Mức Lông (Wrightia tomentosa (Roxb.) Roem. et Schult.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
---|---|
Wrightia tomentosa (Roxb.) Roem. et Schult. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Wrightia arborea (Dennst.) Mabb. |

Mức lông thuộc dạng cây nhỡ hay cây gỗ, chiều cao mỗi cây lên đến 15 mét, có nhánh, các nhánh có lông nhung. Phiến lá thuôn, có dạng hình bầu dục, mũi lá nhọn, phần đầu thót lại. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Wrightia tomentosa (Roxb.) Roem. et Schult.
Tên đồng nghĩa: Wrightia arborea (Dennst.) Mabb.
Họ thực vật: Apocynaceae (Trúc Đào).
1.1 Đặc điểm thực vật

Mức lông thuộc dạng cây nhỡ hay cây gỗ, chiều cao mỗi cây lên đến 15 mét, có nhánh, các nhánh có lông nhung.
Phiến lá thuôn, có dạng hình bầu dục, mũi lá nhọn, phần đầu thót lại, mặt trên của lá có phủ một lớp lông, mặt dưới phủ lông nhung, chiều dài mỗi lá khoảng từ 6 đến 15cm, rộng từ 3 đến 6cm.
Hoa có màu trắng, hồng hay vàng vàng, xếp thành xim tận cùng dạng ngù.
Quả có hai đại dính nhau, màu đen, khí dọc, có rãnh sâu, dài khoảng 13 đến 28cm, rộng 10 đến 14mm, hạt rất nhiều, hình dải, hơi thắt lại ở đầu, có màu nâu sáng, khía dọc, dài khoảng 11mm, rộng 2mm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân, rễ, lá.
1.3 Đặc điểm phân bố
Mức lông được tìm thấy ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Malaysia, Myanmar và Việt Nam. Tại nước ta, cây thường phân bố ở khu vực Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Kon Tum.
Mức lông thường mọc ở những khu vực ven rừng, dưới các tán rừng thưa và trên các trảng cây bụi.
Thời điểm ra hoa từ tháng 3 đến tháng 8.
2 Thành phần hóa học
Sàng lọc hóa thực vật sơ bộ cho thấy sự hiện diện của ancaloid, Flavonoid, phlobatannin trong vỏ và lá; phenolic, đường khử, Saponin, tanin được tìm thấy trong tất cả các bộ phận được nghiên cứu, trong khi leucoanthocyanin, iridoid, steroid và terpenoid chỉ được tìm thấy trong lá.

3 Tác dụng của cây Mức lông
3.1 Chống ung thư
Một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hoạt động chống ung thư của chiết xuất Ethanol của cây Mức lông và xác định các phân tử hoạt tính thành phần chống lại ung thư vú.
Lá bột của cây Mức lông được chiết xuất bằng ethanol. Chiết xuất ethanol, các phân đoạn hexane tiếp theo và phân đoạn F-4 của W. tomentosa đã được thử nghiệm về tác dụng chống tăng sinh và thúc đẩy apoptosis trong các tế bào ung thư vú MCF-7 và MDA-MB-231.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ cây Mức lông có hoạt tính chống ung thư đáng kể đối với tế bào ung thư vú do gây ra con đường apoptosis. Axit oleanolic và ursolic là các phân tử thành phần quan trọng trong chiết xuất chịu trách nhiệm cho hoạt tính chống ung thư của loại cây này.
3.2 Tác dụng kháng khuẩn

Chiết xuất Butanol và Ethanol của lá và vỏ cây Mức lông cùng với bảy thành phần tinh khiết phân lập được (BLF(28), BLF(29*), BBF(29), ELF(3), ELF7, ELF(17*), EBF(7)) sau khi phân đoạn bằng sắc ký cột đã được đánh giá về hoạt tính kháng khuẩn đối với vi khuẩn Gram dương (S. aureus, S. faecalis, S.albus và B.subtilis) và vi khuẩn Gram âm (Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Proteus vulgaris & Klebsiella aerogenes) và nấm Candida albicans bằng phương pháp khuếch tán đĩa. Các chiết xuất và phân lập cho thấy mức độ hoạt động khác nhau chống lại vi khuẩn gây bệnh. Kết quả thu được đã được so sánh với các thuốc chuẩn Ciprofloxacin (10μg) và Clotrimazole (10μg). Các phân lập chiết xuất vỏ cây butanol (BBF(29)) tiếp theo là chiết xuất lá (BLF(29*)) có hiệu quả hơn đáng kể so với chiết xuất lá và vỏ cây ethanol trong việc ức chế tất cả các chủng vi khuẩn.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Vỏ có tác dụng làm se, đôi khi được dùng để giải độc.
4.2 Công dụng

Nhân dân Trung Quốc sử dụng vỏ rễ và lá để làm thuốc nhuộm màu lam. Thân và rễ cây được dùng làm thuốc trị rắn cắn.
Nhân dân Ấn Độ thường dùng vỏ thân để chế thuốc trị Đau Bụng Kinh, đau thận.
Tại Thái Lan, người dân thường dùng vỏ thân để làm thuốc lợi tiêu hóa, gỗ cây được dùng để trị đau mắt và làm thuốc trị đẻ, còn nhựa cây dùng để trị lỵ.
Tại nước ta, lá tươi của cây Mức lông thường dùng để nghiền đắp trị nhọt độc, nhân dân ở Cao Bằng còn dùng làm thuốc chữa vàng da sau khi sốt.
5 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Mức lông, trang 183. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Bandana Chakravarti và cộng sự (Ngày đăng 26 tháng 6 năm 2012). In vitro anti-breast cancer activity of ethanolic extract of Wrightia tomentosa: role of pro-apoptotic effects of oleanolic acid and urosolic acid, PubMed. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả K Nagarajan và cộng sự (Ngày đăng tháng 7 năm 2006). Comparative anti - microbial evaluation studies of the extracts and isolates of leaves & bark of wrightia tomentosa, Pubmed. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2025.