Mò Trắng (Clerodendrum philippinum Schauer var. simplex Wu et Fang)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) | Verbenaceae (Cỏ roi ngựa) |
Chi(genus) | Clerodendrum |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Clerodendrum philippinum Schauer var. simplex Wu et Fang |

Mò trắng thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 1,5 mét. Những cành khi còn non có 4 cạnh, phủ nhiều lông mềm. Lá cây mọc đối chữ thập, phiến lá có dạng hình trái Xoan rộng hoặc hình tim. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Clerodendrum philippinum Schauer var. simplex Wu et Fang
Tên gọi khác: Mò Mâm Xôi, Ngọc nữ thơm, Vậy trắng, Bấn trắng.
Họ thực vật: Verbenaceae (Cỏ roi ngựa).

1.1 Đặc điểm thực vật
Mò trắng thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 1,5 mét.
Những cành khi còn non có 4 cạnh, phủ nhiều lông mềm.
Lá cây mọc đối chữ thập, phiến lá có dạng hình trái xoan rộng hoặc hình tim, gốc bằng, đầu tù hơi nhọn, mép lá uốn lượn, khía nhiều răng đều, mặt trên của lá có màu lục sẫm, mặt dưới có màu nhạt, phủ lông mềm, cuống lá dài, phần tiếp giáp giữa cuống và phiến lá có lông và có tuyến.
Hoa có số lượng nhiều, màu trắng hoặc hơi hồng, khi ngửi thấy có mùi thơm. Hoa của cây Mò trắng thường mọc tụ tập ở ngọn cành nhìn như mâm xôi.
Quả thuộc dạng quả hạch, có đài tồn tại.
Mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 8.
Dưới đây là hình ảnh cây mò hoa trắng:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá đọc thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là thu hái lúc cây ra hoa hoặc đang có nụ.
Ngoài ra, còn dùng rễ, rễ đem về rửa sạch, đem phơi hoặc sấy khô, khi dùng thì thái mỏng, không cần chế biến.
1.3 Cây mò trắng mọc ở đâu?
Tại nước ta, Mò trắng thường phân bố rải rác ở nhiều địa phương, trải dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng hoặc trung du Bắc Bộ.
Mò trắng là loài ưa ẩm, ưa sáng, có khả năng chịu bóng nhẹ, cây thường mọc thành từng đám, diện tích có khi lên đến vài chục mét vuông.
Mò trắng thường ra hoa quả nhiều hàng năm, cây thụ phấn nhờ gió hoặc nhờ côn trùng. Quả khi già sẽ tự mở cho hạt phát tán xuống đất ngay chỗ cây mẹ nên các cây thường mọc tập trung với nhau.
Mò trắng có khả năng tái sinh khỏe sau khi bị chặt.
2 Thành phần hóa học

Lá có chứa muối Kali.
3 Tác dụng của cây Mò trắng
Mò trắng thể hiện tác dụng chống viêm cấp tính khi nghiên cứu trên mô hình chuột cống trắng đã được gây phù bàn chân với kaolin, ngoài ra, cây Mò trắng còn thể hiện tác dụng chống viêm mạn tính khi nghiên cứu trên u hạt thực nghiệm, lợi tiểu trên động vật thí nghiệm, giãn mạch ngoại vi gây giảm huyết áp, ức chế co thắt cơ trơn ở chuột lang cô lập gây ra bởi histamin và acetylcholin, giảm đường máu khi nghiên cứu trên chuột cống trắng.
Cây còn có tác dụng kháng nguyên sinh động vật.
Nước sắc từ cây Mò trắng thể hiện tác dụng kháng khuẩn với trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli, tụ cầu vàng, các Proteus.

