tử của các thành phần chính của tinh dầu cây Ngọc am với các protein/enzym chính của vi khuẩn. Kết quả cho thấy rằng, tinh dầu của cây Ngọc am gây vỡ màng vi khuẩn và thấm màng, cho thấy tác dụng kháng khuẩn phụ thuộc vào thời gian và liều lượng, cùng với tương tác với enzyme quan trọng của vi khuẩn, tức là DNA gyrase như được chỉ ra bởi các nghiên cứu ghép nối phân tử.

4.2 Chống viêm
Dầu dễ bay hơi thu được từ nón của cây Ngọc am bằng phương pháp chưng cất nước đã được thử nghiệm hoạt động chống viêm bằng mô hình phù nề bàn chân gây ra bởi carrageenan sử dụng chuột bạch tạng, Diclofenac natri được sử dụng làm thuốc chuẩn (25 mg/kg trọng lượng cơ thể, po). Dầu dễ bay hơi (100 mg/kg trọng lượng cơ thể, po) cho thấy hoạt động chống viêm đáng kể.
4.3 Độc tính
Các nhà khoa học đã báo cáo một bệnh nhân bị suy thận cấp, suy gan cấp, thiếu máu tan máu tự miễn và giảm tiểu cầu sau khi uống chiết xuất nước nóng của cây Ngọc am, dược liệu rất giàu flavonoid. Sinh thiết thận của bệnh nhân cho thấy hoại tử ống thận cấp, viêm kẽ thận và trụ hemoglobin. Diễn biến lâm sàng và các phát hiện bệnh lý phù hợp với bệnh thận cấp do Flavonoid gây ra. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, flavonoid có trong Ngọc am có thể gây tình trạng độc tính thận cấp đe dọa tính mạng người bệnh.
5 Công dụng theo Y học cổ truyền
5.1 Tính vị, tác dụng
Cành và lá có vị đắng cay, tính ấm, giúp khư phong, an thần và cầm máu.
Quả có vị đắng, hơi chát, tính bình, thường dùng để lương huyết và chỉ huyết (ngăn chảy máu).
Tinh dầu được mô tả có vị ngọt chát, tính bình, có khả năng giải độc, tiêu viêm, tái tạo mô tổn thương và trừ phong.
Vỏ rễ có vị đắng, tính bình, thường dùng trong các bài thuốc chữa bỏng và tổn thương ngoài da.
5.2 Công dụng
Công dụng theo kinh nghiệm dân gian và y học cổ truyền Trung Hoa:
- Cành và lá được dùng trong các trường hợp ho ra máu, kiết lỵ có máu, trĩ lở loét, hoặc vết bỏng nông.
- Quả được sử dụng để điều trị các chứng cảm lạnh kèm sốt, đau đầu, hoặc viêm loét dạ dày và các trạng thái kích thích thần kinh như phiền táo.
- Tinh dầu có tác dụng tốt trong điều trị đau đầu do phong nhiệt, huyết trắng (bạch đới), nhiễm khuẩn đường tiết niệu (lâm trọc), mụn nhọt, lở loét ngoài da, và cầm máu khi bị vết cắt chảy máu.
- Vỏ rễ chủ yếu dùng để làm lành vết bỏng.
Tại Vân Nam (Trung Quốc), toàn bộ cây Ngọc am, bao gồm nhựa, cành lá và rễ được ghi nhận có vị ngọt cay pha chút đắng, tính bình, với công năng an thần, cầm máu, sinh cơ, giải nhiệt, và trừ phong hàn. Tại đây, người dân thường dùng để chữa chảy máu tiêu hóa (thổ huyết), kiết lỵ ra máu, bệnh trĩ có lở loét, và cảm lạnh do phong hàn.

6 Một số câu hỏi thường gặp
6.1 Gỗ Ngọc Am giá bao nhiêu 1kg?
Gỗ Ngọc am có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng 1kg tùy thuộc vào chất lượng cũng như tuổi thọ của cây. Những cây càng lâu năm, có mùi thơm thì giá càng cao.
6.2 Tại sao gỗ Ngọc am lên tuyết?
Do trong thành phần có tinh dầu nên gỗ Ngọc am tương đối bền, không bị sâu mọt, phần tinh dầu khi tiếp xúc với không khí sẽ tạo thành một màng mỏng nhìn như tuyết rất bắt mắt.
6.3 Gỗ Ngọc Am thơm bao lâu?
Tùy thuộc vào phần gỗ mà thời gian lưu hương có thể khác nhau.
7 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Hoàng đàn liễu, trang 1105-1106. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.
- Tác giả Jia-Jung Lee và cộng sự (Ngày đăng tháng 11 năm 2006). Flavonoid-induced acute nephropathy by Cupressus funebris Endl (Mourning Cypress), PubMed. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.
- Tác giả Si Manimaran và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2005). ANTI INFLAMMATORY ACTIVITY OF CONE VOLA TILE OIL OF CUPRESSUS FUNEBRIS Endl, PubMed. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.
- Tác giả Caixin Yuan và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2023). Antibacterial mechanism of action and in silico molecular docking studies of Cupressus funebris essential oil against drug resistant bacterial strains, PubMed. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2025.