Muồng Một Lá (Crotalaria assamica Benth.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Fabaceae (Đậu) |
Chi(genus) | Crotalaria |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Crotalaria assamica Benth. |

Muồng một lá thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 1,5 mét. Cành cây có dạng hình trụ, bên trong rỗng, cây mọc lòa xòa, cành cây có phủ một lớp lông mịn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Crotalaria assamica Benth.
Tên gọi khác: Muồng thần kinh, Muồng lá ổi, Muồng Ấn Độ, Lục lặc lá ổi.
Họ thực vật: Fabaceae (Đậu).
1.1 Đặc điểm thực vật

Muồng một lá thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 1,5 mét. Cành cây có dạng hình trụ, bên trong rỗng, cây mọc lòa xòa, cành cây có phủ một lớp lông mịn.
Phiến lá chét có dạng hình mác, chiều dài mỗi lá khoảng từ 6 đến 10cm, chiều rộng từ 3 đến 4cm, gốc lá thuôn dần tạo thành cuống, đầu lá tù hoặc hơi nhọn, mặt trên của lá có màu lục sẫm, mặt dưới có màu nhạt hơn, phủ nhiều lông.
Cụm hoa mọc thành chùm ở ngọn thân và đầu cành, chiều dài mỗi cụm hoa khoảng 30cm, có phủ một lớp lông màu hung, hoa có màu vàng, mỗi bông hoa đều có kèm 2 lá bắc kích thước nhỏ, tràng có cánh cờ gần giống hình vuông, nhị 10, bầu nhẵn.
Quả thuộc dạng quả đậu, càng về phía cuống thì càng thon dần, có mỏ cong màu nâu nhạt.
Hạt có số lượng nhiều, hình thận, hạt có màu đỏ nâu.
Mùa hoa từ tháng 7 đến tháng 9, mùa quả từ tháng 10 đến tháng 12.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Mùa hè, mùa thu, còn hạt thu hái khi quả chín.
Xem thêm: Cây Muồng Hôi (Cassia hirsuta L.) giúp mạnh gân cốt, chữa tê thấp
1.3 Đặc điểm phân bố

Crotalaria L. là một chi lớn, thường được tìm thấy ở nhiều nơi thuộc vùng nhiệt đới đặc biệt là ở Châu Á và Châu Phi.
Tại nước ta, chi này có 35 loài, đều là những cây mọc tự nhiên, chỉ có một số loài được trồng với mục đích phủ đất và làm phân xanh.
Muồng một lá được tìm thấy ở nhiều khu vực, hầu hết ở các vùng nhiệt đới của Nam Á và Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Lào, Malaysia, Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Madagascar.
Ở Việt Nam, Muồng một lá thường mọc ở những khu vực thuộc vùng núi thấp và trung du, độ cao phân bố lên đến 1000 mét, cây được trồng với mục đích dùng làm thuốc, một số tỉnh có Muồng một lá phân bố như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương,...
Muồng một lá có bản chất là loài sống theo năm, đôi khi là 2 năm, cây ưa sáng, ưa ẩm. Trong tự nhiên, những cây con thường mọc ở ven rừng, bờ nương rẫy, thường gần khu vực có nguồn nước. Vào tháng 4 đến tháng 5, xuất hiện nhiều cây con mọc từ hạt, cây sinh trưởng và phát triển nhanh vào mùa hè thu, ra hoa quả nhiều, nếu như bị cắt cành, các phần còn lại vẫn có khả năng sinh trưởng.
2 Thành phần hóa học
Muồng một lá có chứa alcaloid, hạt có chứa lectin.
3 Tác dụng của cây Muồng một lá

3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng chống ung thư
Thành phần Monocrotaline là một loại alcaloid thể hiện phổ chống ung thư tương đối rộng, chỉ số hóa trị liệu cao.
Khi tiến hành nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, monocrotaline sau khi tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp thịt hoặc tiêm xoang bụng với liều 5-10mg/kg có khả năng ức chế sacom V256 trên chuột cống trắng thí nghiệm.
3.1.2 Tác dụng trên tim mạch
Monocrotaline ở nồng độ 100 đến 500 mcg/ml thể hiện tác dụng làm ngừng tim tạm thời khi nghiên cứu trên tim thỏ đã bị cô lập, khi dùng nồng độ cao thì tim ngừng đập hẳn.
Monocrotaline khi tiêm tĩnh mạch với liều 2 đến 6 mg/kg trên thỏ thí nghiệm thì thấy huyết hạ giảm từ 15 đến 50%, sau đó huyết áp hồi phục về bình thường. Những tác dụng này đều bị atropin phong bế.
3.1.3 Tác dụng đối với cơ trơn
Khi dùng Monocrotaline ở nồng độ từ 10 đến 20 mcg/ml, Monocrotaline thấy có tác dụng tăng biên độ đồng thời tăng trương lực co bóp của hồi trường đã cô lập khi nghiên cứu trên thỏ và chuột lang, ngoài ra còn thấy tác dụng tăng co bóp tử cung của chuột lang và chuột cống trắng. Những tác dụng này đều bị atropin phong bế.
3.1.4 Tác dụng đối với hệ hô hấp
Khi tiến hành trên chó thí nghiệm, Monocrotaline dùng liều 2-6mg/kg thấy tác dụng ức chế tần số và biên độ hô hấp ở mức độ nhẹ.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Muồng một lá có vị nhạt, tính mát có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lương huyết, hạ áp, lợi thủy.
3.2.2 Công dụng
Dựa trên kinh nghiệm sử dụng thuốc của người đồng bào vùng cao, Bệnh viện Y học dân tộc Vĩnh Phú đã sử dụng cây Muồng một lá cho bệnh nhân đau dây thần kinh tọa và cho kết quả rất tốt, liều dùng mỗi ngày là 100 đến 150g lá khô đem sắc cùng với 400ml nước, đến khi còn 100ml thì đem uống, chia làm 2 lần mỗi ngày. Một đợt dùng thuốc thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần lễ, sau đó bệnh viện đã nghiên cứu và cải thiện thành cao lỏng để thuận tiện điều trị và kết quả cũng thấy tốt hơn, liều dùng là 50 đến 60ml cao.
Ngoài ra, bệnh viện cũng sử dụng Muồng một lá trong các trường hợp thấp khớp, đau lưng, về sơ bộ cũng cho những kết quả khả quan, bệnh nhân giảm đau nhanh, đi lại hoạt động dễ dàng nhất là ở những bệnh nhân đau dây thần kinh tọa.
Nhân dân Trung Quốc thường sử dụng Muồng một lá trong trường hợp sưng phù, ho ra máu, đau răng, cao huyết áp, chốc lở. Để chữa loét lở miệng, có thể dùng lá cây tươi đem giã nát, thêm Mật Ong vào trộn rồi đắp. Có thể dùng 30-40g rễ cây Muồng một lá tươi đem hầm với thịt lợn nạc để ăn, mỗi ngày ăn một lần, dùng cho bệnh nhân cao huyết áp.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Muồng một lá, trang 317-319. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2025.