4 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Mò trắng có vị đắng nhạt, tính mát, mùi hôi, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, tiêu viêm.
4.2 Công dụng
Lá và hoa của cây Mò trắng thường dùng trong trường hợp di mộng tinh, khí hư, lỵ, mụn nhọt. Liều dùng là 15 đến 20g lá khô đem sắc nước uống. Ngoài ra, có thể phối hợp Mò trắng với Ích mẫu, Hương Phụ, Ngải Cứu dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều.
Nhân dân ở một số địa phương của nước ta dùng Mò trắng để chữa vàng da đặc biệt là trong trường hợp mắt vàng thẫm, tiến hành xét nghiệm nước tiểu thấy có sắc tố mật.
Rễ cây dùng để chữa đau lưng.
Nước sắc lá và thân khi nghiên cứu dùng cho 71 bệnh nhân có vết thương ở tay chân do hỏa khí bằng cách nhỏ giọt vào vết thương thì thấy tình trạng phù nề giảm rõ, các tổ chức mô da phát triển nhanh, chóng liền sẹo sau thời gian điều trị từ 15 đến 20 ngày, với những vết thương lộ xương thì thuốc có tác dụng bảo vệ và dung nạp với xương.
Nước sắc lá còn dùng để rửa trực tiếp lên vết thương nhiễm trùng rồi đắp gạc lên trên. Với những trường hợp nhiễm trùng khu trú thì không dùng kháng sinh trừ trường hợp nhiễm trùng toàn thân.
Nhân dân Trung Quốc dùng rễ cây Mò trắng để chữa phong thấp, hoa cây Mò trắng dùng để chưng với trứng gà ăn giúp chữa xây xẩm, choáng váng, lá giúp giải độc.
Nhân dân Indonesia sử dụng lá cây Mò trắng cùng với vôi để bôi lên bụng khi bị đau.

5 Cây Mò trắng trị bệnh gì?
5.1 Chữa xích bạch đới, ra chất trắng như mũi hay đỏ cam như có máu, ngứa âm đạo, đái ra nước vàng đục
15g Mò trắng (dùng hoa và lá).
15g Xích đồng nam (dùng hoa và lá).
15g Rau dừa nước.
12g Bồ Công Anh.
Các vị đem sắc lấy nước uống.

5.2 Chữa đau quặn, kiết lỵ mới phát, máu mũi
Dùng một nắm lá cây Mò trắng đem thái nhỏ thêm một nắm Rau Sam đem luộc để ăn, uống cả nước hoặc có thể dùng dưới dạng thuốc sắc.
5.3 Chữa kiết lỵ, đau quặn, ra máu mũi
Dùng một nắm lá Mò trắng đem thái nhỏ, thêm một nắm rau sam, đem luộc ăn, uống cả nước hoặc dùng dưới dạng thuốc sắc.
5.4 Chữa khí hư, kinh nguyệt không đều
20g rễ cây Mò trắng.
10g Lá huyết dụ.
8g Xích đồng nam.
5g Lá mía đỏ.
Các vị đem thái nhỏ, sao vàng, sắc cùng 400ml nước cho đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
5.5 Chữa phụ nữ ra nhiều khí hư, nam giới thận hư, lưng đau
30g rễ cây Mò trắng.
20g hạt Muồng phân.
Đem sắc lấy nước uống.
5.6 Chữa sản hậu
30g rế Mò trắng.
30g Ngấy hương.
Các vị đem thái nhỏ, sắc lấy nước uống.
Trong quá trình dùng thuốc thì cần tiêm chất chua.
5.7 Chữa chứng đái buốt, đái máu, đái ra sỏi
Một nắm Mò trắng.
Một nắm Xích đồng nam.
Một nắm Cỏ Chỉ Thiên.
Một nắm rễ Cỏ tranh.
Một nắm Cỏ bấc.
Thịt ốc nhồi.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Mò mâm xôi, trang 278-280. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Jin-Hui Wang và cộng sự (Ngày đăng tháng 5 năm 2017). Traditional uses and pharmacological properties of Clerodendrum phytochemicals, PubMed. Truy cập ngày 17 tháng 2 năm 2025.