Ngải Ấn Độ (Artemisia indica Willd.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật có mạch) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Artemisia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Artemisia indica Willd. |

Ngải Ấn Độ thuộc dạng cây cỏ, mọc lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 50 đến 120cm, gốc có chồi, cây mọc đứng, phân cành nhiều. Phiến lá có dạng hình bầu dục hay bầu dục thuôn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Artemisia indica Willd.
Tên gọi khác: Ngũ nguyệt ngãi.
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc).
1.1 Đặc điểm thực vật

Ngải Ấn Độ thuộc dạng cây cỏ, mọc lâu năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 50 đến 120cm, gốc có chồi, cây mọc đứng, phân cành nhiều.
Phiến lá có dạng hình bầu dục hay bầu dục thuôn, chiều dài phiến lá khoảng từ 7 đến 12cm, chiều rộng từ 3,3 đến 10cm, lá xẻ lông chim, gồm 2-3 đôi thùy thuôn đến hình mũi mác, mép lá có răng to không đều, mặt trên phiến lá có phủ lông hình mạng nhện, mặt dưới có phủ lông len.
Cụm hoa mọc thành đầu, hợp thành chùy hẹp, có dạng hình cầu hoặc hình chuông, đường kính mỗi cụm hoa khoảng 2,5 đến 3mm. Tổng bao hoa gồm 3-4 hàng lá bắc. Mỗi cụm hoa có 1 loại hoa, có 4-8 hoa cái mọc ở mép, 8-12 hoa lưỡng tính mọc ở giữa. Thùy vòi nhụy của hoa cái dài, thùy vòi nhụy của hoa ở giữa ngắn.
Quả của cây Ngải Ấn Độ thuộc dạng quả bế, hình bầu dục, chiều dài khoảng 2mm, đỉnh không có mào lông.
1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá.
Thời điểm thu hái: Mùa hè thu, lúc cây mới ra hoa.
Chế biến: Rửa sạch, phơi trong bóng râm.
Xem thêm : Cây Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.) - Vị thuốc thần kỳ cho sức khỏe nữ giới
1.3 Đặc điểm phân bố

Artemisia là một chi đa dạng và quan trọng về mặt kinh tế, có hơn 500 loài được báo cáo trên thế giới và trong số đó có khoảng 47 loài được tìm thấy ở Ấn Độ.
Trong lĩnh vực Y học cổ truyền, Ngải Ấn Độ đã được người dân địa phương sử dụng để làm giảm sốt mãn tính, chứng khó tiêu, các bệnh về gan mật, dùng làm thuốc tẩy giun, sát trùng, chống co thắt, điều kinh, long đờm và kích thích tiêu hóa. Các loài của chi Artemisia được biết là sở hữu các chất hóa học thực vật chịu trách nhiệm cho tiềm năng điều hòa miễn dịch. Nhiều loài Artemisia đã được báo cáo là có hoạt tính chống viêm.
Các loài thuộc chi Artemisia có nguồn gốc khác nhau cũng có thành phần hóa học khác nhau như α-thujone, β-thujone, 1,8-cineole, germacrene-D, vulgarone-B, borneol, β-caryophyllene, caryophyllene oxide, davanone, artemisiaketone và chrysanthenone.
Ngải Ấn Độ được tìm thấy ở Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Trung Quốc và Việt Nam. Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc như Lào Cai (Sa Pa), Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
2 Thành phần hóa học

Ngải Ấn Độ có chứa các thành phần hóa học bao gồm sesquiterpene oxy hóa (33,83%) là thành phần chính với davanone (30,80%) là hợp chất chính, tiếp theo là hydrocarbon monoterpene (25,90%), hydrocarbon sesquiterpene (20,54%) và monoterpene oxy hóa (15,15%). Các thành phần chính khác trong dầu được tìm thấy là β-pinene (15,30%), germacrene-D (5,82%), β-elemene (4,93%), cymene (4,30%), trans-caryophyllene (3,81%) và linalool (3,60%) bao gồm các thành phần phụ đáng chú ý khác; 1,8-cineole (2,28%), τ-muurolol (2,01%), β-myrcene (1,72%), Limonene (1,63%), sabinene (1,31%), ar-curcumene (1,30%), và δ-cadinene (1,30%).
3 Tác dụng của cây Ngải Ấn Độ
Một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tiềm năng điều hòa miễn dịch trong ống nghiệm của chiết xuất methanol từ Artemisia indica Willd. trong hệ thống nuôi cấy tế bào lympho gà thông qua xét nghiệm tăng sinh tế bào lympho (tế bào B và T), sau khi chuẩn hóa liều tối đa không gây độc tế bào (MNCD) trong tế bào lympho gà. Ngải Ấn Độ thể hiện tiềm năng điều hòa miễn dịch do đó cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn.
Từ cây Ngải Ấn độ đã phân lập được exiguaflavone A, exiguaflavone B, maackiain và 2-(2, 4-dihydroxyphenyl)-5,6-methylenedioxybenzofuran. Exiguaflavone A và B thể hiện hoạt động chống sốt rét trong ống nghiệm lần lượt là 4,60 x 10(-6) và 7,05 x 10(-6) g/mL đối với Plasmodium falciparum.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.1 Tính vị, tác dụng
Ngải Ấn Độ có vị đắng, hơi cay, ít độc, tính ấm. Ngải Ấn Độ có tác dụng lý khí hành huyết, an thai chỉ huyết, trục hàn điều kinh.
4.2 Công dụng
Lá và ngọn non được ăn như một loại rau thông thường. Ngải Ấn Độ thường được dùng trong trường hợp thổ huyết, băng lậu kinh nhiều, chảy máu mũi, bụng dưới đau buốt, tử cung tê đau không có thai, triệu chứng lưu thai, phụ nữ bạch đới, đòn ngã tổn thương, lở ngứa ngoài da, phong thấp tê đau.
Liều dùng thông thường là 3-10g, dùng ngoài cân nhắc liều lượng thích hợp, có thể dùng Ngải Ấn Độ để châm cứu hoặc xông hơi.
Nhân dân Ấn Độ thường gộp chung loài Artemisia vulgaris.
5 Cây Ngải Ấn Độ trị bệnh gì?

5.1 Trị băng lâu, đau bụng
Dùng 6g Ngải Ấn Độ đốt thành than.
12g Hương Phụ.
12g Bạch Thược.
10g Đương Quy.
10g Diên hồ sách.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
5.2 Trị lở ngứa ngoài da
30g Ngải Ấn Độ.
10g Hoa tiêu.
15g Địa phu tử.
15g Bạch tiên bì.
Các vị đem nấu nước rửa.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Ngải Ấn Độ, trang 259-260. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Pushpa Ruwali và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2018). In vitro immunomodulatory potential of Artemisia indica Willd. in chicken lymphocytes, PubMed. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả S Zafar Haider và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2014). Constituents of Artemisia indica Willd. from Uttarakhand Himalaya: A source of davanone, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả R Chanphen và cộng sự (Ngày đăng tháng 9 năm 1998). Antimalarial principles from Artemisia indica, PubMed. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2025.